Nhớ về PGS Bùi Thị Kim Quỳ và một mối tình với khoa học

Đọc lại từng câu, từng chữ trong bài phát biểu của PGS Bùi Thị Kim Quỳ cách đây 6 năm mà tôi cứ ngỡ như vừa mới hôm qua. Sáu năm qua, từ ái ngại và cảm động, nhà nữ khoa học ấy đã âm thầm ủng hộ, tin tưởng, đồng hành cùng Trung tâm Di sản các nhà khoa học. Nay nghe tin bà đã ra đi về với tiên tổ, ai nấy đều bàng hoàng…

PGS Bùi Thị Kim Quỳ sinh năm 1935 ở Bệnh viện Huế, nơi mà cụ Bùi Bá Khánh (bố đẻ của bà) khi tốt nghiệp Dược sĩ Đông Dương rồi được cử về phụ trách phòng Dược của Bệnh viện Huế, có đem theo cả gia đình vào đó sinh sống.Mẹ tôi đã sinh ra tôi tại bệnh viện này cùng ngày bà Nam Phương sinh con trai là Bảo Long năm 1935[1]. Nhưng chỉ ít lâu sau, cả gia đình cụ Bùi Bá Khánh lại chuyển ra Hà Nội chịu tang ông ngoại. Bùi Thị Kim Quỳ về ở cùng ông bà nội tại một ngôi nhà ở phố Bạch Mai, trong khi cụ Khánh mở hiệu thuốc Tây ở Sơn Tây. Tháng 12-1946 cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, Sơn Tây thực hiện vườn không nhà trống, tất cả đều tản cư về nông thôn, Nhà thuốc Bùi Bá Khánh chuyển về vùng Quảng Oai, Bất Bạt cùng toàn dân chống Pháp. Năm 1949, cả gia đình về Hà Nội.

Thời thơ ấu của Bùi Thị Kim Quỳ là những ngày ham học, ham đọc, đọc rất nhiều truyện và các tác phẩm văn chương. Do yêu thích các môn xã hội, nên năm 1956, tốt nghiệp trường trung học nữ Trưng Vương (Hà Nội) ban C, Bùi Thị Kim Quỳ dự thi vào trường Đại học Sư phạm, là sinh viên khoa Sử:Lựa chọn vào Đại học Sư phạm thời ấy có lẽ vì tôi thích các môn văn, sử, thích trở thành cô giáo giảng bài trơn tru trong lớp có tới mấy chục học sinh lắng nghe; sư phạm lại có những tháng hè cho phép đi du ngoạn, trước mắt là có 100% được học bổng[2].Lớp Sử khóa 1956-1959 của trường Đại học Sư phạm có hơn 80 người với nhiều thành phần, tuổi tác khác nhau, trong đó có cả cán bộ được cử đi học. Bà kể rằng:Các anh lớn xem chúng tôi (nhóm nữ sinh trong thành) như những em út nhỏ trừ vài người thành kiến "Tạch tạch sè" (tiểu tư sản), nhưng cũng chỉ ban đầu rồi sau cũng hòa hợp, kể cả những buổi đi lao động ở nông thôn, phải gặt lúa, giã gạo hay đắp đê, các anh còn khen chúng tôi như những "nông dân hàng Đào" gánh đất dẻo dai và chịu khó[3].

Từ những bài báo thuở ban đầu…

PGS Bùi Thị Kim Quỳ rời giảng đường Đại học sư phạm Hà Nội năm 1959 nhưng lại được phân công về bộ phận Triết học, thuộc Ủy ban Khoa học nhà nước. Mang theo tâm trạng sợ hãi vì khác ngành, trái nghề; vì quan niệm triết học cao sang quá, tại sao không phải là về ngành Sử theo đúng ngành đã học và đi dạy học như mơ ước, Bùi Thị Kim Quỳ đến gặp lãnh đạo thì được các ông Vũ Khiêu, Đào Tùng giải thích:"Bộ phận triết học chưa có nguồn đào tạo lớp trẻ nên về công tác sẽ được học thêm kết hợp tập sự nghiên cứu”.

Công việc đầu tiên lãnh đạo Triết học giao cho Bùi Thị Kim Quỳ là tìm đọc toàn bộ các tác phẩm của Hồ Chủ tịch và trích ra những câu Bác Hồ viết về đạo đức. Tuy nhiên, để tạo cơ sở lý luận cho vấn đề trích dẫn này, trước tiên phải đọc về "Đạo đức học" khi ấy còn là bản thảo dịch ra từ tiếng Nga của tác giả A. Skin. Giáo sư Vũ Khiêu giao cho đồng chí Đào Tùng, một cán bộ ngành báo chí lâu năm từng lãnh đạo ở Việt Nam Thông tấn xã trực tiếp hướng dẫn cho Kim Quỳ. Và sau thời kì thực tập, bà đã trích ra được một tập gần 100 trang đánh máy, có phân ra chương mục cẩn thận, cụ thể những câu nói của Hồ Chủ Tịch về đạo đức.Thuở ấy, Giáo sư Vũ Khiêu cũng khuyến khích các cán bộ trẻ viết báo cho quen với công tác nghiên cứu. PGS Bùi Thị Kim Quỳ nhận với báo Hà Nội Mới viết bài “Cuộc cách mạng triệt để giải phóng phụ nữ” nhân kỉ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Bài báo đăng tới hai kì và nhận được tiền nhuận bút. Như một cái duyên, từ bài báo đầu tay ấy, sau này, khi cùng chồng – PGS Lê Văn Sáu[4]vào miền Nam sinh sống và công tác, PGS Bùi Thị Kim Quỳ có dịp nghiên cứu sâu về giới, về phụ nữ và gia đình.

Những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam mở lớp nâng trình độ cán bộ nghiên cứu lên trên mức đại học, dẫu có khó khăn về nơi học, giờ học, rất khó tập trung, Bùi Thị Kim Quỳ cũng vẫn tham gia đều đặn đến cuối khóa. Việc gắn nghiên cứu với góp phần phân tích thực tiễn xã hội giúp PGS Kim Quỳ có những bài báo bước đầu đi sâu vào tình hình miền Nam, thuở ấy đang sôi nổi khắp nơi cùng ảnh hưởng trực tiếp với các vùng thành thị, nhất là Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế cùng phong trào đấu tranh của Phật tử yêu nước chống đàn áp tôn giáo của Mĩ – Diệm.

Khi Viện Triết học sắp xếp lại các phòng ban, Bùi Thị Kim Quỳ được điều về tổ Tôn giáo và tiếp đó là tổ Nghiên cứu Triết học Tư sản miền Nam do Giáo sư Viện trưởng Phạm Như Cương phụ trách. Cơ sở khoa học để nghiên cứu vấn đề quan trọng này là cần tìm đọc Lịch sử Triết học từ cổ đại, trung đại đến hiện đại, đồng thời lại tìm đọc về Chủ nghĩa Vô thần Khoa học qua những bản dịch chưa in. Ngoài ra, PGS Bùi Thị Kim Quỳ tìm đọc bộ tạp chí "Những vấn đề hòa bình và chủ nghĩa xã hội" đều đặn ra hàng tuần, phân tích những vấn đề thời sự đặc biệt là tình hình "Đổi mới Thiên Chúa giáo" trên phạm vi toàn cầu ảnh hưởng đến quan điểm Giáo hội ở cả Âu, Á, Mĩ, Phi và ngay cả Việt Nam, nhất là ở đô thị phía Nam…. kéo theo tình hình chính trị xã hội lay chuyển,… ảnh hưởng đến phong trào trí thức đô thị,… PGS Bùi Thị Kim Quỳ có may mắn và thuận lợi khi được lãnh đạo tạo điều kiện, tin tưởng, được tham dự các buổi nói chuyện của cán bộ của Trung ương Cục miền Nam ra họp, nhữngbuổi thì tiếp xúc với nhóm tri thức đô thị miền Nam như luật sư Ngô Bá Thành, Giáo sư Lý Chánh Trung, Giáo sư Lê Văn Hảo, linh mục Trần Tam Tỉnh, linh mục Nguyễn Ngọc Lan mỗi khi họ có dịp ra Hà Nội,… Nhờ đó, Bùi Thị Kim Quỳ mang được "chất liệu mới" vào trong những bài báo: lúc thì được đọc trên đài phát thanh liên tục hàng tuần thời kì Phật tử đấu tranh chống Diệm, lúc thì đăng trên báoThống Nhấtđể sau đó tờThế hệở Canada hay tờĐối diệnở Sài Gòn đăng lại.

Từ các bài viết trên các bài báo nhỏ, Bùi Thị Kim Quỳ được đăng bài trên tạp chí Triết học của cơ quan. Rồi sau đó là được đặt bài từ tạp chí Học Tập, rồi Êtudes Vietnamiennes.Trên cơ sở các bài viết cho báo, cho tạp chí hay để đọc trên đài phát thanh ở Hà Nội hoặc ở phía Nam (do Trung ương Cục chủ trương), Bùi Thị Kim Quỳ có dịp phát huy ra nhiều khía cạnh khác có liên quan từ thực tiễn xã hội yêu cầu.

Đến những nghiên cứu về tôn giáo, phụ nữ và gia đình…

Năm 1975, cùng với PGS Lê Văn Sáu và nhiều đồng nghiệp khác, PGS Bùi Thị Kim Quỳ được phân công vào làm việc tại miền Nam. Viện Khoa học Xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh lúc này giống như một Ủy ban thu nhỏ. Cán bộ triết học vì quá ít người nên được ghép vào bộ môn mới là Xã hội học dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giáo sư Vũ Khiêu. Rất tự nhiên, Bùi Thị Kim Quỳ được tạo điều kiện tham gia nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực. Theo tình hình thực tế, Bùi Thị Kim Quỳ được giao soạn thảo và trình bày về chuyên đề "Chủ nghĩa Xã hội và Tôn giáo" trong đó có phần phân tích về lý thuyết kết hợp với tình hình thực tế qua các giai đoạn ở Việt Nam để trình bày cho các cán bộ trường Đảng ở các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang hay Đà Nẵng…

Có lẽ, nhờ công tác tham gia thực tế ở cơ sở mà PGS Bùi Thị Kim Quỳ có dịp gần gũi với bà con xứ đạo, kể cả lắng nghe, thông cảm và trao đổi quan điểm đúng đắn vào dịp "Phong thánh tử đạo" có không khí nhộn nhịp khắp từ Nam chí Bắc ở các vùng Công giáo. Vào thời điểm này, Bùi Thị Kim Quỳ được lãnh đạo cử đến nhiều điểm để dự lễ, phát biểu, hay nói chuyện với nhiều thành phần khác nhau: khi là công nhân, viên chức hoặc là thanh niên, phụ nữ,…Ngoài ra, việc chủ yếu là chuẩn bị ráo riết cho một hội thảo toàn quốc có liên quan đến vấn đề Đời – Đạo suốt từ mấy trăm năm qua. Là người có liên hệ nhiều đến các nhân sĩ trí thức tôn giáo trong Nam, ngoài Bắc nên Bùi Thị Kim Quỳ cùng một số cán bộ trong ban tổ chức mời được khá nhiều vị có quan tâm vấn đề này từ Ủy ban Khoa học xã hội hay từ các trường Đại học Tổng hợp, Đại học Sư phạm ở Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tích cực gửi bài tham luận.Hội thảo diễn ra tại hội trường Viện Khoa học Xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh trong hai ngày, phân tích sâu sắc từng giai đoạn lịch sử từ nguồn gốc du nhập đạo Thiên Chúa vào Việt Nam qua nhiều thế kỉ. Có tham luận, phân tích về hoàn cảnh trớ trêu do những khi chỉ vì sự hiểu lầm mà gây nên sự cố, có gay cấn về ý thức, quan điểm, cũng có hiện tượng thảm sát từng diễn ra nơi này hoặc nơi khác. Nhưng về căn bản ở đông đảo giáo dân vẫn là truyền thống yêu nước, vì quốc gia dân tộc mà vượt lên tất cả.Hội thảo kết thúc trong không khí hòa hợp, trang trọng, đầy sức thuyết phục. Và cuối cùng, các bản tham luận đều đã được in ra trong một cuốn sách dày, phát hành rộng rãi trên toàn quốc và cả ở nước ngoài.

PGS Bùi Thị Kim Quỳ (bên trái) và GS Lê Thi tại Đại hội phụ nữ quốc tế, Bắc Kinh (Trung Quốc), 1985

Đến năm 1991, PGS Bùi Thị Kim Quỳ được giao trách nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Giới và Gia đình từ năm 1991. PGS Bùi Thị Kim Quỳ đã tranh thủ được nhiều mối liên hệ hợp tác quốc tế để tổ chức nghiên cứu ứng dụng, tổ chức các hội thảo và xây dựng những đề án: Phụ nữ và môi trường xã hội nhân văn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa; Phụ nữ Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế… Nhiều bài viết của PGS Bùi Thị Kim Quỳ được đăng tải trên các báo, tạp chí đến nay vẫn là tài liệu tham khảo bổ ích cho những ai quan tâm đến các vấn đề về giới, phụ nữ và gia đình…

Mối tình khoa học thủy chung

PGS Lê Văn Sáu và PGS Bùi Thị Kim Quỳ kết hôn năm 1959.Cùng nhau đi suốt cuộc đời, tuy làm việc ở hai chuyên ngành nhưng cùng lĩnh vực khoa học xã hội nên ông bà luôn có nhiều vấn đề cùng chia sẻ hỗ trợ cho nhau trong những năm tháng từ ngoài Bắc đến khi chuyển công tác vào thành phố Hồ Chí Minh. PGS Bùi Thị Kim Quỳ từng chia sẻ rằng:Trong cuốn sáchThời đại, dân tộc, tôn giáocủa tôi được Nhà xuất bản Khoa học xã hội in năm 2001 với bài nói về luận điểm của Thomas d'Aquin chính anh Sáu đã đọc, giảng thêm cho tôi, tôi mới hiểu một cách sâu hơn khi viết bài. Ngược lại anh vốn học hệ thống giáo dục Pháp từ nhỏ nên viết Việt ngữ hơi khó khăn, tôi góp ý sửa cho câu văn dễ hiểu hơn anh cũng vui lòng[5].

Hơn 50 năm cần mẫn trên những chặng đường khoa học, PGS Bùi Thị Kim Quỳ đã để lại trong lòng đồng nghiệp và các cộng sự của mình về một người phụ nữ làm khoa học miệt mài, đầy trách nhiệm, một người phụ nữ thủy chung, đồng hành cùng chồng trong suốt chặng đường lập nghiệp. Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam may mắn và tự hào là địa chỉ tin cậy để PGS Bùi Thị Kim Quỳ tin tưởng gửi gắm hơn 4000 tư liệu, hiện vật đã gắn bó với ông suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, nghiên cứu khoa học và giảng dạy của chồng – PGS Lê Văn Sáu và của bà – từ những ngày đầu bước chân vào nghiên cứu, là một trong những người đầu tiên xây dựng ngành khoa học về giới ở Việt Nam. Lễ tiếp nhận bộ sưu tập tài liệu hiện vật của hai ông bà đã được tổ chức trang trọng, ấm cúng với sự góp mặt của các đồng nghiệp, học trò…

Những ngày này, cả miền Bắc và miền Nam đang bước vào đợt nắng cao điểm. Nhớ những ngày nắng Sài Gòn đến thăm nhà PGS Bùi Thị Kim Quỳ ở 96 Võ Thị Sáu để xin phép được đưa toàn bộ di sản khoa học của hai ông bà về Hà Nội lưu giữ và bảo quản, rồi những lần ghé thăm khi gia đình chuyển sang khu đô thị mới… Kỷ niệm năm nào cũng được nối dài… Nhưng, năm sau và nhiều năm sau nữa, trong những chuyến công tác tại thành phố Hồ Chí Minh, cán bộ Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam sẽ chẳng còn được nghe những lời động viên, chia sẻ của bà, chẳng còn được ngắm nụ cười luôn rạng ngời trên gương mặt đã nhuốm màu thời gian… Nỗi mất mát, nhớ nhung không dễ gì khỏa lấp…

Nguyễn Thị Hiên

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

[1]Bài viết “Về quá trình học tập và công tác của một nghiên cứu viên ngành khoa học xã hội” Bùi Thị Kim Quỳ, năm 2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2]Bài viết “Về quá trình học tập và công tác của một nghiên cứu viên ngành khoa học xã hội”. Bùi Thị Kim Quỳ, năm 2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3]Bài viết “Về quá trình học tập và công tác của một nghiên cứu viên ngành khoa học xã hội”. Bùi Thị Kim Quỳ, năm 2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4]PGS Lê Văn Sáu (1919-2004), nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1959-1975), nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh (1978-1983).

[5]Trích bài phát biểu của PGS Bùi Thị Kim Quỳ tại buổi lễ tiếp nhận TLHV của PGS Lê Văn Sáu- PGS Bùi Thị Kim Quỳ, 23-8-2014.