Đàm Thanh Sơn sinh năm 1969 tại Hà Nội trong gia đình trí thức. Cha anh là giáo sư Dược học Đàm Trung Bảo; mẹ là phó giáo sư, tiến sĩ Sinh hóa Nguyễn Thị Hảo. Từ nhỏ anh nổi tiếng giỏi Toán, mới học tiểu học song có thể giải được nhiều bài toán lớp trên.
Sơn học vượt lớp, đến năm 1984 khi tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế tại Praha (Tiệp Khắc), anh mới 15 tuổi. Năm đó anh đạt điểm tuyệt đối 42/42 điểm, lặp lại thành tích của hai đàn anh Lê Bá Khánh Trình và Lê Tự Quốc Thắng.
Năm 1985, Đàm Thanh Sơn sang Matxcova học Đại học Tổng hợp Lomonosov, nhưng không phải ở khoa Toán – Cơ mà là Vật lý. Những thành tựu của Đàm Thanh Sơn sau này cho thấy đây là quyết định có suy tính kỹ càng chứ không phải là bồng bột tuổi trẻ.
Tốt nghiệp đại học năm 1991, 4 năm sau anh nhận bằng tiến sĩ Vật lý tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Moskva. Các năm 1995-1999, anh là học giả hậu tiến sĩ (postdoc) tại Đại học Washington, Seattle và Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ.
Đàm Thanh Sơn thời học sinh được xem là thần đồng toán học, giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế khi mới 15 tuổi.
Thời gian 1999-2002, Đàm Thanh Sơn được bổ nhiệm làm giáo sư tại Đại học Columbia, đồng thời là học giả ở Trung tâm Nghiên cứu RIKEN-BNL, Phòng thí nghiệm quốc gia Brookhaven (Mỹ). Từ năm 2002, anh quay lại Seattle, được bổ nhiệm giáo sư tại khoa Vật lý Đại học Washington, là học giả cao cấp tại Viện Vật lý Hạt nhân trực thuộc đại học này.
Tháng 9/2012, được bổ nhiệm là giáo sư tại Đại học Chicago (Mỹ), Đàm Thanh Sơn được ngồi vào những chiếc ghế mà nhà vật lý nổi tiếng Fermi và Chandrasekhar từng ngồi. Đây là vinh dự nhà khoa học nào cũng thấy tự hào.
Tại lễ nhận quyết định bổ nhiệm, GS Đàm Thanh Sơn chia sẻ: “Cuộc hành trình nổi tiếng của Chandrasekhar từ Ấn Độ sang châu Âu gieo vào lòng tôi nhiều cảm xúc, ước mơ, khi còn là một cậu bé ở Việt Nam. Và những bài giảng sáng suốt của Fermi ảnh hưởng sâu xa đến tôi khi là sinh viên ở Moskva. Tôi đã làm việc 10 năm cực kỳ hào hứng tại Viện Lý thuyết hạt nhân ở Đại học Washington, và nay tôi sẵn sàng đón nhận những thách thức mới”.
Năm 2014, GS Sơn trở thành thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Mỹ, được bầu là thành viên Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ.
GS Sơn nghiên cứu về vật lý lý thuyết, chủ yếu là vật lý hạt cơ bản, hạt nhân và các ứng dụng của lý thuyết dây. Đến nay, anh có trên 120 công trình khoa học được công bố, trong đó có công trình được đánh giá “tạo ra những bước đột phá trong các lĩnh vực nghiên cứu”. Một trong số đó là công trình về mô hình lỗ đen lỏng trong không gian 10 chiều do anh nghiên cứu với hai nhà khoa học P. K. Kovtun và A. O. Starinets. Khám phá này gây tiếng vang trong giới bác học.
Đàm Thanh Sơn hiện là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Mỹ, giáo sư Vật lý hàng đầu thế giới.
Là người sâu sắc, kiến thức uyên thâm và tư duy sắc sảo, Đàm Thanh Sơn có thể trao đổi về nhiều vấn đề chứ không chỉ là chuyên môn sâu vật lý. TS Vũ Nguyên Thành, bạn của anh hồi học ở Nga, nay là Giám đốc phòng thí nghiệm vi sinh của Viện Công nghiệp thực phẩm chia sẻ, nói chuyện với Sơn luôn thú vị và bổ ích.
“Cậu ấy luôn muốn tìm hiểu và giải quyết vấn đề một cách trọn vẹn, chứ không chỉ nói chuyện cho vui. Có lần trao đổi về tế bào nấm mốc, Sơn đã mô hình hóa và tính toán ra tốc độ của tế bào nấm mốc bằng lý thuyết mà sau đó đã được kiểm tra bằng thực nghiệm”, TS Thành kể.
Giống như các đàn anh đang làm việc tại nước ngoài như Phạm Hữu Tiệp, Lê Tự Quốc Thắng…, Đàm Thanh Sơn luôn dùng ảnh hưởng của mình để giúp đỡ cho ngành Vật lý Việt Nam. Hàng năm, anh sắp xếp về nước để tham dự hội nghị “Gặp gỡ Việt Nam” cùng với nhiều nhà Vật lý nổi tiếng thế giới.
GS Sơn cũng tạo điều kiện đưa nhiều sinh viên Việt Nam đến học tập ở Mỹ và các nước có nền khoa học tiên tiến. Năm 2007, khi kỳ thi Toán quốc tế lần thứ 48 được tổ chức tại Việt Nam, anh về nước tham gia vào Ban giám khảo. Năm 2008 tổ chức Olympic Vật lý quốc tế ở Việt Nam, anh là một trong ba giáo sư vật lý Việt Nam được mời tham gia Ban tổ chức.
Quan tâm đến lĩnh vực truyền bá khoa học, đặc biệt là Toán học và Vật lý, trang web cá nhân của anh giống một tạp chí thu nhỏ, đăng những bài viết với cách giải thích đơn giản và tường minh. Khi Epsilon, tạp chí online của những người yêu toán ra đời, anh cho phép Ban biên tập đăng lại nhiều bài viết của mình và gợi ý nhiều chủ đề hay. Thỉnh thoảng anh cũng tham gia vào các chủ đề toán vui trên Facebook với lời giải độc đáo.
TS Trần Nam Dũng
ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM