Thầy tôi – PGS.TS Nguyễn Văn Huy

Mọi lúc, mọi nơi… đều làm việc

Không biết từ đâu, có lẽ là do quá say nghề, nên với PGS.TS Nguyễn Văn Huy mọi lúc, mọi nơi đều có thể tác nghiệp. Ngay từ sáng sớm ngày 18-5-2018, hai thầy trò xuất phát ra sân bay Nội Bài, trên đường đi, thầy đã hỏi tôi về việc chuẩn bị cho lễ tiếp nhận của GS.TS Nguyễn Ngọc Giao – một sự kiện lớn trong chuyến công tác. Thầy sẽ đại diện cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam phát biểu khi chính thức tiếp nhận khối tài liệu đồ sộ này. Mặc dù bài phát biểu đã được chuẩn bị nhưng trong phòng chờ ở sân bay, thầy tranh thủ sửa thêm và đọc đi đọc lại nhiều lần. Lên máy bay, thầy vẫn tiếp tục sửa đến khi thấy hài lòng.

"Mình chưa có ảnh nào chụp trên xe" – thầy cười khi xem bức ảnh tôi chụp trộm thầy đang đăng ảnh buổi làm việc lên facebook

Trong suốt chuyến đi, hành trang luôn bên thầy là chiếc Ipad và chiếc Iphone quen thuộc. Tác phong điền dã dân tộc học, nhân học đã ăn sâu trong thầy nên khi tham dự sự kiện, gặp gỡ đối tác, đồng nghiệp, các nhà khoa học… thầy luôn ghi lại mọi khoảnh khắc rất mau lẹ. Nhiều lần, vừa kết thúc buổi làm việc trên xe về, thầy hỏi chúng tôi đã thấy ảnh thầy đăng chưa. Hóa ra,trong buổi làm việc, thầy đã cập nhật ngay trên facebook! Lứa trẻ chúng tôi ”toát mồ hôi” để “chạy theo”.

Không chỉ trong làm việc, mọi lúc với chúng tôi, thầy luôn uốn nắn, truyền dạy kinh nghiệm. Lúc thì trên xe sau khi làm việc với nhà khoa học, khi thì đi trên đường tới quán ăn, rồi vừa ăn vừa trao đổi, thậm chí là ít phút trong thang máy. Thầy mở ra nhiều ý tưởng nghiên cứu, thầy A nên khai thác phát triển ở điểm này, thầy B cần phát triển ở điểm kia. Cứ thế, thầy trao đổi đến tận cửa phòng nghỉ.

Xóa nhòa ranh giới tuổi tác

Đã quen phong cách làm việc của thầy, nhóm chúng tôi cùng thầy phối hợp làm việc rất nhịp nhàng, ăn ý. Từ tổ chức thành công lễ tiếp nhận bộ sưu tập tài liệu của GS.TS Nguyễn Ngọc Giao đến gặp mặt các thành viên trong Hội đồng cố vấn chuyên môn HERITIST tại Tp. Hồ Chí Minh, phỏng vấn và sưu tầm tài liệu của các nhà khoa học,… Không những được thầy chỉ dẫn, gợi mở cách nghiên cứu, chúng tôi học được ở thầy cách khai thác phỏng vấn nhân vật và làm sao ghi lại hình ảnh nhân vật kể chuyện nhiều nhất. Khi làm việc với PGS.TS Mạc Đường, thầy phỏng vấn, tôi ghi chép, còn một đồng nghiệp của tôi chụp ảnh. Vừa bị cuốn hút vào câu chuyện của PGS.TS Mạc Đường, vừa chủ quan nghĩ là máy ảnh chỉ để chụp ảnh, chúng tôi không nghĩ đến việc dùng máy ảnh để ghi hình những câu chuyện sâu sắc của PGS.TS Mạc Đường. Ra xe về, thầy nhắc nhở ngay. Đó là bài học nhớ đời về tính linh hoạt trong làm việc để làm sao có nhiều nhất các dạng tư liệu. Phê bình là vậy, nhưng lát sau thầy lại say sưa gợi ý các công việc cần làm tiếp.

Tôi nhớ nhất những bữa ăn cùng thầy. Chúng tôi hăng hái khoe thầy về kết quả làm việc trong buổi, trong ngày… Món cà pháo, cơm tấm sườn nướng trở thành món khoái khẩu của chúng tôi trong những ngày tại Tp. Hồ Chí Minh. Sự gần gũi, thân thiện khiến ranh giới tuổi tác bị xóa nhòa. Không khí đầm ấm của tình thầy trò, tình đồng nghiệp đã xua tan nỗi nhớ gia đình của các thành viên trong nhóm.

“Chạy xô” quên cả uống thuốc

Đây là điều áy náy nhất của tôi trong chuyến đi này. Đó là buổi làm việc cuối tại Tp. Hồ Chí Minh, hai thầy trò làm việc ba nơi trong một buổi sáng. 6h30 hai thầy trò xuất phát đến nơi hẹn đầu tiên với TS Trần Thanh Pôn, một đồng nghiệp của thầy. Để tiết kiệm thời gian, chúng tôi thống nhất với nhau sẽ đến nhà thầy Pôn rồi cùng đi ăn sáng và trò chuyện. Ấy vậy mà vừa gặp nhau, thầy Pôn mừng rỡ, say sưa nói chuyện và giới thiệu kho tư liệu. Hai thầy trò bị cuốn theo câu chuyện quá hay của thầy Pôn mà quên cả chuyện ăn sáng. Tạm chia tay với thầy Pôn, hai thầy trò nhanh chóng bắt taxi đến nơi hẹn thứ hai ngay vì đã quá sát giờ hẹn.

Cứ thế, hai thầy trò “chạy xô” cho đến gần 11 giờ trở về khách sạn. Ngồi ăn trưa, thầy giở khay thuốc cần uống trong bữa sáng và tươi cười nhờ đồng nghiệp của tôi chụp hộ ảnh: "Thầy bên thuốc chưa uống", để lưu lại làm kỉ niệm. Chúng tôi nhận lỗi với thầy vì sắp xếp lịch chưa khoa học, khiến thầy không kịp ăn sáng để uống thuốc, nhưng thầy vẫn động viên như thế là quá khoa học rồi!

Chỉ bốn ngày thôi nhưng quá nhiều kỉ niệm đáng nhớ, vui có, buồn cũng có. Nhưng trên hết là hạnh phúc và tự hào, được làm việc với thầy, được thầy tận tình chỉ bảo dìu dắt. Hơn thế nữa, chúng tôi đã tạo được nhóm làm việc ăn ý, sát cánh cùng nhau. Tôi thấy mình lớn hơn nhiều sau chuyến đi này.
 

Trần Bích Hạnh