Những ngày tháng 5, lịch bay của vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân dày hơn bình thường. Ông bà như con thoi, từ Pháp về Bình Định rồi lại từ Bình Định ra Hà Nội và ngược lại để chuẩn bị cho chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 14 ở thành phố biển Quy Nhơn (Bình Định).
Trong một ngày ngắn ngủi ở Hà Nội, điện thoại giáo sư Trần Thanh Vân và vợ là giáo sư Lê Kim Ngọc reo liên tục. Học sinh cũ, nhóm nghiên cứu đặt lịch muốn gặp ông để trao đổi công việc và nhờ tư vấn. Tiếp khách từ sáng và dù bữa trưa đã qua, vợ chồng ông vẫn không từ chối các cuộc hẹn.
Vợ chồng GS Trần Thanh Vân – Lê Kim Ngọc. Ảnh: Le Monde.
Dáng nhanh nhẹn, nụ cười đôn hậu và say sưa khi nói về khoa học, ít ai biết vợ chồng giáo sư đã 84 tuổi. Giáo sư Vân được xem “bậc thầy của các nhà nghiên cứu lý thuyết vật lý nguyên tử”, còn giáo sư Ngọc là “bậc thầy của các nhà nghiên cứu về thực vật học”. Họ hàng ngày cần mẫn cống hiến cho khoa học và giáo dục Việt Nam.
Ở chương trình Gặp gỡ Việt Nam, năm nào cũng vậy khách dễ bắt gặp hình ảnh hai nhà khoa học đầu bạc trắng, tất bật cho công tác chuẩn bị. Từ khâu đón khách, quan tâm từng bữa ăn tới lưu dòng lưu niệm của các nhà khoa học… đều được vợ chồng ông tỉ mỉ, chăm chút.
Khó lý giải tình yêu với Việt Nam
Cách đây 65 năm, chàng trai Trần Thanh Vân mới 19 tuổi rời quê hương Quảng Bình đến Pháp du học. Năm 1957, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông định học kỹ sư nhưng cuộc gặp với giáo sư Maurice Lévy – một trong những cha đẻ của vật lý nguyên tử Pháp và giải thưởng Nobel cho GS Franck Yang về vật lý hạt khiến ông chuyển hướng, theo ngành vật lý.
Năm 27 tuổi, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về vật lý hạt cơ bản, chỉ ra rằng hạt proton không phải vật chất cuối cùng mà sau này khoa học chứng minh đó là hạt quark. Năm 1958, ông vào làm viêc ở Trung tâm Khảo cứu quốc gia Pháp. Nước Pháp từng trao huân chương Bắc đẩu bội tinh cho giáo sư Vân.
Giáo sư Trần Thanh Vân. Ảnh: Đắc Thành.
Thành công ở Pháp, nhưng giáo sư Vân và vợ luôn hướng về quê hương. Quan niệm “là người Việt nên quay về giúp Việt Nam” nên năm nào vợ chồng ông cũng trở về Việt Nam 3-5 lần để thực hiện các dự án giáo dục, khoa học. Đặc biệt là khi về hưu, ông bà gần như dành toàn thời gian và sức lực cho công việc liên quan đến Việt Nam.
“Năm nay chúng tôi đã về ba lần, có lần về tận ba tháng mới quay lại Pháp. Từ nay đến cuối năm chắc chắn còn về nữa vì chúng tôi còn rất nhiều việc dang dở tại Việt Nam. Khi còn sức lực thì tôi còn đóng góp cho quê hương”, giáo sư Vân chia sẻ.
“Tôi yêu Việt Nam, yêu khoa học, đó là thứ tình yêu không thể giải thích”, giáo sư Vân nói thêm.
‘Gặp gỡ Việt Nam’ kết nối khoa học Việt với thế giới
Để đưa khoa học Việt Nam tiệm cận thế giới, từ những năm 1970, giáo sư Trần Thanh Vân đã có ý tưởng về việc tạo diễn đàn cho các nhà khoa học vật lý trong nước có cơ hội giao lưu với quốc tế. Nhưng mãi năm 1993, ý tưởng mới trở thành hiện thực khi hội Gặp gỡ Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nội. Trước đó, ông là người sáng lập Gặp gỡ Moriond năm 1966, Gặp gỡ Blois năm 1989.
Cho rằng nếu hội nghị tổ chức ở Hà Nội, TP HCM nhà khoa học dễ bị phân tán, nên với sự giúp đỡ của Bình Định, giáo sư Vân chọn Quy Hòa, phường Ghềnh Ráng để tổ chức thường niên Gặp gỡ Việt Nam từ năm 2011. Địa điểm này không quá xa trung tâm thành phố, nhưng lại có tính biệt lập để nhà khoa học có không gian riêng, chuyên tâm vào khoa học, suy ngẫm và gặp gỡ.
Tại đây, Trung tâm Khoa học giáo dục liên ngành (ICISE) được khánh thành năm 2013 do vợ chồng giáo sư cùng những người bạn thiện nguyện xây dựng đã trở thành ngôi nhà chung cho khoa học Việt Nam và thế giới.
Đến nay 14 lần Gặp gỡ Việt Nam đã diễn ra, thu hút hàng nghìn nhà khoa học nổi tiếng, trong đó có nhiều nhà khoa học đạt giải Nobel. Các khóa học quốc tế theo chuyên đề cũng được tổ chức hàng năm từ năm 1994, nhằm đào tạo chuyên sâu cho sinh viên, nghiên cứu trẻ Việt Nam và châu Á.
“Tôi muốn làm những thứ mà người khác chưa thực hiện. Nhờ tình bạn với các nhà khoa học thế giới và trong nước nhất là GS Nguyễn Văn Hiệu, người đồng hành cùng tôi tổ chức Gặp gỡ Việt Nam lần đầu tiên, tôi mong giới trẻ Việt Nam tiếp cận với nền trí thức mới”, giáo sư Vân chia sẻ.
Để làm được điều đó, theo ông quan trọng nhất là tạo được tình cảm giữa người với người, bởi giới khoa học đến Việt Nam xuất phát từ chính bản thân chứ không phải do cơ quan hay tổ chức chỉ dẫn họ. Tình cảm giữa giáo sư Vân và nhà khoa học có từ khi họ chưa giành giải Nobel.
Muốn khoa học trẻ được độc lập và bay nhảy
Điều khiến giáo sư Trần Thanh Vân trăn trở nhất là nhiều nhà khoa học về Việt Nam rồi lại rời bỏ. Dẫn chứng Đà Nẵng từng có chính sách mời giới trẻ nhưng sau ba năm họ đều bỏ đi vì không được tạo điều kiện làm việc, ông cho rằng Việt Nam cần tin tưởng và trao cơ hội để nhà khoa học trẻ đi lên. Người lãnh đạo không nên nghĩ vì tuổi còn nhỏ không làm được việc.
Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), cũng là nơi
tổ chức Gặp gỡ Việt Nam. Ảnh: Đắc Thành
“Các bạn trẻ đi học nước ngoài thường có tinh thần làm việc rất nhiệt huyết và rõ ràng. Hãy để họ được độc lập và bay nhảy, tự do nghiên cứu. Nếu Việt Nam không có cơ chế đặc thù thì khó thu hút các em quay lại. Không chỉ các bạn đi học nước ngoài mà ngay cả trong nước cũng vậy”, giáo sư Vân nói.
Giáo sư Vân lấy ví dụ Hàn Quốc với chính sách ưu đãi đã thu hút nhiều nhà khoa học từ Mỹ quay về quê hương. Singapore hay Trung Quốc cũng thành công trong việc đẩy mạnh đầu tư cho khoa học và vị thế hai quốc gia này ngày càng nâng cao trên bản đồ khoa học thế giới.
“Tôi tin các nhà khoa học Việt không muốn gì hơn là được quay trở về, bởi thực tế cuộc sống ở nước ngoài không hề đơn giản, ngoài công việc họ phải chịu nhiều áp lực về gia đình”, giáo sư Vân cho hay.
Theo giáo sư, tương lai khoa học Việt Nam không chỉ nằm trong tay người lớn tuổi mà chính là giới trẻ, làm sao để các em sống và làm việc với tất cả đam mê cho khoa học. Việt Nam cần tạo điều kiện vật chất tối thiểu để các em đủ sống và lo cho gia đình. Họ không có nhu cầu sống trong giàu sang, nguồn vui của họ là khoa học và truyền ngọn lửa đam mê khoa học cho thế hệ trẻ.
“Một quốc gia muốn phát triển cần có một nền khoa học và giáo dục mạnh mẽ. Hãy tin tưởng giới trẻ, họ sẽ về quê hương – nơi có cha mẹ và người thân – để cống hiến, trở thành người có ích và trách nhiệm với xã hội”, giáo sư Vân nhắn nhủ.
Phạm Hương
Nguồn: https://vnexpress.net/tin-tuc/