Câu chuyện học giả Đào Duy Anh soạn “Hán – Việt từ điển”

Thật bất ngờ khi biết rằng, tác giả Đào Duy Anh (1904-1988) soạn bộ từ điển gồm 5.000 từ đơn, 40.000 từ ghép khi mới 26 tuổi, và hoàn thành chỉ trong vòng hai năm.

Trong cuốn hồi ký Sống với tình thương của bà Trần Thị Như Mân (1907-1992), phu nhân học giả Đào Duy Anh, chuyện về sự ra đời của bộ từ điển này được bà kể lại chi tiết.

Vợ chồng Giáo sư Đào Duy Anh bên các học trò. Ảnh: tư liệu.

Bà Như Mân sinh ra trong gia đình “lá ngọc cành vàng”, là con gái ông Giải nguyên Trần Tiễn Hối, nguyên Tổng đốc Nghệ An, cháu nội quan Phụ chính đại thần Trẫn Tiễn Thành. Bà đã đậu cao đẳng tiểu học và được bổ làm giáo viên kiêm giám thị tại trường Đồng Khánh, Huế.

Trong khi đó, học giả Đào Duy Anh là con nhà nghèo, nhưng học rất giỏi. Đỗ bằng Thành chung tại trường Quốc học Huế năm 1923, ông không làm công chức mà làm nghề dạy học ở Trường Tiểu học Đồng Hới tỉnh Quảng Bình. Ông từng là Thư ký tòa soạn báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng, và năm 1928, sáng lập Quan Hải tùng thư, để xuất bản những loại sách phổ cập để người đọc quen với tư tưởng khoa học.

Bà gặp ông khi cùng hoạt động cách mạng trong đảng Tân Việt, lúc đó, tình cảnh gia đình của bà cũng đã sa sút. Cảm thương tính ham học mà lại rộng lượng với mọi người của ông, bà đã nhận lời cầu hôn của ông. Ông đã nhờ người đem lễ vật đến hỏi xin cưới bà, hai người chưa định ngày kết hôn thì cả hai bị bắt tháng 7/1929.

Giữa năm 1930, hai ông bà được ra tù nên tổ chức đám cưới đơn giản và mở cửa hàng buôn bán để sinh sống tại Huế. Theo bà Như Mân, ý định về việc soạn từ điển được nảy ra khi bà đọc lại các sách của Quan Hải tùng thư, thấy cuốn nào cũng phải để mấy trang ở cuối giải thích các từ Hán Việt, bà bèn bàn với ông, nên tập hợp những từ Hán Việt lại, rồi giải thích như một cuốn từ điển giúp người đọc tra cứu dễ dàng.

Ông Đào Duy Anh thấy ý kiến đó hay và cho rằng có thể làm được, ngoài ra sách từ điển in ra sẽ không bị chính quyền thực dân Pháp cản trở như những sách chính trị. Do đó, ông bắt tay vào làm ngay và nhờ bà hỗ trợ một số việc.

Hán Việt từ điển của học giả Đào Duy Anh là

công trình kinh điển ở thể loại này, tới nay vẫn

phổ biến với nhiều phiên bản.

Công việc ông giao cho bà là sắp xếp lại những tài liệu đã có, trong đó có bộ phích ghi chú các danh từ khó mà ông đã làm từ trước. Bà còn có nhiệm vụ đọc Nam Phong toàn tập, các sách và tạp chí bằng quốc văn quan trọng, để lọc ra những từ Hán Việt thường dùng, bên cạnh các tác phẩm văn học cổ điển như Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm khúc…

Trong khi đó, ông Đào Duy Anh gửi thư cho bạn bè và các nhà sách quen ở Hà Nội, Sài Gòn nhờ tìm mua các loại từ điển cũ mới để tham khảo. Nhờ đó, ông nhận được các bộ từ điển Từ nguyên, Từ hải, Khang Hy từ điển, Trung Quốc quốc ngữ đại từ điển, Vương Văn Ngữ từ điển, Bạch thoại từ điển…

Các từ Hán Việt được bà trích ra, ghi ra phích, sau đó xếp theo thứ tự ABC, rồi đưa cho ông xem. Sau khi ông bổ sung rồi, bà mới chép ra giấy, mỗi từ cách nhau vài dòng để ông ghi giải nghĩa. Theo bà Như Mân, chữ của ông viết rất khó đọc, chỉ có mình bà đọc được. Khi bà sinh con, bận việc nhà, phải thuê người chép giúp, người này phải chừa nhiều chỗ trống vì không đọc ra, phải chờ bà điền sau.

Ban ngày, bà bận buôn bán ở cửa hàng, đến 9h tối đóng cửa mới bắt tay vào công việc ghi chép đến 11h, ngày nào cũng đều đặn như vậy, không có thay đổi. Chỉ có tối thứ Bảy và Chủ nhật, bà mới nghỉ ngơi để đi thăm bạn bè và giải trí.

Ông Đào Duy Anh cũng vậy, ngoài thời gian đi dạy ở trường tư thục Phú Xuân, về đến nhà là bắt tay vào làm việc ngay. Ông tự đặt kỷ luật, mỗi ngày phải làm xong mấy chữ mới được nghỉ. Cứ xong được một tập, bà phải chép lại rồi nhờ mấy người em của ông, khi thì ông Đào Duy Kỳ, khi thì ông Đào Duy Dếnh, đạp xe đưa lên nhà cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự để cụ xem lại. Do đó, sách in ra, có tên Hãn Mạn tử là người hiệu đính.

Học giả Đào Duy Anh – người mở đầu cho nhiều ngành khoa học xã hội ở Việt Nam.

Sau khi xong quyển Thượng (Từ A đến M), bà Như Mân lo việc in để ông có thể tiếp tục làm phần Hạ (từ N đến X). Lúc đó ông bà không có vốn, muốn in phải có tiền mua giấy và đặt trước cho nhà in.

Ông Đào Duy Anh bèn nhờ cụ Phan Bội Châu viết cho lời đề từ, ký tên là Hãn Mạn tử. Sau đó ông viết lời giới thiệu quyển từ điển sắp ra để kêu gọi người đọc hãy đặt mua trước, mỗi quyển là 1 đồng. Lời giới thiệu được gửi đăng báo và in thành nhiều tờ gửi tới các nhà xuất bản, các hiệu sách và bạn bè để nhờ giúp đỡ.

Trong khi chờ số tiền người đặt mua gửi về, bà viết thư cho y sĩ Trần Đình Nam – người từng cộng tác với ông Đào Duy Anh tại Quan Hải tùng thư, giúp ông biên soạn một số cuốn sách về khoa học, khi đó ở Đà Lạt – hỏi vay 100 đồng. Bà còn vay của người chị là bà Nguyễn Khoa Tú một đôi xuyến vàng, đem cầm để lấy tiền ứng trước. Với số tiền đó, bà có thể đặt cho nhà in báo Tiếng dân ở Huế để in quyển Thượng.

Xong quyển Thượng, ông bà thu được một số tiền, có thể lo in quyển Hạ tử tế hơn. Ông bà liền chuyển bản thảo sang in tại nhà in Lê Văn Tân ở Hà Nội, vì nhà in này có nhiều chữ Hán, kỹ thuật in cũng đẹp hơn. Bản thảo gửi đi, nhà in sắp chữ in thử, rồi gửi từ Hà Nội vào Huế theo tàu tốc hành cho ông bà chữa bông.

Hàng ngày, cứ tàu tốc hành đến, ông bà cho người lên chờ sẵn ở bưu điện Huế, lấy bản dập thử về, tập trung chữa cả ngày đêm để hôm sau kịp giờ gửi qua bưu điện theo tàu tốc hành ra Hà Nội. Cứ như thế, quyển Hạ hoàn thành, tính từ khi bắt tay vào công việc đến khi sách in xong chỉ trong vòng hai hăm.

“Chúng tôi đã để hết tâm trí vào công việc mà may mắn là kết quả không phụ với công sức của vợ chồng chúng tôi và sự giúp đỡ của bạn bè”, bà Như Mân viết.

In xong bộ Hán Việt từ điển, bà tìm cách hoàn trả lại các món tiền đã mượn của bạn bè. Lúc đó ông Trần Đình Nam đã thôi việc ở Đà Lạt, về Đà Nẵng mở phòng khám bệnh tư. Bà Như Mân đem 100 đồng vào Đà Nẵng gửi trả, ông cười nói rằng, lúc trước ông đưa tiền là có ý giúp hai ông bà chứ không phải cho vay. Tuy nhiên, nếu bà đã đưa trả thì ông sẽ lấy lại để giúp cho người khác. Và sau đó, ông lấy số tiền đó gửi cho ông Võ Nguyên Giáp.

Năm 1945, khi học giả Trần Trọng Kim thành lập nội các dưới thời vua Bảo Đại, y sĩ Trần Đình Nam được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

 

Lê Tiên Long

Nguồn: news.zing.vn/cau-chuyen-hoc-gia-dao-duy-anh-soan-han-viet-tu-dien-post797964.html