Hôm nay đặc biệt hơn, chúng tôi được PGS.TS Nguyễn Văn Huy- Giám đốc chuyên môn của Trung tâm, chuyên gia rất uy tín về lĩnh vực bảo tàng hướng dẫn. Tôi ấn tượng với câu nói của thầy: “Hôm nay chúng ta đến đây không phải để thưởng thức mà đi để học hỏi”.
Tâm trạng của chúng tôi vẫn háo hức, đợi chờ như mọi lần: chờ đợi để cùng nhau mục sở thị sự mới mẻ, hấp dẫn từ trưng bày của bảo tàng; háo hức về những sẻ chia của một bậc lão thành đã dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Cuối cùng nhen nhóm những hy vọng để mỗi người có thể liên hệ với công việc của Trung tâm một cách hiệu quả nhất. Và rồi, tôi không hề thất vọng!.
Trước mắt chúng tôi là Triển lãm “Nhịp đập đa dạng sinh học Việt Nam- Đài Loan”. Đây là triển lãm ngắn hạn (3 tháng) có sự kết hợp cùng Bảo tàng Thiên nhiên, Bảo tàng quốc lập Đài Loan tổ chức với 300 tác phẩm nhiếp ảnh đa dạng sinh học của hai nước với công nghệ trình chiếu, tương tác hiện đại phục vụ du khách. Thiên nhiên, rừng đại ngàn, đại dương xanh thẳm hay quang cảnh thành phố ở Việt Nam-Đài Loan được thu nhỏ tại tầng 2 của Bảo tàng Hà Nội thật huyền bí nhưng rất sinh động. Qua đó, bản thân tôi nhận thấy thông điệp rất rõ từ việc tham quan triển lãm này: đó là sự tuyên truyền, giáo dục ý thức giữ gìn cảnh quan, môi trường thiên nhiên hoang dã. Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên hết sức cần thiết trong việc bảo vệ sự đa dạng sinh học. Đồng thời cho thấy sự hợp tác quốc tế một cách hữu hiệu.
Tặng Lịch năm mới – đặc sản của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
Tôi nhớ rất rõ PGS.TS Nguyễn Văn Huy từng chia sẻ: bảo tàng cần nhất các yếu tố khoa học, nghệ thuật và công nghệ để hấp dẫn khách tham quan. Dưới con mắt và cách phân tích rất khoa học của chuyên gia hàng đầu về bảo tàng học, thầy Huy làm cho chúng tôi rất thích thú với “triển lãm không hiện vật” này. Xác định tâm thế tham quan là để học hỏi, liên hệ với công việc của Trung tâm nên các học trò nhỏ như chúng tôi luôn hăng hái trả lời thầy Huy về sự khám phá và liên hệ của mình. Cảm tưởng các đồng nghiệp của tôi đang ứng nghiệm di sản nhà khoa học thành các trưng bày đa màu sắc tại đây. Tôi coi sự chỉ bảo chi tiết của thầy từ việc phân tích chất liệu, phương pháp trưng bày, cách viết chú thích cho đến tổng quan chung của triển lãm trên như một bài giảng. Vâng. Đúng hơn đây là bài thuyết trình thực tiễn hấp dẫn nhất mà không một hướng dẫn viên bảo tàng nào làm được.
Tập thể cán bộ Trung tâm chụp ảnh lưu niệm tại sảnh của Bảo tàng Hà Nội
Tôi vẫn biết biển học là vô bờ, những cán bộ nghiên cứu, bảo tàng non trẻ như chúng tôi vẫn cần lắm nhiều buổi tham quan để trau dồi chuyên môn, nâng cao hiểu biết, có cơ hội ứng dụng vào hoạt động của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam trong tương lai.
16h00 buổi tham quan kết thúc, mỗi người trong Trung tâm ra về với nhiều tâm trạng khác nhau nhưng tôi tin ai cũng đã rút ra cho mình bài học hữu ích. Với tôi, đây là buổi chiều “trọn” niềm vui!
Lưu Thị Thúy
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam