Nay đoàn cán bộ đó chỉ còn hai người, sức khỏe đều yếu, nhưng may mắn chúng tôi đã làm việc được với hai nhân chứng này và gặp được người thân của 19 cán bộ đã về với tổ tiên. Những di sản vật thể và di sản ký ức của họ chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa của một lớp người ở thời kỳ giữa thế kỷ XX và đó sẽ mãi là tài sản quý của đất nước.
Từ ý tưởng nghiên cứu đến những cuộc gặp cảm động
Ngay buổi làm việc đầu tiên với nghiên cứu viên, 24-5-2011, PGS Lê Văn Chiểu (mặc quân phục)
đã tặng TTDS 10 cuốn vở ghi bài giảng ở Liên Xô
Ý tưởng nghiên cứu đoàn cán bộ đi học ở Liên Xô năm 1951 (gọi tắt là đoàn LX51) xuất phát tình cờ từ bức thư của GS.TS Nguyễn Trọng Nhân(1) gửi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trong đó đề cập đến đoàn cán bộ đầu tiên sang Liên Xô học tập. Từ trước đến nay, nhiều người chỉ biết có đoàn đi năm 1953 mà ít nghe nói đến đoàn đi năm 1951 này. Quyết tâm làm rõ đoàn LX51 gồm những ai, họ đi học Liên Xô như thế nào, chúng tôi lần tìm danh sách thành viên đoàn qua bài báo “Đầu xuôi đuôi lọt”(2) của Thiếu tướng Phạm Như Vưu. Tưởng chừng công việc gặp gỡ các cán bộ này đơn giản khi có đủ tên, tuổi, chuyên ngành, đơn vị công tác, nhưng trên thực tế chúng tôi phải đối mặt với bao khó khăn(3). Thách thức lớn nhất là phần lớn họ đã mất, thậm chí từ những năm 1960-70 (trường hợp các ông Tăng Văn Bằng, Đỗ Hữu Dư, Lê Trọng Đồng), nên gia đình lưu giữ được rất ít tư liệu liên quan. Có những trường hợp không thể tìm thấy địa chỉ hay số điện thoại để liên lạc, vì gia đình chuyển nhà nhiều lần (ông Văn Tôn, ông Nguyễn Lộc), rồi một số người ở tỉnh xa như Cao Bằng, Quảng Ninh hoặc TP Hồ Chí Minh (các ông Nguyễn Văn Nhiên, Phan Lục, Nguyễn Thanh Quế). May mắn thay, chúng tôi gặp được hai người còn sống: Thiếu tướng Phạm Như Vưu và Thiếu tướng – PGS Lê Văn Chiểu(4).
Liên tục trong hơn một năm trời, đều đặn hàng tuần, vào thứ ba với PGS Lê Văn Chiểu và thứ năm với Thiếu tướng Phạm Như Vưu, chúng tôi phỏng vấn và sưu tầm tư liệu từ hai nhân chứng sống này. Gần 2500 phút ghi âm lời kể quý giá của hai ông về câu chuyện cuộc đời, từ hoàn cảnh cá nhân trước khi đi học, kỉ niệm ngày nhận thông báo đến những ngày đoàn tập trung tại An toàn khu (ATK) Việt Bắc, được gặp Bác Hồ và các đồng chí Trung ương Đảng, kỉ niệm trong quá trình học tập tại Liên Xô, hay những chuyện khi trở về nước công tác… Đó thực sự là nỗ lực lớn của hai người tuổi đã cao, trí nhớ không còn mẫn tiệp. Lần nào đến làm việc với hai ông, câu hỏi thăm đầu tiên của chúng tôi cũng là: Hôm nay ông có khỏe không? Ông Lê Văn Chiểu luôn cười và đáp: Ông khỏe, cháu không phải lo, ông còn khỏe đến khi cháu xong nghiên cứu này!
Thiếu tướng Phạm Như Vưu (bên trái) làm việc với nghiên cứu viên TTDS, 2012
Với những người vợ và con cháu của các thành viên đoàn LX51 đã mất, dường như niềm tự hào có chồng, có cha đi học Liên Xô bấy lâu nay có dịp trỗi dậy khi nghiên cứu viên của TTDS tìm đến. Bà Phan Việt Liên, phu nhân của ông Trần Linh Sơn(5) kể: Hơn 20 năm nay, những ký ức về anh tưởng đã ngủ yên trong tôi. Vậy mà đến một ngày giữa năm 2011, một chị là cán bộ của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đến gia đình và hỏi về GS Trần Linh Sơn. Tôi hơi ngỡ ngàng, một lúc sau mới định thần lại. Và câu chuyện giữa chúng tôi bắt đầu, miền ký ức sâu thẳm về anh thức dậy(6). Con trai của ông Nguyễn Tuyên(7) là Nguyễn Liên cũng cho biết: Chúng tôi nghĩ các cụ mai một đi hết là xong, nhưng rất vui và cảm động vì có Trung tâm quan tâm(8).
Nhắc về chồng, về cha của mình, người thân của các thành viên đoàn LX51 đều vô cùng xúc động. Những kỉ niệm một thời của thế hệ đầu tiên được cử đi Liên Xô học tập lại ùa về.
Di sản hồi sinh
Trong hơn một năm thực hiện chuyên đề này, TTDS đã tiến hành hơn 100 buổi làm việc và thu thập khoảng 2000 tài liệu – hiện vật, 1800 bức ảnh của các cán bộ trong đoàn LX51.
Gặp mặt hai thành viên và thân nhân đoàn LX51 tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, 1-11-2011
Có lẽ việc đưa đoàn LX51 đi học là chủ trương bí mật của Trung ương Đảng ta, nên hầu như không thấy đề cập trong các nguồn tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng và hồi ký của các đồng chí lãnh đạo như Trường Chinh, Trần Đăng Ninh… cũng như trong những nghiên cứu về lịch sử giáo dục Việt Nam, lịch sử quan hệ ngoại giao Việt – Xô. Ngay cả sự kiện ngày 18-7-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến gặp và giao nhiệm vụ cho đoàn trước khi đi Liên Xô học cũng không có tư liệu. Tuy nhiên, trong những cuốn sổ ghi chép, nhật ký của các thành viên đoàn LX51 như Lê Văn Chiểu, Phạm Như Vưu, Lê Duy Thước(9), Ngô Huy Quỳnh(10), nội dung làm việc của các đồng chí trong Trung ương Đảng với đoàn LX51 được ghi chép từng ngày. Đặc biệt, sự kiện ngày 18-7-1951 được ghi chép cẩn thận. Ông Lê Văn Chiểu miêu tả chi tiết trong cuốn sổ nhỏ bằng bàn tay: Bác mặc áo lụa màu gụ, quần cộc thao màu nâu, chống gậy tre, đội mũ cát kaki đã bắt đầu hỏng(11)… Ông Phạm Như Vưu thì viết: Một bờ suối quanh co dưới bóng cây um tùm của Tân Trào kia không ngờ đã là nơi kỉ niệm sâu sắc của 21 anh em, tiếp thụ những lời vàng ngọc của các vị lãnh tụ(12). Lời Bác dặn được các ông ghi chép rõ ràng và gạch chân những ý quan trọng.
Sổ nhật ký của các ông Ngô Huy Quỳnh, Phạm Như Vưu, Lê Duy Thước còn ghi cả hành trình từ Việt Bắc sang Liên Xô. Tâm trạng bỡ ngỡ lần đầu tiên sang nước bạn, những day dứt nhớ nhà, quyết tâm phải học tập tốt vì Đảng, vì nhân dân… đều được ghi lại và phản ánh suy nghĩ, ý chí của một lớp người cách nay 67 năm.
Quá trình học ở Liên Xô được thể hiện qua nhiều bức ảnh của đoàn chụp chung khi gặp Đại sứ Việt Nam tại Moskva Nguyễn Lương Bằng hay trong các kì nghỉ hè, ảnh chụp từng nhóm cán bộ học các chuyên ngành… Bên cạnh đó, còn có những cuốn vở ghi chép bài giảng của ông Lê Văn Chiểu khi học ở Trường ĐH Tổng hợp Bauman, bảng điểm học tập với kết quả xuất sắc của ông Ngô Huy Quỳnh tại Trường ĐH Xây dựng Moskva hay bản báo cáo kết quả học tập của ông Phạm Như Vưu tại Trường Cao đẳng Quân khí Tula.
Một trang trong cuốn sổ ghi chép trước khi đi Liên Xô của ông Lê Văn Chiểu, 1951
Không chỉ chú trọng sưu tầm và khám phá để làm rõ câu chuyện học tập tại Liên Xô, TTDS còn tìm hiểu những đóng góp của các thành viên đoàn LX51 sau khi họ trở về nước. Các tài liệu, hiện vật phản ánh hoạt động của các ông cũng được thu thập, lưu giữ, như sổ ghi công tác khi làm Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội của GS Nguyễn Trinh Cơ(13); những tài liệu nghiên cứu về Tây Nguyên của GS Lê Duy Thước; bản ghi chép mìn phóng mảnh định hướng của PGS Lê Văn Chiểu; chiếc ba lô và con dao găm từ thời kỳ đi chiến trường Khe Sanh của Thiếu tướng Phạm Như Vưu…
Tất cả những tài liệu hiện vật trong bộ sưu tập kể trên không còn là tài sản, kỉ niệm đẹp của riêng từng thành viên trong đoàn LX51, mà đã trở thành tài sản của đất nước, là vật chứng chính xác làm sáng tỏ một giai đoạn lịch sử khoa học – giáo dục Việt Nam. Nếu không có những tài liệu hiện vật và lời kể của chính người trong cuộc, có lẽ ít ai biết tới tầm nhìn xa về kiến quốc và đào tạo cán bộ khoa học của Bác Hồ và Trung ương Đảng trong những năm tháng kháng chiến đang ác liệt. Sau khi trở về nước, cả 21 thành viên đều hăng hái hòa mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của dân tộc, nhiều người trở thành cốt cán trong những ngành mà họ được đào tạo.
Khách tham quan nghe kể về cuốn học bạ của GS Phạm Đồng Điện
tại triển lãm “Thẳm sâu trong từng kỷ vật”
Không những vậy, bộ sưu tập này còn mang ý nghĩa giáo dục và nhân văn sâu sắc. Chỉ một cuốn học bạ từ năm 1937-1940 ở Trường Bưởi(14) của GS Phạm Đồng Điện đã nói lên bao điều về một nhà khoa học ngay từ nhỏ đã khiêm tốn, thông minh, học giỏi. Hay qua từng chuyện kể của Thiếu tướng Phạm Như Vưu đã thể hiện ông phải “gìn vàng giữ ngọc” ở nước bạn từ lời ăn tiếng nói đến nền nếp sinh hoạt, học tập như thế nào theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò.
Thiếu tướng Phạm Như Vưu từng bày tỏ trong cuộc gặp mặt đoàn LX51 do TTDS tổ chức (2011): Chúng tôi đã đi được già nửa thế kỉ, ở Liên Xô học xa cách nhau, đến khi nhận công tác mỗi người một số phận nên ít khi gặp gỡ nhau… Nay tiền định hay ngẫu nhiên, Trung tâm Di sản quan tâm đến chúng tôi, chúng tôi rất vui lòng và sẵn sàng hợp tác, hi vọng để lại chút ít di sản khoa học cho đời sau. Tuy chỉ là “chút ít” – như cách nói của Thiếu tướng Phạm Như Vưu, nhưng đây lại là bộ sưu tập vô giá trải qua nhiều biến thiên của lịch sử dân tộc.
ThS Trần Bích Hạnh
Nguồn:http://thegioidisan.vn/vi/
______________________
(1) Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, cán bộ được cử đi học Liên Xô năm 1953.
(2) Tạp chí Xưa và Nay, số 7/1993. Theo các chuyên ngành, 21 cán bộ được phân bổ đào tạo như sau: kiến trúc (Đỗ Hữu Dư, Ngô Huy Quỳnh); luyện kim (Nguyễn Đức Thừa, Hoàng Bình); ngân hàng (Trần Linh Sơn); quân y (Nguyễn Trinh Cơ, NGuyễn Sỹ Quốc); quân dược (Huỳnh Quang Đại); nông nghiệp (Lê Duy Thước, Nguyễn Lộc); chất nổ (Phạm Đồng Điện); sản xuất vũ khí bộ binh (Hoàng Văn Lãn, Phạm Như Vưu, Lê Văn Chiểu); khai thác than (Văn Tôn, Phan Lục, Nguyễn Thanh Quế, Nguyễn Văn Nhiên); cán thép (Tăng Văn Bằng, Lê Trọng Đồng, Nguyễn Tuyên).
(3) Xem thêm “Từ hạt giống đến những cây đại thụ”, Di sản ký ức của nhà khoa học, tập 2, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2012.
(4) Cả hai đã từng là Phó chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Vào thời điểm chúng tôi đến làm việc năm 2011, ông Phạm Như Vưu 90 tuổi và ông Lê Văn Chiểu 85 tuổi.
(5) Nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
(6) Phan Việt Liên, “Miền ký ức sâu thẳm”, Di sản ký ức của nhà khoa học, tập 3, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2013.
(7) Nguyên là cán bộ Tổng cục Hóa chất, Bộ Công nghiệp.
(8) Phát biểu tại buổi gặp mặt thành viên đoàn LX51, ngày 1-11-2011 tại TTDS.
(9) Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Nông nghiệp I.
(10) Nguyên Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Đô thị – Nông thôn, Ủy ban Kiến thiết cơ bản nhà nước.
(11) Sổ ghi chép của ông Lê Văn Chiểu, 1951, lưu trữ tại TTDS.
(12) Sổ ghi chép của ông Phạm Như Vưu, 1951, lưu trữ tại TTDS.
(13) Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Y khoa Hà Nội, Tổng biên tập tạp chí Y học và Revue Medicale, Phó chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam.
(14) Nay là trường THPT Chu Văn An, Hà Nội.