Ngấm vị mặn của biển
Với PGS Nguyễn Chu Hồi, tình yêu biển bằng cả con tim và khối óc, quả thật, đúng như một kỳ duyên. Ngay từ thuở học cấp 3, Nguyễn Chu Hồi đã yêu thích môn địa lý, để rồi ông đăng kí và thi đỗ vào khoa Địa lý- Địa chất, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và chọn học chuyên ngành Địa lý – Địa chất biển. Năm 1973, ông tốt nghiệp và được phân về Trạm nghiên cứu biển[1] ở Hải Phòng. Đây chính là mảnh đất ”màu mỡ” để chàng cử nhân Chu Hồi thỏa sức cho những đam mê nghiên cứu về biển của mình. Hơn 20 năm tuổi trẻ sống trên đất cảng Hải Phòng, ông đặt chân đến nhiều vùng biển của Tổ quốc. Từ các đảo ven bờ như: cửa Sa Vĩ, Cô Tô, Đảo Trần, Cát Bà, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Hòn Mê, Hòn Mát, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc,… đến đảo xa bờ như Bạch Long Vĩ. Đó là quãng thời gian ông đi để tích lũy kiến thức thực tế về biển. Hàng ngày, ngoài giờ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, ông cùng đồng nghiệp ra các đảo và cũng lao vào thực hiện công việc kéo tời cùng ngư dân lấy mẫu,… Những năm tháng lênh đênh nghiên cứu trên biển, hứng gió và nắng biển… có lẽ vị mặn của biển đã ngấm vào máu thịt của ông. Đối với ông, biển luôn ẩn chứa những tiềm tàng nguy hiểm, khắc nghiệt với con người. Có những chuyến đi thực địa ra vùng biển hở như Lý Sơn, Phú Quý ông cùng đoàn nghiên cứu phải ở lại đảo gần một tuần do biển động. Tuy nhiên, qua những chuyến công tác, ông có nhiều kỉ niệm đẹp về biển, nhiều lúc cảm nhận được tâm trạng hiền hòa, tĩnh lặng mênh mông của biển. Đó là những đêm chơi cờ, chơi tú lơ khơ thâu đêm với đồng nghiệp giữa biển khơi, hay những lúc đón bình minh và ngắm những đàn cá bơi lội tung tăng, thú vị nhất chính là khi phát hiện ra điều còn ẩn chứa trong biển cả mênh mông,… Ông Chu Hồi tâm sự, lần đầu tôi tìm ra sa khoáng trong lòng biển vào khoảng năm 1976. Thời điểm ấy, tôi là chủ nhiệm nhánh của đề tài cấp nhà nước “Điều tra ven bờ biển ven bờ Quảng Ninh-Hải Phòng”. Trong quá trình thực hiện đề tài, tôi phát hiện ra sa khoáng có ở một số bãi biển miền Đông Bắc Việt Nam. Tuy chỉ là các điểm quặng, những tôi rất vui từ góc độ khoa học. Khám phá này tôi trình bày trong hai bài báo nghiên cứu. Bài đầu tiên tôi báo cáo tại Hội nghị khoa học biển lần thứ nhất diễn ra ở Nha Trang năm 1977. Năm 1978 tôi viết tiếp một bài viết về sa khoáng, đăng tạp chí trong nước[2].
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi phát biểu tại Hội nghị Sustainable fisheries management and food security in southeast Asia Bangkok, Thailand, tháng 3-2008
Tiên phong nghiên cứu về khoa học biển
Xác định gắn bó cuộc đời với biển, ông Nguyễn Chu Hồi luôn ước muốn có thể góp phần nhỏ bé của mình đưa hướng nghiên cứu, tri thức mới về biển trên thế giới đến với Việt Nam. Năm 1984, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ[3] chuyên ngành Khoa học thiên nhiên tại Đại học tổng hợp Vacsava, Ba Lan. Khi về nước, trên cơ sở những nghiên cứu làm luận án, TS Nguyễn Chu Hồi cùng đồng nghiệp mở hướng nghiên cứu về tài nguyên và môi trường biển. Rồi cũng từ đó, ông tiếp tục áp dụng những hướng và công cụ nghiên cứu mới của thế giới vào điều kiện Việt Nam như: quản lý tổng hợp biển và vùng bờ, áp dụng tiếp cận nghiên cứu địa sinh thái vùng bờ biển, bảo tồn thiên nhiên biển, quy hoạch không gian biển và vùng bờ,…
Những năm tháng ở vị trí quản lý tại Trung tâm nghiên cứu biển Hải Phòng, ông càng có điều kiện hiện thực hóa ước mong cháy bỏng của mình. Ông cùng đồng nghiệp xây dựng chiến lược phát triển, đầu tư chiều sâu máy móc, trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực cho cơ quan bằng nhiều con đường khác nhau, cả trong nước và quốc tế. Ông cho rằng, tăng cường và mở rộng quan hệ quốc tế và với nước ngoài không chỉ góp phần mở ra cánh cửa tri thức mà còn giúp nâng cao nguồn vật lực, tài lực và nhân lực của đơn vị, đồng thời có cơ hội đưa hình ảnh Việt Nam hội nhập với bè bạn quốc tế .
Hơn 40 năm công tác, ông Hồi có cơ hội đi tham quan, học hỏi, trao đổi ở 65 quốc gia trên thế giới và có hơn 50 bài tham luận nghiên cứu về biển và đại dương tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Nhờ những cố gắng không biết mệt mỏi ấy, năm 2004, ông được mời tham gia vào Tiểu ban Chính sách Quản trị Đại dương thuộc Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF) được tổ chức tại Quỹ chính sách đại dương của Nhật Bản đóng ở Tokyo, Nhật Bản. Sau Diễn đàn này, ông Nguyễn Chu Hồi trở thành thành viên Ban Chỉ đạo Diễn đàn GOF và ông đã thuyết phục được Ban Chỉ đạo GOF và Ủy ban Liên chính phủ về Hải dương học (IOC) của UNESCO chọn Việt Nam là nước tổ chức Hội nghị lần thứ 4 của GOF về “Đại dương, Vùng bờ và Hải đảo” tại Hà Nội vào năm 2008. Theo PGS Nguyễn Chu Hồi, đây là lần đầu tiên và cho đến nay vẫn là duy nhất Diễn đàn Đại dương toàn cầu tổ chức Hội nghị ngoài cơ quan của Liên hiệp quốc[4]. Năm 2012, tại Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về Môi trường và Phát triển diễn ra tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil (Rio+20), ông đã tham luận tại các sự kiện về đại dương. Với những đóng góp về nhiều mặt của PGS Nguyễn Chu Hồi dành cho việc tổ chức các sự kiện về đại dương tại Rio+20, quốc kỳ Việt Nam cùng với quốc kỳ Trung Quốc, Seishel, và 15 tổ chức quốc tế và nhà tài trợ được sử dụng liên tục trong 9 sự kiện về đại dương trong thời gian diễn ra hội nghị Rio+20. Thật sung sướng và tự hào!
Là nhà khoa học nghiên cứu về biển, ông Chu Hồi hiểu rõ kết quả nghiên cứu và các vấn đề chuyên sâu của nhà khoa học không “dễ dàng” đến được với các nhà hoạch định chính sách và ra quyết định một cách thấu đáo. Do vậy, ông Chu Hồi muốn trở thành “một cầu nối” giữa nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách. Năm 1989, PTS Nguyễn Chu Hồi được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu biển Hải Phòng thuộc Viện Khoa học Việt Nam. Với vai trò quản lý, ông càng hiểu rõ vai trò quan trọng của khoa học quản lý. Ông nhận định: khoa học quản lý góp phần làm thay đổi tư duy về khai thác sử dụng, tư duy chính sách chiến lược biển của những người làm hoạch định chính sách[5].
Thời gian làm Chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu xây dựng phương án quản lý tổng hợp vùng bờ Việt Nam, bảo đảm an toàn sinh thái và môi trường” năm 1996, ông Chu Hồi có điều kiện hiểu sâu sắc hơn về lĩnh vực quản lý biển, ông cho rằng: trong tương lai không xa, nếu không làm tốt vấn đề quản lý sẽ dẫn đến hậu quả nhà khoa học không có biển để nghiên cứu, và lớn hơn đó chính là vấn đề an nguy cho chủ quyền của đất nước[6].
Từ vấn đề cấp bách của chính sách quản lý biển và vùng bờ, PGS Nguyễn Chu Hồi, với cương vị là một nhà nghiên cứu, càng nhận thấy tầm quan trọng của người làm quản lý, nên ông lao vào tự đọc và tự học các sách về khoa học quản lý và nhận ra quản lý là một ngành khoa học tiếp cận đa ngành và đa phương pháp. Người làm việc này cần vốn hiểu biết sâu và rộng, và ông đã quyết tâm theo học một số khóa đào tạo ngắn hạn về chính sách quản trị vùng bờ và đại dương của một số chương trình, dự án ở các nước tiên tiến. Đối với biển, khoa học quản lý góp phần đưa việc quản lý biển của nước ta đi theo đúng xu thế của thế giới, đó là quản lý biển theo không gian, dựa vào hệ sinh thái,… Sau hơn 40 năm nghiên cứu về biển, PGS.TS Chu Hồi kết luận: chính sách mang tính động lực. Chính sách tốt dẫn đến việc bảo vệ chủ quyền biển và kinh tế biển tốt và ngược lại. Càng nghiên cứu về vấn đề quản lý biển, tôi càng say sưa[7]”, ông Chu Hồi bộc bạch.
Từ những nghiên cứu về quản lý biển, ông kết luận: Biển có hai giá trị: về vị thế địa chiến lược và địa kinh tế. Đứng về góc độ quản lý nhà nước thì việc quản lý biển gắn với chiến lược về chủ quyền và cần xếp vào nhóm vấn đề dài hạn cần có nghiên cứu dự báo. Chính vì vậy, vấn đề Chiến lược biển Việt Nam cần lấy trục kinh tế biển làm trục chính để điều chỉnh: thứ nhất, kinh tế với quốc phòng góp phần ổn định và bảo vệ chủ quyền; thứ hai, kinh tế với môi trường góp phần đảm bảo an ninh sinh thái; thứ ba, kinh tế với xã hội duy trì được an sinh; thứ tư, kinh tế với văn hóa để bảo vệ được giá trị văn hóa biển truyền thống và thứ 5, kinh tế với tài nguyên để bảo đảm phát triển bền vững biển đảo. Để giải quyết được tất cả vấn đề trên cần chú trọng tổ chức lại không gian biển. Và cũng kể từ khoảng vài năm trở lại đây, PGS Nguyễn Chu Hồi đi sâu nghiên cứu thêm về mảng không gian và an ninh biển. Đối với ông, cuộc đời là những tháng ngày đi tìm hình của biển với ước mơ kết nối không gian biển Việt Nam với không gian đại dương để tiến ra biển lớn cùng với cộng đồng đại dương thế giới đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng toàn cầu.
Hơn 40 năm gắn bó với biển, đến nay PGS Nguyễn Chu Hồi vẫn dành trọn tình yêu và thời gian cho biển với một suy nghĩ: cần phải có trách nhiệm hiểu rộng, hiểu sâu hơn nữa về biển để truyền tải những kiến thức cho giới trẻ và cho tất cả các tầng lớp nhân dân, góp phần vào công việc tư vấn, tham mưu, hoạch định chính sách biển của quốc gia nhằm mục đích đưa những vấn đề về biển Việt Nam hội nhập với thế giới đại dương và để thế giới biết nhiều đến biển Việt Nam, như một địa danh đã đi vào tâm trí của bạn bè quốc tế[8].
Tình yêu và những đóng góp của PGS. TS Nguyễn Chu Hồi dành cho biển là điều không thể phủ nhận, có thể nói cả cuộc đời ông đã ôm trọn biển vào lòng. Xin mượn lời nói của TS Trần Đình Lân, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường Biển từng nói về ông để kết thúc bài viết này: cả cuộc đời ông Chu Hồi chỉ dành cho biển[9].
Hoàng Thị Kim Phượng
[1] Trạm Nghiên cứu Biển được thành lập năm 1961, trên cơ sở Đội điều tra Hải dương (1959). Năm 1967 là Viện Nghiên cứu Biển; Năm 1976: Trạm nghiên cứu Vịnh Bắc Bộ; Năm 1989: Trung tâm Nghiên cứu Biển Hải Phòng; Năm 1993: Phân viện Hải dương học tại Hải Phòng; Năm 2005: Viện Tài nguyên và Môi trường biển thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (năm 2013 đổi tên thành Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
[2] Trao đổi thông tin PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, ngày 16-11-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.