Trong căn nhà chung cư nhỏ ở Thủ đô Hà Nội, vào một ngày tháng 4, chúng tôi đã tìm gặp ông. Bây giờ mắt đã mờ, chân đã chậm, lúc nhớ, lúc quên nhưng khi nói về những ngày tháng tham gia công tác kỹ thuật nghiệp vụ của cả tổ công tác, Đại tá Nghiêm Sỹ Tạo lại sôi nổi hào hứng với những chiến công của mình.
Nhân duyên đưa tôi đến tìm hiểu về những chiến công của Đại tá Nghiêm Sỹ Tạo và đồng đội là qua lời giới thiệu của những cán bộ ở Phòng Quản lý khoa học, nghiên cứu lý luận và lịch sử hậu cần-kỹ thuật, Cục Tham mưu thuộc Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật.
Đại tá, PGS.TS Nghiêm Sỹ Tạo trò chuyện với
tác giả về chuyện nghiên cứu, sản xuất mực bí mật
Đọc nhiều tài liệu do cán bộ làm công tác chép sử lược ghi đã tái hiện lại năm tháng gian khổ của những người làm công tác kỹ thuật nghiệp vụ nghiên cứu, chế tạo ra những sản phẩm phục vụ tốt nhất công tác, chiến đấu, góp phần quan trọng vào thắng lợi trong cuộc đấu tranh với đế quốc Mỹ.
Sinh năm 1931, tại huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, thành thạo ngoại ngữ Anh, Nga, Pháp và bảo vệ luận án bằng tiếng Đức, Đại tá, PGS.TS Nghiêm Sỹ Tạo được lớp cán bộ trẻ Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật luôn luôn khâm phục vì sự tự học, tinh thần sáng tạo không ngừng nghỉ trong nghiên cứu khoa học.
Trải lòng về công việc của mình, ông cho biết, trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, hòng giành lại quyền kiểm soát trên toàn chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã sử dụng những phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất để chống phá cách mạng nước ta. Việc sử dụng phương tiện kỹ thuật để đối phó với âm mưu và hoạt động của địch trở thành vấn đề đặt ra có tính cấp bách ở giai đoạn này.
Ngày 22-4-1960, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành quyết định thành lập Cục Kỹ thuật nghiệp vụ trực thuộc Bộ Công an. Đồng chí cố Thứ trưởng Nguyễn Minh Tiến lúc đó được bổ nhiệm làm Cục phó phụ trách, đồng chí Phạm Văn Mẫn được giao giữ chức vụ Cục phó.
“Khi đó, tôi mới tốt nghiệp kỹ sư hóa loại giỏi của Trường Đại học Bách khoa, là đảng viên nên tôi được tiếp nhận, điều về công tác tại Bộ Công an và là một trong những cán bộ đầu tiên của Cục Kỹ thuật nghiệp vụ… “- ông Tạo bồi hồi nhớ lại.
Thời gian đầu, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ chỉ có 4 phòng nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong việc nghiên cứu, sản xuất các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, phục vụ công tác trinh sát, giúp ta đối phó và giành thắng lợi trước đối phương. Việc đầu tiên ông được giao và hoàn thành xuất sắc, đó là nghiên cứu, sản xuất các cặp mực bí mật phục vụ công tác.
Thời kỳ đó, các phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác chưa phát triển. Liên lạc giữa mạng lưới với trung tâm chỉ huy và ngược lại chủ yếu được viết trên giấy bằng mực bí mật. Cả ta và địch đều sử dụng mực bí mật làm phương tiện liên lạc trong công tác thông tin.
Do vậy, việc sản xuất ra các cặp mực bí mật là một yêu cầu cấp bách đối với công tác của ta. Đối với địch, việc sản xuất các chất làm mực bí mật đã đạt ở trình độ cao, nhưng đối với ta thì đây là việc rất mới và rất khó khăn.
Trước tình hình đó, đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã giao cho Cục Kỹ thuật nghiệp vụ mà trực tiếp là Phòng Tài liệu nghiệp vụ phải nghiên cứu, tìm ra phương pháp sản xuất các cặp mực bí mật. Được lựa chọn là người trực tiếp phụ trách nhiệm vụ này, ông đã nhiều đêm trăn trở để làm thế nào có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ông Tạo cho biết, hàng tuần ông đều có nhiệm vụ báo cáo trực tiếp với đồng chí Bộ trưởng về kết quả công tác nghiên cứu, sản xuất mực bí mật. Với phong cách giản dị, quan tâm đến cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ quan trọng này, nhiều lần đồng chí Bộ trưởng đã ghé qua nơi nghiên cứu, sản xuất mực bí mật và các bộ phận nghiên cứu, sản xuất phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ khác trong đơn vị để động viên anh em và kiểm tra trực tiếp tiến độ công việc.
Giữa điều kiện chiến tranh lại thiếu máy móc thiết bị, thiếu nguyên vật liệu, việc nghiên cứu sản xuất hết sức khó khăn nhưng các đồng chí trong tổ nghiên cứu đã ngày đêm nghiên cứu để có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình, đáp ứng kịp thời yêu cầu hoạt động chiến đấu.
Năm 1962, cặp mực bí mật đầu tiên đã được sản xuất thành công, báo cáo và trình lên đồng chí Bộ trưởng để Bộ trưởng giao cho các tổ công tác đang hoạt động ở địa bàn. Đến năm 1964, tổ nghiên cứu mực bí mật tiếp tục sản xuất thành công 3 cặp mực bí mật khác và đã được lãnh đạo Bộ khen ngợi…
Ngoài mực bí mật, năm 1964, Phòng Tài liệu nghiệp vụ của Cục Kỹ thuật nghiệp vụ còn nghiên cứu thành công phương pháp làm giả các loại dấu để lấy được tài liệu mật của địch. Với tinh thần tự mày mò học thêm, đọc thêm các tài liệu nước ngoài, thói quen từ thời đi nghiên cứu sinh về hóa học ở Đức, những kiến thức đọc được cũng giúp ích cho ông rất nhiều trong công tác nghiên cứu.
Cũng trong năm 1964, ông lại được giao nhiệm vụ nghiên cứu sản xuất chất keo dùng để dán hoặc gắn bom, mìn hẹn giờ nổ vào các mục tiêu cần phá hủy. Chỉ trong một thời gian ngắn, với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, quyết tâm giải phóng miền Nam, ông và đồng đội đã nghiên cứu thành công chất keo đặc biệt, loại keo này đã được đưa vào miền Nam, phục vụ chiến đấu của các lực lượng biệt động, đặc công…
Ngoài các nhiệm vụ nêu trên, Đại tá Nghiêm Sỹ Tạo cho biết, cũng trong thời gian này, chính quyền Sài Gòn triển khai cấp thẻ căn cước có hình quả trám cho nhân dân miền Nam. Nhiều cán bộ cách mạng hoạt động bất hợp pháp trong vùng địch kiểm soát không có loại thẻ này nên bị lộ, bị địch bắt giam hoặc thủ tiêu.
Yêu cầu sản xuất thẻ căn cước và các loại giấy tờ thay thế, giả giấy tờ tùy thân của địch cấp cho nhân dân miền Nam như thẻ căn cước có hình quả trám và các giấy tờ công vụ lệnh được đặt ra cấp bách. Khi ấy, Đảng đã giao nhiệm vụ này cho lực lượng Công an và lãnh đạo Bộ đã giao nhiệm vụ này cho Cục Kỹ thuật nghiệp vụ.
Ông Tạo nhớ lại, lúc bấy giờ tham gia làm thẻ căn cước giả gồm rất nhiều đồng chí như: Nghiêm Sỹ Tạo, Trần Khắc Thiệu, Phạm Văn Mẫn, Lều Thọ Minh, Nguyễn Văn Đích… và đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Minh Tiến. Những đồng đội của ông sau này đều trở thành những lãnh đạo chủ chốt trong lực lượng CAND.
Ông Tạo bồi hồi nhớ lại quá trình làm thẻ căn cước giả bởi làm thẻ này không dễ như những tài liệu thay thế khác. Để làm ra nó, phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp, từ việc phân tích thẻ thật của địch để làm rõ các chi tiết trên đó, ta vẽ phóng to lên rồi so sánh từng chi tiết, chỗ nào chưa giống nhau thì phải chỉnh sửa cho giống như thẻ căn cước thật, sau rất nhiều công đoạn khác nữa mới đưa được vào sản xuất.
Trong công tác này, ông được giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất keo dán chất dẻo với giấy để sản xuất thẻ căn cước giả hình quả trám phục vụ cho cán bộ, chiến sỹ ta hoạt động trong vùng địch quản lý. Phải mất gần một năm mày mò nghiên cứu, ông và đồng đội mới sản xuất thành công được loại thẻ căn cước hình quả trám của ngụy để chuyển vào miền Nam cấp cho cán bộ hoạt động trong vùng địch kiểm soát.
Với những kết quả nghiên cứu nêu trên, Phòng Tài liệu nghiệp vụ, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ – Bộ Công an là một trong những đơn vị có đóng góp quan trọng trong thắng lợi của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước .
Trong tập tài liệu được ông lưu giữ cẩn thận từ thẻ đảng viên đến danh sách các công trình khoa học, cả những huân, huy chương, phần thưởng cao quý do Đảng, Nhà nước ta và Đảng, Nhà nước Lào trao tặng mà ông cẩn thận giở ra cho chúng tôi xem, ông nói, mỗi tập tài liệu đều là một kỷ niệm đẹp của ông và đồng đội đã cống hiến cho đất nước, cho lực lượng CAND.
Anh Hiếu
Nguồn: http://cand.com.vn/Cong-an