Người lính trẻ trong những năm chiến tranh khốc liệt
Như bao thanh niên khác cùng thời, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ Lê Doãn Hợp bước vào quân ngũ ngày 26/12/1967, khi đang là học sinh cấp 3, rời xa quê nhà là xã Nghi Liên, Nghi Lộc (nay là TP Vinh, Nghệ An).
Sau thời gian được huấn luyện cấp tốc chưa đầy 3 tháng, ngày 18/3/1968, 516 chiến sỹ, những người con Nghi Lộc thuộc Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 22 – Quân khu 4, hành quân chi viện cho chiến trường miền Nam. Khi qua đồi Yên Ngựa thuộc xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, không ai bảo ai, tất cả đều ngoảnh mặt về hướng đông, nơi đó là quê hương Nghi Lộc, vội vã bỏ mũ vẫy chào tạm biệt.
Lúc đó người lính trẻ Lê Doãn Hợp cũng nghĩ, sẽ có người không trở về, vì chiến tranh đang đi vào giai đoạn khốc liệt nhất. Nhưng không ai nghĩ rằng kết thúc chiến tranh, lại nhiều người phải nằm lại chiến trường đến vậy. 516 chiến sĩ ngày ấy chỉ còn 51 người còn sống trở về.
Tháng 4/1968, Tiểu đoàn 10, E22, QK4 vào mở đường cho binh chủng xe tăng vào giải phóng Làng Vây và sân bay Tà Cơn. Đơn vị bị bao vây suốt hơn 10 ngày không có lương thực và thực phẩm, phải sống bằng trái mít non chấm với than cỏ tranh có chút mặn thay muối. Lúc ấy mới thấu hiểu: Thức ăn quý giá nhất trên đời là muối.
Mùa mưa năm 1969, đơn vị đang dừng chân ở chiến khu Đ. Trung tá Phó tham mưu trưởng sư đoàn 5 Nguyễn Xuân Chuyên chiêu hàng địch, mọi vị trí đóng quân của các đơn vị trong sư đoàn đều bị lộ. Tất cả đều phải di chuyển nơi đóng quân để bảo toàn lực lượng. Mỗi đơn vị được cắt cử, phân công một chiến sỹ ở lại để quản lý quân tư trang vì không thể đưa hết, chờ hôm sau đơn vị trở lại vận chuyển tiếp. Một mình ở lại căn cứ vắng vẻ và buồn tẻ dễ sợ. Đến lúc này mới hiểu ra rằng: Điều đáng sợ nhất trên đời là "Cô Đơn".
Chiến sỹ trẻ Lê Doãn Hợp ở giữa hàng đầu cùng các chiến sỹ Ban Tuyên huấn Sư đoàn 5
Từ năm 1969 – 1972 chiến sỹ Lê Doãn Hợp may mắn được tiếp cận nhiều với ông Nguyễn Lở quê Quảng Bình, Phó ban Tuyên huấn sư đoàn 5, phụ trách công tác tuyên truyền. Ông là một người năng động, nghiêm túc, có kỷ luật, am hiểu lý luận và giàu thực tế. Với lính trẻ, ông rất chú ý đào tạo bồi dưỡng.
Ông đặt ra hàng loạt sự vật, ví dụ, cuộc sống xung quanh mình bắt các chiến sỹ định nghĩa, bởi theo ông, đó là cách trở về với bản chất sự vật. Mỗi lần về T.Ư Cục họp ông lại lại mang về hàng chục quyển sách bắt đọc và viết thu hoạch. Một năm sống với ông tất cả đã khôn lớn, trưởng thành bằng hàng chục năm so với môi trường khác.
Phải chăng với riêng cá nhân anh Lê Doãn Hợp, những gì có hôm nay đã được tôi luyện, kinh qua chiến trường và có một phần công lao đào tạo của những người đồng đội đã quá cố, trong đó có ông Nguyễn Lở.
Tham gia trong quân ngũ từ năm Mậu Thân 1968 cho đến khi kết thúc chiến tranh, anh Hợp thấy may mắn khi có mặt ở Sài Gòn trong giờ phút lịch sử. Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm nhưng những kỷ vật luôn được anh nâng niu, gìn giữ. Anh trân trọng giây phút đó cũng như trân trọng đồng đội của mình, bởi những người lính tham gia kháng chiến chống Mỹ là thế hệ "vàng' của QĐNDVN.
Đã qua quá nửa đời người liên tục phấn đấu anh được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều huân chương cao quý. Anh nói mình là người may mắn và tin rằng hương hồn đồng đội đã phù hộ, độ trì cho mình nhiều lắm.
Người lính xuất ngũ
Sau giải phóng miền Nam, anh lại được Bộ Tư lệnh Miền cử đi học lớp Sỹ quan tại Liên Xô (cũ) nhưng anh muốn tiếp tục học để hoàn thiện những kiến thức đang còn dang dở và chăm lo cho gia đình. Thủ trưởng trực tiếp hiểu hoàn cảnh của Anh nên đã đề xuất cho anh chuyển ngành về địa phương. Cơ quan đầu tiên là Ty xây dựng Nghệ Tĩnh. Sau đó Ban cán sự Sở Xây dựng đã đưa anh vào diện quy hoạch Lãnh đạo Sở và cử đi học lớp Quản lý đô thị ở Liên Xô (cũ).
Với thành tích học tập xuất sắc, anh được Tỉnh ủy Nghệ An phân công về thành phố Vinh làm trợ lý cho đồng chí Bí thư thành phố. Đại hội Tỉnh Đảng bộ Nghệ An nhiệm kỳ 1991 – 1996, anh được bầu vào Ban chấp hành và Ban Thường vụ tỉnh ủy, được phân công Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, lần lượt kinh qua Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy và tham gia 2 khóa T.Ư ( khóa 9 + 10), 2 khóa Quốc hội (XI và XII).
Trong quá trình giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Tỉnh Nghệ An, anh là người hay đúc kết, dồn nén con chữ để dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm, đúng thì làm bằng được, không lùi bước. Lăn lộn với thực tiễn đến với bà con từ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, từ cấp xã gần dân nhất cho đến T.Ư
Anh rút ra từ thực tế với đủ loại hình và lĩnh vực. Với cương vị Chủ tịch Tỉnh và Bí thư Tỉnh ủy Anh đã khái quát: "Làm Chủ tịch là làm 3 chữ C: chính sách, công trình, cải cách hành chính. Làm Bí thư lại 3 chữ C khác: chủ trương, cơ chế, cán bộ. Làm cán bộ chủ trì là thực thi 3 chữ chủ: chủ thuyết rõ, chủ kiến nhanh, chủ động cao".
Người lính ra Thủ đô
Được Bộ Chính trị quyết định điều động ra Ban Tư tưởng Văn hóa T.Ư, nay là Ban Tuyên giáo T.Ư, ông ra Hà Nội tháng 9/2005.
Nhận nhiệm vụ Phó Ban Tư tưởng VHTƯ rồi Phó Ban thường trực một thời gian ngắn, khi vừa làm quen với công việc, thì tháng 7/2006 anh lại được Quốc hội bầu và phê chuẩn vào cương vị Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin.
Tháng 8/2007 anh đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Trên cương vị này, anh đã cùng các cộng sự làm được 25 việc lớn. Trong đó, một dấu ấn cũng không thể không nhắc đến đó là bảo vệ và thông qua Thường trực Chính phủ “Quỹ bù đắp tiền lương”, là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để giữ và thu hút nhân tài, vì sự phát triển nhanh, sáng tạo, táo bạo và đúng hướng của Ngành Thông tin và Truyền thông.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại từng dẫn lời Cụ Đặng Thai Mai nhận xét về người Nghệ: "Can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan, và tằn tiện đến "cá gỗ".
Giáo sư Vũ Ngọc Khánh, một người con của Xứ Nghệ thì bảo, trong người Nghệ có: Một kẻ bình dân khổ chạc (cùng cực); Một con người chữ nghĩa văn chương; một chiến sỹ tiền phong cách mạng".
Nhà thơ nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo thì phân tích: "Người xứ Nghệ có thật thà và có ma lanh; có khôn ngoan và có khờ dại; có dũng cảm và có cơ hội; có thẳng thắn và có ngang ngạnh, thậm chí cũng lắm chất gàn. Nhưng nhìn chung, người Nghệ dám làm, dám xả thân, dám sống và dám chết. Tôi yêu cái tính quyết liệt của người Xứ Nghệ.
Có lẽ những lời này cũng rất đúng trong trường hợp của Anh suốt quá trình làm việc ở các Cơ quan Ban, Bộ, Ngành cho đến lúc nghỉ hưu.
Ông Lê Doãn Hợp vẫn nhiệt thành làm việc sau khi nghỉ hưu
Người lính thảnh thơi nghỉ hưu
Khi về hưu anh đã làm được 4 việc là làm nhà tình nghĩa cho đồng đội, làm thơ, viết sách, làm Truyền thông và làm… "Ngơ". Bây giờ anh sống theo phương châm: 3 quên, 2 nhớ, 1 có, đó là: Quên bệnh tật, quên tuổi tác, quên bức xúc; Nhớ những người có công giúp mình, nhớ đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp chí cốt với mình và tiếp tục sống có ích cho bản thân gia đình và xã hội.
Kể từ khi về hưu, anh cùng Ban liên lạc Sư đoàn 5 thường tổ chức các cuộc gặp mặt số anh em đi B đang còn sống và kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn, đến nay đã xây dựng được gần 46 ngôi nhà Tình nghĩa cho các gia đình có đồng đội hy sinh.
Anh về hưu đúng tuổi 60, với 43 năm liên tục công tác, 41 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng khi đương chức, trải qua 18 chức danh.
Ngày bàn giao nhiệm vụ Bộ trưởng TT&TT, anh đã nói: “43 năm liên tục phấn đấu cho Quân đội, cho dân, cho Đảng nay được ‘hạ cánh an toàn’ về làm đảng viên, công dân cơ sở. Tôi xin hứa với đồng chí, đồng bào, đồng nghiệp, đồng đội, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương, đất nước, tiếp tục sống có ích cho bản thân, gia đình, xã hội và sự nghiệp đổi mới của Đảng. Để đền đáp công lao của bao đồng đội thân yêu đã nằm lại trên chiến trường; xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ"; xứng đáng với chiến sỹ, đồng bào, đồng chí, đồng nghiệp, đồng đội những nơi tôi đã sống và công tác”.
Nguyễn Công Khang
Theo Vietnamnet.vn
Nguồn: baomoi.com/chuyen-doi-cua-mot-nguyen-bo-truong/c/24457046.epi