Với mỗi bệnh viện, khoa Hồi sức tích cực luôn được coi là “điểm nóng”, tập trung những bệnh nhân nặng nhất, thập tử nhất sinh. Người bệnh vào viện không nằm 1-2 ngày, 1-2 tuần mà có khi cả tháng, nhiều người không qua khỏi. Vì thế, cứ một bệnh nhân được ra viện, được sống, với những nhân viên y tế ngành hồi sức tích cực là một thành công rất lớn.
Làm việc trong môi trường ấy, chứng kiến bao nước mắt có vui có buồn, giáo sư tiến sĩ Nguyễn Gia Bình luôn tâm niệm “làm hết sức, vận dụng tất cả những gì có thể để cứu người”. Bước vào tuổi 59 với 37 năm trong nghề, ông luôn tự nhận mình là bác sĩ “hai lúa”.
Giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: P.N.
Ông và các đồng nghiệp không ngừng học hỏi, áp dụng nhiều phương pháp mới mang cơ hội sống cho người bệnh. Ngoài những khoá học ngắn hạn, ông luôn tận dụng mọi cơ hội để “học trộm” đồng nghiệp nước ngoài. Những hội nghị khoa học diễn ra ở ngước ngoài là cơ hội học tập vô cùng quý báu. “Sau hội nghị khoa học, mình đề nghị đồng nghiệp cho mình đến nơi họ làm việc, xem họ thực hiện kỹ thuật rồi học theo, ghi chép, chụp ảnh để cố gắng ghi nhớ tất cả. Điều may mắn là chúng tôi nhận được sự hướng dẫn tận tình của họ”, giáo sư Bình kể.
Trong quá trình đó, ông nhận thấy kỹ thuật lọc máu tại các nước mang lại cơ hội sống từ 20 đến 50% cho người bệnh nặng hồi sức cấp cứu. Các bác sĩ tại khoa Hồi sức tích cực Bạch Mai bắt đầu mày mò thực hiện lọc máu riêng lẻ từ năm 2002. Khởi đầu với nhiều khó khăn cả về kỹ thuật, máy móc, thiếu thốn trang thiết bị…, tuy nhiên thực sự mang lại một cuộc cách mạng trong lĩnh vực hồi sức tích cực ở Việt Nam.
Một loạt kỹ thuật lọc máu hiện đại được nghiên cứu và ứng dụng: lọc máu liên tục điều trị suy tạng, sốc nhiễm khuẩn, viêm tụy cấp; quy trình gan nhân tạo trong điều trị suy gan; lọc máu hấp phụ trong điều trị ngộ độc cấp; lọc máu hấp phụ trực tiếp với màng lọc Polymyxin B (PMX-DHP) và lọc máu thẩm tách siêu lọc liên tục với sử dụng màng lọc Polymethylmethacrylate Acrylonitrile- Sodium Methallyl Sulfonate ở bệnh nhân viêm phổi do cúm A (H5N1, H1N1)… Nó giúp cứu sống thêm 20-50% bệnh nhân nặng so với khi chưa áp dụng lọc máu hiện đại.
Kỹ thuật lọc máu cũng được chuyển giao cho các bệnh viện, có thể áp dụng ngay tại địa phương. Nhờ đó, hàng nghìn bệnh nhân ở nhiều cơ sở y tế trong cả nước đã được cứu sống.
“Trước bệnh nhân nặng gần như tử vong trong thời gian ngắn thì nay cơ hội sống cao hơn. Ví dụ bệnh nhân viêm tuỵ cấp trước đây cứ 2 người chỉ cứu được một, thì nay 10 người có thể cứu được 9. Hay bệnh nhân suy gan cấp nặng, trước cứ 10 người bệnh vào viện thì tử vong đến 9, nay bác sĩ cứu được khoảng 50%”, giáo sư Bình cho biết.
Theo giáo sư Bình, kỹ thuật hiện đại, hiệu quả là thế nhưng các bác sĩ cũng không thể bê nguyên xi như nước ngoài về áp dụng trong nước vì vấn đề chi phí. “Cái khó ló cái khôn”, các bác sĩ Việt Nam đã có những sáng tạo riêng. Nhiều bác sĩ vẫn hay nói đùa “mình làm theo kiểu con nhà nghèo, vẫn kỹ thuật đó nhưng làm sao giá thành rẻ nhất mà vẫn có hiệu quả”. Chẳng hạn với màng lọc, các bác sĩ trên thế giới chỉ sử dụng 18 giờ là hết hiệu lực, trong nước các bác sĩ phải bỏ ra nhiều công sức nghiên cứu sử dụng để màng lọc hoạt động hiệu quả trên 30 giờ.
Điều giáo sư Bình vẫn trăn trở là quỹ bảo hiểm y tế chưa chi trả nhiều cho các kỹ thuật lọc máu. Đây thực sự là gánh nặng với người bệnh. Áp dụng phương pháp lọc máu liên tục chi phí một ngày khoảng 15 triệu đồng, trong đó dịch lọc 5-6 triệu đồng chưa được bảo hiểm y tế chi trả.
Bên cạnh đó, những kết quả này cũng mở ra triển vọng ứng dụng trong lĩnh vực ghép tạng. Kỹ thuật gan nhân tạo giúp bệnh nhân suy gan nặng sống trong khi chờ ghép gan và chờ gan hoạt động sau ghép; lọc máu liên tục hỗ trợ trong ghép thận, ghép tim, ghép phổi…
Phương Trang
Nguồn: suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/bac-si-hai-lua-chuyen-hoi-suc-tich-cuc-cuu-nguoi-3500269.html