Sinh năm 1949 tại Cao Bằng, là chị cả của 4 người em, ngay từ bé, cô gái dân tộc Tày Lộc Phương Thủy đã phải đảm nhận hầu hết các công việc trong gia đình để đỡ đần cha mẹ. Ban đầu, bố mẹ định cho Thủy học hết lớp 5 rồi nghỉ ở nhà lao động, nhưng nhờ thông minh lại chăm chỉ, học lực của Thuỷ lúc nào cũng thuộc loại xuất sắc nhất nhì lớp.
Năm 1966, Thủy vào học khoa Văn, trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, mới chiêu sinh khóa đầu tiên. Bốn năm theo học là quãng thời gian gắn bó với rừng, nhận trường mà không có lớp, không có nhà ở, thầy trò phải ở tạm nhà dân.
Tốt nghiệp, cô sinh viên xuất sắc được giữ lại khoa Văn giảng dạy. Lúc này, chồng biền biệt đi chiến trường B và C. Mình bà vừa nuôi con nhỏ, vừa nghiên cứu giảng dạy trong điều kiện sơ tán muôn vàn gian khó. Lại dựng nhà, đào hầm, hái măng, lấy củi, một tay Thủy làm hết. Song khó khăn nhất là bà đảm nhiệm giảng dạy phần văn học cổ Hy Lạp- La Mã, trong khi ngoại ngữ chưa biết. 22 tuổi, bà đã bắt đầu đứng lớp, giảng dạy cho những lứa sinh viên hơn cả tuổi mình.
Vừa nuôi con, vừa học tập, vừa giảng dạy, cô gái Tày giàu nghị lực âm thầm tích lũy kiến thức. Thời gian rảnh, Thủy bắt đầu a, b, c tiếng Nga, đánh vật với những tài liệu ít ỏi trong thư viện. Đến năm 1976, Thuỷ tham gia thi tuyển nghiên cứu sinh đi học Liên Xô, đỗ thủ khoa khối Ngữ văn cả nước. 4 năm bên trời Tây, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ trước thời hạn 4 tháng và thành thạo luôn cả hai thứ tiếng Pháp, Nga.
Để có vinh quang ấy, GS.TS Lộc Phương Thủy luôn trân trọng, biết ơn chồng mình – Giáo sư Tâm lý Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Việt Nam, Đại tá giảng dạy tại Học viện Chính trị Quân sự. Sự đồng cảm, chia sẻ, khích lệ của ông đã giúp bà vượt qua những chặng đường khó khăn nhất, thậm chí vấp phải sự phản đối của đa số người thân, bạn bè, như khi dằn lòng để con nhỏ ở nhà, sang Liên Xô, hay quyết định chỉ sinh 1 con để tập trung cho công tác nghiên cứu khoa học.
Vợ chồng GS-TS Lộc Phương Thủy
Để đạt được những thành tựu trên con đường nghiên cứu khoa học, nữ giáo sư Lộc Phương Thủy đã phải nỗ lực không ngừng. Nhưng cái được lớn nhất, GS.TS Lộc Phương Thủy khẳng định: đó là tri thức để phục vụ đất nước, quê hương.
Bà bảo: “Cho mình một khối kiến thức là các cửa sổ nhìn ra rất nhiều thứ, và khi đó mình càng tôn trọng gốc rễ của mình, là con nhà miền núi và gốc rễ thứ hai là người Việt Nam. Khi có khối kiến thức và hiểu biết, mình lại có điều kiện cho đi, cái được rất lớn. Khi mình ở tầm cao hơn, đi được nhiều nơi hơn, kiểu như con ong hút mật, thì sẽ mang về cho quê hương đất nước được nhiều hành động thiết thực cụ thể”.
GS.TS Lộc Phương Thủy quê ở huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, là nữ giáo sư người dân tộc thiểu số duy nhất trong ngành văn. Bà đã in chung 9 đầu sách quan trong ở các nhà xuất bản lớn, in riêng 2 chuyên luận dày dặn và dịch 3 cuốn sách tiếng Pháp; viết giáo trình văn học Pháp giảng dạy đại học, cao học; các chuyên đề đào tạo nghiên cứu sinh.
Giáo sư, Tiến sĩ Lộc Phương Thủy đã trở thành một trong số chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về văn học Pháp. Gia đình TS Lộc Phương Thủy là một mẫu hình tiêu biểu về nghiên cứu khoa học. Chồng bà là Đại tá, giáo sư, Tiến sĩ tâm lí, Chủ nhiệm khoa tâm lí học quân sự của Học viện Chính trị Quân sự. Con gái bà cũng đã trở thành PGS-TS và đang dạy Đại học ở Pháp.
Thu Hòa/VOV4