PGS.TS Phạm Thị Phương Thái – người đứng sau những vinh quang khoa học

Làm nên lí lịch khoa học của Phó giáo sư, bên cạnh những đề tài nghiên cứu và bài báo chuyên ngành, còn có một danh sách đáng nể công trình khoa học được vinh danh mà PGS.TS Phạm Thị Phương Thái tham gia với tư cách giáo viên hướng dẫn.

1. Truyền thống và niềm đam mê

Thế hệ những nhà văn, nhà giáo trưởng thành trên mảnh đất Thái Nguyên mấy chục năm nửa cuối thế kỷ XX vẫn thường kính trọng nhắc về nhà giáo, nhà “Kiều học” Phạm Luận – một trong những người đầu tiên có công gây dựng Khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư Phạm Việt Bắc. Năm 1966, đang là giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, ngôi trường uy tín nhất nhì đất nước, nhà giáo Phạm Luận rời xa thủ đô, từ bỏ mọi cơ hội lập thân thành danh chốn đô thị để lên Thái Nguyên khai sơn phá thạch cho Đại học Sư phạm Việt Bắc, gieo mầm trí tuệ trên mảnh đất trung du gió núi mây ngàn. Cụ lấy hai chữ “Thái”, “Nguyên” để đặt tên cho con gái và con trai mình như đánh dấu kỉ niệm về một trong những quyết định hệ trọng nhất đời người. Nhà giáo Phạm Luận đã không trở lại thủ đô, cùng gia đình gắn bó suốt đời với Thái Nguyên, sống thanh tao trong nghiệp dạy dỗ học trò và đơm tiếp những giấc mơ trung đại còn dang dở của các bậc tiền hiền…

Xuất thân từ cái nôi trâm anh ấy, PGS.TS Phạm Thị Phương Thái sớm theo chân cha trên con đường học thuật. Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm… là lĩnh vực theo đuổi của PGS. Thế nhưng, bên cạnh cổ học tinh hoa, nhà nghiên cứu văn học trung đại ngày càng bén duyên và đắm đuối trong dòng chảy văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số. Niềm đam mê được nhân lên khi PGS mang trong mình trọng trách nghề nghiệp, cương vị. Đứng đầu các ngành đào tạo Văn học, Báo chí, Việt Nam học, Du lịch ở trường Đại học Khoa học, Trưởng khoa Phạm Thị Phương Thái luôn chú trọng hoạt động học tập trong môi trường thực tế. Những ngày tháng trèo đèo lội suối, cùng đồng nghiệp và sinh viên “nằm vùng” với đồng bào các dân tộc thiểu số, bên cạnh thành quả lớn nhất là kiến thức, kĩ năng của sinh viên, sự trưởng thành của giảng viên trẻ, “lưng vốn” để dành của PGS là những tri thức văn hóa bản địa mà chẳng sách vở nào nói hết. 9 năm làm trưởng khoa, 9 năm gắn bó với trường Đại học Khoa học, 9 năm lặn lội cổng trời lưng núi, cô giáo Phạm Thị Phương Thái đã tìm thấy những người anh em tình như ruột thịt ở Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, đã hiểu nếp nghĩ, nếp cảm, cách ở, cách ăn của đồng bào Mông, Sán Chỉ, Sán Dìu, Lô Lô, Tày, Nùng…  như người đồng tộc. Ở những vùng đất xa xôi ấy, bất cứ lúc nào có hiếu hỷ, đình đám, hội hè, bà con vẫn nhắc nhau gọi cho cô Thái, vẫn dọn giường, sắp bát chờ khách quý đường xa. Đó là nghĩa tình, nhưng cũng là gia tài tri thức sống quý báu hỗ trợ PGS trên con đường nghiên cứu khoa học.

Cũng trong những ngày tháng rong ruổi núi rừng Việt Bắc ấy, PGS.TS Phạm Thị Phương Thái đã nhóm lên ngọn lửa đam mê văn hóa dân tộc trong nhiều đồng nghiệp và học trò.

2. Người đứng sau những vinh quang khoa học

3 năm liên tiếp được vinh danh trong cuộc thi “Tài năng Khoa học trẻ Việt Nam” với 1 giải Nhất, 2 giải Nhì là thành tích đáng tự hào đối với một trường Đại học, càng đáng ngưỡng mộ đối với một giáo viên hướng dẫn. Cùng học trò theo đuổi những đề tài đậm sắc màu văn hóa như Nghi lễ tang ma của người Sán Dìu, Văn hóa rượu của người Nùng An, Lễ trưởng thành của người Sán Chỉ, PGS.TS. Phạm Thị Phương Thái liên tiếp đón nhận những thành công với nhiều bằng khen cao quý của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo. Thành tích của các nhóm nghiên cứu trẻ dưới sự dẫn dắt của cô giáo Phạm Thị Phương Thái đã góp phần khẳng định chất lượng đào tạo của trường Đại học Khoa học.

Giảng viên Nguyễn Thị Mùi, cựu sinh viên trường ĐH Khoa học từng đạt giải Nhất cuộc thi “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” năm 2012 chia sẻ: “Nửa tháng nằm vùng ở Pắc Nặm là kỉ niệm rất đẹp trong cuộc đời sinh viên của tôi. Giống như nhiều sinh viên khác, thời gian đầu, tôi khá áp lực khi được Trưởng khoa trực tiếp hướng dẫn khoa học. Nhưng đến khi cùng đi trên một chuyến xe, cùng ăn cơm nắm, ngủ đầu sàn, tôi mới phát hiện ra một góc khác của cô giáo mình. PGS.TS Phạm Thị Phương Thái thực sự là một nhà nghiên cứu say mê, sống hết mình và nặng lòng với người miền núi”.

Với những cống hiến khoa học, PGS.TS Phạm Thị Phương Thái đã tạo dựng được uy tín và tiếng nói không chỉ trong giới nghiên cứu văn học mà còn trong làng nghiên cứu văn hóa. Ở Thái Nguyên, người ta biết đến Trường Đại học Khoa học, Khoa Văn – Xã hội, Trung tâm Nghiên cứu – Đào tạo ngôn ngữ & văn hóa dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc – nơi PGS.TS Phạm Thị Phương Thái công tác và làm quản lý như một trong những đơn vị đi đầu trong các hoạt động nghiên cứu văn hóa. Bên cạnh niềm vui của những công trình nghiên cứu được vinh danh, điều làm PGS.TS Phạm Thị Phương Thái trăn trở nhất là cuộc sống còn quá chật vật, khó khăn của các dân tộc thiểu số: “Tôi mong muốn có sự liên kết giữa nhiều ngành khoa học để gắn lí thuyết với thực tiễn, văn hóa với kinh tế – xã hội, tìm ra con đường phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào”.

Không thể phủ nhận vai trò của công tác hướng dẫn trong nghiên cứu khoa học, nhất là đối với những tác giả là sinh viên lần đầu tập làm nghiên cứu. Ở một trường Đại học vùng, nơi người học đến từ các tỉnh miền núi khó khăn, thách thức càng nhiều hơn thuận lợi. Đằng sau những lần “đem chuông đi đánh xứ người” và đem về vinh quang cho Nhà trường là sự dốc lòng trong khoa học, là tình yêu, trách nhiệm với học trò của những người hướng dẫn như PGS.TS Phạm Thị Phương Thái và nhiều thầy cô giáo khác.

Mọi huy chương và phần phưởng đều lùi dần vào quá khứ bởi sau mỗi năm, Đại học Khoa học sẽ lại có thêm nhiều thành tích mới. Nhưng tin rằng, giá trị lớn nhất mà họ tạo ra là tình yêu khoa học, niềm tin và khát vọng chiến thắng bản thân trong mỗi học trò.


Tú Lâm

Nguồn: http://us.tnu.edu.vn