Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, trường Đại học Thủy lợi mở rộng nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ sản xuất vào các tỉnh miền Nam. Những công trình thủy lợi ở miền Nam trước giải phóng ít được chính quyền cũ quan tâm xây dựng, sau giải phóng lại bị hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng. Vì vậy nhiệm vụ hàng đầu của ngành thủy lợi lúc đó là cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi cũ, đồng thời khảo sát hiện trạng để đề xuất và đưa ra giải pháp quy hoạch, xây dựng phù hợp cho từng vùng, từng địa phương phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đầu năm 1976, trường Đại học Thủy lợi cử một số cán bộ giảng viên và kỹ sư tốt nghiệp khóa 12,13 vào các tỉnh phía Nam, kết hợp với các Ty Thủy lợi khảo sát, thiết kế, thi công một số công trình thủy lợi nhằm khôi phục kinh tế địa phương. Ngày 24/11/1976 Bộ trưởng Bộ Thủy lợi[1] ký quyết định số 1745-QĐ/TC thành lập đoàn công tác của trường Đại học Thủy lợi lấy tên là “Đoàn khảo sát quy hoạch thiết kế Bộ Thủy lợi” gọi tắt là đoàn ĐH, chia thành hai đoàn: ĐH1 đóng ở TP. Hồ Chí Minh và các vùng lân cận; ĐH2 đóng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Tây Nguyên. Đến tháng 3-1978, đoàn ĐH3 được thành lập và đóng trên địa bàn tỉnh Minh Hải[2]. Nhiệm vụ của đoàn ĐH là phối hợp với các địa phương thực hiện nhiệm vụ ba kết hợp: khảo sát, quy hoạch, thiết kế thủy lợi; đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất. Đoàn ĐH2 có nhiệm vụ quy hoạch, thiết kế, thi công một số công trình thủy lợi của Trung ương và địa phương tại Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đắc Lắc. Thành phần gồm các cán bộ kỹ sư thuộc các khoa của trường Thủy lợi như: khoa Thủy nông, khoa Công trình, khoa Thủy văn… cùng hàng chục kỹ sư đã tốt nghiệp khóa 12, 13 và sinh viên năm cuối khóa 14 của trường Đại học Thủy lợi cùng tham gia để thực tập và làm đồ án tốt nghiệp. Trưởng đoàn là ông Phạm Bồng – Chủ nhiệm khoa Công trình thủy lợi, trực tiếp phụ trách nhóm khảo sát tại Phan Rang (Ninh Thuận), Phó đoàn là ông Ngô Trí Viềng – Chủ nhiệm bộ môn Thủy công, phụ trách nhóm khảo sát ở Đà Lạt (Lâm Đồng).
Năm 1976, giảng viên Lê Kim Truyền và Hà Văn Khối cùng là thành viên của đoàn khảo sát tại Lâm Đồng và là nòng cốt của đoàn ĐH2. Hai ông được cử đi tiền trạm để chuẩn bị cơ sở vật chất, chỗ ăn ở cho cả đoàn, và thu thập tài liệu về các công trình thủy lợi tại Lâm Đồng, cùng đi còn có PTS Lương Văn Hào (khoa Thủy nông) và kỹ sư trẻ Nguyễn Chiến (khoa Công trình).
GS Hà Văn Khối (trái) và GS Lê Kim Truyền
Ngày 12-12-1976, nhóm tiền trạm lên đường vào Lâm Đồng trên chiếc xe ô tô 16 chỗ do Ba Lan sản xuất, trường Thủy lợi thuê để đưa cán bộ vào Nam công tác. Đây là lần đầu tiên các thành viên trong nhóm được vào các tỉnh phía Nam nên rất hào hứng, như chia sẻ của ông Hà Văn Khối: Sau giải phóng hầu hết chúng tôi chưa biết miền Nam như thế nào, nên khi được cử đi tôi rất háo hức[3]. Rời Hà Nội từ sáng sớm, sau một ngày rong ruổi trên đường, chiều tối thì nhóm tiền trạm đến Huế. Nghỉ lại Huế một ngày, sau đó nhóm tiếp tục lên đường vào Quy Nhơn và nghỉ qua đêm tại đây. Hôm sau nhóm đến Phan Rang, ngày 15-12-1976 đến Đà Lạt bằng chiếc xe đò cũ chở 4 người. Việc đầu tiên nhóm phải thực hiện ở Đà Lạt là liên hệ với chính quyền địa phương và Ty Thủy lợi để tìm chỗ ở cho cả đoàn. Thời điểm đó tại Đà Lạt có nhiều công sở và biệt thự của một số tướng lĩnh quân đội thời Việt Nam Cộng hòa vẫn còn nguyên vẹn, bỏ không. Ban đầu địa phương có ý định bố trí cho đoàn khảo sát ở trong căn biệt thự của ông Cao Văn Viên[4], nhưng nhóm không dám nhận vì xa trung tâm Đà Lạt, sợ bị Fulro tập kích. Sau nhóm chọn căn nhà hai tầng của Ty Canh nông Lâm Đồng tại số 7 Thủ Khoa Huân làm nơi đóng quân của đoàn.
Sau giải phóng, lực lượng Fulro ở Tây Nguyên hoạt động rất mạnh, chúng thường xuyên tập kích vào các đơn vị bộ đội và sát hại dân thường. Ông Lê Kim Truyền còn nhớ đúng dịp lễ Noel (ngày 25-12-1977), tỉnh đội Lâm Đồng bị Fulro cài mìn cho nổ ở sàn hội trường khi đang tổ chức cuộc họp ở tầng 2, khiến nhiều người bị thương vong. Ty Thủy lợi tỉnh Đắc Lắc cũng bị chúng đánh bom làm sập tầng 1. Để đảm bảo an toàn cho nhóm khảo sát, chính quyền cấp cho ông Hà Văn Khối và Lê Kim Truyền mỗi người một khẩu súng ngắn, nhưng hai ông không dám nhận vì không biết sử dụng. Để thuận tiện trong việc đi lại cũng như liên hệ với các cơ quan để thu thập tài liệu, nhóm được phép mua một chiếc xe ô tô bằng kinh phí của trường. Khi đó ở Đà Lạt người dân có nhiều xe ô tô cá nhân, nhưng khi mới tiếp quản ta chỉ cho phép cán bộ mới được đi ô tô nên nhiều người bán xe với giá rẻ, thậm chí còn rẻ hơn xe máy. Nhóm khảo sát mua chiếc xe ô tô TOYOTA của Nhật đã qua sử dụng, có giá 5000 đồng. Bốn cán bộ nhóm khảo sát đều không biết lái xe nên phải thuê lái xe tên Thịnh.
Sau khi đã lựa chọn được nơi ở, nhóm bắt đầu tìm kiếm, tập hợp tài liệu thủy lợi tại các đơn vị, cơ quan của chính quyền cũ trước đây nay ta tiếp quản. Tại Lâm Đồng, những tài liệu này nằm chủ yếu trong các báo cáo, bản thiết kế được lưu giữ tại Văn khố Đà Lạt. Đây là kho lưu trữ lớn, có nhiều tài liệu quan trọng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Do vậy sau giải phóng, một đơn vị bộ đội được cử đến tiếp quản kho lưu trữ này, sĩ quan chỉ huy đơn vị vốn học ngành thư viện nên đã niêm phong tất cả tài liệu trong Văn khố. Sau đó, một cán bộ miền Nam tập kết tên Tần tiếp tục nhận trách nhiệm quản lý. Ông Tần từng học tại trường Đại học Thủy lợi, sau khi tốt nghiệp được phân công làm việc tại thư viện của nhà trường. Vì vậy, tình trạng bảo quản các tài liệu trong kho tương đối nguyên vẹn, ông Tần đã hỗ trợ đắc lực các cán bộ khảo sát nghiên cứu, tìm kiếm tài liệu.
Nhiệm vụ của đoàn ĐH2 tại Lâm Đồng được xác định là khảo sát, nghiên cứu mở rộng dung tích hồ chứa Liên Khương. Từ đó bơm nước ngược lên hồ chứa Đơn Dương tại Lâm Đồng để tăng công suất phát điện của nhà máy thủy điện Đa Nhim ở Phan Rang, và phục vụ thủy lợi tại địa phương theo yêu cầu của Bộ Thủy lợi. Đồng thời tiến hành quy hoạch, xây dựng các công trình thủy lợi cho tỉnh Lâm Đồng. Vì vậy nhóm tiền trạm tập trung tìm kiếm tài liệu về thủy văn, địa chất, địa hình và thiết kế của hồ Liên Khương và tài liệu về các công trình thủy lợi nhỏ của Lâm Đồng. Mặc dù Văn khố Đà Lạt là kho lưu trữ lớn, nhưng tài liệu về vấn đề thủy lợi rất ít, do chính quyền cũ trước đây chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này, nhóm phải phân công người đến Ty Thủy lợi và Ty Điện lực để tìm kiếm thêm tài liệu. Hồ chứa Liên Khương có liên quan đến quy hoạch chung của toàn bộ hệ thống sông Đồng Nai, ông Hà Văn Khối và Lê Kim Truyền phải đến nhiều nơi ở TP Hồ Chí Minh để tìm tài liệu liên quan, làm căn cứ tính toán xác định vai trò của hồ chứa Liên Khương trong hệ thống. Trong số những công trình phục vụ thủy lợi của Lâm Đồng chỉ có Đại Đờn là công trình có tài liệu lưu trữ tại Ty Canh nông, còn những công trình khác đoàn phải khảo sát, xây dựng số liệu từ đầu. Khó khăn nhất là đo địa hình, vì phải dọc theo các triền núi hiểm trở, nhiều nơi không có đường đi, cả đoàn phải phát hoang mở đường. Trang thiết bị phục vụ đo địa hình, đo thủy văn cũng thiếu thốn, phải sử dụng các phương pháp thủ công. Ngoài ra, đoàn còn thu thập nhiều tài liệu cơ bản khác, đặc biệt là tài liệu khí tượng thủy văn, từ đó tổng hợp về đặc điểm dòng chảy sông ngòi, lựa chọn phương pháp tính toán thủy văn cho thiết kế các công trình thủy lợi khu vực Tây Nguyên.
Tháng 3-1977, nhóm tiền trạm được bổ sung một số kỹ sư thủy lợi tốt nghiệp khóa 12 đã vào Tây Nguyên từ đầu năm 1976. Được tăng cường lực lượng, nhóm bắt đầu tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực địa. Đầu tiên là khảo sát tuyến, sau đó đo địa hình, khoan địa chất lấy mẫu đất tại hồ Liên Khương gửi ra Hà Nội làm thí nghiệm. Công tác khảo sát địa chất rất vất vả, đoàn phải sử dụng máy khoan tay đưa từ Hà Nội vào, mẫu đất sau đó được đóng hộp bảo quản rồi thuê xe tải chở về trường Thủy lợi làm thí nghiệm. Bản thân ông Lê Kim Truyền áp tải xe chở mẫu đất ra Hà Nội, mất hơn ba ngày mới đến nơi. Tháng 4-1977, Phó đoàn Ngô Trí Viềng, phụ trách địa bàn Lâm Đồng cùng 10 kỹ sư vừa tốt nghiệp khóa 13 vào Lâm Đồng trực tiếp chỉ đạo công tác khảo sát. Tháng 5-1977, trường Đại học Thủy lợi tiếp tục cử khoảng 30-40 sinh viên khóa 14 vào hỗ trợ đoàn, kết hợp lấy tài liệu phục vụ làm đồ án tốt nghiệp. Đoàn ĐH2 tại Lâm Đồng còn được bổ sung một số sinh viên. Họ là những sinh viên học ngành thủy lợi từ trước giải phóng miền Nam, sau khi thành phố Huế được giải phóng, họ tiếp tục được trường Đại học Thủy lợi tiếp nhận đào tạo.
Sau khoảng 3-4 tháng nghiên cứu số liệu và căn cứ vào kết quả khảo sát hồ Liên Khương, đoàn khảo sát nhận thấy không thể nâng cấp để tăng dung tích lòng hồ, vì yếu tố quan trọng nhất là nguồn nước của hồ không có nhiều và hiệu quả không cao. Đoàn báo cáo kết quả với Bộ Thủy lợi và dừng kế hoạch nâng cấp, mở rộng công trình này. Song song với quá trình khảo sát hồ Liên Khương, đoàn ĐH2 kết hợp với Ty Thủy lợi Lâm Đồng tiến hành khảo sát các hồ thủy lợi khác như: hồ Quảng Hiệp (xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng), hồ Đại Đờn (xã Đại Đờn, Lâm Hà), hồ Chiến Thắng và hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt).
Trong ký ức của hai giảng viên Hà Văn Khối và Lê Kim Truyền, những chuyến đi khảo sát tại các địa phương cách xa Đà Lạt khá vất vả và nguy hiểm. Cả đoàn chỉ có chiếc xe 4 chỗ nhưng thường ngồi 5-6 người và phải chuyên trở nhiều lần mới đưa hết thành viên trong đoàn đến địa điểm khảo sát, xa nhất là đi Đại Đờn cách Đà Lạt khoảng 40-50 km. Khi về các địa điểm này khảo sát, đoàn phân chia thành từng nhóm nhỏ ở trong những ngôi nhà sàn của người dân tộc thiểu số. Trước nguy cơ phải đối mặt với bọn Fulro, chính quyền cấp cho đoàn 6 khẩu súng AR-15 của Mỹ để tự vệ. Buổi tối phải cử người canh gác đề phòng Fulro tập kích bất ngờ, ông Hà Văn Khối từng suýt bị sinh viên bắn vì nhầm tưởng Fulro. Sự việc là trong khi đang ngủ ông Hà Văn Khối chợt nghe có tiếng động lạ ở ngoài nên dậy kiểm tra, người sinh viên gác đêm giật mình liền chĩa súng vào ông. Ông kịp hô to "đừng bắn là thầy". Một trong số những gia đình ở Đại Đờn mà đoàn ở trọ có người từng đi lính Việt Nam Cộng hòa, sau này đoàn khảo sát được tin người này đi theo Fulro. May mắn là trong suốt thời gian ở đó đoàn không gặp vấn đề gì.
Trên cơ sở các số liệu, đoàn vẽ thiết kế, lập kế hoạch xây dựng và trình tỉnh Lâm Đồng phê duyệt. Công trình đầu tiên được tỉnh duyệt để triển khai xây dựng ngay trong năm 1977 là đập dâng nước Quảng Hiệp. Đoàn khảo sát vừa là người thiết kế vừa trực tiếp giám sát thi công công trình này. Theo thiết kế, kênh dẫn nước Quảng Hiệp đi ven qua những sườn đồi, có chỗ dốc phải làm thác nước. Đoàn nhận thức được tất cả những công trình xây dựng sau này cần đưa vào phục vụ du lịch, nên đã thiết kế cửa thu nước theo dạng hoa loa kèn, một loài hoa có nhiều ở Đà Lạt. Lần lượt sau đó là các hồ Chiến Thắng, Đại Đờn cũng hoàn thành về mặt khảo sát thiết kế và bắt đầu xây dựng, hồ Tuyền Lâm mới chỉ dừng ở mức khảo sát tuyến. Vì đây là công trình lớn của thành phố Đà Lạt nên cần có thời gian theo quy hoạch tổng thể.
Ngoài những khó khăn về điều kiện khảo sát, đoàn cũng gặp không ít khó khăn về đời sống vật chất. Mặc dù kinh phí do Bộ Thủy lợi cấp và tỉnh Lâm Đồng cũng hỗ trợ một phần khi đoàn thiết kế xây dựng các công trình thủy lợi của địa phương, nhưng không đáng kể. Giáo sư Hà Văn Khối chia sẻ: Chúng tôi ở ngoài Bắc vào nên nghiêm chỉnh lắm, hàng hóa ở Đà Lạt nhiều nhưng không dám mua. Dù gạo được bán tự do nhưng chúng tôi vẫn ăn theo chế độ tem phiếu, cơm độn bo bo[5]. Giáo sư Lê Kim Truyền, khi đó là người phụ trách đời sống của cả đoàn, thì vui vẻ kể: Để chuẩn bị Tết năm 1978, đoàn nuôi một con lợn nhưng đến gần tết trời rét nhiều nên lợn bị chết. Các thầy trong đoàn phải họp bàn cách xử lý, tất cả thống nhất đem đi chôn không dám ăn thịt vì sợ lợn nhiễm bệnh. Nhưng đêm xuống sinh viên lại đào lợn lên để làm thịt[6]. May mắn là đoàn ở gần trại gà công nghiệp Đà Lạt, và làm tốt công tác dân vận nên hàng tháng đều mua được gà từ trang trại này. Nhờ vậy sức khỏe của cả đoàn cũng được đảm bảo. Hàng tháng đều có một cuộc họp giao ban giữa hai đoàn khảo sát ở Phan Rang và Đà Lạt, có thể tổ chức tại Đà Lạt hoặc Phan Rang, nhưng đoàn ở Đà Lạt thích về Phan Rang họp vì ở đó có điều kiện sinh hoạt tốt hơn.
Bên cạnh nhiệm vụ chính là khảo sát, thiết kế các công trình thủy lợi tại địa phương, cán bộ giảng viên trong đoàn còn phải tổ chức đào tạo sinh viên khóa 14 làm đồ án tốt nghiệp ngay tại thực địa. Sinh viên năm thứ 5 khóa 14 được chia thành nhóm về địa phương làm công tác điều tra, khảo sát, nắm vững tình hình hiện trạng của từng công trình, từng vùng để lập phương án khai thác, quy hoạch cho từng địa phương hoặc tính toán các thông số thiết kế cho các công trình cụ thể. Số sinh viên này có khoảng 2 tháng để thu thập tài liệu, sau đó tập trung viết đồ án theo sự hướng dẫn của các thầy (mỗi giảng viên hướng dẫn khoảng 10 sinh viên), với sự hỗ trợ của những kỹ sư đã tốt nghiệp của khóa trước. Tháng 5-1977, trường Đại học Thủy lợi quyết định cho những sinh viên khóa 14 tham gia đoàn khảo sát được bảo vệ đồ án tốt nghiệp tại Lâm Đồng. Thời điểm đó thiếu cán bộ giảng dạy và điều kiện đi lại còn nhiều khó khăn, nên trường Thủy lợi chỉ gửi quyết định thành lập Hội đồng chấm đồ án tốt nghiệp vào Lâm Đồng để các giảng viên phụ trách đoàn tự tổ chức. Các thầy vừa là người hướng dẫn vừa tham gia chấm đồ án của sinh viên. Giáo sư Hà Văn Khối đánh giá: Đồ án tốt nghiệp của những sinh viên tham gia đoàn khảo sát đều là những đề tài có giá trị thực tế cao, giải quyết kịp thời yêu cầu phát triển thủy lợi ở các địa phương[7].
Tháng 3-1978, sau khi hoàn thành cơ bản những nhiệm vụ, kế hoạch được giao phó, đoàn kết thúc đợt công tác và trở lại Hà Nội. Một vài cán bộ, kỹ sư ở lại, kết hợp với đoàn công tác đợt sau để tiếp tục hoàn thành những công trình thủy lợi chưa hoàn thiện.
Chuyến khảo sát, quy hoạch được thực hiện trên một địa bàn rộng lớn, trong thời gian không dài, nhưng kết quả thu được rất quan trọng và có ý nghĩa lớn: Thứ nhất, giúp Bộ Thủy lợi trả lời câu hỏi nên hay không nên nâng cấp, tăng dung tích chứa của hồ Liên Khương. Thứ hai, trực tiếp thiết kế xây dựng, khôi phục được một số công trình thủy lợi phục vụ trước mắt cho tỉnh Lâm Đồng. Thứ ba, những tài liệu điều tra, khảo sát, những bản đồ hiện trạng, chi tiết cho từng huyện, những ý tưởng quy hoạch đã đặt nền tảng cho các dự án thủy lợi tại Lâm Đồng và Tây Nguyên sau này. Giáo sư Lê Kim Truyền chia sẻ: Nhóm chúng tôi đã khảo sát được các tuyến, các đoàn vào sau dựa vào đó để tiếp tục nghiên cứu quy hoạch, xây dựng các công trình thủy lợi tại Lâm Đồng như công trình và hệ thống kênh Đại Đờn, tuyến đập chính Tuyền Lâm…[8]. Qua hoạt động thực tiễn rộng lớn này, kiến thức chuyên môn của đội ngũ cán bộ, giảng viên được nâng cao; kỹ sư mới tốt nghiệp và sinh viên năm cuối được làm quen với điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội ở các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên nhờ vậy kỹ năng nghề nghiệp được nâng cao, khi ra trường họ tham gia vào các công trình thực tế nhanh hơn. Nhưng đặc biệt nhất là góp phần xây dựng thành công mô hình "ba kết hợp" đó là: Kết hợp giữa thầy và trò trong công tác thực tập, đồ án tốt nghiệp, công tác nghiên cứu khoa học và sản xuất; Kết hợp giữa thầy giáo già, trẻ, tập sự nhằm đạt tới mục tiêu “tre già, măng mọc”; Kết hợp giữa nhà trường và địa phương, giữa giáo viên, sinh viên với cán bộ thủy văn thủy lợi địa phương[9]. Đánh giá sự thành công của mô hình ba kết hợp mà Đại học Thủy lợi thực hiện ở các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên, năm 1982, Giáo sư Nguyễn Đình Tứ[10] đã phát biểu: Đây là mô hình ba kết hợp thành công nhất, nhưng lại là mô hình duy nhất mà chỉ có ở trường Đại học Thủy lợi thực hiện được ngay từ những ngày đầu giải phóng, tồn tại và phát triển đến tận bây giờ[11].
Ngày 8 – 12 – 1986, Bộ trưởng Bộ Thủy Lợi đã có quyết định số 598-QĐ/TC về việc đổi tên các đoàn khảo sát Quy hoạch thiết kế thành các “Trung tâm kết hợp đào tạo, nghiên cứu và thực hành khoa học kỹ thuật thủy lợi tại Nam Bộ và Trung Bộ” gọi tắt là Trung tâm ĐH1 và Trung tâm ĐH2. Năm 1998, Trung tâm ĐH1 được chuyển thành Cơ sở 2 của Đại học Thủy lợi tại thành phố Hồ Chí Minh, còn Trung tâm ĐH2 sau đó cũng được chuyển thành Viện Đào tạo và Khoa học ứng dụng miền Trung.
Trở lại trường Đại học Thủy lợi, giảng viên Lê Kim Truyền và Hà Văn Khối tiếp tục công tác giảng dạy. Năm 1980, ông Hà Văn Khối thi đỗ và được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học Bách khoa Leningrad. Sau đó một năm ông Lê Kim Truyền cũng đươc cử sang Liên xô làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học Xây dựng Moskva, nhưng sau đó ông phải về quê để chăm sóc bố ốm nặng và mất một năm để học ngoại ngữ, nên đến tháng 3-1983 ông mới sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Hai ông đều trở thành những chuyên gia về thủy lợi và tham gia khảo sát, quy hoạch nhiều công trình thủy lợi, nhưng chuyến khảo sát năm 1976 vẫn để lại cho hai ông nhiều ấn tượng nhất: Chuyến đi giúp chúng tôi hiểu được tình hình đất nước, con người miền Nam và vượt qua được những khó khăn về cuộc sống,công việc. Lúc ấy còn trẻ được tham gia những đơn vị độc lập như vậy và làm chủ công việc giúp chúng tôi trưởng thành, tình thầy trò và đồng nghiệp gắn bó hơn[12].
Lê Nhật Minh
___________________________________________________
* GS.TS.NGND Lê Kim Truyền, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi (2000-2005); GS.TS Hà Văn Khối, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Thủy văn công trình, trường Đại học Thủy lợi.
1 Từ 1995 là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trên cơ sở sáp nhập ba Bộ: Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm; Bộ Lâm nghiệp; Bộ Thủy lợi).
2 Ngày 6-11-1996, Minh Hải được tách ra thành hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.
3 Ghi âm phỏng vấn GS.TS Hà Văn Khối, 7-8-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
4 Ông Cao Văn Viên (1921-2008), nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa (1965-1975).
5 Ghi âm phỏng vấn GS.TS Hà Văn Khối, 7-8-2017, tài liệu đã dẫn.
6 Ghi âm hỏi thông tin GS.TS Lê Kim Truyền, 19-10-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
7 Ghi âm phỏng vấn GS.TS Hà Văn Khối, 7-8-2017, tài liệu đã dẫn.
8 Ghi âm hỏi thông tin GS.TS Lê Kim Truyền, 19-10-2017, tài liệu đã dẫn.
9 Trích bài viết "ĐH-35 năm nhìn lại" của GS.TS Ngô Đình Tuấn, nguyên Trưởng đoàn ĐH1, đăng trên Website: http://www.tlu.edu.vn/lich-su-phat-trien-truong/dh–35-nam-nhin-lai-3508.
10 GS.TS Nguyễn Đình Tứ, nguyên Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo (1976-1987).
11 Kỷ yếu 30 năm thành lập các đoàn ĐH của trường Đại học Thủy lợi.
12 Ghi âm hỏi thông tin GS.TS Lê Kim Truyền, 19-10-2017, tài liệu đã dẫn.