Những bức thư này được PGS Nguyễn Nghĩa Trọng gìn giữ nâng niu trong suốt hơn 60 năm qua, nay sẽ được giới thiệu tại Trưng bày “Thẳm sâu trong từng kỷ vật” từ ngày 23-6-2020. Qua những bức thư, câu chuyện sâu sắc về tình yêu thương của người cha dành cho con trai đang học tập, công tác nơi xứ người, sẽ được kể lại cho du khách tham quan.
Những vần thơ đầy xúc động được PGS Nguyễn Nghĩa Trọng viết khi trao tặng lại
14 bức thư của cha cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
PGS.TSKH Nguyễn Nghĩa Trọng, chuyên ngành Văn học, nguyên Phó chủ nhiệm khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống học tập, thân sinh của ông là cụ Nguyễn Quang. Sinh thời, nhà giáo Nguyễn Quang luôn tận tâm với nghề sư phạm và chú trọng giáo dục nhân cách cho học sinh. Với các con, cụ cũng luôn quan tâm dạy dỗ về đạo đức, nhân cách. Cụ Nguyễn Quang có 5 người con, đặt tên lần lượt là Giáo – Dân – An – Thế – Trọng, ngụ ý “dạy dỗ làm cho dân an sẽ được đời kính trọng”. Trong hai anh em trai, Nguyễn Nghĩa Trọng là em, gầy còm ốm yếu từ bé nên được cả nhà yêu thương nhất.
Năm 1953, Nguyễn Nghĩa Trọng học lớp 7 tại trường cấp II Đại Thành ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Rồi sau đó, ông được triệu tập đi học ở Khu học xá Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Hành trình tới Khu học xá rất dài và khó khăn, phải đến ngày 15-5-1954 Nguyễn Nghĩa Trọng mới nhận được lá thư đầu tiên của cha viết. Từ đó tới khi cụ Nguyễn Quang mất (1957), ông đã nhận được 14 bức thư từ cha. Mỗi bức thư đều chan chứa tình cảm của người cha dành cho người con xa xứ. Khi nghe đài thông báo về tình hình thời tiết ở Trung Quốc, cụ lo lắng: “Hôm trước bên Quảng Tây lạnh đến 2 độ dưới không, con có lạnh lắm không?” (17-1-1956). Mặc dù người con đã lớn, cụ vẫn ân cần dặn: “Con nên giữ gìn sức khỏe, làm việc và học có điều độ, con nhé!” (15-12-1956). Thời kỳ ấy, sau mỗi lần gửi thư về là những ngày dài Nguyễn Nghĩa Trọng mong đợi hồi âm của gia đình. Thư đi cũng như thư về, cả tháng trời mới tới nơi. Mỗi bức thư nhận được có giá trị như một món quà quý, Nguyễn Nghĩa Trọng thường ngồi trên giường đọc đi đọc lại nhiều lần, và thỉnh thoảng lại giở thư ra xem cho đỡ nhớ nhà.
Khi trở về Việt Nam công tác năm 1958, trong hành lý của thầy giáo Nguyễn Nghĩa Trọng không chỉ có sách vở, quần áo, mà còn có những lá thư của cha. Tháng 4-2017, trước khi tặng 14 lá thư cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, PGS Nguyễn Nghĩa Trọng đặt tất cả lên bàn thờ, thắp nén nhang thơm và xin phép cha. Ông tâm sự rằng, sau hơn 60 năm gìn giữ 14 lá thư này, nay ông tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam để chúng tôi hiểu hơn về thầy giáo Nguyễn Quang – một nhà giáo yêu nước, một người cha mà suốt đời ông kính trọng và biết ơn.
Những bức thư của PGS.TSKH Nguyễn Nghĩa Trọng và cha (cụ Nguyễn Quang) được trưng bày trong triển lãm "Thẳm sâu trong từng kỷ vật".
Tới tham quan Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, cũng là dịp quý du khách có thể thưởng lãm và được nghe những câu chuyện đầy ý nghĩa về các hiện vật quý đang được lưu giữ, trưng bày tại đây. Qua đó, quý khách hiểu hơn về những cống hiến, những khó khăn, sự hy sinh vì khoa học của các thế hệ nhà khoa học Việt Nam.
Bùi Minh Đức
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam