Giáo sư, tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đức Dân – một nhà giáo tận tuỵ với nghề

Giáo sư, tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đức Dân.

Ảnh: Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Giáo sư, tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đức Dân là một trong những chuyên gia đầu ngành có công tạo dựng ở Việt Nam môn Ngôn ngữ học thống kê, ký hiệu học và một bộ môn thuộc khoa học liên ngành: Lô gích và tiếng Việt mà Giáo sư với lòng say mê chuyên môn và sự nghiệp “trồng người” đã tham gia giảng dạy trong suốt mấy chục năm qua ở nhiều trường đại học khác nhau.

Giáo sư, tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đức Dân sinh ngày 23 tháng 6 năm 1936 tại Hà Nội nhưng nguyên quán của Giáo sư là làng Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam – nơi lưu giữ nhiều kỉ niệm thiếu thời của Giáo sư cùng gia đình.

Thân phụ của Giáo sư là cụ Nguyễn Đức Chung, Nguyên Trưởng ty kinh tế Hà Nam thời kì kháng chiến chống Pháp. Thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Nga – cháu ngoại của cụ Tam Nguyên Yên Đổ – nhà thơ Nguyễn Khuyến.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa cử nên trong suốt thời gian học ở cấp phổ thông, cậu học trò Nguyễn Đức Dân luôn đạt những thành tích xuất sắc toàn diện với kết quả xếp hạng nhất/ nhì ở tất cả các môn học.

Vào đại học năm 1954, hè năm 1957, Nguyễn Đức Dân tốt nghiệp cử nhân ban Toán (khoa Toán – Lý, ĐHSP Hà Nội), tháng 8/1957 được nhận quyết định về dạy Toán tại trường Bưởi (nay là Trường THPT chuyên Chu Văn An – Hà Nội). Từ đó Thầy theo đuổi và tận tuỵ với sự nghiệp “trồng người”. Từ năm 1963 đến năm 1966, Thầy được phân công phụ trách lớp “Bồi dưỡng Toán của Hà Nội” thi học sinh giỏi toàn miền Bắc. Nhiều học trò do Thầy bồi dưỡng đã trở thành các nhà Toán học có tiếng như: GS.TS. Phan Quốc Khánh, GS.TS. Đào Văn Lượng, GS.TS Nguyễn Bá Ân…

Từ năm 1966 tới năm 1970, Thầy được cử đi làm NCS tại Ba Lan. Vì quan tâm các vấn đề về logic và thống kê trong toán học, nên Thầy đề xuất nguyện vọng đi sâu về vấn đề toán học trong nghiên cứu ngôn ngữ.

Năm 1970, Thầy bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học hình thức (formal linguistics) với đề tài “Minh họa câu đơn tiếng Việt bằng ngữ pháp phạm trù” tại Warszawa, Ba Lan. Đây là bước chuyển hướng quan trọng từ Toán học sang Ngôn ngữ học trong sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu của Thầy.

Sau khi từ Ba Lan về, Thầy giảng dạy Ngôn ngữ học tại khoa Ngữ Văn, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG Hà Nội). Năm học 1979-1980, Thầy làm giáo sư thỉnh giảng môn “Tiếng Việt và Văn minh Việt Nam” tại ĐH Paris 7 (Cộng hòa Pháp). Từ năm 1986, Thầy chuyển vào Nam công tác tại Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM. Trong thời gian công tác tại đây, Thầy được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư năm 1991, học hàm Giáo sư năm 1996. Thầy đã liên tục là Tổ trưởng tổ bộ môn Ngôn ngữ, Khoa Ngữ văn-Báo chí, Phó chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Thầy nghỉ hưu vào năm 2002.

Trong suốt thời gian giảng dạy và nghiên cứu, Giáo sư đã công bố hơn 20 sách nghiên cứu và giáo trình, trong đó có: Từ điển tần số tiếng Việt /Dictionnaire de fréquence du Vietnamien (Paris VII, 1980); Ngôn ngữ học thống kê (1984); Lôgích – ngữ nghĩa – cú pháp (1987); Lôgích và tiếng Việt (1996); Ngữ dụng học, tập I, (1998); Ngữ pháp tạo sinh (2012); Từ câu sai tới câu hay (2013) và hàng trăm bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước.

Gần 60 năm trong sự nghiệp trồng người, cho đến nay, học trò của Giáo sư lên đến con số hàng nghìn người, từ Bắc chí Nam, từ Toán cho đến Ngôn ngữ… đã trở thành những công dân tiên tiến có đóng góp tích cực cho đất nước, cho xã hội. Nhiều người trong số những học trò của Giáo sư đã nhận được những học hàm, học vị cao và là những cán bộ chủ chốt của các trường đại học, các viện nghiên cứu, các cơ quan nhà nước.

Giáo sư là một nhà giáo rất tận tụy với nghề. Về hưu từ năm 2002 nhưng Giáo sư vẫn tham gia giảng dạy đại học và sau đại học cho Nhà trường và các cơ sở đào tạo đại học khác từ Nam chí Bắc. Cho đến nay, Giáo sư vẫn thường xuyên tham gia nhiều hội đồng chấm thi và hướng dẫn thành công nhiều luận văn, luận án sau đại học. Tính đến thời điểm này, Giáo sư đã hướng dẫn 20 NCS bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Trong cảm nhận của đồng nghiệp, của học trò, Thầy Nguyễn Đức Dân là người nghiêm khắc, điềm đạm, quyết đoán nhưng cũng rất khoan hòa, độ lượng; trầm lặng, giản dị nhưng nghiêm túc. Thầy thực sự là tấm gương sáng về tinh thần làm việc nghiêm túc và cẩn trọng cho nhiều thế hệ học trò.

Nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của Giáo sư, Bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH&NV tổ chức Tọa đàm sách “Logic- ngữ nghĩa từ hư tiếng Việt” – tập hợp các bài nghiên cứu về lĩnh vực logic- ngữ nghĩa mới được Nhà xuất bản Trẻ xuất bản trong tháng này. Đây cũng là dịp các đồng nghiệp, các thệ hệ học trò của Giáo sư được ngồi lại với nhau để chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc về người bạn, người đồng nghiệp, người thầy đáng kính của mình.

Mừng sinh nhật lần thứ 80 của Thầy – Giáo sư, tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đức Dân – kính chúc Thầy luôn được an khang, trường thọ …

PGS.TS.Huỳnh Thị Hồng Hạnh

Khoa Văn học và Ngôn ngữ

Nguồn: hcmussh.edu.vn/