"Em chỉ thích một chiếc máy ảnh…"
Chuyện là năm 1968, Kỹ sư Đồng Sỹ Hiền sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Liên Xô, khi về nước, có mua tặng cho học trò – Nguyễn Ngọc Lung một chiếc radio bán dẫn để làm quà kỷ niệm. Thầy Hiền nghĩ rằng chắc Nguyễn Ngọc Lung rất thích, vì ở trong nước thời ấy mà có radio là quý lắm, rất ít người có để sử dụng như ông. Khi Học viện Nông lâm sơ tán lên huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc, Nguyễn Ngọc Lung cùng cán bộ của Học viện ở nhờ nhà dân nên cứ 7h30 tối thứ 7, dân làng lại kéo đến, xếp gạch ở sân để ngồi nghe chương trình văn nghệ. Hồi đó có quy định radio phải được cấp giấy chứng nhận sở hữu; do chạy bằng pin nên mặt sau tờ giấy chứng nhận còn có các ô vuông để ghi số pin đã mua theo định kỳ (chế độ phân phối thời bao cấp). Do tiền không đủ để mua pin và quan trọng nhất là không có tiền để mua máy ảnh để thực hiện sở thích, mê chụp ảnh của mình, Nguyễn Ngọc Lung đành liều bán chiếc đài. Khi thầy Hiền hỏi vì không thấy ông sử dụng đài nữa, ông trả lời: Em chỉ thích một chiếc máy ảnh, trong khi đó anh lại mua đài, nên em đã bán đài để mua máy ảnh mất rồi. Nghe vậy, thầy Hiền sầm mặt thất vọng và truy hỏi xem ông bán ở đâu để thầy đi chuộc lại. Vì đam mê chụp ảnh, KS Nguyễn Ngọc Lung đã trót bán đi vật kỷ niệm, nghĩ lại ông thấy "ân hận". Từ số tiền bán đài, Nguyễn Ngọc Lung có một chiếc máy ảnh FED loại trung bình. Với chiếc máy này, ông đã truyền đam mê chụp ảnh cho nhiều bạn bè, kể cả bố ông – cụ Nguyễn Văn Lợi, khi cụ nghỉ hưu. Chiếc máy ảnh được Nguyễn Ngọc Lung gọi bằng cái tên thân mật "anh bạn FED" đã theo ông cho đến năm 1973 khi được cửđi Liên xô làm nghiên cứu sinh.
Nguyễn Ngọc Lung cùng "anh bạn" FED khi đi rừng, năm 1962
Kỷ niệm liên quan đến chiếc máy ảnh đầu tiên đó không bao giờ GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung có thể quên. Nhưng người đầu tiên dạy ông chụp ảnh là thầy Vương Tấn Nhị. Thời đó chỉ có ảnh đen trắng. Năm 1957, Nguyễn Ngọc Lung học năm thứ 2, Khoa Lâm nghiệp, trường Trung cấp Nông lâm, được đi thực tập khắp nơi, thụ hưởng cảnh đẹp thiên nhiên, thầy Vương Tấn Nhị khi đó là Trưởng khoa, thầy rất quý học trò lại làm thêm nghề chụp ảnh. Được tận mắt xem thầy Nhị rửa ảnh và trong những lần đi thực tập cùng thầy, Nguyễn Ngọc Lung còn được thầy chỉ dẫn cách lấy bố cục ảnh, ánh sáng, đối tượng chụp, lấy nét, phông ảnh…ông cảm thấy thích thú và say mê chụp ảnh từ đó. Ra trường cuối năm 1959, Nguyễn Ngọc Lung tích cóp mua được một máy ảnh Liên xô CMEHA loại cho thiếu nhi chơinhưng kỹ thuật thì vẫn luôn đạt được các bức ảnh đẹp và nét. Nguyễn Ngọc Lung đam mê chơi ảnh tới mức có bao nhiêu tiền, ông dồn hết vào mua máy ảnh, giấy ảnh, tự chụp, tự pha chế thuốc ảnh, sau đó tự tráng phim và rửa ảnh… để thỏa sở thích cá nhân của mình. Chính trong điều kiện công tác làm trợ lý thực tập, trợ lý nghiên cứu tại Học viện Nông lâm (từ năm 1964 đổi tên thành Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp) đã phát huy sở thích chụp ảnh của ông và ông dùng máy ảnh trên để ghi chép lại các hình ảnh quý giá mà khó lòng lặp lại. Song cũng vì thế mà Nguyễn Ngọc Lung không để dành được tiền mua xe đạp.
Sau năm 1975, thị trường Sài Gòn có cả ảnh màu, còn ở Hà Nội thì chưa phổ biến, Nguyễn Ngọc Lung đã cùng ông Nguyễn Mạnh Cường – Trưởng phòng ảnh vệ tinh của Viện Điều tra Quy hoạch rừng đi mua giấy ảnh màu, thuốc ảnh màu về làm thử. Ở nước ta khi ấy giấy ảnh màu đắt hơn giấy ảnh đen trắng rất nhiều. Tuy nhiên do có quan hệ với một số nghiên cứu sinh thích và biết chơi ảnh mà đặc biệt là các nghiên cứu sinh du học ở các nước trong khối xã hội chủ nghĩa, CHDC Đức và Tiệp Khắc nên mỗi khi họ về nước Nguyễn Ngọc Lung lại được họ "nhượng" cho một ít giấy ảnh màu. Và rất may mắn, trước đó, Nguyễn Ngọc Lung học cùng và chơi thân với Bùi Đình Toái, con của nhà báo ảnh nổi tiếng Bùi Đình Túy – một trong những phóng viên ảnh đầu tiên tại Việt Nam, do đó, Nguyễn Ngọc Lung có cơ hội được học kỹ thuật rửa ảnh, dễ dàng hỏi ông Túy những thắc mắc trong việc làm ảnh.
Đến năm 1982, hai ông Nguyễn Ngọc Lung và Nguyễn Mạnh Cường đã thực hành thành công, quyết định chụp ảnh màu đám cưới để kiếm tiền nhưng hầu như chẳng ai biết đây là hai Phó Tiến sĩ đi làm thêm. Có thu nhập để bù một phần chi phíham mê làm ảnh, nhưng vì nguồngiấy, thuốc mua trôi nổi nên chất lượng ảnh màu ông chụp thường không đạt theo yêu cầu. Một phần vì nguyên liệu, phần vì chụp ảnh để kiếm tiền chỉ là "nhất thời" với một cán bộ khoa học, nên khi công nghệ phát triển, Nguyễn Ngọc Lung đã không còn theo đuổi ham mê chụp, làm ảnh màu nữa.
Những "anh bạn đồng hành" luôn cùng sẻ chia đam mê
Sau một thời gian dài lưu giữ và sử dụng, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung đã tặng lại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam toàn bộ số hiện vật đã gắn bó với sở thích và đam mê chụp ảnh của ông. Thứ nhất là hai chiếc máy ảnh nhãn hiệu ZENNIT và một chiếc máy ảnh KIEV, đây là 3 chiếc máy ảnh được Nguyễn Ngọc Lung mua trong thời gian ông đi làm nghiên cứu sinh (1973-1977) tại Học viện Kỹ thuật Lâm nghiệp Lêningrad, Liên Xô. Với mức học bổng là 85 rúp/tháng, Nguyễn Ngọc Lung đã tiết kiệm và dành dụm tiền để mua được hai chiếc máy ảnh: chiếc máy KIEV 90 rúp, mỗi chiếc máy ZENNIT có giá 120 rúp. GS Lung cho biết: "Mỗi máy có tính năng riêng của nó. Máy ảnh KIEV là loại tốt nhất (chuyên chụp ảnh phong cảnh, ảnh chân dung đạt chất lượng ảnh, màu sắc, độ nét) của Liên Xô lúc bấy giờ và luôn được người Trung Quốc mua về vì ở nước họ không sản xuất được. Tất cả nghiên cứu sinh Trung Quốc trước khi về nước đều mong muốn mua được một chiếc máy ảnh này, nhưng theo quy định của Liên Xô lúc bấy giờ, họ không được mang qua biên giới Liên Xô, nếu mang phải giấu giếm hoặc nhờ người Việt Nam cầm hộ. Riêng máy ảnh ZENNIT, thì rất tiện dụng khi muốn chụp lại một cuốn sách hay một bức ảnh chân dung. Khi đi thư viện, thấy có sách quý mà không được mượn về, tôi chỉ cần mua 2-3 cuộn phim là chụp lại được toàn bộ cuốn sách thành microfilm".
Những hiện vật thể hiện niềm đam mê chụp ảnh của GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung
Trong thời gian ở Liên Xô, tại ký túc xá lưu học sinh, nghiên cứu sinh Nguyễn Ngọc Lung mở Câu lạc bộ chụp ảnh để những ai có chung niềm đam mê với ông có thể tham gia, ông hướng dẫn họ cách mua máy và dạy nguyên tắc chụp… Với những thành viên có kinh phí hạn hẹp, GS Nguyễn Ngọc Lung đã chỉ dẫn tìm mua máy 12 rúp (loại máy chỉ chụp nhưng không phóng to ảnh được). Hai "anh bạn" ZENNIT này theo Nguyễn Ngọc Lung vẫn cực tốt, nhưng lại không đáp ứng vớicông nghệsố hóa, không dùng film từ khoảng 10-12 năm nay. Thứ hai là máy ảnh MINOLTA được PTS Nguyễn Ngọc Lung mua năm 1977, nhân dịp ông cùng bạn bè có chuyến du lịch vào miền Nam. Khi đi, Nguyễn Ngọc Lung có chủ đích không mang theo máy ảnh đã mua ở Liên Xô, khi vào tới nơi sẽ mua chiếc máy ảnh MINOLTA, xuất xứ Japan, để chụp trong chuyến đi tham quan đó. Thứ ba là bộ dụng cụ cắt giấy ảnh, để tạo đường viền hình răng cưa. Ngoài bộ sưu tập hiện vật khối gồm những chiếc máy ảnh, thì những bức ảnh GS Nguyễn Ngọc Lung tặng Trung tâm do ông chụp cũng góp phần minh chứng cho đam mê với nghề ảnh nhất là đối với máy ảnh phim của ông.
Những chiếc máy ảnh đã theo Nguyễn Ngọc Lung trong những chuyến đi rừng, đi dã ngoại… ngoài việc phục vụ công tác nghiên cứu, chuyên môn còn giúp ông lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ, những cảnh đẹp của thiên nhiên – đối tượng ông thích thú, say sưa chụp nhất. Sở thích cá nhân này như những nốt nhạc góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, tạo cảm hứng sáng tạo trong hoạt động chuyên môn của một kỹ sư lâm nghiệp – GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung.
Hoàng Liêm