Hành trang ”Pétrus Ký” trong cuộc đời

Ký ức về một ngôi trường nổi tiếng

Nguyễn Ngọc Giao sinh năm 1939 tại Sài Gòn. Thời điểm ấy, chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ, ở trong nước phong trào yêu nước diễn ra khá mạnh tại Sài Gòn-Gia Định và một số thành phố lớn, đặc biệt là phong trào xuống đường của học sinh, sinh viên, trí thức.

Cụ thân sinh của Nguyễn Ngọc Giao là Nguyễn Ngọc Lựu, quê gốc ở Bến Tre nhưng lớn lên ở Sài Gòn. Cụ Lựu từng theo học ở trường trung học Pétrus Ký – một ngôi trường nổi tiếng khắp xứ Đông Dương thời thuộc Pháp. Sau khi tốt nghiệp bậc tú tài, cụ làm viên chức nhỏ và lập gia đình, sinh sống ở Sài Gòn. Cụ sớm giác ngộ và tham gia các hoạt động yêu nước trong phong trào Thanh niên Tiền phong do nhà cách mạng Trần Văn Giàu lãnh đạo. Sau Cách mạng tháng Tám, cụ tham gia kháng chiến chống Pháp tại tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) và hy sinh năm 1947 trên cương vị Tỉnh ủy viên, Trưởng ty Công an tỉnh.

Trong những năm cụ Nguyễn Ngọc Lựu hoạt động cách mạng, cụ bà một mình bươn trải nuôi mấy người con và cố gắng trụ lại ở Sài Gòn để cho các con có điều kiện học hành. Sự hi sinh của người cha đã khiến cuộc sống gia đình trở nên khó khăn hơn bội phần, nhưng đã ảnh hưởng sâu sắc và cũng là động lực để Nguyễn Ngọc Giao cố gắng, vươn lên bằng con đường học vấn.

Khi còn nhỏ, Nguyễn Ngọc Giao học tiểu học ở gần nhà (nay là khu vực chợ Bà Chiều, quận Bình Thạnh, Tp.HCM). Năm 1951, cậu học trò Ngọc Giao thi đậu vào trường trung học Pétrus Ký, như một cơ duyên, đó chính là ngôi trường người cha từng theo học. Cuộc sống vật chất càng khó khăn hơn khi mẹ ông phải nuôi 4 người con ăn học.

Trường Pétrus Ký tên đầy đủ là trường Lýcee Pétrus Trương Vĩnh Ký, là một trong ba trường trung học đầu tiên được thành lập tại Sài Gòn, xây dựng xong ngày 11-8-1928, và khai giảng năm học đầu tiên 1928-1929. Nơi đây đã từng đào tạo ra nhiều trí thức nổi tiếng như Huỳnh Tấn Phát, Trần Đại Nghĩa, Lưu Hữu Phước, Trần Văn Khê, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng, Trần Văn Ơn, Nguyễn Minh Triết… Vào thời điểm năm 1951, sau cái chết của thanh niên yêu nước Trần Văn Ơn, cùng với hệ tiếng Pháp đã có từ khi mở trường, trường Pétrus Ký mở thêm hệ tiếng Việt. Nguyễn Ngọc Giao ghi danh vào hệ Pháp, lớp 1ere_Année (lớp đầu tiên của hệ trung học), với suy nghĩ tấm bằng Diplome thì cũng dễ xin việc làm hơn là bằng của hệ tiếng Việt.

GS.TS Nguyễn Ngọc Giao

Ngôn ngữ giảng dạy chính của hệ Pháp dĩ nhiên là tiếng Pháp. Ngoại ngữ có thể chọn trong các thứ tiếng như tiếng Anh, Tây Ban Nha, tiếng Việt, chữ Hán… Việc theo học hệ tiếng Pháp được Nguyễn Ngọc Giao xác định đơn giản là thế, nhưng rồi dần dần, dùng nhiều thành quen, nói nhiều thành thích, giao tiếp hàng ngày nên thành gắn bó, Nguyễn Ngọc Giao say mê tiếng Pháp chỉ bởi những lý do ấy. Và rồi chẳng biết tự bao giờ, nó gợi niềm cảm hứng cho ông trong học tập cũng như công việc.

Một kết quả không ngờ là từ chỗ chỉ bập bẹ tiếng Pháp (ở tiểu học) sau 3 năm học (1951-1954) ở Pétrus Ký, Nguyễn Ngọc Giao đã khá thành thạo tiếng Pháp, thậm chí các bài học về toán, lý … ông chỉ có thể nói được bằng tiếng Pháp chứ không đủ từ để diễn tả bằng tiếng Việt. Hè năm 1954, vừa hết năm 3e_ Année, Ngọc Giao được đặc cách thi và đậu Brevet 1er_Cycle (kỳ thi dành cho học sinh 4e_ Année, năm thứ 4 của bậc trung học). Về việc này, GS Nguyễn Ngọc Giao nhớ lại: “Tôi cũng học như mọi người, có thể là vì mình có một chút năng khiếu và ham thích tiếng Pháp, thêm nữa, do bài giảng trên lớp, các thầy đều truyền đạt bằng tiếng Pháp, nên được thi đặc cách. Khi mới vào năm đầu tiên của hệ trung học, tôi chỉ nghe câu được câu chăng, phải hỏi thêm các bạn và tranh thủ về nhà cố học những chỗ còn chưa hiểu. Trong giờ ra chơi, các thầy giáo cũng yêu cầu học sinh phải nói tiếng Pháp. Những giờ ngoại khóa như thi đọc thơ bằng tiếng Pháp, thi nói, kể về các tác giả người Pháp cũng khiến cho tôi thích thú với thứ ngôn ngữ này”[1].

Tháng 7-1954, Hiệp định Genève được ký kết, Việt Nam bị chia cắt hai miền, lấy vĩ tuyến 17 dọc sông Bến Hải làm ranh giới quân sự tạm thời. Lúc bấy giờ dân từ miền Bắc di cư vào Nam khá đông, tình hình xã hội khá lộn xộn. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa cũng cũng có chủ trương cho những gia đình cán bộ cốt cán ở miền Nam tập kết ra Bắc, trong đó có gia đình Nguyễn Ngọc Giao. Cơ quan cũ của cụ Nguyễn Ngọc Lựu ở Tiền Giang cử người lên cho biết gia đình cụ thuộc diện tập kết ra Bắc. Mẹ Nguyễn Ngọc Giao không dám đi vì một nách 4 người con, ra Bắc không biết làm gì để sinh sống. Nhưng Nguyễn Ngọc Giao lại thích vì nghĩ rằng ra Bắc được biết đến Hà Nội, Hồ Gươm… là những điều mà thầy giáo dạy văn (là người gốc Bắc) đã từng nhắc đến trong các bài giảng ở trên lớp. Hơn thế nữa, theo dự kiến chỉ 2 năm sau tập kết, sẽ lại trở về Nam.

Tháng 12-1954, Nguyễn Ngọc Giao và người em trai Nguyễn Ngọc Thọ tập kết ra Bắc. Thế là Nguyễn Ngọc Giao tạm biệt Pétrus Ký – nơi cho ông một nền tảng tiếng Pháp vững vàng.

Công cụ quan trọng trên con đường hợp tác khoa học

Trình độ tiếng Pháp mà Nguyễn Ngọc Giao thu nhận được ở trường Pétrus Ký Sài Gòn hóa ra hữu dụng không ngờ. Trong thời gian học cấp 3 và đại học ở Hà Nội, ông thường xuyên mua và đọc các tác phẩm văn học Nga nổi tiếng (Liên Xô) qua bản dịch tiếng Pháp. Mùa hè 1958, Nguyễn Ngọc Giao tốt nghiệp lớp 10 và thi đỗ vào khoa Vật lý, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1961, sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy.

Ra trường, sau một thời gian tích cực trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, vào năm 1968 ông được cử đi làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva, mang tên Lomonosov, Liên Xô. Thầy giáo hướng dẫn của ông – Giáo sư D.D. Ivanenko rất giỏi ngoại ngữ, thích giao tiếp với học trò bằng chính ngôn ngữ của họ. Mà học trò của GS Ivanenko thì đến từ nhiều nước như Đức, Anh, Việt Nam…dĩ nhiên là không kể nghiên cứu sinh, sinh viên người Nga. Riêng đối với Nguyễn Ngọc Giao, GS Ivanenko nghĩ rằng Việt Nam từng là thuộc địa Pháp, chắc hẳn có thể nói tiếng Pháp nên thích trao đổi với học trò bằng tiếng Pháp. Nhờ đó vốn từ tiếng Pháp của Nguyễn Ngọc Giao cũng tăng lên đáng kể, mặc dù Nguyễn Ngọc Giao thích nói bằng tiếng Nga để trau dồi ngôn ngữ này.

Sau khi bảo vệ thành công luận án PTS tại Liên Xô, do phải tập trung học và làm luận án bằng tiếng Nga, nên vốn liếng tiếng Pháp của Nguyễn Ngọc Giao tưởng chừng đã lãng quên và không có cơ hội sử dụng thì lại có cơ hội được khơi lại. Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, Nguyễn Ngọc Giao được chuyển về công tác ở trường Đại học Khoa học, thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Các giáo sư của trường phần đông được đào tạo từ Pháp, cấu trúc Viện Đại học Sài Gòn cũng theo mô hình từ thời Pháp. Lúc này, vốn tiếng Pháp của PTS Nguyễn Ngọc Giao đã giúp ông, không chỉ được nói thứ ngôn ngữ mình yêu thích từ thủa thiếu thời, mà còn được dùng nó làm công cụ để phục vụ cho công việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hòa nhập dễ dàng vào cộng đồng giảng huấn của trường, nhiều người còn lầm tưởng ông mới từ Pháp về.

Năm 1977, trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai trường Đại học Khoa học và Đại học Văn khoa, vốn thuộc Viện Đại học Sài Gòn, để hoạt động theo mô hình của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cũng kể từ khi ấy, PTS Nguyễn Ngọc Giao là cán bộ giảng dạy khoa Vật lý, giữ chức Phó chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm khoa. Năm 1990, ông được bầu làm Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Ngay sau đó, ông Bernard Prunieres – Tùy viên văn hóa khoa học thuộc Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP Hồ Chí Minh mới được bổ nhiệm đã có dịp chào xã giao PGS.TS Nguyễn Ngọc Giao. Ngài Tùy viên văn hóa có phần ngạc nhiên khi thấy vị Hiệu trưởng mới nhậm chức có thể nói tiếng Pháp khá thành thạo. Kể từ đó, một mối quan hệ thân thiết giữa Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh với Tổng lãnh sự quán Pháp được thiết lập. GS.TS Nguyễn Ngọc Giao kể: “Khi gặp tôi, ông Tùy viên văn hóa Pháp đã hỏi tôi học ở Pháp về từ khi nào và rất ngạc nghiên khi tôi trả lời là chưa từng đi Pháp mà chỉ học tiếng Pháp khi là học sinh của trường Pétrus Ký. Thỉnh thoảng ông lại trầm trồ khen tôi phát âm tiếng Pháp rất chuẩn. Cũng có thể vì lý do ấy mà ông Tùy viên văn hóa trở nên có cảm tình với tôi. Từ đó ông thường xuyên mời tôi tham dự các sự kiện do Tổng lãnh sự quán Pháp tổ chức, rồi tặng sách, tạp chí của Pháp. Ông cũng đề xuất Chính phủ Pháp tặng tôi Huân chương Cành cọ Hàn lâm”[2].

Trên thực tế, từ khi giữ chức Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp TP HCM, GS.TS Nguyễn Ngọc Giao đã luôn nỗ lực tham gia, lồng ghép hoạt động của trường vào Hiệp hội các trường đại học có sử dụng tiếng Pháp. Ông cũng là người đã góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác khoa học của Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh với phía Pháp. Ông chia sẻ: “Trong thời gian này, tôi đã tiếp nhiều đoàn khoa học về môi trường của Pháp và Việt kiều Pháp, một phần vì mối quan hệ với ông Tùy viên văn hóa Prunieres. Đó là những bước đi đầu tiên của tôi trong việc thiết lập lại mối quan hệ hợp tác với giới khoa học Pháp”[3].

Trước đó từ rất lâu, Viện Đại học Sài Gòn đã là thành viên của Hiệp hội các trường đại học, từng phần hoặc toàn phần, tiếng Pháp AUPELF – UREF (Association des Universités partiellement ou entierement de langue francaise – Université des Réseaux d’Expression francaise)[4]. Quan hệ này bị gián đoạn từ sau 1975. Ngay khi giữ chức Hiệu trưởng, được sự ủng hộ của cấp trên, GS Nguyễn Ngọc Giao đã viết công văn đề nghị AUF tái công nhận tư cách thành viên của trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Và tháng 12-1990, ông nhận được giấy mời tham dự Đại hội thường kỳ lần thứ X của AUF, tổ chức trong khuôn viên trường Đại học Sorbonne ở Paris, Pháp. Tại Đại hội này, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Hội đồng điều hành (Conseil d’Administration) của AUF, đại diện khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đến Đại hội tiếp theo ở Abidjan (Bờ Biển Ngà) năm 1993, ông được bầu là ủy viên chính thức. Cũng từ 1991 trở đi nhiều trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam cũng gia nhập và là thành viên AUF.

Từ khi trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh là thành viên AUF, Giáo sư Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Giao tham gia đều đặn mỗi năm 2 kỳ hội nghị của Conseil d’Administration được tổ chức tại các thành phố khác nhau của những quốc gia thuộc cộng đồng Pháp ngữ như Paris, Bruxelles (Bỉ), Montréal, Québec (Canada), Abidjan (Bờ Biển Ngà), Đakar (Sénégal), Tunis (Tunisia), Beyrouth (Liban), Cotonou (Bénin), thành phố Hồ Chí Minh… Tại các hội nghị này, vốn tiếng, khả năng giao tiếp tiếng Pháp của GS Nguyễn Ngọc Giao đã được sử dụng rất hữu ích. Ông đã góp phần chứng minh rằng Cộng đồng Pháp ngữ muốn lớn mạnh lên thì phải đầu tư vào các chương trình ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là ba nước Đông Dương: Việt Nam, Lào và Campuchia. Và rõ ràng, trên những đề xuất, tư vấn của GS Nguyễn Ngọc Giao, AUF đã có sự đầu tư mạnh mẽ, cụ thể là: thành lập 7 trung tâm truy cập thông tin Pháp ngữ, trong đó có 4 trung tâm ở Việt Nam[5] và 3 trung tâm ở các nước Lào, Campuchia và Cộng hòa Vanuatu; ba Viện là Viện Công nghệ Campuchia (ITC), Viện Pháp ngữ Y học nhiệt đới ở Vientiane, Lào (IFMT) và Viện Pháp ngữ tin học (IFI) ở Đại học Bách khoa Hà Nội; 800 lớp song ngữ Việt – Pháp ở các trường phổ thông của Việt Nam, 127 lớp tăng cường tiếng Pháp ở Cộng hòa Vanuatu…

Năm 1996, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh được thành lập, GS.TS Nguyễn Ngọc Giao được cử giữ chức Phó giám đốc, đồng thời tiếp tục là Ủy viên Hội đồng điều hành AUF. Ông cho biết, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có 48 trường đại học và viện nghiên cứu (phần lớn là của Việt Nam) là thành viên của AUF. Các đơn vị này liên kết lại, xây dựng thành một tổ chức khu vực, gọi là CONFRASIE (Conférence régionale des Recteurs des Universités membres de l’ AUF en Asie) nằm trong AUF, có trụ sở tại Hà Nội. Tại Đại hội thành lập năm 2000 tại Hà Nội, GS Nguyễn Ngọc Giao được bầu làm Chủ tịch tổ chức CONFRASIE. Các Đại hội tiếp theo lần lượt được tổ chức tại Đà Nẵng (2001), Nha Trang (2002), Vientiane (2003). Ông chia sẻ: “Tôi kết thúc nhiệm kỳ làm việc với tư cách Ủy viên Conseil d’Administration AUF tại Đại hội bất thường ở Québec (Canada) năm 2001. Đến năm 2003 tại Vientiane tôi cũng bàn giao luôn chức Chủ tịch CONFRASIE cho người kế nhiệm, không lâu sau khi tôi thôi nhiệm vụ Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. HCM (năm 2002)”[6].

Nhớ lại những năm tháng hoạt động trong tổ chức AUF, GS.TS Nguyễn Ngọc Giao mở lòng: “Tôi đến với AUF cũng trong phương hướng chung mở rộng giao lưu quốc tế. Tôi rất có cảm tình với các thành viên Conseil d’ Administration AUF và những cố gắng của họ trong việc khuếch trương vị thế cộng đồng Pháp ngữ. Tôi cũng đã góp phần thành lập các filiéres francophones (các khóa học tiếng Pháp) tại một số trường đại học, cũng như một vài trung tâm thông tin Pháp ngữ”[7].

***

Pétrus Ký là ngôi trường để lại nhiều ấn tượng nhất trong cuộc đời học tập của GS.TS Nguyễn Ngọc Giao. Nơi đây đã trang bị cho ông hành trang, công cụ quan trọng – tiếng Pháp để ông tiến bước vào con đường khoa học. Như ông từng tâm sự, nếu có điều gì khác biệt so với những nhà khoa học khác thì chính là niềm đam mê tiếng Pháp và những đóng góp của ông cho cộng đồng Pháp ngữ ở Việt Nam.

 

Nguyễn Thanh Hóa

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam


____________________

[1] Hỏi thông tin GS.TS Nguyễn Ngọc Giao ngày 6-6-2016.

 

[2] Hỏi thông tin GS.TS Nguyễn Ngọc Giao ngày 11-6-2016.

[3] Hỏi thông tin GS.TS Nguyễn Ngọc Giao ngày 11-6-2016.

[4] Từ năm 1998, đổi tên lại là AUF (Agence Universitaire de la Francophonie)

[5] Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế và Đại học Bách khoa Hà Nội.

[6] [7] Hỏi thông tin GS.TS Nguyễn Ngọc Giao ngày 11-6-2016.