Về một công trình nghiên cứu

Không may mắn được đào tạo chính quynhư những người bạn đồng trang lứa, nhưng nhờ ý chí cố gắng học tập, vươn lên Nguyễn Trọng Quế đã trải qua các bậc học phổ thông, dự bị đại học rồi trở thành một trong những cán bộ đầu tiên khi trường Đại học Bách khoa Hà Nội mới thành lập (1956).

Và sau 6 năm vững vàng trên bục giảng đại học, năm 1962, giảng viên trẻ Nguyễn Trọng Quế được trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cử đi làm thực tập sinh tại Đại học Bách khoa Kháccốp (Liên Xô), bộ môn Đo lường điện. Trong thời gian học tập tại đây Nguyễn Trọng Quế được giao thực hiện đề tài nghiên cứu về Phương pháp đo từ trường nhỏ. Tuy nhiên, đề tài này mới thực hiện được một phần thì đã hết thời hạn thực tập, Nguyễn Trọng Quế phải về nước.

Về nước, năm 1964, Nguyễn Trọng Quế tiếp tục nghiên cứu và phát triển đề tài "Phương pháp đo từ trường nhỏ" thực hiện dang dở tại Liên Xô thành đề tài "Đo vi di chuyển bằng phương pháp điều chế từ", với dự định làm luận án Phó Tiến sĩ. Ông quan niệm "Việc tiếp tục các nghiên cứu ở trong nước là việc làm rất quan trọng vì điều đó thể hiện công tác nghiên cứu độc lập, tự nâng cao trình độ để phục vụ cho công tác giảng dạy của bản thân. Và đây cũng là bước tập dượt đem những nghiên cứu phục vụ cho sản xuất và chiến đấu"[1] nên vẫn cứ âm thầm thực hiện đề tài, mà chưa tính đến thủ tục đăng ký làm nghiên cứu sinh.

Để phục vụ cho đề tài, Nguyễn Trọng Quế đã nghiên cứu chế tạo từ tham kế (ferrometer) có thể tạo ra từ trường đều và khỏe (trên 1,5 Tesla) trong khe hở không khí 10 cm. Chiếc từ tham kế do ông chế tạo đã được dùng để nạp từ cho các ferit có công dụng trong việc phá bom từ trường trong giai đoạn khoảng từ năm 1964 đến năm 1968. Bên cạnh đó, tận dụng lõi pecmaloi lấy từ tên lửa đã sử dụng, Nguyễn Trọng Quế còn nghiên cứu thiết kế chế tạo nên thiết bị đo vi di chuyển từ trường có độ nhạy rất cao.

"Tất cả những nghiên cứu dù lớn, dù nhỏ đều rất có ích và có liên quan đến nhau.."

Năm 1972, trước tình hình Mỹ ném bom, thả thủy lôi, bom từ trường phong tỏa tại các cửa biển, cảng, đường bộ khắp miền Bắc Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phan Trọng Tuệ đã đặt vấn đề nghiên cứu rà phá thủy lôi, bom từ trường với một số lãnh đạo ngành trong đó có Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu. Đề tài Nghiên cứu rà phá thủy lôi và bom từ trường được hình thành và Nguyễn Trọng Quế là một trong 6 thành viên của Tổ GK1[2] .

Trong thời gian này, do tập trung công sức cho nhóm GK1 nên Nguyễn Trọng Quế cũng không có nhiều thời gian để tiếp tục thực hiện đề tài nghiên cứu mà ông ấp ủ sẽ làm luận án PTS. Nhưng những nghiên cứu mới xuất phát từ đề tài này đã giúp ông và tổ GK1 nghiên cứu thành công đề tài “Nghiên cứu rà phá thủy lôi và bom từ trường”.

Trong công trình nghiên cứu về rà phá thủy lôi, bom từ trường, Nguyễn Trọng Quế đã có đóng góp tạo ra máy đo từ trường độ nhạy cao nhằm đánh giá thiết bị rà phá thủy lôi và thiết kế chế tạo máy phá nhiễu cá nhân theo đề xuất của đồng nghiệp Bùi Minh Tiêu, đồng thời đưa ra phương pháp tạo từ trường biến thiên chậm theo quy luật thủy lôi bằng phương pháp thay đổi chậm động kích từ trong máy phát điện một chiều. Đây là một phát kiến rất có giá trị trong rà phá thủy lôi, bom mìn của cả Tổ GK1 mà phía đối phương không lường trước được. Chưa hết, tàu phá mìn do Cục Hàng hải Việt Nam thiết kế chế tạo theo ý tưởng nói trên đã phá được thủy lôi ở khoảng cách an toàn trên 50m.

Với những đóng góp đã đạt được trong quá trình nghiên cứu đề tài về rà phá thủy lôi và bom từ trường, Nguyễn Trọng Quế được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Bản thảo đề tài nghiên cứu Cấu trúc thiết bị đo lường

Năm 1973, khi đề tài rà phá thủy lôi, bom từ trường hoàn thành, Nguyễn Trọng Quế tiếp tục hoàn thiện đề tài "Đo vi di chuyển bằng phương pháp điều chế từ" để làm luận án Phó Tiến sĩ và tích cực chuẩn bị cho việc bảo vệ. Nhưng do xu hướng của khoa Điện lúc bấy giờ đang thiên về nghiên cứu lý thuyết nên Nguyễn Trọng Quế quyết định chuyển hướng đề tài cho phù hợp – "Cấu trúc thiết bị đo lường". Đây cũng là hướng nghiên cứu và là luận điểm của Giáo sư Ornatski (trường Đại học Bách khoa Kiev) mà ông đã đọc được trong cuốn sách Cơ sở kỹ thuật đo lường do bộ môn Đo lường ở Kháccốp gửi tặng năm 1965. Cuốn sách được đánh giá là "đi trước thời đại" này đã giúp cho Nguyễn Trọng Quế hoàn thiện kiến thức về kỹ thuật đo lường. Cuối năm 1975, ông đã hoàn thành đề tài "Cấu trúc thiết bị đo lường", theo ông nội dung nghiên cứu đáp ứng yêu cầu của một luận án Phó Tiến sĩ. Tuy nhiên đến năm 1976, do nguyên nhân chủ quan, khách quan mà ông đã quyết định "dừng" việc tiến hành làm luận án.

Mặc dù công trình nghiên cứu chưa được thực hiện thành luận án Phó Tiến sĩ nhưng những kiến thức thu được trong quá trình nghiên cứu đều được Nguyễn Trọng Quế truyền đạt lại cho sinh viên qua các bài giảng và thực hiện nhiều đề tài có tính ứng dụng cao trong thực tiễn như: Máy tự động báo cháy (Bộ Công an năm 1976), Nghiên cứu xây dựng hệ thống SCADA cho hệ thống điện Việt Nam (năm 2004); Hệ đo 4 thông số về ô nhiễm môi trường nước cho các khu công nghiệp ở Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2011). Ngoài ra, ông còn tổng hợp lại, kết hợp với những trao đổi mang tính chất cá nhân với GS.VS Terenxep (Kháccốp) và Giáo sư công huân Ornatski về kỹ thuật thông tin đo lường từ năm 1992 và viết thành cuốn "Cơ sở kỹ thuật đo lường" được NXB Khoa học và kỹ thuật xuất bản năm 2009.

Kết thúc câu chuyện dài về một quá trình làm khoa học của mình, PGS Nguyễn Trọng Quế chia sẻ: "Tất cả những nghiên cứu dù lớn, dù nhỏ đều rất có ích và có liên quan đến nhau".

Bản thảo công trình nghiên cứu "Cấu trúc thiết bị đo lường" đã được PGS Nguyễn Trọng Quế trao tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam vào tháng 6 năm 2014.

Nguyễn Thị Phương Thúy

__________________

[1] Hỏi thông tin PGS Nguyễn Trọng Quế, 12-6-2014

[2] G là giao thông, K là bách khoa – Đây là tên viết tắt của nhóm nghiên cứu phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải và trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tổ GK1 bao gồm: GS.TSKKH Vũ Đình Cự, PGS.TS Nguyễn Bính, PGS Bùi Minh Tiêu, PGS.TS Nguyễn Xuân Chánh, PGS Nguyễn Nguyên Phong, PGS Nguyễn Trọng Quế.