Vào “cửa tử” Hà Tĩnh
Năm 1967, Hà Tĩnh và các tỉnh thuộc Khu IV là trọng điểm oanh tạc của không quân Mỹ. Ngày đêm không ngớt tiếng bom đạn, các tuyến đường giao thông bị đánh phá tan hoang và lầy lội.Theo chủ trương của Nha Khí tượng, cán bộ nghiên cứu được cử về từng tỉnh thực hiện trong một năm công tác thu thập, khảo sát bổ sung dữ liệu chưa có và biên soạn báo cáo.Nguyễn Đức Ngữ là thanh niên, cán bộ ưu tú đang được thử thách để kết nạp Đảng, nên được Đài nghiên cứu khí tượng Trung ương (thuộc Nha Khí tượng) cử đến những tỉnh xa nhất, gian khó nhất lúc bấy giờ. Trước khi cán bộ đi làm nhiệm vụ, Nha khí tượng tổ chức lớp tập huấn nhằm chuẩn bị kiến thức chuyên môn, thống nhất về các phương pháp nghiên cứu, biên soạn đặc điểm khí hậu các tỉnh. Chế độ của những cán bộ nghiên cứu ở Khu IV là: 1kg sữa bột, 1kg vừng và 17kg gạo/tháng.
Với một quyết tâm phải hoàn thành nhiệm vụ được giao, Nguyễn Đức Ngữ vui vẻ lên đường. Hành trang của ông là một ba lô quần áo, tài liệu, thực phẩm, bi đông nước và một chiếc xe đạp. Ông đạp xe vào Hà Tĩnh cùng với một cán bộ của Đài khí tượng Hà Tĩnh vừa ra Hà Nội trở về. Ông kể:Các tuyến đường giao thông bị bom đánh phá lầy lội nên tôi phải tháo gác đờ bu, gác đờ xen, má phanh để tránh bùn bám chặt vào xe. Xuống dốc, tôi dùng phanh bằng chân. Tôi đi theo đường số 15 và số 18 ven dãy Trường Sơn, người dân gọi đây là đường “bò lăn” vì phải vừa bò vừa lăn để di chuyển. Nhiều đoạn đường nát như đầm lầy, buộc tôi phải vác xe lội qua[1].Ngày đi, đêm nghỉ, đến đâu thìxuất trình giấy giới thiệu với chính quyền địa phương để xin nghỉ nhờ. Nhà nào cũng có hầm trú ẩn để tránh bom đạn, nhưng hầm nhỏ chỉ vừa đủ cho gia đình họ, nên ông Nguyễn Đức Ngữ phải trải mảnh nilon nằm ngủ ở cửa hầm. Khi nghe tiếng máy bay Mỹ thì ông chạy vào hầm để tránh. Trên đường đi, ông gặp biết bao hiểm nguy, bom đạn đánh phá ác liệt. Sau 10 ngày ông đã vào đến Hà Tĩnh.
Nguyễn Đức Ngữ được tỉnh Hà Tĩnh tiếp đón rất nhiệt tình và bố trí cho ông sinh hoạt, làm việc tại Đài khí tượng thủy văn tỉnh. Ông triển khai ngay công tác nghiên cứu:Khảo sát về địa hình, thu thập số liệu ở các trạm, tư liệu về kinh tế – xã hội…Nhiều trạm, số liệu không đầy đủ, trạm có số liệu trong một thời gian dài, nhưng có trạm chỉ lưu giữ một giai đoạn ngắn, nên tôi phải chỉnh lý để đảm bảo rút số liệu về cùng một thời kỳ, so sánh các số liệu với nhau[2], ông tâm sự. Hà Tĩnh nhiều trạm khí tượng, ông đi theo lộ trình, nên hành trình đi thực địa khá thuận lợi, ông chỉ ở nhờ nhà dân khi không kịp quay về trạm.Ông luôn được người dân quý trọng, sẵn sàng giúp đỡ. Ông bảo, mặc dù chiến tranh, người dân Hà Tĩnh vẫn luôn lạc quan, họ sống, lao động, làm việc rất tích cực. Đó cũng là nguồn động viện tinh thần giúp ông vượt qua khó khăn để thực hiện tốt nghiên cứu.
Sau hơn ba thángròng rã đạp xe đi khảo sát, ông hoàn thành việc thu thập số liệu ở 8 trạm khí tượng của Hà Tĩnh. Ông dành ba tháng xử lý, chỉnh lý, thống kê, tính toán và gần ba tháng biên soạn thành báo cáo “Điều kiện khí hậu Hà Tĩnh”. Ông nhớ, buổi nghiệm thubáo cáo được tổ chức tại hội trường thời chiến của Ủy ban tỉnh, đó là một căn lều lợp bằng lá, với sự tham gia của các cán bộ các ban ngành. Ông chuẩn bị đầy đủ bảng biểu, số liệu và tự tin trình bày báo cáo.Nghiên cứu của ông được đánh giálà tài liệu khoa học, số liệu chuẩn xác, rất cần thiết phục vụ cho việc chiến đấu, sản xuất và quy hoạch, phát triển kinh tế xã hội.Ông chia sẻ:Làm khí hậu đòi hỏi phải chi tiết, tỉ mỉ, không thể phân tích chung chung. Người nghiên cứu phải mô tả, phân tích chi tiết đặc điểm khí hậu của từng vùng. Đó mới là vấn đề mà các địa phương cần, để phục vụ cho quy hoạch, trồng trọt, phát triển nông lâm ngư nghiệp[3].
Năm 1968, sau khi hoàn thiện báo cáo điều tra khí hậu ở Hà Tĩnh, ông trở về Hà Nội trình lên Nha Khí tượng. Lúc đó, hầu hết cán bộ nghiên cứu ở các tỉnh gần Hà Nội chưa hoàn thành. Giám đốc Nha Khí tượng – GS Nguyễn Xiển và ban chỉ đạo đánh giá cao báo cáo của ông, đồng thời GS Nguyễn Xiển động viên ông Nguyễn Đức Ngữ tiếp túc đi nghiên cứu khí hậu ở Quảng Bình, bởi cán bộ được phân công phụ trách tỉnh này có quyết định đi làm nghiên cứu sinh. Ông không ngần ngại mà nhận nhiệm vụ ngay.
GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ chia sẻ câu chuyện hai lần vào chiến tuyến, 2020
Ngày22-7-1968, tại khu sơ tán ở Sơn Tây ông Nguyễn Đức Ngữ được Đảng bộ Đài Khí tượng thủy văn kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông cảm thấy tự hào, vinh dự khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Bởi trong gần chục năm phấn đấu, ông luôn cố gắng hoàn thành công việc được giao. Đặc biệt, đợt nghiên cứu khí hậu ở Hà Tĩnh được ví như vào “cửa tử”, nhưng ông không nề hà gian khó, hiểm nguy thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Lần thứ hai đi chiến tuyến
Thời điểm năm 1968, ông Nguyễn Đức Ngữ đã ngoài 30 tuổi nhưng vì say mê công việc nên chưa ngỏ lời với cô gái nào. Biết ông và một cán bộ nữ trong Nha Khí tượng có tình cảm với nhau, nên đồng nghiệp thúc giục ông bày tỏ trước khi lên đường để không uổng công thương thầm, chờ đợi nhau. Ông chỉ trả lời:Chiến tranh như vậy, đi vào Quảng Bình biết sống chết ra sao mà thổ lộ, nếu tôi hy sinh thì cô ấy sẽ dở dang. Nhưng tôi tin tưởng sẽ hoàn thành nhiệm vụ trở về và còn yêu nhau thì cô ấy sẽ chờ đợi tôi quay về[4].
Nhận nhiệm vụ, ông Nguyễn Đức Ngữ lại tiếp tục đạp xe vào Quảng Bình, cùng một cán bộ khí tượng của tỉnh. Đi đến Kỳ Anh (Hà Tĩnh), đường lầy như ruộng, ông càng cố gắng đạp xe qua bãi đầm lầy thì đất càng bám chặt vào lốp xe, nên ông đành phải vác xe lội qua. Thấy vậy, các cô thanh niên xung phong đang sửa đường cười khúc khích, bông đùa:Các anh ơi, đất Kỳ Anh chúng em mến khách lắm[5]. Anh cán bộ khí tượng tỉnh Quảng Bình đeo một chiếc đài bán dẫn, đúng lúc đó phát bài hát “Cô gái mở đường”. Ông Ngữ muốn đi thật nhanh, nhưng các cô gái gọi với lại:Các anh ơi, dừng lại cho em nghe bài hát này vớ[6]i. Đó là những kỷ niệm vui, giúp các ông có thêm nghị lực lên đường.
Đến Đồng Hới, phà Quán Hầu chỉ hoạt động vào ban đêm phục vụ cho bộ đội vào chiến trường, còn ban ngày phà bị dỡ để tránh bom đạn phá hủy. Hôm ấy, bến phà vắng tanh, có duy nhất một con thuyền ở bờ bên kia để người qua sông tự chèo. Hai ông đứng chờ bên này, nhưng mãi không có người qua, nên đành phải bơi qua lấy thuyền sang để chở đồ đạc. Hai người thống nhất là ông Ngữ làm cảnh giới quan sát máy bay địch, còn anh cán bộ đài Quảng Bình chèo thuyền. Trường hợp có máy bay địch đến, chỉ khi nào ông Ngữ hô nhảy thì cả hai mới cùng nhảy xuống sông và bơi xa ra khỏi con thuyền. Vừa đến giữa sông, hai chiếc máy bay tiêm kích đến, lượn vòng quanh con thuyền, nhưng tôi vẫn quyết định đi tiếp, tôi bảo anh cán bộ là khi máy bay bổ nhào xuống ném bom thì sẽ nhảy. Nhưng sau khi lượn hai vòng quan sát, máy bay địch rờiđi, chắc do thấy thuyền tôi là dân thường, không phải bộ đội, không đem theo vũ khí[7],ông Nguyễn Đức Ngữ nhớ lại.
Đường vào Quảng Bình rất khó khăn, để qua Đèo Ngang thường phải đi đường tắt qua núi tránh bom từ trường, bom nổ chậm và địch bắn phá. Hai người không biết điều đó nên cứ thế đi thẳng, khi lên dốc thì phải dắt bộ, xuống dốc sợ không phanh kịp nên họ buộc một cành cây to vào sau để xe chạy chậm lại. Vừa qua Đèo Ngang, xe của cán bộ đi cùng bị nổ lốp. Ông Ngữ đang ngồi vá xe, ngước lên trên đèo mới thấy biển cảnh báo có bom nổ chậm. Thật may, hai người không gặp nguy hiểm.Đến một con sông nhỏ, chỉ có cây cầu bằng thân cây dừa bổ đôi bắc qua. Dịp ấy là mùa lũ lụt, ông đi đến đâu kiến bám kín chân đến đó. Nhưng vẫn phải lần từng bước để đi, sang gần đến nơi, cầu bị hỏng một đoạn dài hơn 1m, phải lấy hết cam đảm ông vác xe nhảy vụt qua được. Trong hoàn cảnh khó khăn, vất vả, động lực duy nhất để ông vượt qua là quyết tâm phải hoàn thành nhiệm vụ.
Đến thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh, ông được Ủy ban tỉnh Quảng Bình bố trí ở trong hầm địa đạo. Đây là một hệ thống hầm rất lớn, mọi sinh hoạt, cửa hàng, nhà trẻ đều có ở đó. Hàng ngày, ông đạp xe đi đến tất cả các trạm ở các huyện, như: Ba Đồn, Bố Trạch, Quảng Trạch, Lệ Thủy, Vĩnh Linh… để khảo sát địa hình, thu thập số liệu khí hậu và dữ liệu về kinh tế – xã hội. Phương pháp nghiên cứu của ông là lập kế hoạch đi theo tuyến để tiện công tác nghiên cứu. Kết thúc khảo sát, ông trở lại Đài khí tượng tổng hợp, xứ lý số liệu, phân tích, vẽ bản biểu đồ và biên soạn báo cáo.
Khác với Hà Tĩnh, tại Quảng Bình ông chủ yếu sinh sống nhờ ở nhà người dân, do tỉnh có ít trạm khí tượng, nên mỗi lần đi khảo sát ông không kịp đạp xe quay về. Thời tiết, khí hậu ở Quảng Bình khá khắc nghiệt, tạo cho con người nơi đây một tinh thần rắn rỏi, cần cù, chịu khó. Họ cũng rất tốt bụng và quý mến khách. Mỗi buổi sáng trời lạnh, ông Đức Ngữ không khỏi xúc động, khi vừa tỉnh dậy đã thấy một chậu nước nóng được chuẩn bị sẵn cho ông rửa mặt. Trong chiến tranh, các trạm khí tượng vẫn đảm bảo quan trắc đúng quy định theo 4 mốc: 1h, 7h, 13h, 17h để đảm bảo số liệu. Khó khăn nhất với ông là bị thiếu số liệu ở một số vùng chưa có trạm khí tượng. Ông phải trực tiếp đến khảo sát về địa hình, cảnh quan trong nhiều ngày. Đồng thời, ông phải tìm hiểu điều kiện của từng địa phương để đưa ra khuyến nghị cho phù hợp với sản xuất và phục vụ chiến đấu.
Bom đạn đánh phá ác liệt, đài khí tượng Quảng Bình phải sơ tán từ thị xã Đồng Hới ra vùng ngoại ô thị xã. Đài khí tượng tỉnh là hai ngôi nhà tranh, một căn để làm việc, một căn là nhà ăn và cũng là hội trường. Nhà được làm sâu xuống lòng đất hơn 2m, mái nhà cao bằng mặt đất để tránh bom đạn của địch. Do vậy, đến bữa ăn mà có gió bão họ phải vừa ăn vừa lấy đĩa đậy để tránh bụi. Những ngôi nhà này rất tối và ẩm thấp, có nhiều chuột, gián, rệp… Ngày ấy, bữa ăn của người dân rất hiếm khi có thịt, họ thường xuyên phải ăn sắn thay cơm. Một cô quan trắc viên ăn nhiều sắn mà bị say phải cấp cứu. Có lần, ông Đức Ngữ đang ngồi biên soạn báo cáo, thấy con chuột lấp ló, ông cầm dép cao su ném trúng. Trưởng Đài khí tượng tỉnh giữ lại làm thịt, rồi rán lên ăn. Lần đầu tiên ông được ăn thịt chuột, mà thấy rất mềm và ngon.
Buổi tối trong hầm địa đạo, mọi người thắp đèn dầu đánh tú lơ khơ, ông Ngữ không chơi nên trải nilon ra ngủ. Nửa đêm, màn và tấm nilon của ông bị con rệp vây kín. Ông cũng không biết vì sao bị đốt, mọi người bảo chắc do ông máu lạ.Ở miền bom đạn, ngoài gian lao, vất vả, ông Nguyễn Đức Ngữ còn phải đối mặt với những mất mát, đau thương. Một buổi chiều nọ, khi đang tắm ở sân giếng, ông vừa múc gàu nước dội vào người thì nghe có tiếng máy bay, ngước lên trời đã thấy một quả bom bi to như hình hai cái thuyền ốp vào nhau đang tách vỏ ra để thả bom bi xuống. Trong lúc khẩn cấp, ông liền chạy đến một rãnh lớn và nằm nép xuống. Vài phút sau, ông nghe thấy tiếng bom nổ đúng làng mình ở. Ông nghe thấy tiếng khóc vọng ra từ nhà hàng xóm, vội vàng chạy đi xem tình hình, quả bom bi rơi trúng mâm cơm khi cả nhà đang ăn cơm chiều. Thật xót xa! Rồi đau thương lại đến, khi ông Nguyễn Văn Hạp – Trưởng Đài khí tượng tỉnh nghe thấy tiếng máy bay địch, liền đi kiểm tra xem mọi người đã vào hầm trú ẩn an toàn chưa. Chính vào lúc đó, ông đã bị bom bi của địch rơi trúng và hy sinh.
Ông Nguyễn Đức Ngữ trải lòng:Đất nước đang chiến tranh, chứng kiến cảnh người chết vì bom đạn rất đau buồn nhưng vẫn phải coi đó là điều bình thường để tiếp tục làm việc, chiến đấu.Khi đó, mảnh đất Quảng Bình phải hứng chịu bom đạn khốc liệt, nên có người chết là chuyện hàng ngày. Nếu vì thế mà ủ rũ, buồn bã thì không thể vững bước làm việc tiếp được, cho nên phải tự trấn an tinh thần[8]. Ông cũng chưa bao giờ ghĩ đến cái chết và chẳng hề sợ sệt trước cảnh bom rơi đạn lạc. Ngược lại, ông vẫn luôn lạc quan, cố gắng và làm việc hết sức mình.
Mùa khô năm 1969, Quảng Bình bị hạn hán, ban lãnh đạo tỉnh yêu cầu Đài khí tượng tỉnh làm dự báo về thời gian kết thúc hạn và thời điểm bắt đầu có mưa để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Do Đài khí tượng không có cán bộ nghiên cứu, nên ông Ngữ phải đảm nhận thay công tác này. Với lý thuyết và thực tế đã trải qua, ông tổng hợp, phân tích, tính toán, chỉnh lý, so sánh và đưa ra dự báo rất chính xác thời gian có mưa. Nhờ dự báo hiệu quả đó, Đài khí tượng tỉnh được khen thưởng.
Gần một năm miệt mài nghiên cứu, ông hoàn thành báo cáo “Điều kiện khí hậu tỉnh Quảng Bình” được hội đồng tỉnh đánh giá cao và thông qua. Báo cáo là cơ sở để tỉnh vận dụng vào canh tác nông nghiệp và phục vụ chiến đấu. Trở về Hà Nội, ông tiếp tục nghiên cứu, biên soạn đề tài “Phân vùng khí hậu nông nghiệp Hà Tĩnh, Quảng Bình”, phục vụ cho việc quy hoạch, sản xuất nông nghiệp của hai tỉnh.
Bằng những cố gắng, nỗ lực và tinh thần không ngại gian khó trong thời gian nghiên cứu về khí hậu ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, ông Nguyễn Đức Ngữ đã được Nha Khí tượng thủy văn trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn ngành trong hai năm liên tục.
Hai lần vào chiến tuyến, với GS Nguyễn Đức Ngữ đó là thử thách bước đầu đầy hiểm nguy, chông gai để đến với con đường nghiên cứu khoa học. Khi ấy, dù tuổi đời còn trẻ, chưa có học hàm, học vị nhưng ông đã dấn thân vào nghiên cứu. Lần đầu tiên, ông được ứng dụng kiến thức đã học ở Trung Quốc vào nghiên cứu khí hậu đất nước mình, giúp ông có thêm kinh nghiệm, hiểu biết, thêm yêu và gắn bó với cái nghề này.
Tạ Thị Anh
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam