Năm 1960, Phạm Văn Phùng** và Trần Thị Liên là sinh viên khóa 5, khoa Sinh học, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Năm 1963, sau khi tốt nghiệp đại học, hai ông bà kết hôn và ông Phạm Văn Phùng được phân về giảng dạy tại bộ môn Y sinh học – Di truyền, trường ĐH Y Hà Nội. Năm 1965, sau hơn một năm công tác ở Viện Nghiên cứu lâm nghiệp[1] bà Trần Thị Liên cũng được chuyển về công tác cùng chồng. Trong thời gian giảng dạy ở trường, hai ông bà đều từng đảm nhiệm chức vụ Phó chủ nhiệm bộ môn Y sinh học – Di truyền và cùng biên soạn nhiều giáo trình cho sinh viên.
PGS.TS Trần Thị Liên, ngày 17-8-2016
Dường như được kế thừa niềm đam mê nghiên cứu, giảng dạy về Y học của các bậc sinh thành, cả hai người con của ông bà đều theo nghề này. Con trai Phạm Văn Hiển đã tốt nghiệp cao học khoa Hồi sức – Cấp cứu và con gái Phạm Thu Hà từng học đại học tại Bulgarie rồi trở về làm cán bộ giảng dạy của Chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường, trường ĐH Y Hà Nội. Hiện nay, con gái của anh Phạm Văn Hiển vừa thi đại học và đã đăng ký nguyện vọng vào trường ĐH Y Hà Nội. PGS.TS Trần Thị Liên chia sẻ: Chúng tôi chưa từng ép buộc con cháu về lựa chọn ngành nghề, nhưng có lẽ nhờ cái duyên mà chúng đều yêu thích và muốn theo nghiệp Y học.
Lê Thị Lợi
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
* PGS.TS Trần Thị Liên nguyên là Phó Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam.
** PGS.TS Phạm Văn Phùng nguyên là Phó chủ nghiệm bộ môn Y sinh học – Di truyền, trường ĐH Y Hà Nội.
[1] Nay là Viện Hàn lâm khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.