Một hậu duệ của Trạng Bịu Kinh Bắc

Cụ tổ hiển hách

Thôn Hoài Thượng, tên cổ là làng Bịu, vốn làng khoa bảng nổi tiếng vùng Kinh Bắc xưa, có dòng họ Nguyễn Đăng, theo sách Bắc Ninh địa dư chí “là một nhà vọng tộc của đất Tiên Du”. Dòng họ này có lịch sử 600 năm, 4 vị tổ ban đầu đều dạy học, đời thứ 5 trở đi bước vào thời kỳ khoa bảng, liên tiếp có 91 người đỗ đạt, trong đó có 6 tiến sĩ, thám hoa và trạng nguyên. Cụ tổ Nguyễn Đăng Đạo (1651-1719) là người đỗ ở vị trí cao nhất, dân gian gọi là Trạng Bịu. Cụ từng đi sứ nhà Thanh, ứng đối như thần, Thanh Thánh Tổ nể phục ban hiệu Lưỡng Quốc Trạng Nguyên. Trong lịch sử phong kiến Việt Nam chỉ có 4 Lưỡng Quốc Trạng Nguyên: Tống Trân (triều Lý Nam Đế), Mạc Đĩnh Chi (triều Trần Anh Tông), Nguyễn Trực (triều Lê Thái Tông) và Nguyễn Đăng Đạo (triều Lê Hy Tông). Cụ làm đến Tể tướng, khi mất được vua ban câu đối: “Tiến sĩ thượng thư thiên hạ hữu/Trạng nguyên tể tướng thế gian vô”(Tiến sĩ làm thượng thư trong thiên hạ có người/Trạng nguyên làm tể tướng thế gian không có ai). Danh hiệu Trạng nguyên của cụ đã được ghi trong văn bia ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội.

GS Nguyễn Quốc Bảo (người ngồi) trong lần làm việc tại Học viện quân sự thành phố Brno, Cộng hòa Czech năm 2012

GS Nguyễn Quốc Bảo (người ngồi) trong lần làm việc tại Học viện quân sự thành phố Brno, Cộng hòa Czech năm 2012

Người dẫn đầu đoàn quân đội về làng Hoài Thượng dâng hương là Đại tá, GS.TS. Nguyễn Quốc Bảo, thuộc Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng, một hậu duệ của dòng họ Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo. Thực ra ông đỗ tiến sĩ ở nước ngoài đã lâu, đến năm 2014 được Nhà nước phong học hàm giáo sư. Lại đúng dịp ấy ở quê hương thành lập Quỹ học bổng Nguyễn Đăng Đạo, dành cho những học sinh nghèo vượt khó, ông là một trong những người khởi xướng, tài trợ quỹ.

“Trạng” ngụy trang

Nguyễn Quốc Bảo sinh ra trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp. Cha mẹ thoát ly đi kháng chiến. Chú bé Quốc Bảo có khuôn mặt thông minh dĩnh ngộ, sống với ông nội là một cụ đồ nho đã hết thời. Không còn ai theo học chữ thánh hiền nữa, cụ “đè” cháu mình mới ba, bốn tuổi dạy… chữ nho. Tất nhiên, thứ chữ tượng hình ấy chẳng thể nhồi nhét được vào đầu “nhóc” Bảo. Rồi “nhóc” được gửi về thành phố Nam Định học chữ quốc ngữ. Chuyển sang học cấp hai, Nguyễn Quốc Bảo vào trường Nguyễn Văn Trỗi chủ yếu dành cho con em cán bộ miền Nam tập kết. Học giỏi, anh thi đỗ vào khóa 4, Học viện Kỹ thuật quân sự, chuyên ngành Radar. Bắt đầu thời kỳ mở mang kiến thức. Các cụ xưa, thành “trạng” phải thơ phú ứng đối làu làu, có tài kinh bang tế thế, thời nay phát triển khoa học công nghệ, để có được kiến thức ở trình độ cao, nhất thiết phải có cái gốc vững vàng về toán học, may sao đó lại là  môn Nguyễn Quốc Bảo vốn có sở trường. Ở khoa vô tuyến điện, ngành Radar,  các môn khó nhằn dùng nhiều đến toán như: Lý thuyết mạch, Kỹ thuật siêu cao tần, Kỹ thuật sung… anh đều đạt điểm 5 (điểm tối đa). Đến năm học thứ 3, một lần thầy Trần Thông Quế nói vui về anh giữa lớp: Giờ Quốc Bảo có thể lên lớp thay tôi. Năm cuối, trong 7 môn thi cả lớp có 10 điểm 5, thì riêng anh đã chiếm tới 7 điểm. Kỹ sư bằng đỏ Nguyễn Quốc Bảo được giữ lại trường làm giảng viên. Cứ nghĩ mình sẽ ở bộ môn đúng ngành nghề vừa học, thì “đùng một cái” anh chuyển sang bộ môn Xây dựng, chuyên ngành Xây dựng công trình quốc phòng, đi sâu về ngụy trang, nghi trang trong tác chiến hiện đại.

Tất cả các môn cần thiết cho giảng dạy đều như mới, hầu như phải học lại từ đầu: thiết kế các công trình giả; các loại vật liệu sơn phủ ngụy trang, phản xạ sóng điện từ; các loại lưới, màn khói… Giảng viên trẻ Nguyễn Quốc Bảo vốn là người khiêm nhường, anh học hỏi các đàn anh đi trước và chăm chỉ tự trang bị kiến thức cần thiết có trong các kho tư liệu, sách vở liên quan. Anh còn thường xuyên bổ sung kiến thức vào giáo án lên lớp, rồi đúc kết viết thành giáo trình. Những nỗ lực như thế của “trạng” tương lai đã không uổng phí, vài năm sau khi ra trường anh đã tự trang bị cho mình khá đủ kiến thức cơ bản về một ngành nghề mới. Rồi trường cử đi thi nghiên cứu sinh. Năm ấy có hàng trăm người ứng thi, song chỉ vài người đỗ, Đại úy Nguyễn Quốc Bảo có tên trong “bảng vàng”. Nhưng đây chỉ là bước khởi đầu. Khó khăn lại đến: mấy nước Đông Âu đều không nhận nghiên cứu sinh quân sự. Thầy Hoàng Thọ Tu định giúp anh chuyển về lại nghề Radar, một đại học ở Bungari đã nhận rồi, không hiểu sao lại báo hoãn, tiếp theo đã lĩnh quần áo cho vào va li ra sân bay rồi, thì lại có giấy… báo hỏng. Đến năm 1983, tức là gần 10 năm sau khi tốt nghiệp đại học, anh mới được một học viện quân sự của nước ngoài  là Antonin Zapotocky, Tiệp Khắc nhận. Đề tài đăng ký: “Đề xuất và đánh giá một số giải pháp nâng cao sức sống công trình trong điều kiện sát thương hiện đại”. Phải dùng nhiều đến toán tin, một lĩnh vực toán còn mới mẻ ngày đó. Lại hối hả tự học, tự lập trình. Phải dùng nhiều đến máy tính, năm đầu trường vẫn sử dụng máy tính đục lỗ thế hệ cũ, may sao đến năm sau được trang bị máy tính EC 1045 hiện đại hơn nhiều, đã có bàn phím, màn hình có thể chạy đồng thời 20 chương trình khác nhau.

Năm thứ tư trên đất bạn, anh đã viết xong bản luận văn dày, giải quyết khá trọn vẹn một bài toán về ngụy trang trong tác chiến hiện đại. Anh tự tin bước lên bục bảo vệ trước mười mấy vị giáo sư của Hội đồng khoa học Học viện Antonin Zapotocky. Cuối cùng là bỏ phiếu, luận văn tiến sĩ khoa học kỹ thuật của anh được đánh giá xuất sắc. Về nước, ông “trạng” của chúng ta lại tiếp tục công việc giảng dạy và nghiên cứu, làm phó chủ nhiệm bộ môn, rồi phó chủ nhiệm Khoa Công trình quân sự. Anh đã cùng các đồng nghiệp viết 5 giáo trình giảng dạy đại học và trên đại học, đều được đánh giá tốt, như các giáo trình: Phương pháp Phần tử hữu hạn; Độ tin cậy công trình và kết cấu; Ngụy trang… Ngoài lên lớp, anh còn tham gia nghiên cứu đề tài cấp Bộ Quốc phòng: “Tự động hóa tính toán các công trình đặc biệt trên biển và đảo”, ở đây lần đầu tiên anh dùng phương pháp Monte-Carlo mô hình hóa độ cao sóng biển. Rồi anh tham gia đề tài: “Nghiên cứu xây dựng một số phương án ngụy trang chống tên lửa hành trình”. Cũng thời gian này đã xảy ra chiến tranh công nghệ cao ở nhiều nơi trên thế giới: Vùng Vịnh, Irak, Nam Tư…

Hướng nghiên cứu về phòng chống và đánh trả vũ khí tự động hệ điều khiển CNC nổi lên, anh được mời chủ trì một đề tài nhánh: “Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật ngụy trang, nghi trang của bộ đội công binh trong chiến tranh công nghệ cao”. Đề tài được nghiệm thu, đánh giá có tính thực tiễn cao và anh làm tư vấn kỹ thuật cho nhà máy quốc phòng Z176 sản xuất dây truyền sơn và lưới ngụy trang. Dịp này anh còn được mời sang Cuba, Venezuena làm chuyên gia về một loại công nghệ quân sự mới. Giai đoạn 2011-2012 nhờ sự giúp đỡ của GS.TS.Vũ Đình Lợi, PGS.TS. Lê Kỳ Nam, anh chủ trì đề tài cấp Nhà nước theo Nghị định thư: “Nghiên cứu, chuyển giao tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá chất lượng vật liệu ngụy trang trong chiến tranh công nghệ cao”, đề tài đã được nghiệm thu đánh giá tốt. Với các hướng nghiên cứu về Phương pháp số trong tính toán cơ học; Phương pháp Phần tử hữu hạn; Phương pháp Monte-Carlo; Phương pháp Hạt không lưới; Phương pháp Phân tích biến dạng rời rạc…  anh đã có 42 công trình đăng trên các tạp chí khoa học kỹ thuật chuyên ngành. Anh cũng hướng dẫn 6 nghiên cứu sinh tiến sĩ theo các hướng nghiên cứu khác nhau như đã kể trên…

Buổi lễ báo công và trao học bổng diễn ra tại đình thờ Trạng Bịu, có đông đảo bà con cùng học sinh các trường phổ thông trong vùng về dự. Đoàn “vinh quy bái tổ” của tiến sĩ Nguyễn Quốc Bảo cũng đủ thành phần. Ông tiến sĩ đi đầu, bên cạnh người bạn đời là nhà giáo Bùi Phương Hạnh giảng viên Đại học Bách khoa; cùng với học trò và các tiến sĩ ở nhiều ngành nghề khác trong dòng họ… Không khí lễ hội sôi nổi, ấm áp tình làng nghĩa xóm. Sau lễ trao học bổng, bỗng có người hỏi một câu vui vui: Có thể gọi ông tiến sĩ báo công hôm nay là “trạng” gì nhỉ? Có anh đại úy đi theo thầy, nhanh nhẹn trả lời thay: Thưa,  là “trạng ngụy trang” đấy ạ. Mọi người đều cười vui vẻ về cái danh xưng ngồ ngộ như thế. Và ai cũng biết, hôm nay GS.TS.Nguyễn Quốc Bảo đã là một trong những chuyên gia đầu ngành về khoa học ngụy trang, nghi trang quân sự, người kế tục xứng đáng truyền thống khoa bảng của tổ tiên! 


Phạm Quang Đẩu

Nguồn: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/