Ngày ngày, trong ngôi nhà giản dị ở cuối con ngõ nhỏ trên phố Lý Quốc Sư, Hà Nội, bà Phạm Tú Châu – vị Phó giáo sư đã ở tuổi ngoài 80, vẫn cần mẫn nghiên cứu và dịch thuật, như bà đã làm suốt nửa thế kỷ qua. Kể về quá trình đến với nghiệp văn chương, học thuật của mình, bà cho rằng nó hoàn toàn ngẫu nhiên, rồi dần trở thành niềm yêu, niềm đam mê, gắn bó cho đến suốt đời..
Con đường đến với nghiệp nghiên cứu, dịch thuật
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học, ông nội của PGS.TS Phạm Tú Châu là cụ Phạm Cao Bạt (1872-1934), từng hai lần đỗ Tú tài (năm Đinh Dậu 1897 và Quý Mão 1903) nên được gọi là cụ Kép Bạt. Cụ Kép Bạt được chính quyền Pháp mời làm thầy dạy chữ Hán ở trường Tiểu học và Trung học Pháp – Việt tỉnh Nam Định. Cha của Phạm Tú Châu là ông Phạm Cao Phan (1905-1981), có bằng Diplom, từng làm giáo viên tiểu học, sau học ngành dược của trường Y khoa Hà Nội (nay là trường Đại học y Hà Nội). Năm 1927, ông Phan về làm dược sĩ tại nhà thương công tỉnh Thái Bình; hết thời hạn làm việc, được mở cửa hàng thuốc ở thị xã Thái Bình. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông là dược sĩ phụ trách một xưởng dược trong Quân đội nhân dân Việt Nam đóng ở Thanh Hóa.
Từ nhỏ, ông Phan cùng anh em trong nhà đặc biệt yêu thích văn học, nhưng ông định hướng cho các con phải chuyên tâm học hành, đọc sách, truyện phải chọn lọc và có giờ giấc. Ở tuổi tiểu học, ngoài những truyện trong chương trình giảng dạy trên lớp như Tấm Cám, Thạch Sanh, bà Tú Châu thường đọc truyện thiếu nhi qua loại Sách Hồng như Cái ấm đất, Chàng rể Cóc… Bà Tú Châu biết đến nhiều tác phẩm nổi tiêng thế giới là nhờ vào những buổi tối rảnh rỗi sau một ngày bán hàng và học tập, cả gia đình thường đắm chìm trong các tác phẩm văn học Pháp do anh trai thứ hai là Phạm Cao Chi đọc như Không gia đình, Những người khốn khổ, Lâu đài họ Hạ… Thời tản cư ở Thanh Hóa những năm 1952-1953, không có truyện để đọc, mỗi lần bố về phép, trong những đêm dài giá rét, Tú Châu lại được bố sưởi ấm bằng những câu kể, đó là các truyện mà ông Phan thuộc lòng từ thời còn trẻ như Tam quốc diễn nghĩa, Thủy Hử, Bá tước Monte Cristo… Khi đang học lớp 7 ở Thanh Hóa, vở kịch Lôi vũ của Tào Ngu do GS ĐặngThai Mai dịch không biết từ đâu lạc tới tay, Tú Châu lập tức say sưa đọc quên hết công việc được mẹ giao. Cũng từ đó, Lôi vũ đi cùng với văn học hiện đại Trung Quốc in sâu trong tâm trí bà. Quả thật nếp đọc truyện buổi tối của gia đình đã hình thành niềm đam mê văn học của Phạm Tú Châu.
Trong gia đình còn có chú ruột Phạm Cao Củng[2] là người có những ảnh hưởng không nhỏ đến thị hiếu và sở thích đọc sách của Phạm Tú Châu. Ông Phạm Cao Củng là nhà văn chuyên viết truyện trinh thám, nổi tiếng trước năm 1945. Mỗi lần xuất bản tác phẩm mới, ông lại biếu bố của Tú Châu một cuốn. Tuy nhiên, cũng như nhiều người thời bấy giờ, ông Phan cho rằng đó chỉ là thể loại truyện giải trí nên đã cất vào tủ và khóa lại. Ngược lại, các con ông lại rất thích đọc. Phạm Cao Chi thường lấy trộm chìa khóa, mở tủ, trốn bố mẹ đọc những cuốn truyện có sức cuốn hút đặc biết đó vào buổi trưa và những buổi đó không bao giờ thiếu mặt Phạm Tú Châu. Mãi sau này, khi đã trở thành cán bộ nghiên cứu văn học bà mới cảm nhận được tác dụng của thể loại truyện trinh thám. Bà chia sẻ: “Tôi lúc đầu không biết ảnh hưởng của việc đọc truyện trinh thám là như thế nào. Nó tự nhiên ngấm dần qua ngày tháng để rồi tôi phát hiện ở truyện trinh thám một điều có ích cho quá trình nghiên cứu của mình: có thể ví việc tìm hiểu lai lịch tác gia, tác phẩm, xuất xứ một điển tích, ý nghĩa một câu thơ trong tác phẩm của các cụ xưa kia chẳng khác gì điều tra manh mối một vụ án, và khi nghiên cứu ra vấn đề, tôi có cảm giác sung sướng như phá được một vụ án[3]”. Tất cả những điều đó hình thành ở Phạm Tú Châu thêm một hứng thú đọc sách, giúp cho tâm hồn thêm phong phú và giàu trí tưởng tượng.
Nhờ quá trình tiếp xúc với sách văn học, được gia đình bồi đắp nên Phạm Tú Châu đã sớm bộc lộ khả năng viết văn. Năm học nào, điểm Văn của Tú Châu cũng thuộc nhóm dẫn đầu trong lớp nên bà được các bạn trao cho nhiệm vụ đi chợ, nấu ăn cho lớp. Qua thử thách này, bà được kết nạp vào Đoàn thanh niên Lao động. Vào giữa năm 1954, khi học xong năm đầu tiên cấp ba tại trường Phổ thông cấp 3 Nguyễn Quốc Trị đóng tại Phủ Lý, Hà Nam, Phạm Tú Châu được chọn đi Trung Quốc học.
Tháng 9 năm 1954, sang đến Nam Ninh,Trung Quốc, Phạm Tú Châu được phân vào lớp Phiên dịch của trường Trung văn thuộc Khu học xá Trung ương. Sau khóa học kéo dài một năm, Phạm Tú Châu được giữ lại trường làm phiên dịch và làm giáo viên phụ giảng. Thấy có nhiều thời gian rảnh rỗi, thầy Lý Nãi Trung, giáo viên trường Trung văn, tập hợp số cán bộ phiên dịch muốn tự nguyện nâng cao trình độ Trung văn để thầy dạy về văn học Trung Quốc. Thầy rất am hiểu văn học Trung Quốc nên đã chọn giảng một số tác phẩm văn học tiêu biểu nhất. Phạm Tú Châu rất ấn tượng với truyện ngắn Chúc phúc của Lỗ Tấn, truyện thơ đời Hán Khổng tước đông nam phi (Chim công bay về đông nam)… Đặc biệt cái lôi cuốn Tú Châu ngoài giá trị nhân văn ra chính là âm điệu ngôn ngữ khi thầy đọc lên. Âm điệu đó đã tạo thêm ấn tượng mạnh ở bà đối với văn học Trung Quốc. Mặt khác, đây là những câu chuyện về số phận bi thảm của con người, về tình yêu đôi lứa rất thắm thiết nhưng bị ngăn cản rồi tan vỡ, được kể trong bối cảnh Tú Châu và các bạn đang ở tuổi yêu đương, mơ mộng mà kỷ luật của trường lại cấm yêu đương nên rất dễ làm họ xúc động, để lại sự ám ảnh. Cho đến tận bây giờ, bà vẫn giữ được cảm hứng đặc biệt với những câu chuyện có ý nghĩa nhân văn sâu lắng, điều đó lý giải tại sao sau này bà thường lựa chọn thể loại tác phẩm như vậy để dịch và giới thiệu.
Ngoài những giờ lên lớp và đi phiên dịch, Phạm Tú Châu thường lên thư viện trường đọc một số tạp chí văn học. Bà tìm đọc được truyện Hồng Đậu (Hạt đậu đỏ) của nữ nhà văn Tông Phác. Đây cũng là truyện tình yêu tan vỡ vì lý tưởng khác nhau rất cảm động và vì muốn hiểu sâu cốt truyện nên Phạm Tú Châu đã vừa đọc, vừa tra từ điển, cũng nhờ vậy mà trình độ Trung văn tiến bộ hơn nhiều.
Năm 1958, các trường thuộc Khu học xá chuyển về Việt Nam. Phạm Tú Châu về nước và công tác tại Bộ Giáo dục. Ngay sau đó bà đượcchuyển sang Ban Tuyên giáo Trung ương. Năm 1959, may mắn đã đến với Phạm Tú Châu, đó là việc Viện Văn học được thành lập và bà được về đó công tác ngay từ ngày đầu. Phạm Tú Châu được phân về phòng Tư liệu, phụ trách dịch và tìm tài liệu, Trung văn cho cán bộ nghiên cứu của Viện. Thời gian này, bà có thêm điều kiện đọc sách, tiếp tục trau dồi kiến thức, chuẩn bị hành trang cho việc nghiên cứu sau này.
Những năm 1965-1968, Phạm Tú Châu theo Viện Văn học sơ tán lên Hà Bắc và tham gia lớp đại học Hán văn của Viện. Giáo sư Đặng Thai Mai[4] mở lớp học này nhằm trang bị trình độ Hán học cho cán bộ, nâng cao kết quả công tác nghiên cứu. Cán bộ Viện có thể hiểu thấu đáo nền văn hóa cổ phương Đông, đặc biệt là triết học lịch sử, văn học cổ Trung Quốc và từ đó mà hiểu sâu văn học cổ Việt Nam. Với PGS.TS Phạm Tú Châu, được các thầy như GS Đặng Thai Mai, Phạm Thiều[5], Cao Xuân Huy[6], Nguyễn Đức Vân, Đào Phương Bình, Nam Trân[7], Phạm Phú Tiết[8], Nguyễn Sĩ Lâm… trực tiếp giảng dạy là một điều vô cùng quý giá. Bà chia sẻ: Các cụ truyền cho mình biết có nền văn hóa nước láng giềng lớn như thế, đã làm cho mình yêu thích văn học ấy. Tôi thấy văn học Trung Quốc lớn quá, hay quá và có lẽ do các thầy cũng cùng cảm nhận đó nên mới chọn giảng về các tác phẩm này trước khi giảng văn học cổ Việt Nam. Qua đó, tôi hiểu rằng, muốn hiểu sâu văn học cổ Việt Nam phải học và hiểu văn học Trung Quốc[9]. PGS.TS Trần Thị Băng Thanh[10] – một người bạn thân thiết của PGS Phạm Tú Châu cũng cho rằng: mấy năm học ấy đã trang bị không những kiến thức, mà còn cung cấp một công cụ quan trọng là vốn liếng Hán Nôm cho người học. Nhờ vậy họ có thể đọc, dịch, tra cứu, viết bài, góp phần tạo nên nhiều tên tuổi lớn sau này, như: GS Nguyễn Huệ Chi[11], PGS.TS Tạ Ngọc Liễn, GS Bùi Duy Tân, PGS Phạm Tú Châu, GS Đặng Thanh Lê…, hay một số nhà nghiên cứu khác như Hoàng Lê, Cao Hữu Lạng, Ngô Thế Long, Nguyễn Ngọc Nhuận, Nguyễn Cẩm Thúy, Đỗ Thị Hảo…, ai cũng có công trình riêng của mình, ít nhất là tuyển dịch, giới thiệu về một tác giả. Với số cán bộ ở lại Viện Văn học công tác, những thành tựu nghiên cứu của họ được phát huy mạnh và liên tục. Phó giáo sư Băng Thanh khẳng định: Lớp còn củng cố trong tôi niềm yêu thích văn học cổ. Nếu không có lớp đại học Hán học thì tôi hoàn toàn không làm được những việc như đã làm. Cũng giống như tôi, GS Nguyễn Huệ Chi sẽ không thể trực tiếp đọc chữ Hán để đi sâu nghiên cứu về văn học cổ. Hay PGS.TS Phạm Tú Châu, vốn Trung văn rất tốt, có thể nghe, nói, đọc, viết như tiếng mẹ đẻ, nhưng nếu không học Hán học thì cũng khó có thể nghiên cứu về văn học cổ thuận lợi được[12].
Sau khi tốt nghiệp lớp đại học Hán văn, Phạm Tú Châu xin chuyển từ phòng Tư liệu về phòng Văn học nước ngoài, GS Hoàng Trinh[13] khi đó là Viện phó Viện Văn học phân công cho Phạm Tú Châu nghiên cứu mảng văn học hiện thực Trung Quốc. Mặc dù trong thời gian làm cán bộ ở phòng Tư liệu, bà đã thực hiện tốt nhiệm vụ với yêu cầu chuyên môn cao mà GS Đặng Thai Mai giao: “Cán bộ phòng Tư liệu không phải chỉ dịch mà còn phải phát hiện những tài liệu hay cho các nhà nghiên cứu”. Một số tài liệu bà phát hiện và cung cấp được cán bộ nghiên cứu trong viện khen là đã có giá trị nghiên cứu, nhưng khi được GS Hoàng Trình phân công cụ thể như trên, bà rất bối rối. Đây là vấn đề rộng mênh mông, có nhiều thời kỳ từ cổ, cận đến hiện đại nên rất khó nghiên cứu. Tôi không biết nên lựa chọn tác giả nào: Lỗ Tấn đã có GS Trương Chính dịch và nghiên cứu rất kỹ . Về kịch, vở Lôi vũ của Tào Ngu là xuất sắc nhất nhưng kịch không phải là đối tượng nghiên cứu chủ yếu của phòng Văn học nước ngoài. Mặt khác, từ chỗ chỉ là cán bộ tư liệu nay trở thành cán bộ nghiên cứu nên tôi rất bỡ ngỡ – PGS Tú Châu chia sẻ.,Còn đang lúng túng như thế thì năm 1971, Phạm Tú Châu được phân công làm thư ký cho Viện trưởng Đặng Thai Mai cho đến năm 1972, khi Viện Văn học đi sơ tán. Thời gian làm thư ký cho Viện trưởng là cơ hội để Phạm Tú Châu học hỏi kinh nghiệm trong nghiên cứu, viết bài và cả tác phong làm việc. Phạm Tú Châu phụ trách việc đi thư viện mượn sách; đọc tài liệu, tin tức tiếng Việt và tiếng Pháp cho GS Mai nghe. Bà kể: Hàng ngày, trong lúc uống chén nước, lúc ngơi tay không cầm bút, giáo sư thường chỉ bảo cho tôi nhiều điều từ cách tìm đọc, ghi chép tài liệu đến viết bài… Hay khi nghe tôi đọc bản tin tiếng Pháp đăng trên Thông tấn xã Việt Nam, giáo sư phân tích: “Mặc dù là tin nhưng người ta viết với giọng văn lôi cuốn chứ không phải tin là khô khan”. Dù chỉ làm thư ký cho giáo sư trong hơn một năm, nhưng với tôi đó là thời gian vô cùng quý giá, đọng lại trong tôi nhiều kỷ niệm và tôi đã phần nào học ở giáo sư tác phong làm việc, phẩm chất của một người nghiên cứu, đó là hành trang cho tôi bước vào sự nghiệp nghiên cứu sau này.
“Đi giữa đôi dòng[14]”
Cuối những năm 1960 đến những năm 1970, cuộc “cách mạng văn hóa” Trung Quốc và chiến sự ở biên giới Việt Trung xảy ra nên hoạt động nghiên cứu văn học Trung Quốc ở Viện Văn học tạm dừng. Thấy bà Phạm Tú Châu là người có tố chất nghiên cứu lại giỏi tiếng Trung và chữ Hán nên bà Trần Thị Băng Thanh đã khuyên ông Huệ Chi mời bà về ban Văn học cổ – cận làm việc. Đầu năm 1973, bà Phạm Tú Châu đã chuyển về ban Văn học cổ – cận và tham gia nhóm thơ văn Lý – Trần 1, do ông Huệ Chi là nhóm trưởng. Từ đây, bà tạm dừng các công việc liên quan đến mảng văn học Trung Quốc. Lúc này, việc biên soạn tập 1 bộ Thơ văn Lý – Trần đã đi được quá nửa chặng đường, nhưng bà Phạm Tú Châu vẫn có thể bắt nhịp ngay với công việc của tổ, tham gia khảo, dịch, biên soạn, đối chiếu, chỉnh sửa và viết bài… cho phần còn lại của tập sách và đến năm 1977 thì tập 1 của bộ sách được xuất bản. Sau đó, nhóm lại bắt tay vào thu thập tài liệu, đi điền dã, dịch… chuẩn bị cho tập 2, và đến năm 1989 thì hoàn thành quyển thượng của tập 2. Ngoài công việc biên soan Thơ văn Lý Trần, cán bộ tổ Văn học cổ – cận đại còn có nhiệm vụ viết bài nghiên cứu. Bài đầu tiên bà Phạm Tú Châu và bà Trần Thị Băng Thanh viết chung là “Vài nét về văn thơ bang giao, đi sứ thời Trần trong giai đoạn giao thiệp với nhà Nguyên”, đăng trên Tạp chí Văn học, số 6, 12-1974. PGS Băng Thanh đánh giá: Bà Tú Châu đã có những đóng góp tích cực cho bộ Thơ văn Lý – Trần, những bản dịch và bài viết của bà rất chất lượng. Thời gian này bà Châu còn có những thành tựu khác trong nghiên cứu văn học cổ Việt Nam[15].
Cùng với quá trình góp sức làm bộ Thơ văn Lý – Trần, bà Phạm Tú Châu còn viết bài nghiên cứu về các tác giả, tác phẩm khác, bài đầu tiên là Về bài Từ đầu tiên và tác giả của nó: sư Khuông Việt, đăng trên tạp chí Văn học số 6 năm 1974. Bà cho biết: Hồi đó, viết được bài đăng trên tạp chí Văn học tưởng chừng rất khó, nhưng khi thấy rõ được vấn đề cần nêu rồi trình bày ra thì chẳng có gì là khó. Sau đó bà viết tiếp về Lê Quý Đôn, nhà thơ Trịnh Doanh, nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà thơ Lê Thánh Tông… ,tham gia biên soạn một số công trình như: Văn học Việt Nam trên những chặng đường chống phong kiến Trung Quốc xâm lược, Nxb Khoa học Xã hội, 1981; Từ điển văn học, tập 1 và 2, Nxb Khoa học Xã hội, 1983 và 1984… Đặc biệt, bà còn tập trung nghiên cứu một số tác gia trong dòng họ Ngô Thì có liên quan để hoàn thành luận án phó tiến sĩ của mình về đề tài “Mấy vấn đề mấu chốt của Hoàng Lê nhất thống chí: văn bản, tác giả và thể loại” và bảo vệ thành công luận án năm 1987. Tuy nhiên, bà đánh giá phần “Thể loại” trong luận án của mình còn nhiều điểm thiếu sót nên khi phát triển thành sách, bà đã gác lại phần này và đầu tư nghiên cứu, viết bổ sung thành chương “Nhân vật”. Năm 1997, cuốn sách “Hoàng Lê nhất thống chí – văn bản, tác giả và nhân vật” của bà được Nxb Khoa học Xã hội ấn hành. Theo PGS.TS Trần Thị Băng Thanh thì PGS Tú Châu đã có những phát hiện mới và xuất sắc trong phần văn bản của Hoàng Lê nhất thống chí. Sau này, PGS Tú Châu chuyển sang phòng Văn học thế giới, nhưng hoạt động nghiên cứu văn học cổ Việt Nam vẫn được tiếp tục. Bà tham gia đồng tác giả một số công trình như: Từ điển văn hóa, Nxb Văn hóa, 1993; Tân thư và xã hội Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, 1997; Từ điển văn học Việt Nam (bộ mới), Nxb Thế giới, 2004; Danh nhân văn hóa Bùi Huy Bích, Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu lịch sẻ và văn hóa Việt Nam, 1998; Nhìn lại văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, Nxb Chính trị Quốc gia, 2002;…
Mặc dù công tác tại ban Văn học cổ – cận một thời gian dài và đã đạt được thành tựu nhất định, nhưng với tính cách của mình, bà Phạm Tú Châu quyết tâm đi tìm cho mình một mảng riêng để nghiên cứu, một khoảng trời riêng để vùng vẫy, vượt ra khỏi vùng trời của những cây đại thụ trong nghiên cứu văn học cổ Việt Nam.
Cuối những năm 1980, quan hệ hai nước Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục được nối lại và cũng là thời kỳ đất nước ta đổi mới, công tác nghiên cứu về Trung Quốc lại được khởi động. Vì vậy, bà Phạm Tú Châu trở về tổ Văn học thế giới và đi sâu nghiên cứu về văn học Trung Quốc đương đại. “Lúc này, tôi hoàn toàn chủ động quyết định mình sẽ nghiên cứu gì, đi sâu vấn đề gì… rồi đề xuất với cấp trên, chứ không hoàn toàn thụ động theo sự chỉ đạo của cấp trên là phải làm gì, tìm hiểu cái gì như trước đây nữa, vì vậy tình yêu đối với văn học Trung Quốc mới được phát huy” – PGS Tú Châu kể.
Nhân dịp kỷ niệm 30 thành lập Viên Văn học, để thổ lộ niềm vui này, bà Phạm Tú Châu viết bài Trở lại mối tình đầu đăng trên Tạp chí văn học, số 1 năm 1990. Trong bài có đoạn viết : “Ở lứa tuổi nào cũng vậy, ai trở lại với mối tình đầu cũng cảm thấy náo nức, đắm say. Tôi lại được đắm mình trong văn hóa Trung Quốc nói chung, văn học Trung Quốc nói riêng với muôn vàn điều mới mẻ lý thú và vô cùng gần gũi. Người gieo mầm tình yêu đối với bộ môn Trung Quốc học ấy nơi tôi là những cụ già, những giáo sư Hán học uyên bác Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Phạm Thiều và nhiều thầy khác…”. Với tình yêu đó, bà Phạm Tú Châu bắt tay vào tìm hiểu sự đổi mới mạnh mẽ của văn học đương đại Trung Quốc sau nhiều năm bị “cách mạng văn hóa” cấm đoán. Đây là mảng văn học thể hiện rõ nhất sự đổi mới và cải cách của văn đàn Trung Quốc, cũng là những vấn đề mà người nghiên cứu văn học và nhà văn nước ta quan tâm. Bà đã đề xuất với Viện trưởng Viên Văn học quan tâm tới đổi mới lúc ấy là GS Phong Lê ra một số chuyên san và đã được Viện trưởng chấp nhận. Tạp chí văn học số 6 năm 1989 là chuyên san duy nhất và sớm nhất của Viện Văn học về văn học đương đại Trung Quốc do bà chủ biên. Truyện Đại đội lính mới của Lưu Chấn Vân do bà dịch đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các nhà văn quân đội. Sau đó, bà viết tiếp một số vấn đề về văn học Trung Quốc như ảnh hưởng của Phật giáo và Đạo giáo trong mấy bộ tiểu thuyết tiêu biểu của Trung Quốc gồm: Thủy hử, Tây du ký, Hồng lâu mộng, Kim Bình Mai, về nhà văn Quách Mạt Nhược và Việt Nam… Trong cuốn Nghĩ tiếp về Nam Cao, Nxb Hội nhà văn, 1992, bà viết bài Đôi điều so sánh giữa Chí Phèo và AQ . Năm 2015, bà đã hoàn thành cuốn Kim Vân Kiều lục, dịch và nghiên cứu, do Nxb Khoa học Xã hội ấn hành.
Học theo cách của GS Đặng Thai Mai, bà Phạm Tú Châu thấy rằng, khi nghiên cứu về văn học Trung Quốc thì đồng thời cũng phải dịch tác phẩm, như vậy người đọc mới hiểu được những gì tác giả muốn truyền tải. Ngoài việc dịch các tác phẩm đang nghiên cứu, bà còn chọn dịch và giới thiệu một số tác phẩm văn học Trung Quốc thuộc những đề tài như vấn đề cải cách ruộng đất, cải tạo kinh tế tư sản, những khó khăn và biến đổi trong đời sống kinh tế nông thôn, những tham vọng và dục vọng làm giàu… Vì vậy, bà nhận được sự ủng hộ, khuyến khích của đồng nghiệp là nên tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu văn học Trung Quốc đương đại.
Bà Phạm Tú Châu thường chọn những truyện mang tính nhân văn sâu lắng – thể loại mà bà có cảm hứng đặc biệt từ thời trẻ để dịch và viết giới thiệu. Mỗi lần đọc một truyện hay và hấp dẫn, bà bắt tay ngay vào dịch sang tiếng Việt để chia sẻ với độc giả. Do tác gia, tác phẩm văn học Trung Quốc rất lớn, rất phong phú, cùng với việc hạn chế về thời gian nên bà thường chọn dịch tác phẩm được giải thưởng văn học Lỗ Tấn – giải dành cho các tác giả truyện ngắn, truyện vừa mà không thể chọn các tác phẩm được giải thưởng Mao Thuẫn – dành cho tác giả truyện dài. Bà cũng không dịch những tác phẩm mà theo bà giá trị nhân văn không cao, chỉ có giá trị nhất thời như thể loại ngôn tình hiện nay. Đặc biệt, bà luôn chú trọng đến âm điệu bằng – trắc trong từng câu văn, là điều thường thấy trong văn học cổ. Bà quan niệm, âm điệu bằng – trắc không chỉ có trong thơ, phú, hịch… mà còn có trong tản văn, vì vậy, các tác phẩm dịch của bà có nhịp điệu bằng – trắc cuốn hút, cùng với đó là sự hóm hỉnh trong văn phong, không có sự trùng lặp từ trong một đoạn, một câu. Và có lẽ ai đã từng tiếp xúc với văn học cổ sẽ dễ dàng nhận ra sự tinh tế đó trong từng câu chữ của dịch giả Tú Châu. Theo PGS.TS Phạm Tú Châu, một dịch giả bắt buộc phải hiểu thật sâu ngôn ngữ cần dịch cũng như ngôn ngữ tiếng Việt thì mới có thể truyền tải hết được nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
Chính những đầu tư trong dịch thuật và giới thiệu tác phẩm đã đưa tên tuổi Phạm Tú Châu đến với nhiều độc giả và cũng có thể khẳng định đây là thế mạnh của bà. Khoảng những năm 1990, Ban biên tập Báo Văn nghệ trẻ, Báo Lao động cuối tuần thường đặt bà dịch truyện để đăng hàng tuần; Đài tiếng nói Việt Nam đã chọn truyện do bà dịch để đọc trong mục Đọc truyện đêm khuya và các chuyên mục này được đông đảo bạn đọc yêu thích. Đến nay, nhắc đến Phạm Tú Châu, độc giả nói chung, người yêu văn học Trung Quốc nói riêng không thể không nhớ đến Gót sen ba tấc của tác giả Phùng Ký Tài. Tác giả muốn nêu ý tưởng văn hóá truyền thống có cái đáng tiếp thu, có cái cần vứt bỏ. Trong khi dịch, PGS Tú Châu đã lột tả được cái hay, cái mới, sự hài hước trong cách viết của tác giả, vì vậy cuốn sách được Hội nhà văn Việt Nam tặng giải thưởng văn học dịch năm 1998. Có lẽ Gót sen ba tấc là yếu tố đầu tiên tạo nên “thương hiệu Tú Châu” trong lòng độc giả. Sau này, bà còn có một số tác phẩm dịch như Chuồng bò trong tháng mù sương, Bát canh nước trong rau biếc, Biên Thành, Trời lạnh về khuya, Đất dầy, Hồ Điệp, Đời là như thế, Ngọc vỡ, Roi thần, Am dương bát quái… Bà còn cộng tác với một số dịch giả khác để dịch Tuổi hoa tuổi mưa, Cảnh thế thông ngôn, Liêu trai chí dị, Lựa chọn sinh tử…, cũng được nhiều độc giả quan tâm.
Phó giáo sư Trần Thị Băng Thanh cũng cho rằng: Mặc dù các bài viết, bài nghiên cứu và sách của PGS Tú Châu thuộc lĩnh vực văn học cổ Việt Nam có số lượng nhiều hơn, nhưng điều tạo nên tên tuổi của Phạm Tú Châu là mảng sách dịch. Truyện, tiểu thuyết hay thơ do PGS Tú Châu dịch đều rất chất lượng và tạo được uy tín trong giới nghiên cứu, dịch thuật.
Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Tú Châu
Trước đây, khi tham gia lớp đại học Hán học, các thầy giáo đã giúp cho bà Phạm Tú Châu nhận ra rằng, muốn hiểu văn học cổ Việt Nam thì phải hiểu văn học cổ Trung Quốc – điều này thể hiện mối quan hệ của giai đoạn văn học cổ đại hai nước. Trong quá trình nghiên cứu bà đã phát hiện ra một số vấn đề thể hiện rõ mối quan hệ đó nên đã đi sâu nghiên cứu. Ý tưởng nghiên cứu về mối quan hệ này được manh nha từ chuyến đi Liên Xô công tác vào năm 1981 của bà. Lần đó bà gặp ông B.L. Riptin – Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, và được ông trao đổi những vấn đề đã nghiên cứu về văn học Trung Quốc và văn học Việt Nam. Ông Riptin cho biết Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ chịu ảnh hưởng trực tiếp của Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu, đời Minh, Trung Quốc. Trên cơ sở những gợi ý của ông Riptin, về nước bà Phạm Tú Châu đã tiếp tục tìm hiểu rồi viết thu hoạch trong chuyến đi Liên Xô, giới thiệu và đưa ra bằng chứng về mối quan hệ giữa hai tác phẩm này, cụ thể là truyện Cây gạo thuộc Truyền kỳ mạn lục có nội dung giống truyện Chiếc đèn mẫu đơn trong Tiễn đăng tân thoại. Sau này, PGS.TS Phạm Tú Châu và PGS.TS Trần Thị Băng Thanh đồng dịch giả cuốn sách Tiễn đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục do Nxb Văn học ấn hành năm 1999. PGS Tú Châu dịch Tiễn đăng tân thoại còn PGS Băng Thanh dịch Truyền kỳ mạn lục, nhằm đối chiếu, thấy rõ một điều rằng Nguyễn Dữ đã đọc và lấy cảm hứng từ Tiễn đăng tân thoại để viết Truyền kỳ mạn lục.
Tuy nhiên, khi càng đi sâu nghiên cứu, PGS.TS Phạm Tú Châu càng thấy tìm được điều gì mới về mối quan hệ giữa văn học Việt Nam và Trung Quốc là rất khó. Thứ nhất, để nghiên cứu về vấn đề này, phải đọc nhiều sách, tài liệu và các tác phẩm văn học của cả hai nước, bà Phạm Tú Châu thì rất khó có thể làm được như vậy. Điều này cũng được PGS.TS Trần Thị Băng Thanh chia sẻ: PGS.TS Phạm Tú Châu không thể dành nhiều thời gian cho nghiên cứu như tôi. Vì tôi có mẹ phụ giúp việc nhà và chăm sóc con cái nên thời làm bộ Thơ văn Lý – Trần, tôi có thể ở trên thư viện suốt từ sáng đến 9h tối, nhưng bà Châu thì không thể, và đó là một khó khăn, thiệt thòi với người làm nghiên cứu[16]. Thứ hai, việc làm thế nào thể hiện ảnh hưởng ấy trong các vấn đề văn học để được người đọc chấp nhận, đặc biệt là liên quan đến vấn đề nhạy cảm là tinh thần dân tộc. Mặt khác, khi bắt tay vào nghiên cứu vấn đề này, PGS.TS Phạm Tú Châu đã ngoài 40 tuổi, với những khó khăn của cuộc sống những năm 1980 – 1990, công việc chung của cơ quan chi phối, lại không có điều kiện ra nước ngoài để tìm đọc tài liệu nên muốn đọc sách hay tĩnh tâm nghiên cứu là bà phải hết sức tranh thủ thời gian. Và khi chưa kịp làm gì nhiều thì đã đến tuổi về hưu, rồi bộn bề cuộc sống, chồng ốm, con đau. Vấn đề mối quan hệ văn học Trung Việt vốn mênh mông bể sở, cho nên những gì nghiên cứu được mới chỉ là bước đầu, chập chững. Tôi cảm thấy những thành quả của mình, nới cho nghiêm mới chỉ ở mức độ giới thiệu. Tôi quan niệm: nghiên cứu phải là tìm ra cái mới mà người khác chưa ai nói, chưa ai phát hiện, nếu mình vay mượn, tham khảo ý của người khác để diễn giải ra thì cái đó không phải là nghiên cứu. Tôi không muốn làm điều đó, và có lẽ không gì hơn là những gì mình chưa nghiên cứu được thì dịch của người trước để giới thiệu, như vậy rất trung thực, không dối trá. Điều đó tôi học được của thầy Đặng Thai Mai, cụ rất nghiêm khắc, trung thực trong nghiên cứu – bà chia sẻ.
Do được Viện Văn học cử đi dự hoặc được mời tham gia một số hội thảo văn học quốc tế ở nước ngài, bà Phạm Tú Châu có điều kiện quen biết một số học giả Trung Quốc, Đài Loan. Bà chú ý giới thiệu thành quả nghiên cứu của họ có liên quan đến Việt Nam nên đã dành thời gian dịch một số sách của Trần Ích Nguyên[17] như Nghiên cứu câu chuyện Vương Thúy Kiều, Nxb. Lao động, 2004, Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục, Nxb Văn học, 2000; Nghiên cứu tiểu thuyết Hán văn Trung Việt, Nxb Khoa học Xã hội, 2009; Thuật bàn về tư liệu sách chữ Hán ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, 2013.
Những bài nghiên cứu, phê bình trong nhiều năm xoay quanh chủ đề văn học Việt Nam, văn học Trung Quốc và mối giao lưu văn học hai nước của PGS.TS Phạm Tú Châu đều được đăng trên các tạp chí chuyên ngành như: Tạp chí Văn học, Tạp chí nghiên cứu Trung Quốc, Tạp chí Hán Nôm… hay in trong các cuốn sách đồng tác giả. Sau này, bà đã tập hợp những bài nghiên cứu đó trong cuốn sách Đi giữa đôi dòng, Nxb Khoa học xã hội, 1999. Cuốn sách nhằm cung cấp cho người đọc một số tìm tòi, suy nghĩ của bà liên quan đến hai lĩnh vực chuyên môn có mối giao lưu mật thiết và lâu đời này.
Mặc dù đã về hưu nhưng đối với bà cũng như đối với PGS Trần Thị Băng Thanh, về hưu không hẫng hụt, trái lại miễn được những công việc ngoài học thuật của cơ quan, được tập trung nghiên cứu những vấn đề còn chưa hoàn thành. Bà Tú Châu vẫn tiếp tục quan tâm tới mối quan hệ giữa văn học Việt
Nay dù tuổi đã cao, nhưng PGS.TS Phạm Tú Châu vẫn miệt mài với những đam mê, những trăn trở, dự định có phần "tham lam" như bà tự nhận. Bà cộng tác với Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư để nghiên cứu, đính chính những thiếu sót về điển cố Hán trong cuốn Từ điển Truyện Kiều của cụ Đào Duy Anh và ấp ủ sẽ viết phẩm bình nhân vật của Hoàng Lê nhất thống chí nếu có thời gian cho phép. Với bà, không vì một điều gì khác, chỉ vì yêu, vì đam mê với cả đôi dòng văn học.
Lê Thị Hằng
[*] PGS.TS Phạm Tú Châu sinh ngày 20-9-1935 tại Thái Bình (quê Nam Định), chuyên ngành Văn học, nguyên cán bộ nghiên cứu, Phó ban Văn học cận đại, Viện Văn học, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
[2] Phạm Cao Củng (1913-2012), được xem là vua truyện trinh thám Việt
[3] Phỏng vấn PGS.TS Phạm Tú Châu, 12-10-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[4] GS Đặng Thai Mai (1902-1984) là nhà giáo, nhà văn, nhà phê bình văn học Việt Nam; nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục (từ tháng 3 đến tháng 11-1946), Viện trưởng đầu tiên của Viện Văn học Việt Nam (1959-1976), Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
[5] Phạm Thiều (1904-1986) là nhà nghiên cứu Hán Nôm, nhà ngoại giao và chính trị Việt
[6] GS Cao Xuân Huy (1900-1983) là nhà nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử tư tưởng triết học phương Đông, nguyên Trưởng ban Hán – Nôm, Trưởng ban Văn học cổ đại Việt Nam, Viện Văn học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
[7] Nhà thơ Nam Trân tên thật là Nguyễn Học Sỹ (1907-1967), nguyên cán bộ Viện Văn học.
[8] Phạm Phú Tiết (1894-1981). Trước Cách mạng tháng Tám là Bình Phú Tổng đốc hai tỉnh Bình Định, Phú Yên. Sau Cách mạng tháng Tám, được phong quân hàm Đại tá, giữ chức Chánh án Tòa án quân sự Liên khu V, kiêm Chánh án Hội đồng phúc Tòa án dân sự Liên khu V. Sau ông về công tác ở Ban Nghiên cứu Tuồng và có nhiều đóng góp trong lĩnh vực này.
[9] Hỏi thông tin PGS.TS Phạm Tú Châu, 30-7-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[10] PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, chuyên ngành Văn học, từng là Phó trưởng phòng Văn học cổ – cận đại, Viện Văn học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
[11] Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, chuyên ngành Văn học, từng là Trưởng phòng Văn học Việt Nam cổ – cận đại, Viện Văn học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
[12] Phỏng vấn PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, 19-7-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[13] GS Hoàng Trinh, tên thật là Hồ Tôn Trinh (1920-2011), nhà nghiên cứu văn học phương Tây, nhà lý thuyết và lịch sử văn học, từng là Viện trưởng Viện Văn học (1985-1988).
[14] Tên cuốn sách của PGS.TS Phạm Tú Châu do Nxb Khoa học xã hội ấn hành năm 1999; Trong đó tập hợp các bài viết thuộc ba lĩnh vực mà bà đã nghiên cứu: Văn học Việt
[15] Hỏi thông tin PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, 21-10-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt