Bộ môn Toán: Từ lý thuyết đến ứng dụng thực tiễn

 Thuở ban đầu – Khóa 0 

Cuối năm 1955, sau khi hoàn thành khóa đào tạo 2 năm về Khoa học cơ bản ngành Toán tại Nam Ninh Dục tài học hiệu – bí danh của các khóa đào tạo bậc đại học đặt tại Khu học xá Nam Ninh Trung Quốc, Thái Thanh Sơn cùng bạn đồng khóa được lệnh về nước trước ngày Lễ mừng giải phóng thủ đô 10-10-1955 để chuẩn bị nhận công tác. Ông cho biết: Mặc dù được chọn cử đi học tại Nam Ninh Dục tài học hiệu – trường đào tạo nhân tài, đặt nhờ trên đất Trung quốc nhưng khi được lệnh về nước, chúng tôi rất lo lắng vì không hiểu nhiệm vụ sắp đến mình được giao sẽ là gì và cần chuẩn bị những gì về hành trang kiến thức và kinh nghiệm1. Ngay sau khi về nước, một số nhận nhiệm vụ đi tiếp quản các cơ sở giáo dục ở các vùng mới giải phóng miền Bắc, còn lại được điều động về làm công tác trong quân đội. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Bộ Giáo dục giữ lại phần lớn khóa sinh viên từ Nam Ninh về cùng số ít học sinh từ trường Dự bị đại học – Sư phạm Cao cấp Liên khu IV và trường Khoa học và trường Sư phạm ở vùng tạm chiếm cũ (trước đây là trường Đại học Đông Dương thời Pháp thuộc) nhằm bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ cao đảm nhiệm việc giảng dạy tại một số trường đại học được thành lập sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc.

Bộ Giáo dục đã ưu tiên cho khóa học này những người thầy tốt nhất thời đó như: thầy Trần Văn Giàu và Hoàng Xuân Nhị dạy môn Triết học Mác – Lê nin, thầy Cao Xuân Huy dạy môn Nguyên lý giáo dục học, các môn thuộc chuyên ngành có thầy Lê Văn Thiêm dạy về Lý thuyết biến hình bảo giác, thầy Nguyễn Thúc Hào dạy Hình học vi phân, thầy Ngụy Như Kontum dạy Cơ học thuần lý (Mécanique Rationelle), thầy Vũ Như Canh dạy Vật lý lý thuyết v.v.. Một số giảng viên trung học kỳ cựu, nhiều kinh nghiệm cũng tham gia hướng dẫn các seminar, báo cáo chuyên đề trong lĩnh vực đang nghiên cứu như: Ngô Thúc Lanh về Đại số cao cấp; Nguyễn Cảnh Toàn về Hình học xạ ảnh; Hoàng Tụy giới thiệu về Lý thuyết xác suất và Hàm số thực. Một số nhà khoa học đang giữ các chức vụ quan trọng trong chính phủ cũng dành thời gian báo cáo chuyên đề hoặc hướng dẫn seminar học thuật như: GS Tạ Quang Bửu về Thuyết tập hợp và Phép tính Toán tử, GS Trần Huy Liệu về Khoa học Lịch sử v.v..

Các lớp được đặt tên Toán 3, Lý 3, Hóa 3… được xem là khóa bồi dưỡng Sau đại học, mà ở các nước phương Tây thường gọi là 3 ème cycle – nghĩa là cấp thứ 3 của đào tạo đại học. Thái Thanh Sơn học lớp Toán III. Ông tâm sự: Theo quy trình đào tạo hiện nay – ở nước ta cũng như trên thế giới – để thành một giảng viên đại học thì học viên phải tốt nghiệp đại học, trải qua 2 năm công tác, rồi làm thạc sĩ thì mới có thể là tập sự giảng viên, sau 1-2 năm thì trở thành giảng viên. Ấy thế mà quá trình đào tạo của chúng tôi bị rút ngắn trong vòng chỉ có 1 năm, tài liệu tham khảo hoàn toàn thiếu thốn nên khó khăn càng tăng, nhưng vì ý thức trách nhiệm nên chúng tôi đã lao vào cố gắng học tập không hề biết mệt mỏi2.

TS Thái Thanh Sơn mãi ấn tượng về những người thầy, đặc biệt là về phương pháp giảng dạy. Với tác phong luôn nghiêm chỉnh trong bộ complet, thắt cravat, thầy lên lớp không có giáo án, nhưng cách thức truyền tải lại rất logic, khoa học. Một phần tư của bảng được viết tất cả các đề mục; phần còn lại viết những diễn giải nội dung của bài học, khi xóa bảng chỉ xóa phần này. Thầy giải thích rằng: “Làm như thế để sinh viên nắm được mục đích của buổi học mà không sa đà vào những nội dung không đúng trọng tâm”. TS Thái Thanh Sơn nhấn mạnh thêm: Những ai đã từng học thầy Nguyễn Thúc Hào thì sau này ít nhiều đều có phong cách giảng dạy trên lớp giống như thầy. Ngược lại, thầy Lê Văn Thiêm luôn ăn mặc giản dị, giọng nói như có “ma lực” khiến người nghe phải tập trung theo dõi cách suy luận và phân tích vấn đề, đưa người nghe từ ngạc nhiên này đến cảm hứng khác…Đặc biệt, thầy thường tập trung nghiên cứu giải quyết những khó khăn đến cùng. Thầy Tạ Quang Bửu luôn truyền cho học viên niềm đam mê học tập, khả năng tự học và sử dụng thành thạo nhiều ngoại ngữ. TS Thái Thanh Sơn nhớ lại: Thầy Tạ Quang Bửu chính là một tấm gương tự học đã có ảnh hưởng suốt cuộc đời tôi. Ngay như về ngoại ngữ, Thầy không dạy tôi giờ nào nhưng chính Thầy là hình bóng đã đốc thúc, động viên tôi luôn luôn tự trau dồi kiến thức cho bản thân mình. Tôi luôn nhớ đến lời Thầy: Muốn mở mang ra tầm thế giới cập nhật kiến thức tức thời, không bị lạc hậu thì phải hiểu người ta nói và nói cho người ta hiểu3

Ngày 1-7-1956, hơn 100 học viên khóa đào tạo đó được tốt nghiệp. Tại giảng đường I của Viện Đại học Việt Nam, GS Hồ Đắc Di- Giám đốc Vụ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục đã đọc quyết định tốt nghiệp và phân công học viên về công tác tại 5 trường mới thành lập là: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Nông Lâm, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học quốc gia Hà Nội), Đại học Kinh tế tài chính (nay là Đại học Kinh tế quốc dân) và Đại học Bách khoa Hà Nội (trong quyết định ban đầu có tên là trường Đại học và Trung học chuyên nghiệp Bách khoa). Thái Thanh Sơn cùng 27 bạn đồng khóa đã trở thành giảng viên đầu tiên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội được gọi là khóa 0. 

Bước đi ban đầu từ giảng dạy Toán học

Các trường mới thành lập có một phần cơ sở vật chất tiếp quản từ những đơn vị tiền thân như: Đại học Sư phạm Hà Nội từ các trường Sư phạm Cao cấp và Cao đẳng sư phạm, Đại học Nông lâm từ trường Canh Nông và khoa Thủy Lâm Viện Đại học Đông dương, Đại học Tổng hợp Hà Nội từ các khoa Khoa học của Viện Đại học Đông dương, riêng trường Đại học Kinh Tài và Đại học Bách khoa Hà Nội là hoàn toàn mới. Hơn nữa trường Đại học Bách khoa Hà Nội là loại hình đào tạo chuyên ngành chưa hề có ở Đông dương trước kia và ở Việt nam (miền Bắc) thời đó.

Hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường là nhà khoa học nổi tiếng – Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa. Từ giữa năm 1956, một đoàn cán bộ do ông Hoàng Xuân Tùy – cán bộ cao cấp trong quân đội có được đào tạo về kỹ thuật – nguyên Chủ nhiệm Chính trị sư đoàn 308, làm trưởng đoàn, cùng các thành viên như ông Hồ Quốc An- cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương… được cử sang Liên Xô để tìm hiểu về tổ chức và hoạt động của các trường Đại học Bách khoa Leningrad và Đại học Bách khoa Kharkov, Ucraina. Đoàn đã trao đổi học tập kinh nghiệm và mang về toàn bộ khung tổ chức và chương trình đào tạo của các khoa, bộ môn của các trường đó về giao cho từng bộ phận của trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

 Trụ sở trường Đại học Bách khoa Hà Nội lúc đó đóng ở tòa nhà D ký túc xá và 2 nhà E và F của Khu Đông Dương học xá4. Lúc này toàn bộ cán bộ, giảng viên, nhân viên của trường chí có khoảng hơn 40 người, trong đó tổ Toán có 13 người. 

Để tuyển sinh khóa đầu tiên năm 1956, Bộ Giáo dục đã thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có khoảng 1800 học sinh ở khắp nơi đăng ký thi tuyển. Vì số lượng thí sinh đông nên nhà trường đã mượn trường Trung học Trưng Vương ở phố Hàng Bài làm địa điểm tổ chức thi tuyển và tất cả cán bộ nhân viên của trường, kể cả cấp dưỡng và bảo vệ đều được điều động đi coi thi. Mấy phòng làm việc của trường Đại học Bách khoa Hà Nội thì khóa cửa và có một nhân viên bảo vệ. Các bộ môn Toán, Vật lý, Hóa học tự tổ chức ra đề thi, chấm thi rất nghiêm túc và đúng qui định. Khoảng 1200 thí sinh đã trúng tuyển vào khóa 1 trường Đại học Bách khoa Hà Nội khai giảng ngày 15-10-1956.

Nguồn tuyển sinh đầu vào của khóa I rất đa dạng và không đồng nhất: có những thí sinh tốt nghiệp Tú tài toàn phần (12 năm), Tú tài bán phần (11 năm) trong vùng tạm chiếm cũ, tốt nghiệp trung học phổ thông hệ 9 năm trong vùng kháng chiến cũ, một tỷ lệ không nhỏ thí sinh từ các lớp Bổ túc công nông học cấp tốc chương trình trung học cấp 3 chỉ trong 1 năm. Sau 1 năm học, trong số gần 1200 sinh viên khóa I, nhà trường phải tách những sinh viên thiếu kiến thức trung học cơ bản sang học một năm dự bị đại học để tiếp tục vào học với các khóa sau.

 Năm 1958, Liên Xô cử một đoàn chuyên gia giảng dạy sang giúp đỡ cho những giảng viên trẻ của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Bộ môn Toán nhận sự hỗ trợ của Phó giáo sư Gregorian từ trường Đại học Bách khoa Erevan thuộc Cộng hòa Armenia. Công việc của chuyên gia là viết bài giảng môn toán cao cấp: Giải tích và Hình học Giải tích. Mỗi tuần, PGS Gregorian soạn 2 bài giảng, sau đó được dịch và in roneo cho giảng viên Việt Nam thảo luận trao đổi, rồi sử dụng giảng dạy. Phiên dịch viên là một học sinh mới tốt nghiệp phổ thông trung học từ trường Thiếu nhi Việt Nam ở Moskva, còn rất trẻ và thiếu kiến thức chuyên môn về Toán học cao cấp, nên gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc cố gắng tự học, Thái Thanh Sơn cùng đồng nghiệp Tô Xuân Dũng đã biên soạn một tập: “Danh từ Toán học Nga – Việt”, in roneo. 

Sang năm 1959-1960, nhận thấy việc sử dụng bài giảng do chuyên gia soạn rất bị động nên bộ môn đã quyết định tham khảo tài liệu của Liên Xô, Pháp, rồi tự tổ chức viết giáo trình. Một nhóm gồm: Thái Thanh Sơn, Tô Xuân Dũng, Hoàng Công Tín đã soạn hai tập giáo trình Giải tích toán học, còn nhóm Trần Văn Hãn, Nguyễn Hồ Quỳnh soạn giáo trình Hình học giải tích. Năm 1961, hai giáo trình này được Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật phát hành, và được nhiều cơ sở đào tạo trong cả nước sử dụng làm giáo trình giảng dạy chính thức. Sáu tháng sau, sách được tái bản. Trong năm này cuốn Giải tích toán học được nhà xuất bản trao giải thưởng “Tài liệu được người đọc yêu thích nhất trong năm”. 

Ngoài nhiệm vụ giảng dạy tại trường, các giảng viên bộ môn Toán trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã phối hợp với đồng nghiệp ở trường Đại học Tổng hợp, Đại học Sư phạm hàng tuần tổ chức các seminar sinh hoạt, nghiên cứu sâu về những lĩnh vực Toán học như: Lý thuyết Xác suất, Phương trình Vật lý Toán, Toán học tính toán v..v.. Những sinh hoạt chuyên môn này đã giúp cho những giảng viên trẻ nhanh chóng nâng cao kiến thức lý thuyết cơ bản về Toán học. 

 Cán bộ bộ môn Toán trong dịp đón nhận danh hiệu Tổ Lao động xã hội chủ nghĩa, năm 1963

 Bắt đầu mở ra và phát triển hướng nghiên cứu toán học ứng dụng

Từ năm học thứ ba 1958 – 1959, ngoài việc giảng dạy những giáo trình Toán học cơ bản cho các ngành như Giải tích toán học, Hình học giải tích, Đại số tuyến tính, một số khoa đào tạo chuyên ngành bắt đầu có nhu cầu học những giáo trình Toán có tính chất ứng dụng hơn như: Lý thuyết Xác suất và Phương trình Vật lý Toán cho các ngành Điện – Vô tuyến điện – Cơ khí – Xây dựng, Lý thuyết Thông tin và mã hóa cho ngành Vô tuyến điện, Phương pháp tính cho nhiều ngành khác v..v… Để đáp ứng nhu cầu cấp bách, bộ môn Toán vẫn tiếp tục duy trì các buổi sinh hoạt seminar với trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Sư phạm Hà Nội có nội dung chuyên môn phù hợp, từ đó chia thành nhiều nhóm đi sâu nghiên cứu.

Năm 1959, sau khi bảo vệ luận án phó tiến sĩ ở Liên Xô, PTS Hoàng Tụy đã mang những tài liệu về Mô hình toán học trong kinh tế ứng dụng Xác suất – Thống kê, Kinh trắc học và qui hoạch toán học về nước, bên cạnh đó có công trình của nhà toán học Xô Viết nổi tiếng Kantorovitch mà ở Trung quốc lúc đó nhà toán học Hoa La Canh đã chỉ đạo học trò của mình ứng dụng thực tế rất thành công và sử dụng tên gọi là Vận trù học.

PTS Hoàng Tụy đã đề nghị và được Ủy ban Khoa học Nhà nước (do đồng chí Trường Chinh làm Chủ nhiệm, GS Tạ Quang Bửu làm Phó Chủ nhiệm) cho phép thành lập Tiểu ban Toán kinh tế &Vận trù học Việt Nam đặt tại Ủy ban Khoa học Nhà nước. Ông Hoàng Tụy được cử làm Trưởng tiểu ban và các ông Thái Thanh Sơn và Nguyễn Quang Thái là Phó trưởng tiểu ban. Thành viên của Tiểu ban chủ yếu là các cán bộ ở bộ môn Toán, một số sinh viên mới tốt nghiệp hệ 3, 4 năm ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, và Đại học Sư phạm Hà Nội cùng một số sinh viên khóa I, II Đại học Bách khoa Hà Nội được rút lên bộ môn chuẩn bị bồi dưỡng để làm giảng viên Toán cho trường. Tiểu ban đã xuất bản Tập san Vận trù học& Toán kinh tế, giới thiệu những tài liệu cơ bản, những công trình nghiên cứu mới trên thế giới trong lĩnh vực Qui hoạch tối ưu – Recherche opérationelle – và công bố những kết quả nghiên cứu mới của thành viên trong Tiểu ban cũng như của một số nhà nghiên cứu bên ngoài. Sau gần 3 năm hoạt động, đến năm 1961 sau khi các tạp chí khoa học chính thức của Uỷ ban Khoa học Nhà nước ra đời như: Tập san Toán – Lý rồi Tập san Toán học thì Tập san Vận trù học giải thể và hội nhập vào các tạp chí đó. Tiểu ban Vận trù học còn phối hợp với Hội Toán học Việt Nam khi đó cũng vừa được thành lập, cho ra đời tờ báo Toán học & Tuổi trẻ, về sau này chuyển thành Tạp chí Toán học và tuổi trẻ.

Tiểu ban Vận trù học còn quan hệ với một số Bộ như: Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Cơ khí và Luyện kim, Bộ Lương thực và Thực phẩm… cũng như các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Bắc v..v..thành lập các tiểu ban Vận trù học trực thuộc Văn phòng Bộ hoặc các Ban Khoa học kỹ thuật Tỉnh, Thành phố.

 Năm 1960 Tiểu ban Toán kinh tế và Vận trù học, Ủy ban Khoa học Nhà nước phối hợp với Trung ương Hội Phổ biến Khoa học và kỹ thuật Việt Nam mở một đợt công tác nghiên cứu ứng dụng đầu tiên trên nhiều tỉnh, thành phố miền Bắc. Bộ môn Toán trường Đại học Bách khoa Hà Nội được giao phụ trách 3 đoàn công tác tại Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng. Sau 3 tháng làm việc, các đoàn đã thu được những kết quả “ra tiền” như: đề tài tối ưu hóa đường đi thu gom rác trong thành phố thực hiện tại Công ty Vệ sinh Hà Nội; đề tài kiểm tra chất lượng sản phẩm thuốc và tối ưu hóa dây chuyền sản xuất tại Xí nghiệp Dược phẩm II Hà Nội; đề tài tối ưu hóa vận chuyển thóc và phân phối gạo ở các nhà máy xay; kiểm tra chất lượng sản phẩm ở Nhà máy Sứ Hải Dương; các đề tài phân phối qui hoạch thành phố… tại Hải Phòng. Kết thúc đợt công tác, bộ môn Toán nhận được bằng khen của Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Hành chính Hải Phòng và giấy khen của nhiều cơ quan, đơn vị. Những kết quả đạt được đã tạo uy tín đáng kể cho bộ môn Toán trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong hội nghị tổng kết năm 1961 tại Ủy ban Khoa học Nhà nước, ông Phan Trọng Tuệ- Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã phát biểu sẽ có chủ trương đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng toán học trong ngành. Ông Ngô Minh Loan- Bộ trưởng Bộ Lương thực Thực phẩm đã “đặt hàng” với GS Tạ Quang Bửu để bộ môn Toán, trường Đại học Bách khoa Hà Nội vận dụng phương pháp này thực hiện đề tài: Quy hoạch mạng lưới hệ thống nhà máy xay và kho thóc ở đồng bằng Bắc bộ (Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Phòng, Hà Tây…). Bên cạnh thu được những kết quả như mong muốn, thực tế còn mở ra cho các ông những đề tài luận án phó tiến sĩ như: Bài toán vận tải n chỉ số với P lần lấy tổng, của NCS Phạm Xuân Ninh; Lý thuyết đồ hình metric có trọng số của NCS Thái Thanh Sơn; Quy hoạch tối ưu lồi cuả NCS Nguyễn Địch. Chính những thành công bước đầu trong lĩnh vực ứng dụng toán học và thực tiễn này là một điểm sáng tích cực, góp phần đưa bộ môn Toán đạt danh hiệu Tổ Lao động Xã hội Chủ nghĩa. Đây là một trong 2 tổ đầu tiên của toàn ngành Giáo dục năm 1963.

Năm 1971, lũ lụt lớn làm vỡ đê Cống Thôn (phía Bắc Cầu Đuống), Hà Nội. Yêu cầu đặt ra với các ngành, các cấp là nhanh chóng hàn khẩu đê và khắc phục lũ lụt trong thời hạn không đầy 3 tháng, phải hoàn thành trước ngày 2-9-1971. Chính phủ đã biểu hiện quyết tâm bằng cách thành lập ngay một công trường, lấy bí danh là T80, do đích thân Phó Thủ tướng Đỗ Mười là Trưởng ban chỉ đạo và Ban chỉ huy gồm tướng Phạm Hồng Sơn làm chỉ huy trưởng, các Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội, Hà Bắc, Hải Hưng làm chỉ huy phó. Nhiều ngành, đơn vị được huy động tham gia khắc phục sự cố nghiêm trọng này, trong đó có trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Một số ngành khoa kỹ thuật nhận khôi phục, bảo dưỡng hàng trăm tấn thiết bị, máy móc bị hư hỏng do ngập lụt; đan hàng nghìn lồng dây thép, rồi đổ đá hộc vào tạo thành những con rồng để hàn khẩu chỗ đê vỡ. Ông Thái Thanh Sơn- lúc này là phụ trách nghiên cứu khoa học trong bộ môn Toán, nhận thấy rằng: Các khoa khác đều dùng kiến thức chuyên ngành để tham gia vào công cuộc khắc phục hàn khẩu đê và khắc phục lũ lụt, riêng khoa Toán không thể chỉ tham gia bằng cơ bắp như những dân công được huy động ra công trường. Ông đã kết nối với trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đề xuất với nhà trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ Đại học và THCN, lãnh đạo thành phố Hà Nội và Ban chỉ huy công trường cho phép cử một Tổ Vận trù học (gồm 5 người trong bộ môn Toán trường Đại học Bách khoa Hà Nội và 3 người bên Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội) tham gia làm việc tại Phòng tham mưu Ban chỉ huy công trường. Vì chưa hiểu công việc chuyên môn của tổ nên họ cử phân công các ông giúp đỡ công tác thống kê, kế hoạch trong Phòng tham mưu. Ra công trường quan sát, theo dõi thực địa mấy ngày, các tổ viên nắm bắt được khó khăn trở ngại công việc của công trường. Khu vực công trường rất hẹp và chỉ có một đường độc đạo nội bộ dài khoảng 3km và luôn có khối lượng hơn 300 xe tải, cần cẩu, máy xúc làm việc, với trên 3000 bộ đội, dân công. Dựa vào các lý thuyết về luồng vận chuyển tối ưu trong đồ thị và sơ đồ PERT tổ đã đề xuất một phương án tổ chức thi công hoàn toàn mới, giảm 20% số lượng thiết bị và gần 50% nhân công nhưng lại đảm bảo năng suất tăng lên gần gấp đôi. Sau khi Thái Thanh Sơn thay mặt tổ báo cáo phương án trước buổi họp hàng ngày của Ban chỉ huy công trường, nhiều người nghi ngại, không tin tưởng lắm. Phó Thủ tướng Đỗ Mười, với tác phong quyết đoán đã kết luận: Cho phép thực hiện thí điểm 3 ngày rồi tổ chức rút kinh nghiệm. Thí điểm thực hiện thành công rõ rệt và đã góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị đột xuất lúc đó.

Với đóng góp thiết thực đó, tổ Vận trù học được nhận Huân chương Lao động hạng III, cá nhân ông Thái Thanh Sơn được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Gắn bó với bộ môn Toán, với trường Đại học Bách khoa Hà Nội từ những ngày đầu thành lập, TS Thái Thanh Sơn luôn tự hào về những thành tựu của bộ môn trong giảng dạy lý thuyết và ứng dụng vào thực tiễn, đóng góp vào sự phát triển trong nghiên cứu khoa học, xây dựng đất nước.

Nguyễn Thị Phương Thúy

___________________________________________

* TS Thái Thanh Sơn đã được chính thức phong chức danh Giáo sư thực thụ – Professeur titulaire de chaire tại trường Đại học Bách khoa Antananarivo, Madagascar năm 1984. Sau khi trở về nước công tác, ông được đặc cách phong Phó Giáo sư tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1989 và đến năm 2001, Ban Tổ chức Chính phủ Việt Nam quyết định nâng lên ngạch Giáo sư – giảng viên cao cấp theo hệ thống chức danh qui định thời đó.

1 Tài liệu ghi âm phỏng vấn TS Thái Thanh Sơn ngày 23-2-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

2 Tài liệu ghi âm phỏng vấn TS Thái Thanh Sơn ngày 23-2-2017, đã dẫn.

3 Tài liệu ghi âm phỏng vấn TS Thái Thanh Sơn ngày 23-2-2017, đã dẫn.

4 Khu Đông dương học xá là ký túc xá của sinh viên và các khu hành chính của Viện Đại học Đông dương thời Pháp thuộc.