Chuyện về người ba lần sang châu Phi “xuất khẩu” văn hóa lúa nước

Một đời gắn bó với nông nghiệp tại Viện Lúa ĐBSCL, đến tuổi về hưu, ông vẫn tiếp tục cống hiến cho ngành khi nhận lời mời của Tập đoàn Lộc Trời về làm Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành (An Giang). Ông là PGS.TS. Dương Văn Chín, đã ba lần sang các nước châu Phi, mỗi lần kéo vài tháng đến cả năm, để làm “sứ giả” mang văn hóa, kỹ thuật trồng lúa nước chuyển giao cho nông dân nước bạn, với vai trò là chuyên gia. 

Một đời làm nông

Tôi hẹn gặp PGS.TS. Dương Văn Chín, khi ông vừa tham dự hội nghị nông nghiệp quốc tế tại Đà Nẵng trở về. Ở cái tuổi gần “cổ lai hy”, ông vẫn nhanh nhẹn, leo cầu thang, lội ruộng như những nông dân thực thụ. Trong câu chuyện về cuộc đời làm nông nghiệp, những lần đi chuyên gia giúp bạn phát triển nông nghiệp, nền văn hóa lúa nước cùng kỹ thuật trồng lúa nước như đã ngấm vào máu thịt của ông.

PGS.TS. Dương Văn Chín một đời gắn bó với nông nghiệp

PGS.TS. Dương Văn Chín một đời gắn bó với nông nghiệp (Trong ảnh là hoạt động nghiên cứu giống lúa mới tại Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành)

Sinh ra và lớn lên tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, thuộc vựa lúa ĐBSCL, sau khi tốt nghiệp phổ thông, chàng trai Dương Văn Chín chọn theo học ngành trồng trọt tại trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh. Khi tốt nghiệp ra trường, kỹ sư Chín được phân công (thời bao cấp công việc được phân công, chứ không tự tìm việc như hiện nay) về Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp ĐBSCL (tiền thân của Viện Lúa ĐBSCL), với chuyên môn chính là phát triển hệ thống canh tác.

Ngoại trừ thời gian đi học lên cao, những chuyến đi tập huấn nước ngoài, đi nghiên cứu tại Viện Lúa Quốc tế (IRRI), làm chuyên gia giúp nước bạn… thì trong suốt 35 năm công tác, PGS.TS Dương Văn Chín đều gắn bó với nông nghiệp tại Viện Lúa ĐBSCL, trong đó có 6 năm giữ vai trò là Phó Viện trưởng.

Như con tằm đã trót vương tơ, đến tuổi nghỉ hưu, PGS.TS Chín vẫn tiếp tục công hiến sức lực, trí tuậ cho ngành nông nghiệp. Tháng 9 nghỉ hưu thì tháng 10/ 2012, người ta đã thấy ông lăn lộn trên vùng đất Định Thành, Thoại Sơn, An Giang với vai trò là Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành, thuộc Tập đoàn Lộc Trời.

Anh hùng lao động Huỳnh Văn Thòn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời từng nhận định: “Ở cái tuổi 60, là thời điểm chín mồi đối với những người làm công tác nghiên cứu khoa học. Tài nguyên chất xám là vô giá”.

Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành có 20 ha đất để canh tác, ứng dụng những nghiên cứu mới. Với 55 con người, mà ở đó PGS.TS. Dương Văn Chín là thuyền trưởng, với 2 phòng chuyên môn là nghiên cứu di truyền chọn tạo giống lúa và nghiên cứu ứng dụng. “Mỗi năm, đơn vị được cấp hàng chục tỷ đồng để nghiên cứu, chọn tạo những giống lúa mới, cho ra loại gạo chất lượng, cơm ngon, chuyển giao nhân rộng ra dân; Nghiên cứu về thuốc bảo vệ thực vật, các chế phẩm sinh học, hóa học, dinh dưỡng cho cây lúa và cây trồng khác; băm rơm, kết hợp nấm Trichoderma để xử lý rơm rạ thành chất cải tạo đất, công nghệ sau thu hoạch, chế biến nông sản…”, PGS.TS. Dương Văn Chín cho biết. 

Ba lần đi Phi

Trong cuộc đời làm nông của mình, PGS.TS. Dương Văn Chín nhớ như in những lần đi làm chuyên gia chuyển giao kỹ thuật trông lúa nước cho nông dân châu Phi. Lần đi ít cũng bằng một vụ lúa ngắn ngày, tức là từ 3-4 tháng. Còn những chuyến đi cả năm, sau mấy lần lúa chín vàng đồng mới về.

“Lần đầu tiên tôi được cử đi làm chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc (FAO) tại đất nước Rwanda, nằm ở Trung Phi, với nhiệm vụ là giúp họ phát triển hệ thống canh tác lúa, gạo. Trong thời gian 11 tháng (8/2003-7/2004), tôi cùng các công sự đã quy hoạch, cải tạo lại đồng ruộng, trồng thử nghiệm nhiều giống lúa ngắn ngày mang từ Việt Nam sang xem giống nào phù hợp, tập huấn kỹ thuật cho nông dân…”, PGS.TS. Dương Văn Chín cho biết.

Rwanda là đất nước ngàn đồi. Xen giữa những sườn đồi là thung lũng tạo ra những cánh đồng có diện tích hẹp. Theo PGS.TS. Dương Văn Chín, mặc dù đồng ruộng ở đây đã được đầu tư làm kênh mương quanh sườn đồi để dẫn thủy, cung cấp nước và đào kênh ở giữa để thoát nước nhưng vẫn còn sơ sài, canh tác lệ thuộc vào nước mưa là chính. Khâu cơ giới trong các tác còn rất hạn chế, lại chủ yếu trồng các giống lúa bản địa (giống hạt tròn Japonica) nên năng suất rất thấp, chỉ khoảng 3 tấn/ha đổ lại.

“Nơi chúng tôi qua chuyển giao làm lúa các thủ đô Kigali khoảng 60 km, vật tư thiêu thốn nhiều thứ. Chúng tôi phải mang các giống lúa từ Việt Nam sang như: OM 4900, OM 2359, OMCS 2000, Jasmine 85, IR 50404.. vừa trồng thử nghiệm để chọn ra giống phù hợp để phát triển, vừa tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho họ. Nói chung là cầm tay chỉ việc, từ khi làm đất, gieo cấy, chăm sóc đến thu hoạch… Mục tiêu là làm sao giúp họ tạo ra những cánh đồng trồng lúa kiểu Châu Á và duy trì được nó khi các chuyên gia rút đi. Năm đó, vụ lúa cao nhất mà chúng tôi thu hoạch được đạt năng suất 5 tấn/ha khiến nhiều nông dân nước bạn tròn xoe đôi mắt thích thú”, PGS.TS. Dương Văn Chín nhớ lại.

Giống đậu phộng Việt Nam trồng tại vùng Hamadab, hoang mạc Sahara, Sudan

Giống đậu phộng Việt Nam trồng tại vùng Hamadab, hoang mạc Sahara, Sudan

Theo PGS.TS. Dương Văn Chín, Rwanda là đất nước nhỏ, với dân số khoảng 9 triệu người. Nguồn lương thực của họ chủ yếu là lúa gạo, bắp, cao lương và chuối… dù có dư địa để phát triển nông nghiệp nhưng do sản xuất lạc hậu nên hàng năm vẫn phải trông chờ từ nguồn nhập khẩu bên ngoài.

Rời Trung Phi về nước, cuối năm 2010, PGS.TS. Dương Văn Chín tiếp tục lên đường sang Tây Phi làm chuyên gia theo yêu cầu của Bộ NN-PTNT. Lần này là đất nước Liberia. Nơi đây là một miền đất mới tươi nguyên đầy tiềm năng phát triển nghề trồng lúa, đáng tiếc dân Liberia vẫn phải ăn toàn gạo nhập.

PGS.TS. Dương Văn Chín cho biết, Liberia có hai mùa mưa nắng rõ rệt, với lượng mưa trung bình hàng năm khá lớn. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 11. Trong mùa nắng, nhiệt độ rất cao, các cánh đồng có thể được cày ải, phơi khô cho chết cỏ. Cần qui hoạch đắp những bờ giữ nước mùa mưa. Vào tháng 7 xới đất lại trong điều kiện khô trên mặt và gieo sạ lúa. Giữ nước mưa trong ruộng để bón phân vào những thời điểm cây lúa cần. Thu hoạch lúa vào đầu mùa khô.

Tuy nhiên, cái khó là cơ sở hạ tầng ở đây chưa được đầu tư, nông dân cũng không có kinh nghiệm trồng lúa nước, cơ giới hóa còn hạn chế, lao động thủ công là chính. Ngoài ra, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng rất thiếu thốn. Vì vậy, việc canh tác lúa gặp nhiều kho khăn hơn so với ở Việt Nam. “Chúng tôi mang giống lúa thuần ngắn ngày từ Việt Nam sang để thay thế giống lúa mùa địa phương năng suất thấp. Đồng thời tập huấn kỹ thuật, chuyển giao cho họ trong suốt một vụ lúa với khi vọng khi rút đi họ có thể tự tay làm được”, PGS.TS. Dương Văn Chín chia sẻ.

Đất nước thứ 3 ở lục địa đen mà PGS.TS. Dương Văn Chín đến làm chuyên gia chuyển giao kỹ thuật trồng lúa nước là Sudan. Lần này là đi theo chương trình hợp tác song phương giữa chính phủ 2 nước, với thời gian 7 tháng từ cuối năm 2011 đến giữa năm 2012. Cũng như ở các nước có thể làm lúa ở Châu Phi khác, Suan cũng có điều kiện để phát triển nền nông nghiệp lúa nước nhưng do cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư, trình độ sản xuất lạc hậu nên các chuyên gia phải cầm tay chỉ việc và cũng chỉ có thể làm mô hình trên những diện tích nhỏ.

PGS.TS. Dương Văn Chín chuyển giao giống bắp Việt Nam cho nông dân châu Phi trồng tại vùng Hamadab, hoang mạc Sahara, Sudan

PGS.TS. Dương Văn Chín chuyển giao giống bắp Việt Nam cho nông dân châu Phi
trồng tại vùng Hamadab, hoang mạc Sahara, Sudan

Trong những năm tháng đi làm chuyên gia giúp bạn, PGS.TS. Dương Văn Chín nhận thấy rằng, người dân châu Phi tuy chịu khó nhưng ý chí tự lực vươn lên chưa đủ mạnh để thay đổi cuộc sống hiện tại. Nhiều khi chuyên gia qua giúp xây dựng mô hình nhưng chỉ qua vụ là xong, nông dân không làm theo nữa. Họ cũng chưa chịu khó mày mò áp dụng cái mới vào sản xuất và quyết tâm làm tới cùng để đạt kết quả giống như nông dân Việt Nam.

“Sau những lần đi chuyên gia ở châu Phi về, không ít người gặp tôi có hỏi rằng: “Việt Nam là nước trồng lúa và xuất khẩu gạo, trong đó có thị trường châu Phi. Giờ mang kinh nghiệm, kỹ thuật của mình chuyển giao cho họ, chẳng khác nào “vẽ đường cho hươu chạy?”

Nhưng tôi thì cho rằng việc Việt Nam chúng ta giúp các nước châu Phi trồng lúa để góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho họ là hợp đạo lý. Niềm hạnh phúc lớn lao nhất đối với những chuyên gia như chúng tôi là sự hân hoan của người dân bản xứ khi đứng tại những cánh đồng lúa Việt trĩu bông trên lục địa đen.

Giả sử Việt Nam giúp châu Phi tự túc được lương thực, người dân và chính phủ nhiều nước ở châu lục này sẽ cám ơn Việt Nam thì đó là niềm vui và vinh dự cho đất nước chúng ta.

Chúng ta vẫn có thể làm gạo chất lượng cao, bán giá cao để xuất đi các thị trường khác, chứ không nhất thiết phải mong chờ người dân châu Phi mãi đói nghèo để ta luôn còn thị trường xuất khẩu gạo”, PGS.TS. Dương Văn Chín.


Đ
.T.Chánh

https://nongnghiep.vn/