Nữ Tiến sĩ khoa học đầu tiên của Việt Nam

Cơ duyên  với nghề

Giáo sư Nguyễn Thị Lê sinh ra và lớn lên tại miền quê nghèo Tam Nghĩa, Tam Kỳ của tỉnh Quảng Nam. Thủa nhỏ, bà thường có ước mong sau này học thật giỏi để về cải tạo vùng đất cát, phát triển nông nghiệp cho quê hương. Năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, theo chế độ con em cán bộ, chiến sĩ, miền Nam, bà Lê được tập kết ra miền Bắc học tập tại trường học sinh miền Nam, sau về trường Bổ túc công nông Trung ương học văn hóa. Kết thúc khóa học, học sinh được đăng ký lựa chọn vào các trường Đại học. Bà chỉ đăng ký duy nhất một nguyện vọng vào trường Đại học Nông nghiệp để thực hiện mong ước góp sức xây dựng quê hương. Tuy nhiên, bà đạt điểm thi cao nên được chọn vào học ngành Thực vật trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (năm 1956). Tốt nghiệp Đại học (năm 1959) bà được giữ lại trường giảng dạy môn Động vật không xương sống của khoa Sinh học. Đây thật là một điều mới mẻ với giảng viên Nguyễn Thị Lê, tuy nhiên bà suy nghĩ dù có khó khăn gian khổ nhưng nhiệm vụ của tổ chức giao phó là phải cố gắng hoàn thành[1]. Thời gian đó giảng viên trẻ Nguyễn Thị Lê thường được tham gia trợ giảng cho GS Đặng Ngọc Thanh, đó là cơ hội để bà học hỏi kinh nghiệm về phương pháp nghiên cứu.

GS.TSKH Nguyễn Thị Lê (hàng 1, thứ 10 từ tráicùng các cựu sinh viên lớp vạn 1, khoa Sinh học, trường ĐH Tổng hợp, năm 2006 

Điều đặc biệt, từ năm 1960-1962, theo chương trình hợp tác giữa hai nước, GS.TSKH Sudarikov B.E – cán bộ Viện Ký sinh trùng, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô sang Việt Nam để điều tra về ký sinh trùng ở một số vùng miền của nước ta. Giảng viên Nguyễn Thị Lê tham gia nhiều đoàn thực địa cùng vị Giáo sư này với nhiệm vụ thu thập mẫu vật, bà nhận thấy một mảng nghiên cứu về sán lá ký sinh trên vật chủ ít quan tâm. Thời điểm đó bà cũng được Chủ nhiệm bộ môn Đặng Ngọc Thanh yêu cầu cần tích lũy kinh nghiệm và kiến thức để có thể viết giáo trình giảng dạy về mảng ký sinh trùng tại bộ môn, nên bà có ý tưởng đi sâu vào nghiên cứu về sán lá. Với mong muốn có nhiều cơ hội để đi nghiên cứu các loài sán ký sinh trên động vật hoang và động vật nhà nên ngoài thời gian giảng dạy trên lớp bà thường tranh thủ đi điền dã ngắn ngày để điều tra về các loại ký sinh trùng trên động, thực vật. Cuộc đời khoa học của bà gắn với chuyên ngành ký sinh trùng từ đó.

Khoa học và niềm đam mê

Con đường vào khoa học, như Mác đã từng nói, là con đường gian khổ không có lối đi bằng phằng dễ dàng cho bất cứ ai. Hoàn cảnh nước ta những năm 60-70 của thế kỷ trước thật sự có nhiều khó khăn mọi mặt, theo đó đời sống kinh tế gia đình, xã hội cũng không ít gian nan, đặc biệt đối với những cán bộ nữ làm công tác nghiên cứu như giảng viên Nguyễn Thị Lê. Nhìn lại kết quả của luận án Phó tiến sĩ (bảo vệ năm 1968) với 144 loài sán lá ký sinh ở chim và thú của miền Bắc Việt Nam, cho đến luận án Tiến sĩ với hơn 400 sán lá ký sinh ở chim và thú do PTS Nguyễn Thị Lê thu thập được ở Việt Nam, đã cho thấy sự nỗ lực vượt qua mọi rào cản của bà để học tập và cống hiến. Bà Nguyễn Thị Lê đã trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên nhận học vị Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ khoa học) ở Liên Xô (tháng 9-1980). Luận án của bà Lê được Hội đồng khoa học của Viện Ký sinh trùng Liên Xô đánh giá cao vì hệ thống phân loại địa động vật và các hình thái một cách toàn diện. Bà đã phát hiện thêm nhiều mẫu sán lá mới mà ở Việt Nam và trên thế giới chưa phát hiện, công bố. Để có được kết quả với những con số về mẫu sán lá, giảng viên, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Lê đã phải cống hiến, dồn nhiều tâm lực từ những năm tuổi trẻ. Chia sẻ chúng tôi về sự khó khăn trong nghề nghiệp, Giáo sư Nguyễn Thị Lê bộc bạch: Từ khi nghiên cứu về ký sinh trùng tôi nhận thức sự vất vả của ngành này. Vì lẽ đó tôi không khuyến khích sinh viên theo nghề. Hơn nữa nếu dấn thân vào khoa học vì kiếm tiền và không có niềm đam mê nghiên cứu thì không nên theo[2]. Nhưng đồng thời bà cũng nhận thấy sự lý thú, hấp dẫn trong sự vất vả đó, bà chia sẻ: đã yêu nghề thì càng làm càng say sưa, tiếp xúc với cả phân gio cũng không thấy bẩn, không thấy chán. Ngay khi đã là Phó tiến sĩ, về nước tôi vẫn lại xắn ống quần chui cả vào chuồng trâu, hay cả hố xí mà lấy phân để làm thí nghiệm về ký sinh trùng[3].

Và cũng như bao người phụ nữ khác với thiên chức làm mẹ, bà Lê nhớ lại những ngày tháng làm luận án Tiến sĩ, khi con gái đầu lòng mới 3 tuổi. Năm 1975, để tạo điều kiện cho bà yên tâm học tập, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô đã đồng ý để bà mang con theo, song PTS Nguyễn Thị Lê vẫn không khỏi lo lắng: Lê Minh còn nhỏ quá, không thể để con ở nhà được, hơn nữa chồng tôi – TS Phan Phải cũng đang làm việc Viện Di truyền học phát triển, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Những ngày làm việc, cả hai người thay nhau đưa đón con, buổi sáng tôi sửa soạn bữa cơm sáng cho cả nhà, bố đưa con đến trường còn buổi chiều 5 giờ tôi lại vội vã trở về đón con[4]. Điều bà băn khoăn là sau giờ làm việc thì phòng thí nghiệm mới vắng, đó là thời gian có nhiều điều kiện để thực hành thí nghiệm. Cuối cùng bà đành gửi cô con gái cưng của ông bà vào nhà trẻ theo chế độ dài ngày, mỗi tháng bố mẹ đến thăm con 1 lần duy nhất 30 phút ngắn ngủi. Thời gian làm luận án của bà cũng khá chật vật, sáng sớm bà đã đi đến phòng thí nghiệm cho đến 5 giờ chiều, sau đó lại lên thư viện đọc sách, đến 10 giờ đêm mới về nhà ăn tối. Nhiều buổi bà còn đến các giảng đường tranh thủ nghe giảng các chuyên đề có liên quan đến ngành học. Thời kỳ này chủ yếu bữa ăn của bà là bánh mì, nước chè đường cho qua bữa. Tại nơi làm việc, Viện Di truyền học phát triển ở tầng 2, Viện Ký sinh trùng ở tầng 1 nhưng hai vợ chồng bà cũng chỉ thỉnh thoảng gặp nhau vào bữa ăn trưa tại nhà ăn của Viện, rồi sau đó mỗi người lại tiếp tục công việc của mình, nhưng không ai phàn nàn vì đều hiểu công việc của nhau.

Đối với phụ nữ gánh nặng về gia đình đã rất vất vả nhưng phụ nữ làm khoa học còn vất vả hơn gấp bội. Đó chính là những công việc chuyên môn mà từng ngày, từng giờ bà theo đuổi. Kể với chúng tôi về những chuyến điền dã, bà Lê nhớ lại quãng thời gian giảng dạy ở khoa Sinh học, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, nhất là sau 1968, khi bà đã hoàn thành luận án Phó tiến sĩ. Ngoài thời gian làm việc tại Khoa Sinh học, Đại học Tổng hợp Hà Nội, PTS Nguyễn Thị Lê thường cùng GS Đào Văn Tiến[5] và các cán bộ trong khoa đi về các địa phương, khảo sát, điều tra chim, thú, và ký sinh trùng do Ủy ban Khoa học Nhà nước tổ chức. Trong đó, ông Đặng Ngọc Thanh[6] nghiên cứu về các động vật không xương sống ở nước ngọt (tôm, cua và loài thân mềm); ông Võ Quý[7] sưu tầm các mẫu vật về các loài chim; bà Nguyễn Thị Lê thì tập trung nghiên cứu mảng ký sinh trùng. Giáo sư Nguyễn Thị Lê còn nhớ đợt điều tra ở Bắc Kạn. vào cuối năm 1968, theo tuyến Thái Nguyên – Bắc Kạn, và dừng lại ở hồ Ba Bể. Đoàn khảo sát nghỉ đêm trong nhà đồng bào Tày và khoanh vùng săn bắt mẫu chim ở bản Vài, chợ Rã. Buổi sáng, bà Lê theo các cán bộ của khoa xách súng đi săn. Bà cũng là xạ thủ, từng được giải ba trong cuộc thi bắn súng (năm 1961) được tổ chức ở sân vận động Long Biên, có sự tham gia của các cán bộ, sinh viên của 5 trường Đại học trên địa bàn Hà Nội. Buổi sáng đầu tiên cả đoàn đã bắn được 8 con chim, sau nghỉ trưa mọi người lại bắt tay vào việc. Buổi chiều, cả đoàn ngồi định loại các con thú, con chim đã bắn được. Đến tối, mới là công việc lấy mẫu của bà, bà thường đốt đèn mang xông cặm cụi vặt lông, mổ xẻ thu thập các mẫu. Mặc dù rất sợ bóng đêm của miền rừng núi với những câu chuyện kinh dị, nhưng giảng viên trẻ Nguyễn Thị Lê vẫn cố gắng hoàn thành công việc. Bà tiến hành phân tích các mẫu ở chim để tìm sán lá trong các bộ phận của chim, thú như mổ phần mắt, mũi, khí quản, mề, ruột già, ruột non…để lấy những mẫu con giun sán tròn bé li ti, càng tỉ mỉ càng tốt, rồi sau đó phải định loại ngay vì nếu để đến sáng mai thì các mẫu sẽ bị biến đổi không sử dụng được. Có những đêm bà làm thí nghiệm đến 2 giờ sáng. Ngoài ra, đôi khi bà còn phải mua vịt của người dân về để phân tích mẫu, ghi chép cẩn thận trong các sổ điền dã những thông tin, như số ký hiệu cho vật chủ, ngày mổ, tên của loài chim, địa điểm sưu tầm, loại hình. Vở điền dã PTS Nguyễn Thị Lê thường ghi chi tiết các mẫu sán lá được phát hiện ở chim và thú. Ví dụ, như mẫu vật bé tí ti thuộc giống Dictyonograptus được lấy từ chuột rừng ở hồ Ba Bể. Giống này trên thế giới mới tìm thấy 1 loài, và được mô tả lần đầu tiên ở Brazil, sau đó, chưa ai tìm thấy lại ở nơi nào khác. Loài mà bà vừa phát hiện chính là loài thứ hai thuộc giống đó. Bà đặt cho nó tên Latinh là: Dictyonograptus babeensis Nguyen, 1968: Rattus fulvescens. Chữ babeensis chính là chỉ địa danh Ba Bể, Nguyen là họ của Nguyễn Thị Lê. Để lấy thêm các mẫu của động vật nuôi, bà còn đến các nông trường Mộc Châu – Sơn La, Đồng Giao – Ninh Bình, hay Tam Thiên Mẫu, tỉnh Hà Bắc. Những chuyến đi đã cung cấp cho bà nhiều mẫu quý về loài sán lá ký sinh trên cơ thể động vật hoang dại.

Tìm hiểu những chữ Latinh trong cuốn luận án Tiến sĩ nguyên bản tiếng Nga mà GS.TSKH Nguyễn Thị Lê đã trao tặng cho Trung tâm năm 2013, chia sẻ về những cái tên cho các loài sán lá mới được bà phát hiện, bà cho biết, để khẳng định được loài mới bà phải tra cứu miệt mài trên thư viện, qua đó có thể nắm rõ tất cả các giống, loài sán lá đã được phát hiện, mô tả, đặt tên và công bố trên khắp thế giới. Sau đó mới so sánh với các mẫu vật do bà thu thập được ở mọi vùng miền của Việt Nam, rồi mới khẳng định nó thuộc bộ nào, nếu là phát hiện mới thì sẽ đặt tên và khẳng định bản quyền của người phát hiện đầu tiên. Những tên loài bằng tiếng Latinh thuộc bản quyền của TS Nguyễn Thị Lê chính là thành công của luận án, nó mang ý nghĩa khoa học lớn lao trong nghiên cứu về ký sinh trùng, về loài sán lá.

 Bà Nguyễn Thị Lê bảo vệ luận án Tiến sĩ, năm 1980

Có thể nói, ở tài liệu quốc tế họ tên của người Việt Nam được gắn với các công trình, thành tựu khoa học, như: Phương pháp Tôn Thất Tùng “Ton That Tung method” hay Thuật toán kiểu Tụy “Tuy Tuy-type Algorithm” thật sự còn hiếm thấy. Và TS Nguyễn Thị Lê là người tiếp bước, đã góp phần gắn tên họ của người Việt Nam trên các tài liệu của quốc tế. Về một tên loài trong luận án thuộc bản quyền của TS Nguyễn Thị Lê, bà chỉ dẫn: đây là loài sán lá ký sinh trên khỉ có tên Platinotrema dangi Nguyen et Sudarikov, 1977: Macaca rhesus. Chữ “dangi” là tên của GS Đặng Văn Ngữ – bà muốn tưởng nhớ đến người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu về ký sinh trùng, tiếp sau là họ Nguyễn của bà cùng tên GS Sudarikov là hai người đầu tiên phát hiện ra loài sán lá ký sinh đó.

Năm 1980, TS Nguyễn Thị Lê về nước và công tác ở Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Bà tiếp tục triển khai các nghiên cứu về sán lá ở lợn, thí nghiệm ở vùng Hà Đông, giúp cho các trại chăn nuôi cải tiến thức ăn cho lợn, phát hiện sán lá gan trong cừu, bò ở Mộc Châu, Ninh Bình…Năm 1986, bà chủ trì đề tài cấp Viện Nghiên cứu về sán lá ở vịt khu vực Hà Sơn Bình (Hà Đông, Sơn Tây, Hòa Bình). Đề tài được bà cùng các đồng nghiệp thực hiện trong 4 năm (1986-1990), với các công đoạn nghiên cứu đòi hỏi sự nhiệt tình, cần mẫn, tỉ mỉ, không ngại gian khổ (như phân tích mẫu phân)… mới có thể thu được những mẫu vật đúng yêu cầu. Đề tài hoàn thành đúng tiến độ và được Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật nghiệm thu, đánh giá xuất sắc.

Với những đóng góp xuất sắc, hiệu quả cho khoa học và xã hội, GSTSKH Nguyễn Thị Lê đã được tặng Giải thưởng Kovalevskaia về công trình sán lá ký sinh trên chim và thú; Giải thưởng Hồ Chí Minh tập thể cho công trình nghiên cứu “Động vật chí ở Việt Nam”, được xuất bản năm 2011.. Cuộc đời với niềm đam mê nghiên cứu và say sưa cống hiến của GS.TSKH Nguyễn Thị Lê – một nhà giáo tận tụy, một nhà khoa học nữ tâm huyết là một tấm gương sáng cho nhiều thế hệ sinh viên, thế hệ trẻ noi theo.

Lưu Thị Thúy 

* GS.TSKH Nguyễn Thị Lê, nguyên Trưởng phòng Ký sinh trùng, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. 

[1] Phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Thị Lê ngày 2-8-2013, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Thị Lê ngày 21-2-2014, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Thị Lê ngày 2-8-2013, tài liệu đã dẫn.

[4] Ghi âm phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Thị Lê ngày 21-2-2014, tài liệu đã dẫn.

[5] Nguyên Chủ nhiệm Khoa Sinh học, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.

[6] Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

[7] Nguyên Chủ nhiệm Khoa Sinh học, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.