Giấy chứng nhận của Ủy ban Quân sự Trung bộ có kích thước 19,5x26cm, "chia đều" thành 8 ô chữ nhật bởi các nếp gấp, với những vết ố vàng loang lổ. Những dòng Tiêu đề in theo mẫu của văn bản hành chính còn sơ sài, thiếu nét, đôi chỗ còn phải sửa chữa, như một chứng tích sinh động cho một thời đoạn lịch sử đặc biệt khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời. Và, gần như toàn bộ nội dung văn bản là những dòng chữ viết tay, nét mực đã mờ, nhòe qua ngót 7 thập kỷ…
Thuận Hóa, ngày 9-12-1945
Giấy chứng nhận
Đồng chí Lê Quang Long, nguyên sinh viên trường tiền tuyến, tình nguyện là đặc phái viên đi bảo vệ Việt
Xong công việc đồng chí Long trở về Thuận Hóa ngày 5-12-1945. Hiện trong người chưa bình phục vì bị thương trong khi xung đột với quân đội Pháp ở Viêng Chăn.
Nay đồng chí nầy xưng vào học ở trường thuốc tại Hà Nội để sau nhập vào bộ đội Vệ quốc đoàn. Vậy xin giới thiệu các đồng chí biết để thâu dụng tùy sở năng và điều kiện.
Người viết những dòng chứng nhận trên đây là ông Thanh Vân – Ủy viên Ủy ban Quân sự Trung bộ thời bấy giờ, kèm theo dấu xác nhận của Ủy ban Quân sự Trung bộ.
Phía dưới, bên lề phải có xác nhận và chữ ký của Giáo sư Hồ Đắc Di – Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, ngày 15-12-1945, như sau: Sinh viên APM[1], cho phép vào học và biên tên vào tập sự ở Yersin.
Tờ giấy chứng nhận của Ủy ban Quân sự Trung bộ ngày 9-12-1945 là một trong hàng ngàn tài liệu hiện vật mà GS.TS Lê Quang Long đã tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
***
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), trường Đại học Y Dược khoa Đông Dương buộc phải đóng cửa, chàng sinh viên Lê Quang Long đạp xe từ Hà Nội trở về Huế – nơi “cậu ấm” cất tiếng khóc chào đời. Lúc này quốc gia đang rối ren, nhân dân chịu cảnh lầm than, và nguy cơ sụp đổ của triều đại tồn tại hơn một thế kỷ qua đang hiển hiện trước mắt. Vua Bảo Đại (cậu của Lê Quang Long) đang bàn với công chúa Lương Diên (mẹ của Lê Quang Long) về kế hoạch thoái vị. Còn Lê Quang Long khi ấy tròn 20 tuổi, chưa có lý tưởng, chưa biết sẽ làm gì, đi về đâu giữa lúc nước sôi lửa bỏng này.
Cuối tháng 6-1945, Lê Quang Long gặp lại Đặng Văn Việt – người bạn từng học cùng trường Y Dược khoa Đông Dương, cũng đã trở lại Huế sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp. Lúc này Đặng Văn Việt đã gia nhập trường Thanh niên tiền tuyến Huế[2] và đang hăng hái đạp xe khắp nội thành để kêu gọi bạn bè cùng đăng ký tham gia. Nghe nói, trường được sáng lập bởi Luật sư Phan Anh – con trai cụ Phan Điện, một nhà nho trứ danh xứ Nghệ, và ông Tạ Quang Bửu – từng là thầy giáo của Lê Quang Huỳnh (anh trai Lê Quang Long) tại trường dòng Providence (Thiên Hựu). Giữa lúc đang băn khoăn tìm cho mình một hướng đi, Lê Quang Long hoàn toàn bị thuyết phục bởi tiếng tăm, tầm ảnh hưởng của hai bậc trí thức sáng lập trường, qua lời mời gọi nhiệt tình của Đặng Văn Việt. Ông quyết định tham gia.
Ngày 2-7-1945, trước cổng Ngọ Môn ở phía Nam kinh thành Huế, Lê Quang Long cùng 42 học viên xếp hàng nghiêm trang dự Lễ khai giảng trường Thanh niên tiền tuyến. Hiệu trưởng là Phan Tử Lăng – Chỉ huy trưởng Bảo an binh Thừa Thiên Huế. Lê Quang Long không thể ngờ đó là khóa học đầu tiên và cũng là cuối cùng của trường, và cũng không ngờ rằng sau này Đặng Văn Việt – con trai của cụ Phó bảng Đặng Văn Hướng – người hết lòng khuyên ông gia nhập trường, lại có biệt danh “Con hùm xám đường số 4”, nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với giặc Pháp…
Sau hơn một tháng hăng hái luyện tập quân sự, học lái ô tô, cưỡi ngựa và sử dụng vũ khí, ngày 23-8-1945 Lê Quang Long nhận thử thách đầu tiên với nhiệm vụ chỉ huy một trung đội tham gia bảo vệ quần chúng mít tinh tuần hành nhân sự kiện Nhật trao trả Nam kỳ cho Triều đình Huế. Cuộc mít tinh đã được Ủy ban khởi nghĩa biến thành sự kiện cướp chính quyền, đến chiều cùng ngày, cờ đỏ sao vàng đã phấp phới bay rợp cả vùng trời Thừa Thiên. Một tuần sau đó, ngày 30-8-1945, tại Ngọ Môn, vua Bảo Đại trao ấn kiếm cho Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu hồi cáo chung cho một triều đại.
Có liên tiếp những sự kiện trọng đại diễn ra trên đất Huế. Cách mạng thành công, trường Thanh niên tiền tuyến được đổi tên thành trường Võ bị Thuận Hóa, lấy địa điểm là trường Lycée Khải Định (nay là trường Quốc học Huế). Lúc này Lê Quang Long tham gia trong đội ngũ 25 trung đội Giải phóng quân đầu tiên của Thừa Thiên Huế đi tước vũ khí của các lực lượng lính khố xanh (bảo an binh), lính khố đỏ (lính bảo vệ nội thành), lính khố vàng (cận vệ hoàng cung). Ngay sau đó, hầu hết những học viên của trường được cử đi các mặt trận miền
Cho tới một ngày đầu tháng 9-1945, ông Tôn Thất Hoàng – người phụ trách văn phòng thường trực của trường (Thanh niên tiền tuyến – TG) đã chuyển lời của lãnh đạo rằng: Hiện nay các học viên đã lần lượt đi chiến đấu, còn Long (Lê Quang Long – TG) và Kha (Nguyễn Sanh Kha – TG) chưa có việc, nên chuẩn bị nhận súng, trang thiết bị để đi[3]. Lần này, trong vai trò đặc phái viên quân sự của liên quân Việt – Lào, Lê Quang Long được giao nhiệm vụ hộ tống Hoàng thân Souphanouvong từ Huế trở về Lào, nhưng ông chẳng mấy hào hứng, thậm chí có đôi chút thất vọng. Ông vẫn mong mỏi được nhập vào cuộc hành quân Nam tiến bảo vệ Tổ quốc cùng với các trung đội Giải phóng quân, mà ở đó có những người bạn từ trường Thanh niên tiền tuyến đang hát vang đầy khí thế: “Nước non xa ngàn dặm, chúng ta đi ngàn dặm. Cùng nhau tiến!”. Song, nhận chỉ thị của cấp trên, Lê Quang Long cấp tốc lên đường. Ông chỉ kịp trang bị cho mình một khẩu súng ngắn hiệu Wesson-Smith 45 của Mỹ – chiến lợi phẩm sau lần hành quân ra Phong Điền bắt gọn 6 tên lính Pháp nhảy dù xuống Hiền Sỹ ngày 29-8-1945.
Giấy chứng nhận của Ủy ban Quân sự Trung bộ, ngày 9-12-1945
Hai chiếc ô tô hộ tống Hoàng thân Souphanouvong chạy từ Huế ra Quảng Trị, theo hướng Sơn Phòng – Cam Lộ, qua Khe Sanh rồi chạm đất Lao Bảo. Trước khi lên phà vượt sông Xê Pôn để đi tới Savannakhet, sáu thành viên trong đoàn gồm: Hoàng thân Souphanouvong, Trần Đức Vịnh, Nguyễn Sanh Kha, Lê Quang Long, cùng hai vệ sĩ Thạc và Dỉnh đã tiến hành một cuộc bàn bạc nhanh chóng. Hoàng thân thống nhất lộ trình tiếp theo sẽ đi từ Savannakhet – Saravan – Pắc Sế – Viêng Chăn – Luang Prabang. Họ gấp rút lên đường.
Từ đầu tháng 9-1945, viên tướng Turquiem nhanh chóng đưa quân Pháp trở lại khôi phục lực lượng nhằm tái chiếm vùng Hạ Lào. Lúc này, rải rác trên các tuyến đường trọng yếu xuất hiện những chốt chặn của quân Pháp. Phương án đối phó duy nhất là lợi dụng sơ hở của địch để phóng xe lao nhanh qua, từ đó tiếp tục xuyên rừng. Xe chở Hoàng thân được bố trí chạy trước. Ở hàng ghế sau, Hoàng thân ngồi giữa hai vệ sĩ cầm súng. Lê Quang Long và Nguyễn Sanh Kha ngồi xe sau, khẩu Smith 45 sẵn sàng nhả đạn khi gặp địch. Một cảm giác hồi hộp, lo lắng xâm chiếm tâm trạng Lê Quang Long. Một hôm, vào lúc rạng sáng trên hành trình từ Savanakhet tới Saravan, đoàn xe của Hoàng thân bị toán lính khố đỏ phát hiện. Súng bắt đầu nổ. Một viên đạn bắn xuyên qua ô tô, làm đứt lìa ngón chân cái của anh vệ sĩ Thạc. Xe của Lê Quang Long bất ngờ lao qua chốt. Cuối cùng, đoàn cũng tới được Saravan. Hoàng thân Souphanouvong nhận thấy không thể tiến về Pắc Sế lúc này đã bị quân Pháp chiếm đóng, nên đã thống nhất đổi hướng hành trình thẳng lên Thà Khẹc.
Tại Thà Khẹc, Hoàng thân Souphanouvong tập hợp được một tốp lính người Lào để tấn công các đồn địch đóng tại các bìa rừng. Sau những cuộc đọ súng dai dẳng, qua 3 ngày đêm mà không có kết quả, Hoàng thân cho quân rút lui. Ông thuê một chiếc tàu thủy bằng gỗ để ngược dòng Mê Công lên Viêng Chăn – lúc này chưa bị Pháp đánh chiếm. Trên tàu, đoàn bảo vệ dùng củi chất thành công sự và cho tàu đi men theo bờ sông bên phía đất Thái Lan để đề phòng bị Pháp tấn công. Con tàu ì ạch đi ngược dòng nước mênh mông đỏ ngầu cuồn cuộn chảy. Hai bên bờ sông là những tán rừng rậm rạp, hoang vắng, thỉnh thoảng mới xuất hiện một ngôi làng nhỏ của người dân tộc thiểu số. Suốt cuộc hành trình, Hoàng thân Souphanouvong đã dừng lại tại 4 làng để tuyên truyền và căn dặn người dân đồng lòng chống Pháp một cách rất khẩn trương. Ông thường đứng dưới gốc cây to, trong khi đó Lê Quang Long đứng ngay sau lưng để quan sát tình hình và bảo vệ. Thỉnh thoảng hai người trò chuyện với nhau bằng tiếng Pháp. Rồi cả đoàn lại cấp tốc lên đường.
Bước sang ngày thứ năm, tàu cập bến Viêng Chăn. Hoàng thân tổ chức ngay hàng loạt các cuộc đi tuần, nhằm tìm diệt những toán quân của Turquiem đang còn lảng vảng ở ngoại vi thành phố. Lê Quang Long cùng với Nguyễn Sanh Kha luôn theo sát Hoàng thân trong các cuộc “tao ngộ chiến” – tình cờ gặp Pháp thì đánh. Một buổi sáng, trong khi Hoàng thân đang trò chuyện với người dân ở một khu chợ gần Y Lay (cách Viêng Chăn khoảng 15 km) thì quân Pháp bất ngờ xuất hiện. Hai bên bắn nhau dữ dội. Dân chúng chạy tán loạn. Lê Quang Long bị trúng hai viên đạn súng trường Pháp: một viên găm vào chân trái, ngay sát ống đồng và một viên nằm gọn trong ổ bụng. Ngay lập tức, Hoàng thân Souphanouvong ra lệnh rút lui, đồng thời dìu Lê Quang Long lên xe ô tô riêng của mình rồi lái xe tới bệnh viện Viêng Chăn. Dọc đường đi, “một tay ông cầm vôlăng, một tay quàng qua người tôi, để dòng máu Việt của tôi chảy chan hòa trên làn da Lào thấm đẫm mồ hôi và bụi chiến trường của Hoàng thân"[4]. Hoàng thân căn dặn các bác sỹ cố gắng chữa chạy cho người cố vấn quân sự của mình sớm bình phục, rồi vội đi tiếp lên Luang Prabang – thủ phủ chính trị của Lào, để bàn kế hoạch cứu nước với vua cha và anh trai là Phó vương Phet Xarạt.
Vài tuần sau, Lê Quang Long dần bình phục và bắt đầu tập đi với chiếc nạng gỗ. Ông tự cảm thấy ái ngại về tình trạng của mình nên đã quyết định xin được trở về Việt
Bạn bè gặp lại nhau (từ phải qua trái: Ông Đặng Văn Việt, GS.TS Lê Quang Long, ông Tôn Thất Hoàng),
tại gia đình ông Phan Tử Lăng (người bạn đã khuất núi),Thừa Thiên Huế, năm 2005.
Ngày 5-12-1945, Lê Quang Long về tới An Lăng, Huế, với vết thương còn đau âm ỉ. Ông biết rằng mình không còn khả năng tiếp tục phục vụ quân đội, cho nên mặc cảm và buồn bã. Giữa lúc đó, ông may mắn gặp lại ông Tạ Quang Bửu:
– Long học trường nào đó? – Tạ Quang Bửu hỏi.
– Học trường anh chứ ai nữa?
– Trường Tiền tuyến không chỉ có bó hẹp ở mặt quân sự. Lúc quê hương cần người thì Long xếp bút nghiên theo việc đao cung, bây giờ Long làm ngược lại – bỏ việc đao cung, quay trở về với bút nghiên[5].
Ngày 9-12-1945, Lê Quang Long “hai tay hai nạng gỗ” đến trình diện Ủy ban Quân sự Trung bộ, nộp lại súng, báo cáo tình hình và được ông Thanh Vân – Ủy viên Quân sự Trung bộ cấp Giấy chứng nhận và giới thiệu Lê Quang Long đi học ở Đại học Y Dược Đông Dương. Một tuần sau đó, ngày 15-12-1945, văn bản có thêm xác nhận của Giáo sư Hồ Đắc Di – Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội. Lê Quang Long lên tàu ra Bắc với nguyện vọng học tiếp chương trình Y khoa. Tuy nhiên, tàu bị kẹt lại ở Hà Tĩnh do quân Pháp theo gót Đồng minh quay trở lại xâm chiếm nước ta. Do đã từng học qua lớp đào tạo giáo viên Văn cấp tốc ở Huế, Lê Quang Long được phân công về dạy trường cấp II Trần Phú ở Hà Tĩnh. Sau đó, ông công tác tại nhiều trường khác nữa: trường Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh), trường chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng, Tân Lập (Nghệ An), trường Bình Trị Thiên (Hương Khê, Hà Tĩnh), trường trung cấp Sư phạm Bạch Ngọc (Đô Lương, Nghệ An)…, rồi theo học ngành Sinh học tại trường Sư phạm cao cấp ở Nam Ninh, Trung Quốc (1951-1953).
***
Tháng 6-2014, GS.TS Lê Quang Long đã trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam bộ sưu tập tài liệu hiện vật có liên quan đến quá trình công tác, nghiên cứu khoa học và hoạt động giảng dạy của mình. Buổi lễ hôm ấy, bên cạnh các nhà khoa học lão thành, còn có sự xuất hiện của “người lính già – anh hùng dân phong” Đặng Văn Việt – người đã dẫn dắt Lê Quang Long vào cuộc đời binh nghiệp, dẫu ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa. Quãng thời gian đó, ông đã được trải nghiệm những cảm xúc nghẹn ngào giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, để rồi thấu hiểu hơn về tình thân Việt – Lào, về tình yêu đối với đất nước. Và đúng như lời của ông Nguyễn Như Ý – Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục, trong buổi lễ tiếp nhận sưu tập tài liệu hiện vật ấy: “Tổ quốc chính là sự lựa chọn kỳ vĩ nhất của GS.TS Lê Quang Long”.
Lưu Thị Thúy – Đỗ Minh Khôi
_________________
[1] Année Préparatoire Aux Etudes, tương đương với lớp Physique-Chimi-Biology (PCB)
[2] Còn gọi là trường Võ bị thanh niên tiền tuyến, được thành lập theo sắc lệnh số 15 của Chính phủ Trần Trọng Kim, ngày 16-6-1945, do Luật sư Phan Anh và ông Tạ Quang Bửu đồng sáng lập.
[3] Phỏng vấn GS.TS Lê Quang Long, ngày 6-5-2014.
[4] Trích bài báo: “Lê Quang Long – vị cố vấn quân sự đầu tiên của Hoàng thân Xuphanuvông”/ tapchisonghuong.com.vn/…/Ky-niem-50-nam-quan-he-Viet-Nam-Lao.ht.
[5] GS.TS Lê Quang Long thuật lại trong buổi giao lưu tọa đàm Kỷ niệm 60 năm trường Thanh niên tiền tuyến (1945-2005), tổ chức tại Thừa Thiên Huế.