Cổ từ học và những người thầy Nga

Do công việc làm báo ở Hà Nội tôi quen biết bà đã lâu, từ năm 2004 bà cùng gia đình vào sống tại TP. Hồ Chí Minh. Và chúng tôi thỉnh thoảng có email trao đổi. Mới đây, bà gửi cho tôi cuốn “Bắt đầu từ nước Nga”, tập hợp những bài bà viết từ thời học ở Liên Xô (cũ) cùng những bài mô tả chuyên môn sâu của bà là “cổ từ học”. Bà từng có gần 15 năm sống và làm việc tại nước Nga, trong thư bà còn thổ lộ: “Lạ là lúc này (năm nay bà 73 tuổi), những ký ức về nước Nga, con người Nga cứ ùa về anh ạ…”.

Những người thầy uyên thâm và tốt bụng

Tôi vẫn nhớ như in buổi chiều mùa thu đầu tiên khi mới đặt chân lên Matxcơva, cái cảm giác sững sờ trước vẻ đẹp lộng lẫy của một rừng lá vàng trong vườn phong trước cổng chính của Trường đại học Tổng hợp Lômônôxôp trên bờ sông Matxcơva. Tôi vẫn không sao quên được cảm giác nghe lá vàng lạo xạo dưới chân và thảng hoặc một chiếc lá phong như hình mũi tên lao vút xuống đập vào tôi, rồi rơi nhẹ trên tấm thảm vàng óng ánh trước ráng chiều…

Ở Khoa Vật lý lúc bấy giờ có thông lệ bố trí các giáo sư giỏi nhất dạy cho sinh viên năm thứ nhất, cho nên chúng tôi được học về vật lý địa cầu đại cương với thầy E.F.Savarensky, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Mở đầu bài giảng, thầy chiếu cho chúng tôi xem quả địa cầu được nâng lên bởi bàn tay nhăn nheo và nói: Khi quyết định theo nghề vật lý địa cầu, tức là chúng ta sẽ tham gia vào cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực này. Thầy hy vọng chúng ta sẽ được đi nhiều, thấy nhiều cho đến khi có một bàn tay nhăn nheo, tức là đã trở thành một chuyên gia lão luyện, giàu kinh nghiệm để nâng trái đất lên mà nghiên cứu.

Một lần thầy gọi tôi đứng dậy và hỏi: Thoa, hãy nói thật đi năm nay em bao nhiêu tuổi, 12 hay 13? Tôi ngơ ngác nhìn thầy rồi cười trả lời: Thưa, em là sinh viên sao có thể 12, 13 tuổi được ạ. Thầy gật gù: Em nói đúng, thầy xin lỗi. Thì ra, các nữ sinh ở Nga chỉ buộc nơ trên đầu ở tuổi học trò, mà hồi ấy tôi thường thích buộc hai cái nơ xanh trên hai bím tóc ngắn.

Sau này khi tốt nghiệp đại học về nước, làm việc 7 năm, tôi trở lại nước Nga làm nghiên cứu sinh phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ). Ngay ngày đầu tiên khi tôi bước chân vào tàu điện ngầm, nghe như có tiếng ai gọi mình, tôi không tin là ở thủ đô rộng mênh mông thế này lại có ai biết tên mình. Tôi nhìn lại, chính là người thầy đầu tiên, Viện sĩ Savarensky, có lẽ đôi nơ xanh buộc tóc của tôi ngày ấy làm Viện sĩ nhớ tôi cái tên Việt Nam rất khó phát âm với người Nga, chứ thầy có hàng ngàn học trò trên khắp thế giới sao nhớ xuể. Tôi rất mừng và kể với thầy vừa được cử sang làm nghiên cứu sinh ở Viện Vật lý trái đất, thầy cứ tiếc là tôi không nghiên cứu về động đất để thầy truyền nghề cho. Và thầy say sưa kể về những thành tựu mới trong dự báo động đất vừa được áp dụng ở Trung Quốc, Nhật Bản, Cadacxtan…

Vài hôm sau đến Viện, tôi sững sờ thấy trên tấm bảng to bức chân dung thầy viền băng đen, cơn đau tim đột ngột đã mang thầy đi mãi mãi, gây một tổn thất nặng nề cho ngành vật lý địa cầu Xô Viết, không ngờ lần ở bến xe điện ngầm là lần gặp cuối cùng với người thầy đầu đời kính mến.

GS.TSKH. Nguyễn Thị Kim Thoa.

Ở năm học cuối, tôi làm luận văn tốt nghiệp dưới sự hướng dẫn của nữ giáo sư Troitskaya, bà là người đầu tiên phát hiện ra những hiện tượng kỳ lạ trong từ quyển trái đất do tác động của các luồng hạt plasma tích điện từ mặt trời, chuyên môn gọi lĩnh vực này là “từ mạch động”. Do làm luận văn về từ mạch động mà tôi có may mắn được chiêm ngưỡng hiện tượng Bắc cực quang kỳ vĩ tại làng Sogra ở phương Bắc. Mỗi buổi sáng, GS.Troitskaya đều chào tôi bằng một câu hỏi: Chào cô bé, hôm nay có kết quả gì mới? Chính vì câu hỏi đó của bà mà nhịp độ làm việc của tôi ở Sogra trong thời tiết lạnh 40 độ âm luôn gấp gáp: phải xử lý cho kịp các số liệu do máy quan trắc ghi được, rồi minh giải những tài liệu đó để tìm ra quy luật. Sau nửa năm sống ở miền cực Bắc nước Nga, công trình về từ mạch động mà tôi được đứng tên cùng GS.Troitskaya báo cáo tại nhiều hội nghị quốc tế, sau đó công bố trong các tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô và Pháp, đã trở thành một trong các công trình đầu tiên trên thế giới về thời tiết vũ trụ.

Không sao quên được ngày ấy, tôi được trèo lên đỉnh núi Capcadơ để nghiên cứu về cổ từ với những người thầy, người bạn Xô Viết. Đoàn đi thực địa có 14 người, do TSKH. Pechersky dẫn đầu. Ngày  đầu tiên lấy mẫu ở vành đai ophiolit phía Tây Armenia, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Lúc đầu tôi cứ hì hụi leo lên theo phương thẳng đứng, mà luôn bị tụt xuống. Anh Lukov, một thành viên trong đoàn liền chỉ cho tôi cách leo theo hình dích dắc để thoát khỏi cái thế núi dựng đứng, cuối cùng thì tôi cũng  lên được đỉnh. Mây bay vùn vụt qua người và Capcadơ ở dưới chân. Nhưng khi nhìn xuống tôi bỗng thấy sa sẩm mặt mày, chân như mềm đi, tay cố níu chặt mỏm đá, có cảm giác sắp bị rơi tõm xuống vực thẳm. Từ xa thầy Pechersky nói, lấy mẫu đi, tôi thảng thốt đáp lại: Em không thể. Giây lát, thầy hiểu ra, nói tiếp: Em từ từ xuống núi chờ tôi và Asanidze (một nghiên cứu sinh khác) sẽ lấy hộ mẫu cho. Và anh Lukov ở gần đấy liền dắt tay tôi dò dẫm từng bước xuống núi. Nghỉ được vài phút, tôi quyết định lại trèo lên. Lần này đã có kinh nghiệm vừa học được, tôi leo nhanh hơn và không cảm thấy sợ nữa. Tôi nói với thầy Pechersky là có thể tự lấy mẫu được. Thế rồi buổi sáng hôm đó tôi cũng “hoàn thành kế hoạch” lấy được 10 mẫu cổ từ, hai bàn tay thì phồng rộp, đau rát. Sang tháng thực địa thứ hai, chúng tôi đi về phía Bắc, thuộc lãnh thổ Gruzia, quê hương của  Asanidze. Sau chuyến thực địa đáng nhớ ấy, trong 3 năm nghiên cứu sinh của tôi đánh vật với 1.000 mẫu đá Capcadơ, phân tích chúng để chứng minh rằng còn một phần từ dư, giữ được các thông tin hàng triệu năm về trước ở thời điểm chúng hình thành. Tôi luôn cảm ơn số phận đã cho tôi được đặt chân lên Capcadơ hùng vĩ, để rồi được gắn với những công bố khoa học trong luận văn phó tiến sĩ, sau đó là tiến sĩ về cổ kiến tạo của mình.

Có tồn tại một “trường lạ”?

Một lần GS.TSKH. Luvovenko mời tôi đến thăm một gia đình, ở đó bà chủ nhà luôn bị đau đầu dù đã chữa qua nhiều bác sĩ. Bà bị mắc căn bệnh này từ khi dọn đến căn hộ mới. GS. Luvovenko hỏi chuyện, rồi ông rút trong cặp ra một cặp khung dây điện, cầm chúng song song trên hai tay, chăm chú đi chậm rãi và ông dường như “xuất thần” không biết đến xung quanh. Tôi thấy đôi khung dây khi thì nằm dọc theo hướng đi của ông, khi thì bỗng quay ngoắt 90 độ về phía phải hay sang trái. Sau một hồi đo ở cả phòng khách và phòng ngủ của chủ nhân, ông lấy giấy kẻ ca rô ra đánh dấu các vị trí, rồi đo lại một lần nữa. Sau đó ông giải thích cho bà chủ là cần phải xoay lại vị trí đầu giường, chuyển chiếc ghế sopha mà bà hay ngồi xem tivi ra cách đó chừng nửa mét. Ông khẳng định, chỉ vài ngày sau bệnh đau đầu của bà sẽ hết. Tôi thì chẳng hiểu gì cả. Trở về phòng làm việc của ông tại Viện Địa từ, điện ly và truyền sóng, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, ông giải thích cho tôi là trên mặt đất của chúng ta, ngoài các trường địa vật lý như ta đã biết như trường địa từ, trường trọng lực, còn tồn tại một trường nữa có thể gọi là trường sinh địa. Nguồn gốc của trường này hiện còn chưa rõ, nhưng có thể kiểm chứng được qua thực nghiệm. Nó phân bổ trên mặt đất dưới dạng các ô vuông, ở mỗi điểm giao tiếp của ô vuông chính là điểm dị thường của trường mà cặp khung dây của ông đo được. Con người và các loài vật đều có phản ứng khác nhau khi rơi vào các vị trí dị thường. Trường hợp của bà chủ mà ông vừa đo, thì nơi đầu giường và chỗ đặt ghế sô pha lại trùng với điểm dị thường của trường sinh địa. Vài ngày sau, ông nhận được điện thoại của bà chủ nhà, báo là đã hết đau đầu. Sau này tôi cũng sắm một khung dây và học theo thầy Luvovenko, tại gia đình mình cũng chữa được chứng mất ngủ cho chính vợ chồng tôi. Trong khoa học còn nhiều điều chưa lý giải được, “trường sinh địa” của GS. Luvovenko đến nay vẫn còn là một hiện tượng lạ, bí ẩn.

Bình pha lê của Tổng thống Putin

Giữa tháng 2/2001, tôi được Ủy ban Đối ngoại phân công tham gia Ban Lễ tân nhà nước đón Tổng thống Nga Putin trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam. Nhiệm vụ của tôi là tiếp và tháp tùng phu nhân Tổng thống, bà Lutmila Shkrebneva. Bắt đầu từ khi nước ta chính thức có quan hệ ngoại giao với Liên Xô là ngày 30/1/1950. Trong 50 năm qua, Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo gần 40 nghìn cán bộ, chuyên gia trong đó có 3.000 tiến sĩ, 200 tiến sĩ khoa học. Sau khi Liên Xô tan rã, Liên bang Nga được quốc tế công nhận kế thừa Liên Xô trong các quan hệ ngoại giao và ngày 16/6/1994, Việt Nam và Liên bang Nga đã ký hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.

Đến ngày cuối trước chuyến thăm của Tổng thống Putin tôi nhận được điện thoại từ ban lễ tân, vì lý do đột xuất, phu nhân của Tổng thống không sang được, tôi chỉ cần tham gia vào cuộc gặp với Tổng thống chiều mùng 2/3. Buổi tối ngày đầu tiên Tổng thống Putin tới Việt Nam, khi tôi đang ngồi xem tivi các cuộc gặp của Tổng thống với các vị lãnh đạo nhà nước ta, thì thấy anh nhân viên của Văn phòng Quốc hội mang đến một hộp giấy được gói gém rất đẹp và viết bằng tiếng Nga. Mở ra, đó là một bình pha lê trong suốt, trên đó có khắc nổi quốc huy Liên bang Nga, kèm theo tấm danh thiếp của Tổng thống Putin. Tôi đặt chiếc bình pha lê vào một vị trí trang trọng trong tủ bày những kỷ vật sau mỗi chuyến đi. Và tôi đặc biệt nhìn hồi lâu vào quốc huy Liên bang Nga khắc trên bình pha lê ấy. Nhà nước Nga đã chính thức dùng hình tượng này từ ngày 20/12/2000. Đó là hình con đại bàng có hai đầu, trên đầu đại bàng có 3 chiếc vương miện của Piotr Đại đế, mỗi đầu đại bàng đội một vương miện, ở giữa có một vương miện to hơn; chân đại bàng thì cặp quyền trượng và quả cầu; trước ngực đại bàng là một chiếc khiên trên đó có hình kỵ sĩ đang dùng giáo đánh bại con rồng. Một quốc huy mang biểu tượng chiến thắng của một quốc gia hùng mạnh, có lịch sử trải qua nhiều thời kỳ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Chiều mùng 2, tôi cùng chồng tôi đến Cung Văn hóa Hữu nghị tham gia buổi gặp mặt những người đã sống và học tập tại Liên Xô. Trẻ trung và cởi mở, vị Tổng thống thứ hai của nước Nga mới đã nói: “Tất cả chúng ta ngồi trong hội trường này, bao gồm cả tôi nữa, đều có chung một dòng lý lịch đã học và tốt nghiệp ở Liên Xô hoặc Liên bang Nga”. Đến khi Tổng thống ngừng lời, bỗng nhiên ai đó cất tiếng hát bài Chiều Mátxcơva, tất cả đều hát trong niềm xúc động nước mắt dâng trào nhớ về nước Nga yêu dấu: Rừng cây chim muông lắng suốt canh thâu/Em ơi thấu chăng tình trong lòng bao trìu mến/Matxcơva bên chiều vắng thanh bình… Chúng tôi hát trong niềm hạnh phúc lẫn nước mắt dâng trào để nhớ về nước Nga yêu dấu, rồi vỗ tay tiễn Tổng thống Putin, vị sứ giả của tình hữu nghị hợp tác trong thời kỳ mới giữa hai dân tộc Việt – Nga.

 

Phạm Đào Ly

Nguồn: suckhoedoisong.vn/co-tu-hoc-va-nhung-nguoi-thay-nga-n138747.html