Hạnh phúc là được đến trường

Phó giáo sư Lê Huy Tiêu sinh ra ở làng Diêm Điền[1], xã Thụy Hà, huyện Thụy Anh[2], tỉnh Thái Bình nghèo khó. Tên gọi làng Diêm Điền xuất phát từ việc dân làng đều làm nghề muối. Nhưng từ khi ông ra đời thì làng không còn làm nghề muối nữa, dân làng chủ yếu đi biển đánh cá, buôn bán nhỏ hoặc làm nghề nông. Người dân nơi đây vốn lam lũ nên không có truyền thống học hành. Gia đình họ Lê cũng không ngoại lệ. Ông bà nội của PGS Lê Huy Tiêu có năm người con nhưng đều phiêu bạt đi khắp nơi làm ăn. Phó giáo sư Lê Huy Tiêu chia sẻ: Theo lẽ thường thì trong hoàn cảnh quê hương, gia đình ấy, mình sẽ theo các cụ làm nghề lao động chân tay, không liên quan đến văn hóa, nhưng mình lại cứ thích học và rồi được đi học, cuộc sống đưa đẩy trở thành trí thức[3]

Phó giáo sư Lê Huy Tiêu là con độc nhất trong gia đình, nhưng không vì vậy mà được chiều chuộng. Bố ông (cụ Lê Văn Huyền) sớm hôm đi biển đánh cá, mẹ ông (cụ Đồng Thị Hồi) thì buôn bán gạo ở các chợ quanh xã Thụy Hà, nhà không có để ở nên ngay khi chập chững biết đi Lê Huy Tiêu (tên gọi ở nhà là Hằng) đã được gửi sang nhà ông bà ngoại (họ Đồng) ở xóm bên, một hoặc hai tuần bố mẹ về thăm một lần. Vì vậy, tuổi thơ của ông chủ yếu gắn bó và chịu ảnh hưởng của họ ngoại, ảnh hưởng của gia đình bên nội là rất ít.

Mẹ của PGS Lê Huy Tiêu là con cả, dưới còn 9 người em, là dì, cậu nhưng có người thậm chí còn ít tuổi hơn cả cháu Tiêu. Do vậy, mặc dù ông bà ngoại của ông vốn thuộc diện khá giả trong làng, có ngôi nhà ngói 5 gian và nhà ngang bằng tranh tre, nhưng vì đông con nên cuộc sống khá vất vả. Ông ngoại thường đi biển đánh cá, bà ngoại ra đồng làm ruộng từ sáng đến tối, để các con và cháu ở nhà tự trông nhau. Điều đặc biệt là nhà ông bà ngoại có ý thức về việc học hành của con cháu hơn các gia đình khác trong làng. Các dì, các cậu của Lê Huy Tiêu đều được đi học. Ở với ông bà ngoại, lên 6 tuổi, Lê Huy Tiêu cũng được đến lớp học vỡ lòng. Lớp học do một số thầy giáo trong làng mở, các thầy giáo làng đều hiền lành, chăm chỉ, hết mực yêu mến trẻ em, không bao giờ đánh đòn học trò. Không có lương bổng trả các thầy, mà phụ huynh trả học phí bằng hiện vật, có thể chỉ là vài cân gạo… 

Một năm sau, Lê Huy Tiêu lên học lớp 1 ở trường Thụy Anh, cách nhà 3 cây số. Cậu được mẹ sắm cho chiếc áo dài thâm, quần trắng và đôi guốc gỗ để đi học. Thầy Tri là giáo viên chủ nhiệm lớp của Lê Huy Tiêu. Thầy rất nghiêm khắc, luôn mang theo chiếc roi mây để khi cần thì phạt học trò. Học sinh đồn rằng thầy biết võ, có thể nhảy lên nóc nhà nên học sinh rất sợ. Một lần, không nhớ là do phạm lỗi gì nhưng Lê Huy Tiêu bị thầy gọi lên bục giảng đứng rồi lấy roi mây đánh. Thầy ác tới mức học sinh nghĩ ra bài vè “Ông giáo Tri râu xồm” tiếc là tôi không nhớ nội dung – PGS Lê Huy Tiêu kể[4]. Dù rất sợ thầy, nhưng học sinh vẫn nghịch ngợm. Một hôm, Lê Huy Tiêu bắt được con chim bèn mang đến lớp để dưới gầm bàn, chẳng may con chim kêu nên đã bị bạn mách, cậu lại bị thầy phạt. Một bạn khác thì mắc lỗi nặn tượng đất mang đến lớp để dưới gầm bàn, giả làm bàn thờ…

Từ nhỏ, Lê Huy Tiêu đã rất ham học và không bao giờ nghỉ học kể cả khi ốm đau. Có lần, cậu bị mọc mụn ở mông, mẹ bảo nghỉ nhưng cậu nhất quyết vẫn đến lớp. Mặc dù không được bố mẹ kèm cặp nhưng Lê Huy Tiêu vẫn luôn tự giác học hành, tối đến cậu tự ôn bài, làm bài. Cậu cũng sớm bộc lộ năng khiếu thơ văn và ham đọc sách.

Năm học lớp 3, trong kỳ thi viết văn dành cho lứa tuổi thiếu nhi của tỉnh Thái Bình, bài văn của Lê Huy Tiêu đạt giải và được quan Đốc học người Pháp tặng phần thưởng là cuốn truyện “Công chúa ngủ trong rừng”. Cuốn truyện rất dày, được in bằng cả hai thứ tiếng, Việt và Pháp. Khi lên nhận giải, Lê Huy Tiêu được dặn là lúc xuống phải đi lùi chứ không quay lưng vào quan Pháp. Phó giáo sư Lê Huy Tiêu chia sẻ: Có lẽ năng khiếu viết văn của tôi đã bộc lộ từ đó và trở thành mầm mống cho tôi đi theo ngành văn học sau này[5].

Ngày ấy, trước khi đi làm ruộng, bà ngoại thường nấu sẵn một nồi cơm lớn để trưa các con và cháu đi học về ăn. Phó giáo sư Lê Huy Tiêu vẫn nhớ vị bùi bùi, thơm thơm của miếng cơm nấu từ loại gạo có màu đỏ. Thức ăn của gia đình chủ yếu là cá, rất hiếm khi được ăn thịt nên Hằng (tức Huy Tiêu) và các dì, các cậu đều rất thèm ăn thịt.

PGS.TS Lê Huy Tiêu

Ở nhà ông bà ngoại những tưởng sẽ là năm tháng tuổi thơ êm đềm. Ấy vậy mà cậu bé Hằng luôn mặc cảm với địa vị của mình: Thời bấy giờ cháu ngoại không được trọng, nên dù là cháu độc nhất nhưng tôi không hề được chiều chuộng, thậm chí lại hay bị đè nén. Chỉ duy nhất một điều làm tôi thỏa mãn là được đi học[6] PGS Lê Huy Tiêu chia sẻ.

Buổi trưa tan học thường rất đói bụng nên nhiều lần cậu bé Hằng chạy về nhà trước để vét cơm ăn, khi cậu Học (em thứ năm của mẹ) về thấy hết cơm nên rất tức tối. Những lần sau, cậu Học chạy về trước, cậu giữ nồi cơm và chỉ chia cho các dì, cậu. Còn với đứa cháu con chị gái – cậu bé Hằng, nhiều lần phải chịu một cái tát, một cái đá vào mông để được ăn một bát cơm.

Cậu bé Hằng vốn ham chơi, thích những thứ đồ mới lạ. Bấy giờ, có được chiếc pin hỏng, cậu đập ra lấy phần kim loại (trông như chiếc mũ) và phần lõi (có thể viết như bút chì) cũng biến thành đồ chơi quý giá. Thấy vậy, cậu Học bày trò bán pin, Hằng thích nên mua nhưng không có tiền. Cậu chấp nhận bán chịu cho cháu và ghi sổ nợ. Nhưng chú bé Hằng lại nghĩ rằng 2 xu ít hơn 1 xu nên đồng ý trả cho cậu 2 xu. Vì vậy, cậu ghi sổ: Thằng Hằng nợ 2 xu. Tất cả những gì bán cho cháu, ông cậu đều ghi vào sổ nợ, khi chị gái về thăm con thì cậu mang ra đòi chị thanh toán. Những lần ấy, mẹ Hằng lại túm lấy em trai dúi đầu xuống đánh một trận vì tội bắt nạt cháu.

Có lần, bà ngoại bị ốm nằm ở nhà, hàng xóm mang quà đến thăm, Hằng và cậu Phương (nhỏ hơn Hằng 1 tuổi) cùng reo hò, vỗ tay sung sướng vì sắp được ăn quà. Cậu Hiệu (trưởng nam) thấy vậy mắng: bà ốm mà chúng mày vỗ tay reo hò, mất trật tự vậy à. “Thế là cả hai bị một trận đòn. Nhưng chủ yếu tôi bị đánh là chính, vì tôi lớn hơn”. Nghĩ lại, tôi thấy đúng là suy nghĩ của con trẻ! – PGS Lê Huy Tiêu kể[7]

Những lần chơi bán hàng cùng các dì, cậu bé Hằng lấy giấy cũ cắt ra rồi ký tên lên giả làm tiền, bảo các dì phải dùng tiền ấy để mua bán. Thấy vậy các cậu cũng “phát hành” tiền, dẫn đến có sự tranh chấp, hậu quả là mấy cậu cháu đánh nhau. Sau này, các cậu vẫn nói “sao cháu bé mà khỏe thế!”, thật ra mấy cậu xúm vào một phe, một mình chống chọi, vất vả lắm! – PGS Lê Huy Tiêu vui vẻ nhớ lại thời trẻ thơ[8].

Trước làng Diêm Điền có con ngòi nhỏ, là nơi tránh bão của tàu thuyền, cứ chiều đến dân làng lại ra đó bơi. Dù con ngòi nhỏ hẹp nhưng là trẻ con, khá lắm mới có thể bơi qua được. Một lần, Hằng cũng cố gắng bơi qua nhưng không may bị thụt hẫng phải vùng nước sâu do người dân khai thác cát, ngập lút đầu. Hằng bị chìm xuống, uống nước và chới với, may có một người hàng xóm nhảy xuống vớt lên. Được cứu đưa lên bờ, nhưng rồi Hằng phải tự cố gắng đi về nhà bà ngoại, không ai giúp đỡ, cậu ngồi ở thềm nhà một mình, chốc chốc miệng lại ộc nước ra, cùng với nước mắt, nước mũi vì sợ. 

Cuộc sống cứ thế trôi qua với nhiều ký ức vui buồn của tuổi thơ, cho đến năm 1945, bố mẹ dựng được ngôi nhà tranh nhỏ và đón Hằng về. Từ đó, kết thúc những tháng năm phải sống xa cha mẹ của cậu bé Hằng. Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), trường học tạm thời đóng cửa, Hằng nghỉ học ở nhà. Miền ký ức tuổi thơ của ông mở ra trang mới, đó là những ngày làm đội trưởng đội thiếu nhi, liên lạc viên đội du kích của làng trong Cách mạng tháng Tám; là ký ức những ngày ông theo bố mẹ tản cư vào Thanh Hóa, lên Tuyên Quang. Và dù trong hoàn cảnh khó khăn như thế nào, hễ có điều kiện là Lê Huy Tiêu lại quyết tâm theo đuổi việc học, bởi với cậu: dù gian khổ nhưng thắng lợi là được đi học![9].

Cuộc sống thật kỳ lạ! Trong biết bao khó khăn, thiếu thốn của những năm thơ ấu, cậu học trò Lê Huy Tiêu vẫn có một niềm tự hào không nhỏ, đó là sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để được đi học, thỏa mãn niềm mơ ước của mình.

Lê Thị Hằng

_________________

* PGS.TS Lê Huy Tiêu, chuyên ngành Văn học, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Văn học phương Đông, khoa Ngữ văn, trường ĐH Tổng hợp HN (nay là khoa Văn học, trường ĐH khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội).

[1] Nay thuộc thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

[2] Năm 1969, huyện Thụy Anh và huyện Thái Ninh sáp nhập thành huyện Thái Thụy.

[3][4][5][6][7][8][9] Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Lê Huy Tiêu, 3-4-2018, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.