Kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng tôi xin giới thiệu cuộc trò chuyện với giáo sư, tiến sĩ khoa học (GSTSKH) Lê Thị Hoài An- Đại học Lorraine- Cộng hòa Pháp…
Giáo sư, tiến sĩ khoa học (GSTSKH) Lê Thị Hoài An.
Thưa giáo sư, trong những ngày này, mọi người đang hướng về ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Nhân dịp chị đang có mặt tại Việt Nam, hẳn là chị cũng có nhiều cảm xúc về nghĩ, về đồng nghiệp.
GS.TSKH Lê Thị Hoài An: Tôi đã có 37 năm trong nghề giáo. Tôi được sinh ra và trưởng thành trong một gia đình có bố mẹ và các anh chị đều là những nhà giáo. Do đó 20-11 cũng là một ngày hội của đại gia đình chúng tôi. Tôi rất tự hào về cha mẹ tôi và các anh chị của mình. Họ đã cống hiến tận tụy cho đất nước và có nhiều thành tựu đáng kể trong chuyên môn. Và những gì tôi có ngày hôm nay một phần không nhỏ đến từ truyền thống gia đình.
Ở Pháp không khí ngày Quốc tế nhà giáo không rầm rộ như ở Việt Nam. Dầu vậy, hàng năm tôi vẫn cảm nhận rất rõ không khí ngày hội này ở quê nhà, nhờ các phương tiện truyền thông. Năm nào tôi cũng nhận được lời chúc mừng nồng hậu với những bó hoa tươi thắm từ các nghiên cứu sinh Việt Nam của mình.
Được biết hành trình sự nghiệp của chị rất ấn tượng, chị có thể chia sẻ về bí quyết để đạt được sự thành công ấy?
Yêu nghề, tâm huyết với nghề, gắn bó với nghề, là những động lực thúc đẩy tôi vươn tới những đỉnh cao của khoa học..
Còn nếu nói đến bí quyết thì chắc là sự đam mê khoa học.
Đỉnh cao của khoa học mà chị đã chinh phục được là gì?
Đó là phát triển một phương pháp tối ưu cho phép giải quyết nhiều bài toán khó và đã được thế giới ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau.
Tôi còn được biết chị và chồng, giáo sư Phạm Đình Tảo, là hai tác giả sáng lập và phát triển quy hoạch DC, cả hai còn được thế giới biết đến thông qua tên gọi của thuật toán “DCA”?
Lĩnh vực chuyên môn của tôi là toán ứng dụng và tin học, chuyên ngành phương pháp tối ưu hóa, vận trù học và các ứng dụng vào nhiều lĩnh vực công nghệ – quản lý sản xuất, giao thông vận tải, tài chính viễn thông, sinh học, khai thác dữ liệu, xử lý ảnh, mã hóa và an toàn tin học….
“DCA” là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh Difference of Convex functions Algorithm (dịch ra tiếng Việt là thuật toán hiệu của hai hàm lồi). Đây là phương pháp tối ưu không lồi được GSTS Phạm Đình Tảo, chồng tôi khởi xướng từ năm 1985.
Quy hoạch DC và DCA phát triển rộng rãi kể từ 1993 thông qua các công trình nghiên cứu chung của chúng tôi, và đặc biệt từ năm 2000 thì DCA được rất nhiều nhà khoa học thế giới thuộc những lĩnh vực chuyên ngành khác nhau sử dụng.. Hơn thế, trong vòng 15 năm trở lại đây hướng đi này đã thu hút nhiều nhà khoa học nổi tiếng cũng như các hãng công nghiệp lớn của thế giới, vì như tôi đã nói ở trên, nó là một công cụ rất hữu hiệu cho phép giải quyết những vấn đề hóc búa thuộc nhiều lĩnh vực ứng dụng khác nhau.
Các bạn đồng nghiệp cho rằng chúng tôi có cái may mà hiếm cặp vợ chồng làm khoa học có thể có được là cùng nghiên cứu một chuyên ngành. Và hạnh phúc hơn nữa là đã tự sáng lập ra một trường phái riêng trong khoa học, được thế giới khai thác và sử dụng.
Chị truyền niềm đam mê nghiên cứu khoa học của mình cho sinh viên như thế nào?
Tôi thường nói với các nghiên cứu sinh của mình rằng trong cuộc đời con người ở những giai đoạn khác nhau có thể phải có những lựa chọn, ưu tiên khác nhau. Nhưng riêng về làm khoa học, nếu không ưu tiên thì cũng đừng buông trôi, vì một khi đã xa rời nó thì rất khó tìm lại được sự cân bằng. Điều này không dễ dàng gì trong môi trường đại học và nghiên cứu ở Việt Nam, nhưng cũng không phải là điều « không thể làm được».
Một phần nữa là thành công thường xuất phát từ tình yêu nghề, quý nghề. Muốn dạy tốt thì phải tìm tòi nghiên cứu và phải có tư duy sáng tạo. Đặc biệt là một giảng viên đại học, giảng dạy tốt phải luôn đồng hành với nghiên cứu khoa học. Thành công của công trình nghiên cứu khoa học này tạo động lực cho sự say mê của những công trình khoa học tiếp theo. Cứ như vậy khoa học và giảng dạy là sự đam mê và cống hiến không ngừng nghỉ của tôi.
Chị giao lưu với các nhà khoa học trên thế giới như thế nào ?
Khoa học không có biên giới, đặc biệt là với các công cụ truyền thông hiện đại ngày nay thì những người làm khoa học có thể hợp tác với nhau mặc dù chưa một lần gặp mặt.
Cái duyên trong hợp tác quốc tế của tôi cũng nhờ một phần vào DCA – khi người ta dùng nó thì thường muốn tiếp xúc và trao đổi, đặt câu hỏi, rồi dẫn đến những hợp tác với những người đã sáng lập và phát triển ra nó
Sống ở Pháp, song chị vẫn có mặt tại quê hương qua các hoạt động hợp tác với các trường đại học Việt Nam, quan tâm giúp đỡ, dìu dắt đội ngũ toán học trẻ Việt Nam… nhân dịp ngày 20/11, chị có chia sẻ gì với các đồng nghiệp Việt Nam?
Tôi đã từng là cán bộ giảng dạy ở Đại học Sư phạm Hà Nội 1 trong 10 năm. Ngay sau khi có chỗ đứng trong môi trường đại học Pháp tôi đã tận dụng những cơ hội có thể có được để công hiến cho nước nhà. Với mong ước góp phần phát triển toán ứng dụng tại Việt Nam, suốt hai mươi năm qua tôi đã ưu tiên nhận nghiên cứu sinh người Việt. Thông qua các bài giảng của mình ở nhiều trường đại học ở Việt Nam và Ban cơ yếu chính phủ, tôi muốn học trò ý thức được tầm quan trọng của toán học, thúc đẩy và tạo điều kiện cho họ nghiên cứu ứng dụng của toán vào các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là những lĩnh vực quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay – kỹ thuật số và khoa học dữ liệu. Người Việt Nam mình rất có năng khiếu về toán và tin học.
So với vài chục năm trước đây, chúng ta đã có nhiều đổi mới tích cực. Tuy nhiên, phát triển nghiên cứu khoa học ở các trường đại học Việt Nam hiện nay là một nhu cầu cấp bách của xã hội, cần có nhiều đột phá hơn nữa trong quản trị đại học và nghiên cứu khoa học, không thể trì hoãn được nữa.. Tôi cũng rất mừng khi được biết Nhà nước việt Nam quyết tâm sẽ xây dựng ba trung tâm đại học ở Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh xứng tầm quốc tế. Đầu tư cho giáo dục nói chung, đầu tư cho giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học nói riêng là đầu tư thông minh nhất, khôn ngoan nhất, có tầm nhìn chiến lược nhất.
Nhân kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 xin chúc mừng sự thành công của Chị. Xin gửi lời chúc sức khỏe, an lành, thành đạt tới chị và đại gia đình.
* Giáo sư, tiến sĩ khoa học Lê Thị Hoài An Tốt nghiệp khoa Toán – Đại học Sư phạm 1 Hà Nội 1980, cán bộ giảng dạy ĐHSP Hà Nội từ 1980-1991.
Chị lấy bằng tiến sĩ hạng ưu chuyên ngành “tối ưu hoá” 1994 v bằng Tiến sĩ khoa học năm 1997 tại Phòng nghiên cứu Toán ứng dụng, Học viện quốc gia về Khoa học ứng dụng Rouen- Cộng hòa Pháp.
Từ năm 1994 đến 2003 chị nghiên cứu và giảng dạy tại Khoa công nghệ Toán học, Phòng nghiên cứu Toán ứng dụng, Học viện quốc gia về Khoa học ứng dụng Rouen – Cộng hòa Pháp, bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư năm 1998. Từ 2003 chị là Giáo sư Đại học Paul Verlaine – Metz, Khoa Tin học và Trung tâm nghiên cứu Tin học lý thuyết và ứng dụng của Đại học này, Giám đốc của Trung tâm từ 2008 tới nay. Từ năm 2012 giáo sư ngoại hạng tại Đại học Lorraine.
Chị được nhà nước Pháp tặng huân chương năm 2014.
Trần Thúc Hoàng thực hiện.