”Mãi Xanh như đã từng xanh”

Thế hệ sinh viên khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp (sau là trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội) có lẽ không ai không biết tới thầy – PGS.TS Phạm Xanh. Với chất giọng Quảng Bình, ấm nhưng vang thầy đã thổi niềm đam mê khám phá lịch sử Việt Nam cận hiện đại vào biết bao thế hệ sinh viên từ bao giờ không biết.

Đối với tôi, chuyên đề có cùng tên cuốn sách "Nguyễn Ái Quốc với quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác Lê-Nin vào Việt Nam" đã cho tôi được gặp và học thầy. Tôi còn nhớ, buổi học chuyên đề kéo dài đến gần 12 giờ trưa nhưng thầy luôn nở nụ cười tươi rói đến cuối buổi giảng. Chúng tôi thường nói với nhau, nụ cười tươi là đặc sản của thầy.

Năm 2017, sáu năm trôi qua, tôi lại được gặp thầy với tư cách nghiên cứu viên của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đến đặt vấn đề nghiên cứu nhà khoa học. Thời điểm đó tôi biết thầy mang trong mình trọng bệnh. Mỗi ngày trôi qua là một ngày thầy phải chống chọi với những cơn đau giằng xé nhưng thầy vẫn vậy, luôn nở nụ cười tươi và nhiệt huyết với công việc.

Có lẽ từ lâu thầy đã chuẩn bị cho "một chuyến đi xa" với một tinh thần lạc quan. Bởi vậy thầy hối hả với những công việc còn dang dở, ngày đêm thầy cặm cụi nghiên cứu những công trình còn bỏ ngỏ, thầy thúc giục chúng tôi đến làm việc… Sau buổi trao đổi ngày 15-1-2018 thầy lên lịch hẹn chúng tôi một buổi làm việc tiếp theo vào cuối tháng 1. Nhưng rồi sức chống cự của thầy ngày một hao mòn, thầy đổ bệnh và phải điều trị nhiều tuần sau đó. Những buổi hẹn của hai thầy trò cứ phải tạm hoãn.

PGS.TS Phạm Xanh trong một buổi làm việc với nghiên cứu viên Trung tâm, ngày 14-3-2018

Sau Tết Mậu Tuất, thầy trò chúng tôi có buổi trao đổi ngày 14-3-2018. Buổi làm việc kéo dài được gần 60 phút thì tôi phải kết thúc, đó là lúc tôi cảm nhận rõ nhất sức khỏe của thầy đang dần yếu. Từng hơi thở của thầy nghe nặng nhọc, giọng nói vang ấm nay còn đâu, thay vào đó là chất giọng khàn đặc. Tôi cũng không ngờ, không lâu sau buổi làm việc ấy thầy phải nhập viện. Và chúng tôi không dám tin đó là lần đi không trở về của thầy. Chiều ngày 30-5-2018, tôi cùng các cựu sinh viên khoa Lịch sử khóa K49, trường ĐHKHXH và NV đến thăm thầy. Ngồi trên giường bệnh, ánh mắt thầy ngấn lệ. Dường như thầy muốn tâm sự nhiều mà sức khỏe không cho phép. Khi nghe học trò hồi cố tri tân, ánh mắt sâu thăm thẳm của thầy bỗng rực sáng, tôi cảm nhận được đó chính là nhựa sống trong giai đoạn này của thầy.

Rồi cũng đến lúc chúng tôi phải ra về, dù mệt mỏi nhưng thầy vẫn gắng nở một nụ cười tươi và bắt tay từng học trò. Chào thầy mà trong lòng tôi day dứt một nỗi niềm bởi tôi vẫn còn nợ thầy những buổi trò chuyện và một bộ ảnh đẹp. Giờ đây, ngồi nhớ lại hai cuộc gặp gỡ gần đây, tôi mới hiểu rõ vì sao từ trước đến nay thầy luôn có tinh thần lạc quan trước mọi biến động của cuộc sống như vậy.

Thầy sinh ra trong một gia đình trung nông ở Phú Lộc nay là Quảng Phú, Quảng Trạch, Quảng Bình. Phú Lộc nằm ngay bên kia đèo Ngang – nơi giáp ranh giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình, nơi ranh giới giữa các nền văn hóa và giữa các trận tuyến khác nhau. Vì là vùng đệm, thường xuyên phải gánh chịu tàn dư của chiến tranh nên cuộc sống nơi đây gắn liền với chữ nghèo. Người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông rồi đốn củi đốt than, làm gỗ, làm muối… Cuộc sống chân phương, giản dị quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng vẫn không đủ ăn. Thước đo độ giàu nghèo được tính bằng lượng ngô, khoai, sắn độn với cơm trắng. Tuy vậy, những người con Quảng Bình luôn giữ tinh thần lạc quan và có niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống. Tinh thần ấy ăn sâu và ngấm vào máu cậu bé Phạm Xanh trở thành bàn đạp giúp cậu vượt qua những thăng trầm của cuộc sống, vững vàng, kiên cường trước mọi bạo động của dòng đời.

Năm 1960, Phạm Xanh ra Hà Nội học trường Trung cấp Ngoại ngữ. Ba năm sau, sau khi tốt nghiệp Phạm Xanh được phân công tác về Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Mười năm làm việc ở đây, tiếp xúc với nhiều loại sách lịch sử đã hun đúc tình yêu với ngành Sử học trong ông để rồi năm 1973, ông thi đỗ vào khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau bốn năm ngồi trên ghế giảng đường, chàng sinh viên Quảng Bình xác định đi sâu nghiên cứu mảng lịch sử Việt Nam cận – hiện đại bởi theo ông đây là giai đoạn lịch sử biến động nhất cần khai thác kỹ để có những lý giải thỏa đáng.

Cả cuộc đời Thầy dành tình yêu trọn vẹn cho nghiên cứu lịch sử. Nhớ lại những buổi trò chuyện thuở sinh viên, Thầy hay đùa với chúng tôi rằng: "Ngày thầy ở với ông Nguyễn Trãi, tối về thầy ở với "hai bà" (Hai Bà Trưng)". Hơn bốn thập kỷ nghiên cứu, Thầy đã có hơn 100 bài viết đăng trên các tạp chí, kỷ yếu hội thảo trong và ngoài nước và nhiều cuốn sách, tiêu biểu là cuốn "Nguyễn Ái Quốc với quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác Lê-Nin vào Việt Nam". Thật không quá khi nói Thầy là một trong những chuyên gia nắm rõ và hiểu sâu về giai đoạn lịch sử Việt Nam cận hiện đại. Các tiết giảng của Thầy không bao giờ cần giáo án vì thầy thuộc bài giảng như trong lòng bàn tay. Dù là tiết thảo luận, thầy cũng luôn giải đáp mọi thắc mắc và tranh luận của sinh viên mà không cần tới sách hay giáo trình.

Nếu từng là học trò của Thầy, có lẽ không ai quên được câu hỏi: "Phải không ạ?" mà thầy luôn dành cho sinh viên. Dù giảng bài hay thảo luận bất kỳ vấn đề gì, thầy đều thể hiện tinh thần dân chủ. Trước mỗi lời giải thích của mình, thầy luôn hỏi ý kiến học trò có phản biện gì không, đã hiểu thấu đáo?. Thầy là thế, luôn dành những gì trìu mến, yêu thương nhất cho các thế hệ học trò.

Từng ngày trôi qua, dù mang trong mình trọng bệnh, Thầy không bỏ lỡ bất kỳ hội nghị, hội thảo nào ở Hà Nội hay miền Trung. Thầy lo cho từng buổi bảo vệ của học trò. Cách đây khoảng 1 tháng, dù vẫn đang điều trị nhưng Thầy nén đau để tham dự một hội đồng bảo vệ luận án ở trường Đại học Huế. Trước khi đi, gia đình lo lắng cho sức khỏe nhưng vẫn đồng ý để Thầy tham gia hội đồng này vì gia đình biết rằng Thầy lo lắng cho học trò và đó là tình yêu, niềm vui duy nhất của Thầy.

Thầy vẫn thường nói vợ và các con của mình rằng, sự lạc quan và niềm đam mê công việc giúp Thầy đẩy lùi mọi bệnh tật. Lạc quan là thế, niềm tin mãnh liệt là vậy, nhưng Thầy không thể vượt qua quy luật của cuộc sống. Nhìn Thầy nằm trên giường bệnh, từng hơi thở nặng nhọc, chúng tôi ngày ngày cầu mong một phép màu nhiệm sẽ đến với Thầy nhưng điều đó không xảy ra.

Sáng sớm ngày 2-6-2018, Thầy ra đi mãi mãi. Tôi tin chắc trong tâm trí của người thân, của hàng ngàn học trò thân yêu luôn hướng về thầy, "Phạm vẫn sẽ không bao giờ chín, vẫn mãi Xanh như đã từng xanh"!

Hoàng Thị Kim Phượng