Vị giáo sư với mối nhân duyên cùng công tác dạy nghề

GS.TS Nguyễn Minh Đường sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng. Bố ông là một nhà giáo có tiếng dưới thời Pháp. Mẹ ông là một phụ nữ can trường, từng tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) và hoạt động trong phong trào phụ nữ của tỉnh Hà Tĩnh những năm kháng chiến chống Pháp. Mồ côi cha khi mới 3 tháng tuổi nên tuổi thơ của Nguyễn Minh Đường khá khó khăn. Năm 1953, Nguyễn Minh Đường tốt nghiệp THPT ở Hà Tĩnh trong lúc cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Tháng 5-1954, Pháp thua ở Điện Biên Phủ, chấp nhận ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, lập lại hòa bình ở Việt Nam, một số trường ĐH được mở ra, ước mơ tiếp tục học lại trỗi dậy trong tâm tưởng của chàng trai trẻ. Ra Hà Nội, Nguyễn Minh Đường quyết định thi vào trường ĐH Sư phạm. Tháng 9-1955, ông thi đỗ vào ban Toán-Lý trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Tuy nhiên, học xong năm thứ nhất ĐH, một sự kiện bất ngờ làm thay đổi cuộc đời ông. Lúc đó Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam thành lập trường Văn hóa quân đội ở Kiến An để bổ túc văn hóa phổ thông cho một số sĩ quan, chiến sĩ trước khi gửi đi đào tạo ở nước ngoài. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã chọn và cử một số sinh viên đi dạy ở trường Văn hóa quân đội, trong đó có Nguyễn Minh Đường. Trường đã thỏa thuận với những giáo viên bất đắc dĩ ấy là sau 3 tháng hè (6-1956 đến 9-1956) thì sẽ được trở lại trường để học tiếp. Tuy nhiên, sau 3 tháng, các lớp bổ túc đã mang lại hiệu quả tốt nên Bộ Tổng tư lệnh đã đề nghị trường ĐH Sư phạm cho những sinh viên này ở lại tiếp tục dạy học cho các khóa học tiếp theo, đến khi có người thay thế.

GS Nguyễn Minh Đường luôn tâm huyết với công tác phát triển nguồn nhân lực. Ảnh: Đ.Sơn    

Một năm sau (9-1957), trường Văn hóa quân đội mới chuẩn bị được đội ngũ giáo viên thay thế, do vậy những sinh viên của trường ĐH Sư phạm mới được trở lại trường tiếp tục học tập. Một số sinh viên quay lại tiếp tục học, những người còn lại chọn cho mình hướng đi khác. Trước đó (1956), trường ĐH Bách khoa được thành lập theo quyết định của Bộ Giáo dục và mở ra rất nhiều ngành kỹ thuật. Do yêu thích kỹ thuật từ nhỏ nên Nguyễn Minh Đường quyết định làm hồ sơ thi vào trường này. 

Sau hơn 2 năm học ở Bách khoa, lại một bước ngoặt nữa đến với Nguyễn Minh Đường. Khi ấy, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang chuẩn bị mở một số ngành đào tạo mới, trong đó có ngành động lực và Nguyễn Minh Đường được cử theo học ngành mới này. Tháng 9-1960, trường ĐH Bách khoa cử một số sinh viên xuất sắc sang Liên Xô học chuyển tiếp năm thứ 3. Nguyễn Minh Đường được trường cử đi học ngành Động lực tại trường ĐH Bách khoa Khác-cốp. Như vậy, đây là lần thứ hai ông phải chuyển trường ĐH. Khó khăn lớn nhất đối với ông khi ấy đó là tiếng Nga. Để khắc phục, Nguyễn Minh Đường vừa nghe các GS giảng bài, vừa chép lại bài của các bạn Nga ngồi cạnh, chép được càng nhiều càng tốt. Ngay buổi tối, khi về ký túc thì phải đọc sách giáo khoa và tra từ điển, vừa học tiếng Nga vừa học nội dung bài giảng. Cứ như vậy, ông chăm chỉ, miệt mài, kết thúc năm thứ 3, Nguyễn Minh Đường đạt loại sinh viên xuất sắc. Sang năm thứ 4 thì tiếng Nga của ông đã khá, có thể nghe và trả lời thầy giáo một cách dễ dàng. Tháng 7-1963, ông bảo vệ thành công đồ án tốt nghiệp và được cấp “bằng đỏ”. Tốt nghiệp ĐH về nước, ông được phân công giảng dạy ở trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Nhìn lại, chưa đầy 6 năm, ông đã chuyển 3 trường ĐH, rất đặc biệt và cũng rất đáng nhớ. 

Năm 1978, sau khi bảo vệ xuất sắc luận án TS tại Viện Nghiên cứu Trung ương về cơ giới hóa và điện khí hóa nông nghiệp của Liên Xô, TS Nguyễn Minh Đường trở về nước và chờ phân công công tác. Vào thời điểm ấy, ông là TS ngành động lực đầu tiên của Việt Nam, nên rất mong muốn được đem những kiến thức ra phục vụ thực tiễn và nghiên cứu khoa học. Lúc ấy có rất nhiều cơ quan muốn xin TS Nguyễn Minh Đường về công tác, đầu tiên là trường ĐH Bách khoa – nơi cử ông đi làm TS. Nhưng khi đất nước đang cần đẩy mạnh công tác dạy nghề thì Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định tách Tổng cục Dạy nghề (TCDN) khỏi Bộ Lao động và thành lập TCDN trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Nhà nước đã có quyết định thành lập Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề (NCKHDN) và Viện nghiên cứu ĐH và trung học chuyên nghiệp, cùng với Viện Khoa học giáo dục để cùng nghiên cứu những nội dung cụ thể về cải cách giáo dục trong các lĩnh vực giáo dục phổ thông, dạy nghề và giáo dục ĐH ở nước ta. Viện NCKHDN mới được thành lập, chưa có người lãnh đạo, bởi vậy, tổ chức đã quyết định cử TS Nguyễn Minh Đường về công tác ở Viện NCKHDN để xây dựng và phát triển Viện.

Và thế là, TS Nguyễn Minh Đường trở thành Viện trưởng của Viện NCKHDN năm 1979. Sau 7 năm xây dựng Viện, đến năm 1986, Viện NCKHDN đã đạt được nhiều thành tựu cơ bản trong công tác dạy nghề. Với những thành tựu đạt được trong việc lãnh đạo phát triển Viện NCKHDN, tháng 9-1985, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định đề bạt TS Nguyễn Minh Đường làm Phó Tổng cục trưởng TCDN trực thuộc Chính phủ, kiêm Viện trưởng Viện NCKHDN. Tháng 6-1987, TS Nguyễn Minh Đường được cử làm GĐ Dự án quốc gia VIE-86-044 kiêm GĐ Trung tâm nghiên cứu, thiết kế và chế tạo mẫu phương tiện kỹ thuật dạy nghề (CREDEPRO). Trung tâm này được thành lập theo Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và tổ chức UNDP của Liên hợp quốc tài trợ. Tới tháng 2-1991, Bộ ĐH-THCN&DN được sáp nhập với Bộ Giáo dục thành Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Vụ Trung học chuyên nghiệp cũng được sáp nhập với Vụ Dạy nghề thành Vụ Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Trong hoàn cảnh ấy, Bộ đã quyết định điều động TS Nguyễn Minh Đường làm Vụ trưởng đầu tiên của Vụ THCN&DN, vậy là ông lại một lần nữa là người đi xây dựng cái mới. 

Cuộc đời của GS Nguyễn Minh Đường là những chuyến đi và ở vị trí nào ông cũng hoàn thành nhiệm vụ được giao, và hơn bao giờ hết ông luôn là người mong muốn công tác dạy nghề, chất lượng nguồn nhân lực của quốc gia luôn lớn mạnh để chúng ta có thể sánh cùng các quốc gia khác về chất lượng nguồn lao động.

 

Đài Sơn

Nguồn:phapluatxahoi.vn/giao-duc/vi-giao-su-voi-moi-nhan-duyen-cung-cong-tac-day-nghe-116141