Website Khoa Lịch sử xin đăng lại những dòng tâm sự, bài viết về PGS.TS.NGƯT Phạm Xanh từ những đồng nghiệp và những học trò của Ông. Có một Phạm Xanh như thế. Một Phạm Xanh…không bao giờ chín! Trân trọng!
Ảnh PGS.TS.NGUT Phạm Xanh (bên phải ảnh) chụp cùng PGS.TS Vũ Quang Hiển
* Bài viết của PGS.TS Vũ Quang Hiển – Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (trên facebook cá nhân.
VĨNH BIỆT PHẠM XANH!
Anh mãi Xanh bởi đâu cần chín?
Cuộc đời ngay thẳng giữa trời xanh.
Lòng mẹ – đất lành Anh về nhé…
Nghìn thu vọng tưởng mãi Xuân Xanh!
** Bài viết của TS Trương Thị Bích Hạnh – Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (trên facebook cá nhân)
Không biết có phải 1 ngọn gió ngao du nào đó đã đưa chàng trai Phạm Xanh từ đất Quảng Bình gió Lào cát trắng ra đất Thủ đô, lại đưa người từ một cử nhân tiếng Nga, cán bộ bảo tàng trở thành một người thầy làm sử. Cái cây non xanh ngày nào dần trở thành một cây cổ thụ, sum suê che chở và vun đắp cho nhiều thế hệ học trò. Đó là một cái cây vững chãi, vừa có vẻ ngạo nghễ, kiên cường của vùng quê nắng lửa vừa có nét đẹp hào hoa của đất Tràng An gắn bó mấy chục năm cuộc đời, luôn nhiệt thành, đôn hậu nhưng hào sảng và đầy tự trọng.
Ảnh PGS.TS.NGUT Phạm Xanh chụp cùng học trò, sau này là đồng nghiệp của Ông
trong Bộ môn Lịch sử Việt Nam cận – hiện đại – TS Trương Thị Bích Hạnh
Thầy trong mắt tôi là như thế. Trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời, THẦY càng thể hiện mình đúng là một PHẠM XANH như thế. Sức khỏe nguy kịch, thầy được các bác sĩ chuyển từ giường bệnh sang phòng cấp cứu. Cấp cứu một lúc, bác sĩ nói: giờ gọi hết người nhà vào đi. Lúc này anh Nghĩa vừa rời khỏi để về trường lo một số thủ tục, cô Tâm quay sang hỏi tôi: gọi cho Nghĩa nhé. Lập tức thầy cố gắng hết sức giằng cái mặt nạ oxy ra chỉ để nói: nhà…nó…xa. Ý thầy là nhà anh Nghĩa xa, đừng gọi. Khi các anh chị trong trường đến thăm, thầy cố đưa tay vẫy chào và nắm tay từ biệt. Sau hết một vòng vẫn thấy thầy đưa tay lên, cái đầu tiên tôi không hiểu, đến khi thầy đưa tay lần nữa mới hiểu: thầy muốn nắm tay tôi, để chào, để bảo: thôi về đi trong khi tôi không chào thầy vì định ở với thầy lúc nữa. Tuyệt đối không bao giờ muốn phiền học trò, dù là nhỏ nhất, thầy là như thế. Và thầy đã chiến đấu, đến những giây cuối cùng. Mạch tim đã về 0 mấy bận lại lên, thầy vẫn cố sức thêm ít nữa. Yêu lắm, thương lắm, mà đau lắm.
Hôm nay ở nhà, tôi tự dặn mình: không thể nằm khóc mãi, phải làm việc, kể cả việc chân tay để quên bớt nỗi buồn. Bắt tay vào dọn nhà, mà sao mỗi góc trong căn nhà nhỏ của tôi đều có dấu ấn của thầy: chỗ kia là cuốn sổ ghi chép thầy tặng lại, góc này là cuốn sách của thầy, chỗ khác nữa là cái USB các bài viết của thầy, laptop vẫn mở trang bản thảo hai thầy trò viết chung, góc bàn trang điểm cũng là lọ nước hoa thầy tặng sau chuyến đi nước ngoài. Ngay cả bước ra sân, nhìn lên cây khế xanh đang vươn mình trong nắng: tôi vẫn cứ thấy THẦY. Thầy là Phạm Xanh không bao giờ chín mà.
Cũng phải thôi, tôi 36 tuổi và được làm học trò của thầy 18 năm. Có cô học trò nhắn tin cho tôi: “Cô ơi, không hiểu sao nghe tin thầy mất em rất buồn, chả hiểu sao lại bật khóc nữa. Em chưa từng được tiếp xúc với thầy nhưng biết đến thầy qua những câu chuyện của cô kể, những cuốn sách của thầy”. Cảm động và ngạc nhiên, vì tôi chưa từng có ý thức kể về thầy với SV. Mọi thứ cứ nói ra, tự nhiên như hơi thở, vì thầy là 1 phần quan trọng trong cuộc sống và công việc của tôi.
0h52 phút đêm qua, tôi đã nắm tay thầy và nói lời từ biệt. Sinh lão bệnh tử, hội ngộ và chia ly là quy luật của cuộc đời. Nhưng không sao cả, không ai có thể ngăn cản tôi – bất giác trong những giây phút nào đó của cuộc đời – nhìn lên hàng cây xanh và bầu trời đầy nắng và nhớ thầy. Vì THẦY PHẠM XANH đang ở trên cao đó…
*** Bài viết của PGS.TS Trần Viết Nghĩa – từng là học trò, sau là đồng nghiệp của PGS.TS.NGƯT Phạm Xanh trong bộ môn Lịch sử Việt Nam cận – hiện đại (trên facebook cá nhân)
Nhớ nghĩ về thầy!
Tôi biết thầy – PGS.TS.NGƯT Phạm Xanh từ năm 1997, nghĩa là 21 năm về trước, khi đang là sinh viên khoa Lịch sử. Tôi ấn tượng mạnh với lần đầu tiên gặp thầy trên lớp. Quần bò, áo phông, giầy thể thao, mái tóc dài, quăn, bồng bềnh như sóng lượn, nở nụ cười rất tươi và giơ tay chào lớp tôi. Thầy nhẹ nhàng giới thiệu: “Tôi tên là Phạm Xanh. Xanh nghĩa là không bao giờ chín”. Cả lớp đều cười. Thầy mở đầu bài giảng bằng một cách nhẹ nhàng, tươi vui và thân thiện như vậy đấy. Nhẹ nhàng nhưng để lại dấu ấn không bao giờ quên.
Ảnh PGS.TS.NGUT Phạm Xanh chụp cùng các Thầy Cô, Sinh viên và K44 Sử,
dịp 45 năm thành lập Khoa Lịch sử (1956-2001)
Hơn 20 năm theo thầy, tôi chưa một lần nhìn thấy thầy lật giờ từng trang giáo án. Thầy không bao giờ sử dụng công nghệ trình chiếu để thể hiện sự chính xác của các con số và sự kiện. Không giáo án, bài giảng, không trình chiếu nhưng thầy luôn biết cách truyền lửa đam mê, đưa lịch sử dân tộc chạm đến mọi cung bậc cảm xúc của học trò. Thầy là một pho sử sống về lịch sử Việt Nam cận hiện, một nhà sư phạm lành nghề. Ở trên lớp thầy ít khi ngồi giảng và luôn đi lại trên bục giảng để nhìn học trò. Có lần thầy bảo tôi: Tôi thích đi lại trên bục giảng để nhìn học trò thân yêu của tôi. Tôi thích ánh mắt học trò nhìn tôi. Em phải nhớ chỉ cần nhìn ánh mắt học trò là có thể đánh giá được bài giảng của mình. Với học trò xứ Bắc, chất giọng Quảng Bình thật khó nghe, nhưng ở thầy thì ngược lại: “Trầm ấm, rõ nghe, nhẹ nhàng nhưng có lửa”. Chỉ một lần được nghe thầy giảng, học trò cả đời không thể nào quên được chất giọng đặc biệt của thầy Xanh.
Tôi đến với thầy như một cái duyên trời định. Ban đầu tôi không thích học sử; không thích làm thầy giáo; không thích làm nghiên cứu. Tuy nhiên, ngay trong buổi giảng đầu tiên tôi đã hoàn toàn bị thầy chinh phục, từ phong thái, chất giọng, và niềm đam mê lịch sử cháy bỏng của thầy. Càng học thầy tôi càng yêu thích lịch sử Việt Nam. Tôi như thấy yêu hơn ngành học của mình. Phong trào nghiên cứu khoa học sinh viên ập đến, tôi lại đăng ký tham gia sau lần đầu thất bại. Thầy dạy về cận đại, nhưng nói rất hay về quan hệ Việt – Mỹ. Tôi chọn đề tài: “Tìm hiểu quan hệ Việt Nam và Mỹ từ năm 1994 đến năm 1997” và đăng ký PGS.TS Phạm Xanh là người hướng dẫn. Hồi đó quan hệ Việt Nam và Mỹ còn khá nhạy cảm, năm 1994 Mỹ mới xóa bỏ Lệnh cấm vận, năm 1995 mới Bình thường hóa quan hệ hai nước. Một số bạn sinh viên cùng học tỏ ra ái ngại cho tôi và nghĩ tôi non nớt về chính trị khi chọn một đề tài nhạy cảm. Tôi được thầy Xanh hướng dẫn kỹ lưỡng, ngoài còn ra còn được sự hỗ trợ của thầy Đặng Xuân Kháng về kiến thức lịch sử thế giới. Một báo cáo khoa học nhỏ của sinh viên lại may mắn có tới hai thầy hướng dẫn. Hôm bảo vệ báo cáo, một bạn nữ sinh hỏi: Cậu không sợ Mỹ cắm cờ hết trên các nóc nhà ở Hà Nội à?. Tôi lúc đó hăng máu trả lời mạnh mẽ và dứt khoát: Tớ chỉ sợ nó không cắm thôi. Buổi báo cáo kết thúc và tôi được giải A, tương đương với giải Nhất bây giờ. Thầy vui lắm.
Học hết hai kỳ lịch sử cận đại, thầy bảo tôi đến nhà chơi có việc muốn nói. Tôi lần đầu đến thăm thầy, nhà thầy ở trong một con ngõ nhỏ, phố Tràng Tiền. Nhà thầy chật nhưng tấm lòng rộng mở. Câu chuyện lịch sử như không chấm dứt, thầy nói, tôi nghe và hỏi. Thầy bất chợt hỏi tôi: Nghĩa có muốn trở thành giáo viên không?. Một câu hỏi đột ngột và một câu trả lời nhanh như chớp: Có ạ. Thầy hỏi tôi về kết quả học tập. Tôi bảo với thầy là ba kỳ đầu học đại học đại cương, kết quả học tập của tôi không tốt, nhưng hai kỳ qua khá tốt, được học bổng. Thầy bảo tôi phải cố gắng học tập hơn, không học được loại Giỏi không thể giữ lại ở khoa. Thầy bảo tôi viết tốt, nói tốt, nhưng phải có kết quả học tập tốt nữa. Tôi chào thầy ra về. Tôi đạp xe trên phố và suy nghĩ về nghề giáo, một nghề mà cả trong mơ tôi không nghĩ tới. Tôi vừa đạp xe vừa tủm tỉm cười với ý nghĩ: “Tôi không đủ phẩm chất để làm một thầy giáo”. Sự đời chẳng mấy ai ngờ, hơn một tháng sau tôi có trong danh sách những sinh viên được quy hoạch, bồi dưỡng để tuyển chọn giáo viên sau này. Danh sách này có 50 sinh viên các khoa, trong đó khoa Lịch sử có vài bạn, và những bạn trong diện quy hoạch được nhà trường cấp thêm một khoản học bổng từ ngân sách của Trường. Đây là chủ trương của GS. Phùng Hữu Phú, thầy Hiệu trưởng lúc đó. Tôi chợt nghĩ: “Hay có khi mình trở thành thầy giáo thật cũng nên”. Tôi đạp xe đến nhà thầy để báo tin vui. Thầy mừng lắm và bảo tôi: “Tốt lắm. Cố lên nhé”.
Năm thứ tư, tôi cố gắng học trong sự vật lộn, tôi hiểu rõ không loại Giỏi không được ở lại khoa. Lúc này tôi nghĩ nhiều về việc làm và nghĩ nghề giáo cũng tốt. Thầy Xanh nhờ GS. Đỗ Quang Hưng hướng dẫn luận văn cho tôi. Tôi nhất quyết đòi thầy hướng dẫn cho tôi. Thầy động viên tôi: “Em theo được thầy Hưng là rất tốt”. Tôi đến gặp thầy Hưng, thầy vui vẻ nhận lời hướng dẫn cho tôi. Thầy phác luôn ra con đường khoa học cho tôi. Tôi thấy thầy Hưng giỏi thật. Ngày làm xong luận văn, tôi đưa quyển cho thầy Hưng. Thầy bảo hai ngày sau đến lấy. Ngày đến lấy quyển, tôi không thấy thầy chữa tí nào. Thấy mặt tôi đầy lo âu, thầy Hưng bảo tôi: Mình đọc rồi Nghĩa ạ, đọc được hai trang. Mình thấy tốt. Cả một luận văn thầy hướng dẫn đọc 2 trang rồi bảo được rồi thì tôi không lo sao được. Tôi chào thầy Hưng rồi đạp xe như bay về báo với thầy Xanh nỗi lo trong lòng. Thầy Xanh động viên bằng một câu ngắn gọn: “Anh Hưng rất có nghề”. Ngày bảo vệ, tôi được chọn lên bảo vệ đầu tiên. Người bảo vệ đầu tiên nhận được nhiều câu hỏi nhất. Trả lời xong các câu hỏi, tôi thấy hai thầy nhìn tôi cười. Lòng dạ thấy yên tâm. Luận văn được 10 điểm, tôi vui như mở hội trong lòng. May mắn thay điểm tốt nghiệp tròn 8.00, vừa đủ loại Giỏi.
Nửa năm sau ngày tốt nghiệp, tôi được giữ lại làm giảng viên ở trường. Từ đây thầy Xanh tiếp tục hành trình dìu dắt và nâng đỡ cho tôi. Ngày cầm quyết định trong tay, tôi đến cảm ơn thầy, thầy rất xúc động. Thầy căn dặn tôi nhiều thứ như nhân cách của một người làm thầy, ứng xử với các thầy cô trong khoa, và những khó khăn sẽ phải đối diện khi ở trong một môi trường học thuật đỉnh cao. Tôi coi những lời căn dặn này là vốn liếng hành trang vào đời của tôi.
Tôi đi làm trợ giảng cho thầy mấy năm liền để học nghề. Chính thời gian cắp cặp theo thầy tôi hiểu rõ hơn ai hết tấm lòng, tình cảm và sự yêu mến mà học trò dành cho thầy. Thầy hướng dẫn tôi làm luận văn thạc sĩ về nhà yêu nước Nguyễn An Ninh. Giống như thầy Hưng, thầy chỉ cho ý tưởng, còn đâu phải tự làm lấy. Ngày bảo vệ, thầy mặc complê, thắt cà vạt chỉnh tề, chứ không quần bò, áo phông và giày thể thao như mọi ngày. Thầy hài lòng với kết quả luận án. Sau khi bảo vệ, thầy bảo tôi: “Giờ là lúc em phải lên lớp”.
Tôi vẫn nhớ mãi lần đầu lên lớp, ngoài thầy dự còn có thêm thầy Phạm Hồng Tung, một tiến sĩ trẻ ở Đức mới về. Thời gian hai thầy dự kiến dự giảng là 3 tiết. Lớp đầu tiên làm chuột bạch cho tôi là K46. Đứng trên bục tôi chẳng run mặc dù có tới hai thầy đang chăm chú theo dõi từng lời nói và cử chỉ. Tôi dạy hết tiết đầu, hai thầy ra ngoài và bảo dạy xong thì về khoa. Tôi dạy xong thì về khoa. Thầy Tung phủ đầu khi bảo: “Ông dạy về hoàn cảnh phong trào cách mạng 1930-1931 sai rồi”. Tôi choáng vì sách nào cũng viết như tôi dạy. Sau thầy Tung chỉ ra cho tôi một số luận điểm mới. Thầy Tung còn trêu tôi bảo dạy gì mà chổng hết… cả vào sinh viên thế. Thầy Xanh cười và chỉ bảo cho tôi cách cầm phấn, đi lại trên bục giảng, cách tiết chế cảm xúc, cách nhấn nhá nội dung sao cho hấp dẫn, v.v.. Tôi không bao giờ quên hình ảnh hai thầy trong một buổi chiều gắt nắng nhễ nhại mồ hôi trao truyền kinh nghiệm đứng lớp cho tôi.
Tôi vẫn theo thầy Xanh lên lớp học kiến thức, học kinh nghiệm giảng dạy đều đặn. K46 một lần nữa làm chuột bạch khi thầy Hưng giao chuyên đề năm cuối cho tôi. K47 thầy Xanh giao cho tôi trọn một học kỳ cho hệ sư phạm. Quá trình để tôi đứng lớp một cách vững chắc có công lao rất lớn của thầy Xanh.
Thầy Xanh là người dìu dắt tôi vào Đảng. Người ta dìu dắt học trò vào Đảng chỉ vài tháng đến một năm, riêng thầy vài năm liền. Năm 2008, tôi được kết nạp vào Đảng. Kết nạp xong tôi đến nhà thầy cảm ơn và trêu thầy: “Sao thầy ngâm em lâu thế?”. Thầy nghiêm nét mặt là tôi sợ hết hồn. Sau này tôi mới biết thầy vào Đảng gian nan như thế nào. Có thầy kể lại ngày kết nạp Đảng thầy khóc. Trở thành đảng viên với thầy là một sự kiện quan trọng, không phải trò đùa. Đó là lần đầu tiên thầy nghiêm nét với tôi. Tôi hiểu vì sao phải mấy năm liền thầy mới quyết định đề nghị kết nạp tôi vào Đảng. Tôi trân trọng thầy ở điều đó.
Thầy Xanh hướng dẫn tôi làm luận án tiến sĩ. Thầy đến dự buổi bảo vệ luận án của tôi từ rất sớm. Tôi thực sự xúc động khi thầy đứng lên phát biểu về quá trình học tập của tôi. Thầy nói tôi là học trò mà thầy ưng ý nhất trong quãng đời dạy học của thầy. Tôi đứng lên cảm ơn hội đồng, cảm ơn bạn bè, cảm ơn gia đình. Tôi cảm ơn thầy với những tình cảm đặc biệt trong những giọt nước mắt không cầm được. Ân sâu nghĩa nặng của thầy tôi mãi khắc ghi trong lòng. Bảo vệ luận án xong, thầy bảo tôi: “Tôi đã hoàn thành lời hứa với ông cụ (bố tôi)”. Tôi xúc động vì thầy giúp tôi trong suốt những năm qua còn là vì tình cảm với bố tôi, người mới chỉ gặp thầy một lần. Năm 2014, tôi được phong học hàm PGS. Tôi đến nhà thầy báo tin vui, thầy mừng lắm. Thầy bảo: “Em như thế là nhanh”.
Một ngày đầu năm 2014, tôi đang ở nhà, thầy gọi điện cho tôi báo thầy bị ốm và bảo tôi tìm giáo viên thay thầy để tiếp tục lớp học. Tôi choáng váng khi nghe tin dữ từ thầy, trong khi người báo tin lại rất bình tĩnh. Những năm tháng thầy trị bệnh, tôi thấy ở thầy luôn toát lên sự lạc quan. Mấy anh em trẻ ở bộ môn hay qua thăm thầy. Gặp thầy lần nào cũng vui.
Hai năm qua, sức khỏe thầy hồi phục, thầy đi từ Bắc chí Nam, lên cả đỉnh cột cờ Lũng Cú. Tôi lo cho sức khỏe của thầy nên bảo thầy ít đi thôi. Thầy không nghe, thi thoảng vẫn đi dạy một chút, vẫn ngồi hội đồng, vẫn viết bài, vẫn trả lời báo chí. Một người tâm huyết với nghề như thầy sao có thể dừng được. Bây giờ tôi nghĩ lại là tôi sai khi cứ cản thầy đi đây đi đó để gìn giữ sức khỏe, thầy đi để khi thầy về chẳng còn gì phải vướng bận nữa.
Cách đây hai tháng tôi vào Vinh chấm luận án. Các thầy trong Vinh kể câu chuyện đầy xúc động. Một nghiên cứu sinh bảo vệ luận án, hội đồng thiếu một thành viên, lúc này bệnh tình thầy trở lại, sức khỏe rất yếu. Cô không cho thầy đi vì lo sợ sức khỏe của thầy, nhưng thầy dứt khoát không đồng ý. Thầy bảo nếu tôi không đi, hội đồng sẽ bị hủy. Học trò bao năm vất vả chỉ chờ có đến ngày này nên tôi phải đi để giúp nó. Thầy cả đời lo nghĩ cho học trò, kể cả lúc trọng bệnh. Những ngày thầy ốm, thầy dứt khoát không muốn phiền đến học trò, dù các anh chị em cán bộ trẻ sẵn sàng đến chăm thầy. Mỗi lần tôi đến thăm, ngồi một lúc lại phẩy tay ra hiệu bảo về đi. Cô bảo tôi: “Thầy không đồng ý để học trò chăm đâu”. Tôi xin ý kiến cô đưa tin thầy bị ốm lên facebook để mọi người biết, cô đồng ý nhưng bảo tôi đưa làm sao đừng để mọi người hiểu lầm. Một lát sau thầy gọi điện bảo không được đưa tin. Lần đầu làm trái ý thầy khi tôi đưa tin. Hôm sau tôi đến báo với thầy là đã đưa tin, thầy bảo tôi: Thầy bảo em là không đưa tin cơ mà. Tôi bảo thầy: Em hiểu thầy không muốn phiền học trò, đồng nghiệp, nhưng thầy ơi em vẫn đưa tin để mọi người biết. Em nghĩ mọi người đến thăm thầy sẽ là nguồn động viên thầy để thầy chiến thắng bệnh tật, động viên cô và gia đình nữa. Thầy cười bảo tôi: Giờ còn chiến thắng cài gì được nữa, nhưng tôi thấy có vẻ thầy không giận nữa. Anh em, học trò biết tin đến thăm thầy rất đông. Thầy mệt nhưng vẫn cố gắng thể hiện tình cảm với mọi người. Ngày cuối cùng trên giường bệnh, những lúc nguy kịch, tôi chạy qua chạy lại để lo việc, cô Tâm bảo: “Gọi Nghĩa nhé”, thầy giằng ống thở bảo cô: “Nhà nó xa”. Những phút giây cuối cùng ở bên thầy, ba anh em tôi, Tâm, Hạnh lòng buồn rười rượi. Trước lúc đi xa, cô Tâm gọi: “Anh Xanh ơi! Anh mở mắt ra chào em, con, học trò, người thân, bác sĩ đi anh. Mặc dù thầy nhắm mắt mấy tiếng, nhịp tim và mạch đập hầu như không còn nữa, nhưng nghe tiếng khóc gọi xé lòng của người vợ, thầy gắng hết sức mở mắt dù rất hẹp để nhìn người bạn đời và mọi người lần cuối. Vài phút sau thầy chia tay mọi người để về với ông bà tổ tiên.
Từ miền quê Quảng Bình cát trắng, gió Lào, thầy đến với Hà Nội để gánh vác nghiệp làm thầy. Cả đời thầy tận tâm, tận tình với học trò. Lối sống sáng trong như ngọc, niềm đam mê lịch sử bất tận của thầy đã chạm tới tận cùng trái tim học trò và những người yêu sử. Ngọn lửa sống trong thầy đã tắt theo quy luật tự nhiên. Nhưng ngọn lửa đam mê yêu đời, yêu nghề của thầy vẫn cháy sáng trong lòng những học trò của thầy: “TÔI TÊN LÀ PHẠM XANH. XANH NGHĨA LÀ KHÔNG BAO GIỜ CHÍN”.
Tôi may mắn là một học trò của Thầy!
Trong trái tim tôi luôn khắc ghi những năm tháng được học và làm việc cùng Thầy!
**** Bài viết của Hoàng Thị Kim Phượng – Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
“Mãi Xanh như đã từng xanh”
Tôi và nhiều thế hệ sinh viên khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn mãi nhớ lời chào của Thầy trong buổi học đầu tiên: “Tôi là Phạm Xanh. Nghĩa là Phạm mãi xanh không bao giờ chín”. Thế mà hôm nay, chúng tôi đã phải xa thầy mãi mãi.
Thế hệ sinh viên Khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp (sau là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội) có lẽ không ai không biết tới Thầy – PGS.TS Phạm Xanh. Với chất giọng Quảng Bình, ấm nhưng vang Thầy đã thổi niềm đam mê khám phá lịch sử Việt Nam cận hiện đại vào biết bao thế hệ sinh viên từ bao giờ không biết.
Đối với tôi, chuyên đề có cùng tên cuốn sách “Nguyễn Ái Quốc với quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam” đã cho tôi được gặp và học Thầy. Tôi còn nhớ, buổi học chuyên đề kéo dài đến gần 12h trưa nhưng Thầy luôn nở nụ cười tươi rói đến cuối giờ giảng. Chúng tôi thường nói với nhau, nụ cười tươi là đặc sản của Thầy.
Năm 2017, sáu năm trôi qua, tôi lại được gặp Thầy với tư cách nghiên cứu viên của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đến đặt vấn đề nghiên cứu nhà khoa học. Thời điểm đó, tôi biết Thầy mang trong mình trọng bệnh. Mỗi ngày trôi qua là một ngày Thầy chống chọi với những cơn đau giằng xé nhưng Thầy vẫn vậy, luôn nở nụ cười tươi và nhiệt huyết với công việc.
Có lẽ từ lâu Thầy đã chuẩn bị cho “một chuyến đi xa” với một tinh thần lạc quan. Bởi vậy Thầy hối hả với những công việc còn dang dở, ngày đêm Thầy cặm cụi nghiên cứu những công trình còn bỏ ngỏ, thầy thúc giục chúng tôi đến làm việc…Sau buổi trao đổi ngày 15/01/2018, hầy lên lịch cho chúng tôi một buổi làm việc tiếp theo vào cuối tháng 1. Nhưng rồi sức chống cự của Thầy ngày một hao mòn, Thầy đổ bệnh và phải điều trị nhiều tuần sau đó. Những buổi hẹn của hai thầy trò cứ phải tạm hoãn.
Sau Tết Mậu Tuất, Thầy trò chúng tôi có buổi trao đổi ngày 14/03/2018. Buổi làm việc kéo dài được 60 phút thì tôi phải kết thúc, đó là lúc tôi cảm nhận rõ nhất sức khỏe của Thầy đang dần yếu. Từng hơi thở của Thầy nghe nặng nhọc, giọng nói vang ấm nay còn đâu, thay vào đó là chất giọng khàn đặc. Tôi cũng không ngờ, không lâu sau buổi làm việc ấy Thầy phải nhập viện. Và chúng tôi không dám tin đó là lần đi không trở về của Thầy. Chiều ngày 30/05/2018, tôi cùng các cựu sinh viên khoa Lịch sử khóa K49, trường ĐHKHXH&NV đến thăm Thầy. Ngồi trên giường bệnh, ánh mắt Thầy ngấn lệ. Dường như Thầy muốn tâm sự nhiều mà sức khỏe không cho phép. Khi nghe học trò hồi cố tri tân, ánh mắt sâu thăm thẳm của Thầy bỗng rực sáng, tôi cảm nhận được đó chính là nhựa sống trong giai đoạn này của Thầy.
Rồi cũng đến lúc chúng tôi phải ra về, dù mệt mỏi nhưng Thầy vẫn gắng nở một nụ cười tươi và bắt tay từng học trò. Chào Thầy mà trong lòng tôi day dứt một nỗi niềm bởi tôi vẫn còn nợ Thầy những buổi trò chuyện và một bộ ảnh đẹp. Giờ đây, ngồi nhớ lại hai cuộc gặp gỡ gần đây, tôi mới hiểu rõ vì sao từ trước đến nay Thầy luôn có tinh thần lạc quan trước mọi biến động của cuộc sống như vậy.
Thầy sinh ra trong một gia đình trung nông ở Phúc Lộc nay là Quảng Phú, Quảng Trạch, Quảng Bình. Phú Lộc nằm ngay bên kia đèo Ngang – nới giáp ranh giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình, nơi ranh giới giữa các nền văn hóa và giữa các trận tuyến khác nhau. Vì là vùng đệm, thường xuyên phải gánh chịu tàn dư của chiến tranh nên cuộc sống nơi đây gắn liền với chữ nghèo. Người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông rồi đốn củi đốt than, làm gỗ, làm muối… Cuộc sống chân phương, giản dị quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng vẫn không đủ ăn. Thước đo độ giàu nghèo được tính bằng lượng ngô, khoai, sắn độn với cơm trắng. Tuy vậy, những người con Quảng Bình luôn giữ tinh thần lạc quan và có niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống. Tinh thần ấy ăn sâu và ngấm vào máu cậu bé Phạm Xanh trở thành bàn đạp giúp cậu vượt qua những thăng trầm của cuộc đời, vững vàng, kiên cường trước mọi bạo động của dòng đời.
Năm 1960, Phạm Xanh ra Hà Nội học trường Trung cấp Ngoại ngữ. Ba năm sau khi tốt nghiệp, Phạm Xanh được phân công về Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Mười năm làm việc ở đây, tiếp xúc với nhiều loại sách lịch sử, đã hun đúc tình yêu với ngành Sử học trong ông, để rồi năm 1973, ông thi đỗ vào Khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau bốn năm ngồi trên ghế giảng đường, chàng sinh viên Quảng Bình xác định đi sâu nghiên cứu mảng lịch sử Việt Nam cận – hiện đại bởi theo ông, đây là giai đoạn lịch sử biến động nhất cần khai thác kỹ để có những lý giải thỏa đáng.
Cả cuộc đời Thầy dành tình yêu trọn cho nghiên cứu lịch sử. Nhớ lại những buổi trò chuyện thở sinh viên, Thầy hay đùa với chúng tôi rằng: “Ngày Thầy ở với ông Nguyễn Trãi, tối về thầy ở với “hai bà” (Hai Bà Trưng)”. Hơn bốn thập kỷ nghiên cứu, Thầy đã có hơn 100 bài viết đăng trên các tạp chí, kỷ yếu hội thảo trong và ngoài nước và nhiều cuốn sách, tiêu biểu là cuốn “Nguyễn Ái Quốc với quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam”. Thật không quá khi nói, Thầy là một trong những chuyên gia nắm rõ và hiểu sâu về giai đoạn lịch sử Việt Nam cận hiện đại. Các tiết giảng của Thầy không bao giờ cần giáo án vì Thầy thuộc bài giảng như trong lòng bàn tay. Dù là tiết thảo luận, Thầy cũng luôn giải đáp mọi thắc mắc và tranh luận của sinh viên mà không cần tới sách hay giáo trình.
Nếu từng là học trò của Thầy, có lẽ không ai quên được câu hỏi: “Phải không ạ?” mà Thầy luôn dành cho sinh viên. Dù giảng bài hay thảo luận bất kỳ vấn đề gì, Thầy đều thể hiện tinh thần dân chủ. Trước mỗi lời giải thích của mình, Thầy luôn hỏi ý kiến học trò có phản biện gì không, đã hiểu thấu đáo? Thầy là thế, luôn dành những gì trìu mến, yêu thương nhất cho các thế hệ học trò.
Từng ngày trôi qua, dù mang trong mình trọng bệnh, Thầy không bỏ lỡ bất kỳ hội nghị, hội thảo nào ở Hà Nội hay miền Trung. Thầy lo cho từng buổi bảo vệ của học trò. Cách đây khoảng 1 tháng, dù vẫn đang điều trị nhưng Thầy nén đau để tham dự một hội đồng bảo vệ luận án ở trường Đại học Huế. Trước khi đi, gia đình lo lắng cho sức khở nhưng vẫn đồng ý để Thầy tham gia hội đồng vì gia đình biết rằng Thầy lo lắng cho học trò và đó là tình yêu, niềm vui duy nhất của Thầy.
Thầy vẫn thường nói vợ và các con của mình rằng, sự lạc quan và niềm đam mê công việc giúp Thầy đẩy lùi mọi bệnh tật. Lạc quan là thế, niềm tin mãnh liệt là vậy, nhưng Thầy không thể vượt qua quy luật của cuộc sống. Nhìn Thầy nằm trên giường bệnh, từng hơi thở nặng nhọc, chúng tôi ngày ngày cầu mong một phép màu nhiệm sẽ đến với Thầy nhưng điều đó không xảy ra.
Sáng sớm ngày 02/06/2018, Thầy ra đi mãi mãi. Tôi tin chắc trong tâm trí người thân, của hàng ngàn học trò thân yêu luôn hướng về Thầy, “Phạm vẫn sẽ không bao giờ chín, vẫn mãi Xanh như đã từng xanh”!.