Tháng 6-1965, trường Đại học Thủy Lợi sơ tán lên vùng núi huyện Lục
Cuộc sống của thầy trò trường Đại học Thủy lợi trong thời kỳ chiến tranh vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn, nhất là với sinh viên Phạm Ngọc Hải. Anh chịu thiệt thòi so với các bạn cùng lớp khi không được cấp học bổng, vì gia đình anh “đã có người đi học đại học”, nên địa phương không xác nhận gia cảnh khó khăn. Sinh viên Ngọc Hải phải vừa học vừa làm để kiếm tối thiểu 15 đồng đóng tiền ăn hàng tháng. Vậy là cứ sau 9 giờ 30 tối, khi tất cả sinh viên phải tắt đèn đi ngủ theo quy định của nhà trường, Phạm Ngọc Hải và một bạn cùng lớp lại trốn đến ga Vọng đội than thuê, mỗi đêm làm 2-3 tiếng và được trả khoảng 5 hào đến 1 đồng tiền công. Khi nhà trường chuẩn bị sơ tán về Lục
Vết sẹo trên đầu luôn là kỷ niệm đáng nhớ về cái tết
xa nhà đầu tiên của PGS.TS Phạm Ngọc Hải
Các khoa của trường Đại học Thủy lợi đóng rải rác trên các địa danh làng Quỷnh, Ba Gò, Đá Vách, Dùm… thuộc xã Nghĩa Phương của huyện Lục Nam nên hầu như không có việc làm thêm. Những ngày đầu mới lên khu sơ tán, vào rừng chặt tre nứa để dựng lớp học, Phạm Ngọc Hải thấy có nhiều củi khô nên nảy ra cách kiếm tiền, anh dùng số tiền tiết kiệm ít ỏi mua một con dao để cuối tuần vào rừng lấy củi bán. Phạm Ngọc Hải dành cả ngày chủ nhật ở trong rừng chặt củi rồi gánh ra khu dân cư để bán, mỗi gánh củi được trả 4 hào nên mỗi lần vào rừng anh cố gắng lấy từ 7-8 gánh củi, nhiều lần mải kiếm củi đến tối muộn anh mới về đến ký túc xá.
Khi sinh viên hoàn thành kỳ thi các học phần đầu tiên ở nơi sơ tán thì Tết Bính Ngọ (1966) cũng cận kề, ai nấy đều háo hức về quê sum họp gia đình sau một năm xa nhà. Nhưng không phải tất cả đều vui và mong tết vì một bộ phận sinh viên phải ở lại làm nhiệm vụ trực trường. Sau một hồi đắn đo, Phạm Ngọc Hải quyết định đăng ký ở lại trực tết vì quãng đường từ Lục Nam về Thái Nguyên khá xa, thiếu phương tiện đi lại, quan trọng hơn là nghỉ tết xong sẽ không có tiền đóng tiền ăn. Anh tính ở lại trực tết vừa tiết kiệm được một khoản kha khá phí đi lại, vừa có thể tranh thủ vào rừng lấy củi để bán sau tết. Lớp của Phạm Ngọc Hải có bảy tổ thì mỗi tổ có một thành viên ở lại, phần lớn họ là những cán bộ được cử đi học nên có tiền lương, chỉ một mình anh vì hoàn cảnh khó khăn mới đăng ký ở lại đón tết nơi sơ tán.
Đêm giao thừa, Phạm Ngọc Hải cùng các bạn quây quần bên ngọn đèn dầu và chiếc radio của một bạn là cán bộ thường chỉ mở vào một số thời điểm quan trọng đợi nghe Bác Hồ chúc tết. Anh đã ghi vào nhật ký những cảm xúc thiêng liêng khi lần đầu đón tết xa nhà: Còn 5 giây, 4 giây nữa sang năm 1966 rồi, tiếng chuông nhà thờ chậm chạp gõ từng tiếng. Giao thừa rồi. Chúng tôi đón giao thừa xa gia đình nhưng giao thừa đến với chúng tôi không kém phần vui vẻ. Bây giờ đang cử hành quốc ca và đây lời chúc đầu năm của Hồ Chủ Tịch vị lãnh tụ kính mến của toàn thể nhân dân ta[1].
Cán bộ làm công tác hậu cần của trường đều về quê ăn Tết, vì vậy những sinh viên ở lại trực trường phải tự túc nấu ăn. Phạm Ngọc Hải mua chiếc phích rồi đun nước sôi thật già đổ vào cùng gạo nấu thành cháo. Cách làm này vừa nhanh vừa tiện, chỉ qua đêm là có cháo ăn cho cả ngày hôm sau. Để cải thiện bữa ăn, buổi tối anh cùng bạn ra con suối gần đó bắt tôm, cá, còn ban ngày vào rừng kiếm củi. Anh chỉ mong những ngày tết trôi qua thật nhanh và cuộc sống sinh hoạt sớm trở lại bình thường để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ không khí đầm ấm bên gia đình mỗi dịp tết. Đối với Phạm Ngọc Hải, không khí tết năm đó chỉ là những giây phút ngắn ngủi cùng bạn bè đón giao thừa bên chiếc radio, ngày hôm sau anh đã xách dao vào rừng, men theo con suối tìm củi khô.
Dọc bờ suối những cây giang mọc san sát, nhiều khúc suối bị che lấp bởi ngọn giang ở hai bên bờ mọc trùm qua lòng suối đứng bên dưới không nhìn thấy bầu trời, nhưng trên đó vương lại nhiều cành củi khô. Phạm Ngọc Hải giắt dao vào thắt lưng rồi leo lên những ngọn giang ken vào nhau như giàn mướp để chặt và gỡ từng cành củi ném xuống đất. Thật không may khi anh chặt đứt một cành củi to rơi xuống bờ suối, những ngọn giang không còn chịu sức nặng của cành củi đã “nặng bồng nhẹ tếch” hất văng cả người xuống bờ suối đầy đá cuội, cú ngã khiến anh đau đớn rồi ngất lịm.
Khi Phạm Ngọc Hải tỉnh dậy trời đã về chiều, phải rất cố gắng anh mới nhớ lại toàn bộ sự việc vừa xảy ra, khi ngồi dậy thì phát hiện những vệt máu dính trên đá đã khô từ khi nào, vết thương khá lớn ngay trên đỉnh đầu vẫn còn rất đau nhức. Dù vẫn còn choáng sau cú ngã anh vẫn cố tìm con dao rồi trở về ký túc xá nghỉ ngơi. Những người bạn cùng lớp biết tin đã đến thăm, động viên tinh thần khiến anh vui vẻ và cảm thấy bớt đau phần nào. Mất thời gian khá lâu vết thương mới lành nhưng để lại vết sẹo lớn mãi không mất trên đầu Phạm Ngọc Hải. May mà mấy ngày tết cũng qua đi nhanh chóng, nhịp sống trở lại bình thường và nỗi nhớ nhà cũng nhờ đó tan dần.
Ngày nay cứ mỗi dịp cùng gia đình sắm sanh chuẩn bị đón tết trong không khí náo nức, thì ký ức về cái tết xa nhà đầu tiên cách đây hơn nửa thế kỷ luôn trở lại, như nhắc nhở PGS.TS Phạm Ngọc Hải về một thời sinh viên gian khó và đáng tự hào.
Lê Nhật Minh
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
* PGS.TS Phạm Ngọc Hải sinh năm 1946, nguyên Chủ nhiệm khoa Kỹ thuật tài nguyên nước, trường Đại học Thủy lợi.
[1] Nhật ký của PGS.TS Phạm Ngọc Hải giai đoạn 1963-1967, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt