"Thời gian vừa rồi em nhớ ông quá nên cũng tham gia chống dịch và sản xuất "Ghen Cô Vy" đó chị ạ" – đó là chia sẻ của bạn Hoàng Diễm Huyền – cháu nội GS.TSKH Hoàng Thủy Nguyên*. Tôi thực sự xúc động và đã được nghe cô bộc bạch với tất cả tấm lòng kính yêu, nhớ thương dành cho ông nội – nhà virus học và chế tạo vắc xin hàng đầu Việt Nam.
Khi tôi 10 tuổi (1999), ông tôi bị đột quỵ gây liệt nửa người, mọi hoạt động phải dựa vào sự trợ giúp của người thân và các y bác sĩ. Từ đó, tôi dành nhiều thời gian ở bên ông, giúp ông một số việc vặt. Cũng từ đó tôi không chỉ là người bạn tâm tình mà còn trở thành "trợ lý" cho ông.Đã tròn 2 năm ông tôi ra đi, nhưng những ký ức về ông vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Bởi hai ông cháu rất gần gũi, thường xuyên cùng nhau trao đổi mọi vấn đề. Thỉnh thoảng ông nhờ tôi tìm tài liệu, tra cứu thông tin, đặc biệt ông thường trao đổi về tư duy cuộc sống, gia đình… Ký ức về thời gian ở bên ông đã trở thành động lực, là cảm hứng để tôi làm việc và cống hiến.
GS Hoàng Thủy Nguyên và cháu gái Hoàng Diễm Huyền, năm 1990
Qua các câu chuyện ông nội kể về gia đình, tôi hiểu rằng, việc ông lựa chọn theo ngành Y như một lẽ tất yếu, tự nhiên, bởi ông đã tiếp nối truyền thống của gia đình từ thời các cụ1. Bản thân tôi dù công tác ở lĩnh vực truyền thông nhưng tôi đã cảm nhận được tình yêu, nhiệt huyết, đam mê của ông dành cho sức khỏe cộng đồng, cho đất nước. Ông nội chưa bao giờ định hướng hay ép buộc tôi phải theo y tế dự phòng. Nhưng nhiệt huyết, đam mê từ ông dường như đã trở thành dòng chảy rất tự nhiên, ngấm vào trong tôi. Vì thế tôi luôn muốn cống hiến cho cộng đồng, tiếp nối được truyền thống của gia đình theo cách của riêng tôi.Ông luôn đặt mục tiêu của người khác cao hơn nhu cầu cá nhân và cố gắng bằng mọi cách vượt qua trở ngại của bản thân để giúp đỡ mọi người. Do vậy, dù phải ngồi xe lăn, nhưng khi sức khỏe tạm ổn, ông lập tức trở lại với công việc, tiếp tục những dự định còn dang dở. Việc đầu tiên ông làm là đẩy mạnh thành lập Công ty TNHH một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) vào năm 2000, nhằm chuyên nghiệp hóa việc sản xuất vắc xin và kêu gọi vốn đầu tư ODA của Hàn Quốc… Bên cạnh đó, ông tiếp tục tham mưu cho hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC), của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và vấn đề chiến lược phát triển ngành vắc xin, phòng bệnh của Việt Nam… Dù cử động của tay bị kém do bị liệt nửa người, sức khoẻ rất yếu nhưng ông vẫn miệt mài nghiên cứu khoa học. Khi ở nhà, tôi lại giúp ông những công việc ấy, khi thì tìm sách trên giá, khi thì tra cứu thông tin khoa học…
Giữa tháng 11-2002, dịch SARS bùng phát ở Quảng Đông, Trung Quốc, lan tỏa toàn cầu và gần như trở thành một đại dịch, trong đó có Việt Nam, với ổ dịch đầu tiên ở Bệnh viện Việt – Pháp. Trong bữa cơm gia đình, tôi thường được nghe ông trao đổi với mẹ tôi (PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Hạnh, nguyên Viện phó Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) những vấn đề về chống dịch. Tôi cảm nhận rõ sự lo lắng trong ông, tôi nhớ ông từng nói: "tình hình dịch như thế này thì chết, không thể để như vậy được". Rồi ông gọi điện ngay cho GS Hoàng Thủy Long, bấy giờ là Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ, Phó Ban đặc nhiệm Phòng chống dịch khẩn cấp của Việt Nam. Tại căn phòng ở tầng 1 của gia đình tôi (nay là phòng thờ), đã diễn ra cuộc gặp mặt giữa các chuyên gia đầu ngành, gồm GS Đặng Đức Trạch, GS Đào Đình Đức, GS Hoàng Thuỷ Long nhằm tìm ra cách ngăn chặn đại dịch.Sau khi hội bàn với các chuyên gia hàng đầu, ông tôi mời Bộ trưởng Bộ Y tế lúc bấy giờ, PGS Trần Thị Trung Chiến và kiến nghị lập tức cô lập ổ dịch là Bệnh viện Việt – Pháp. Sau đó là một số ý kiến bày tỏ sự băn khoăn vì đó là bệnh viện tư nhân, có yếu tố nước ngoài và khi cô lập sẽ rất phức tạp do liên quan đến vấn đề kinh tế, ngoại giao… Nhưng ông rất kiên quyết rằng phải cô lập ngay lập tức. Theo ông phân tích, vào thời điểm dịch đang gay cấn, cần ưu tiên yếu tố phòng dịch, yếu tố con người lên trên những vấn đề kinh tế, ngoại giao… Ông đã dùng kinh nghiệm, tâm huyết và trách nhiệm của nhiều năm trong nghề để thuyết phục Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến ra quyết định cô lập Bệnh viện Việt – Pháp – yếu tố tiên quyết ngăn chặn dịch lây lan diện rộng.Sau đó, ông đã chỉ đạo và định hướng nhiệm vụ cho các cán bộ của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để phân lập thành công virus SARS. Ông cũng đã xác định được những tính chất đặc trưng của hai virut SARS – CoV và Myxoviruts influenzae là căn nguyên của dịch SARS và dịch cúm gia cầm. Tôi tin rằng, nhờ những định hướng ban đầu, đúng hướng của ông đã góp phần giúp Việt Nam sớm khống chế được dịch lúc bấy giờ. Định hướng của ông đã trở thành kinh nghiệm quý giá cho những lần chống dịch sau này, và gần đây nhất là chính sách cô lập các ổ dịch trong đợt chống dịch Covid-19, ưu tiên yếu tố chống dịch và kiên quyết ngay từ đầu.
Vấn đề bệnh dại và việc tự sản xuất vắc xin phòng dại cũng là một trong những trăn trở cuối đời của ông nội tôi. Có rất nhiều thử thách nhưng ông luôn tìm mọi cách để giải quyết vướng mắc. Tôi từng giúp ông tra cứu các thông tin khoa học, viết thư liên hệ với nhiều Trung tâm, phòng nghiên cứu quốc tế… để tìm được chủng virus phục vụ sản xuất vắc xin.. Tức là lần từ đầu mối này sang đầu mối khác, trên cơ sở các mối quan hệ quốc tế, cùng thông tin trên internet để có được sự hợp tác khoa học trong sản xuất vắc xin.
Những năm cuối đời, ông tôi đặt nhiều quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu. Từ trước đó nhiều năm, ông có những lo lắng trước thực trạng thay đổi môi trường sống trên trái đất dẫn đến mất cân bằng sinh học, sẽ tạo ra những chủng vi sinh vật thích nghi với biến đổi khi hậu và tác động ngược lại đời sống của con người. Do vậy, ông đã đề xuất một mô hình phòng chống dịch bệnh, đối phó với biến đổi khí hậu ở Thái Bình, trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2017. Dự án do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương kết hợp với Cục Quản lý môi trường của Bộ Y tế thực hiện, nhằm đối phó với các căn bệnh do biến đổi môi trường như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản. Ông đã kêu gọi các nhà khoa học chuyển giao, phổ biến kiến thức giúp người dân chủ động trong phòng chống dịch. Tôi từng được theo chân ông đi một vài chuyến về Thái Bình. Ông phải ngồi xe lăn nên những lần ấy đều phải có người trợ giúp việc đi lại, còn tôi hỗ trợ đưa tài liệu, ghi tóm tắt vấn đề quan trọng của buổi họp. Sau này, thính lực của ông suy giảm, tôi cần ghi chép phát biểu của mọi người trong cuộc họp, sàng lọc ý quan trọng để ông nắm bắt được và đưa ra giải đáp. Ông thường đi dự những cuộc họp quan trọng và đến các địa phương trực tiếp kiểm tra, nói chuyện với cán bộ y tế, sâu sát, lắng nghe người dân để nắm bắt tình hình. Từ thực tế địa phương và khả năng triển khai của các cán bộ tuyến cơ sở, ông và các nhà khoa học mới xây dựng tài liệu, định hướng cụ thể công việc tiếp theo.
Là một người luôn ở bên ông, tôi khâm phục cách làm việc rất khoa học của ông. Hàng ngày, trước khi đi ngủ ông thường tổng kết lại các công việc của ngày hôm đó và lên kế hoạch cụ thể công việc của ngày hôm sau. Ông luôn luôn có lộ trình một cách hệ thống cho mọi công việc, kể cả việc nhỏ nhất như uống thuốc gì, uống như thế nào đều được ông ghi trong lịch; mỗi ngày sẽ có một tờ giấy ghi các công việc quan trọng nhất phải thực hiện, hôm sau, ông luôn làm theo kế hoạch đó và mọi thứ đã sẵn sàng. Nhờ vậy mà giữa bộn bề công việc và trách nhiệm, chắc chắn áp lực rất lớn, tôi chưa bao giờ thấy ông vội vàng.Ông luôn kiên định theo đuổi sự việc đến cùng, luôn bắt đầu óc làm việc, không bỏ cuộc hay cho phép mình quên một việc gì. Tôi nhớ, có lần ông quên một từ trong tiếng Pháp, bằng nhiều cách mà không tìm ra đúng từ đó, những tưởng ông gác lại chuyện ấy, nhưng không, ngày hôm sau vẫn thấy ông trăn trở, và đến khoảng 5 ngày sau ông khoe với tôi là đã tìm ra từ đó. Niềm vui cuộc sống vẫn luôn đến với ông từ những việc nhỏ nhất như vậy.
GS Hoàng Thủy Nguyên trong buổi nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa, 2016. Cháu gái Hoàng Diễm Huyền ngồi phía sau.
Sau tất cả mọi thứ, có lẽ điều tôi ấn tượng sâu sắc nhất về ông là trên khía cạnh con người. Tôi học được ở ông cách đối nhân xử thế. Ông quan tâm, chăm sóc đến mọi người từng chút một, rất chân thành, từ bác lái xe, đến các cô chú y tá chăm sóc ông. Mỗi khi đến dịp sinh nhật hay ngày quan trọng, ông đều giao tôi mua quà để tặng mọi người.Với tôi, ông chưa bao giờ áp đặt một điều gì. Ông luôn nhắc tôi không nên quá quan trọng vấn đề danh vọng, tiền bạc hay quyền lực mà phải vươn lên bằng thực chất, thực lực của mình. Phải luôn học hỏi và làm gì cũng thực sự chuyên tâm để có ích cho xã hội. Tôi từng học Dược nhưng sau đó lại chuyển sang học Truyền thông. Tôi chắc chắn mình đã làm ông nội buồn, bởi ông cũng mong muốn đứa cháu duy nhất tiếp nối truyền thống gia đình. Nhưng ông luôn tôn trọng và hết lòng hỗ trợ tôi, không một câu trách móc. Tuổi cao, sức khỏe yếu như vậy mà ông vẫn thường xuyên viết thư, gửi quà động viên tôi cố gắng học tập tốt. Tôi cảm nhận được rằng, thông qua việc chia sẻ công việc hàng ngày của ông, kể về sở thích, đam mê nào đó của ông, ông đã tiếp cho tôi ngọn lửa đam mê. Chính tình yêu thương và tấm lòng vị tha của ông đã giúp tôi đứng lên sau mỗi khi vấp ngã.
Vừa qua, tôi đại diện Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường làm Chủ nhiệm Dự án truyền thông sáng tạo phòng chống COVID-19 "Ghen cô Vy". Dự án cũng là tiếp nối những gía trị mà ông đã truyền dạy cho tôi. Có lẽ, gia đình, mà trực tiếp là ông nội tôi đã truyền cho tôi cảm hứng, cho tôi sức mạnh, tình yêu với cộng đồng để vượt qua mọi khó khăn và thực hiện thành công dự án này.Những gì tôi làm được là rất nhỏ bé, nhưng thực tâm, tôi mong di sản của ông được tiếp nối, tiếp nối không phải ở tên ông, mà những giá trị của ông, tình yêu chân thành ông dành cho y tế, cho cộng đồng sẽ tiếp tục truyền lửa cho thế hệ tiếp theo. Biết đâu sau này chúng ta sẽ có thêm những con người luôn hết mình cống hiến cho đất nước, cho cộng đồng như ông và các thế hệ cha anh đi trước.
Lê Thị Hằng (ghi)
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
______________
* GS.TSKH Hoàng Thủy Nguyên (1929-2018), nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương được biết đến là một trong những nhà virus học và chế tạo vắc xin hàng đầu Việt Nam.
1Bố của GS Hoàng Thủy Nguyên là GS Hoàng Tích Trý (hay còn được viết là Hoàng Tích Trí)) – Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam (1946-1958).