Nhà giáo – Nhà khoa học đa tài của Đồng bằng sông Cửu Long

Tuy vậy, nếu chỉ là nghiên cứu thôi thì vẫn chưa đủ. Nhà khoa học trong bối cảnh nước ta hôm nay còn cần là người phổ biến khoa học, đưa kiến thức tới mỗi người dân, nhất là những thế hệ tương lai của đất nước và PGS.TS Trần Nhân Dũng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học, Đại học Cần Thơ đang nỗ lực để làm tốt trách nhiệm đó. 

Tuổi thơ khơi nguồn đam mê

PGS.TS Trần Nhân Dũng sinh ngày 20 tháng 12 năm 1956 tại huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ – Mảnh đất phương Nam với sông nước giăng giăng, với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, với tôm cá đầy ghe… Từ bao đời nay Cần Thơ khoác cho mình vẻ đẹp bình dị, mộc mạc mà rất đỗi nên thơ như tà áo bà ba của những người con gái chèo xuồng trên bến Ninh Kiều. Tất cả những điều nhỏ bé ấy đã hun đúc nên nét duyên thầm, quyến rũ của vùng đất này. Có lẽ đó cũng là nguyên nhân khiến ông theo đuổi ngành Trồng trọt và Công nghệ sinh học Nông nghiệp trong những năm tháng sau này. Tuổi thơ ông trôi qua bên làng quê nghèo với những trò chơi dân dã, đám bạn cùng trang lứa trong hoàn cảnh đất nước nửa hòa bình, nửa chiến tranh. Quên sao được những buổi chiều quê xưa, cánh đồng vừa xong mùa gặt, mặt ruộng thênh thang, phủ đầy lớp rơm vàng mới. Những cánh diều dán bằng cung tre và giấy tập cũ đầy chữ, theo gió bay lên cao, làm bạn với đàn cò vẫy nắng trở về sau những ngày lặn lội kiếm ăn đồng xa. Đám trẻ đầu trần khét nắng, mải mê chạy theo diều, vấp những vết chân trâu ngã dài trên mặt rơm êm ái, cười khanh khách vô tư, hồn nhiên. Nhưng những tháng ngày ấy cũng không kéo dài được bao lâu, khi chiến tranh leo thang. Từ một cậu nhóc vô lo, vô nghĩ Trần Nhân Dũng nhiều lần phải chứng kiến cuộc sống vất vả của người dân địa phương, về sự chia ly giữa người với người. Và chính từ cuộc sống đầy vất vả, cực nhọc đó đã nuôi dưỡng, thúc giục ý chí vươn lên để đền đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ, bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là một người con tài dũng của quê hương.

Với tư chất thông minh lại rất chăm chỉ siêng năng học hành vậy nên trong suốt thời gian đi học ông luôn là một cậu học sinh xuất sắc được thầy yêu, bạn mến. Không chỉ là cậu học trò giỏi về kiến thức, ông còn là cậu học trò năng động, nhiệt tình, thường xuyên tham gia các phong trào hoạt động của lớp, của trường. Tốt nghiệp THPT, mang theo khát khao, hoài bão đóng góp một phần sức lực nhỏ bé cho quê hương cùng với thành tích nổi bật, ông thi đỗ vào Trường Đại học Cần Thơ, khóa đầu tiên của ngành Trồng trọt.

Khi khoa học gắn liền với tri thức

Đi qua lứa tuổi học trò nhiều lắm mộng mơ, chàng thanh niên Trần Nhân Dũng nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới, tự tin trên con đường chinh phục đỉnh cao tri thức. Ông chia sẻ kiến thức thông tin gắn liền với khả năng nghiên cứu độc lập bởi người có kiến thức thông tin là người có khả năng tiếp cận và vận dụng tri thức một cách tích cực, chủ động và hiệu quả. Đó cũng là lý do vì sao ngoài giờ lên lớp, ông còn chịu khó tự học, tự đọc sách. Có thể nói, khối kiến thức khổng lồ ông thu lượm qua từng trang sách, cùng với kinh nghiệm của những lần thực hành đã thành công đưa ông đến với sự nghiệp sau này, trở thành một người thầy, nhà khoa học tận tâm với nghề. Năm 1980, sau bốn năm miệt mài học tập ông tốt nghiệp đại học Cần Thơ với tấm bằng Kỹ sư ngành Trồng trọt và được trường giữ lại, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Đạm Sinh học (nay là Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học), cuộc sống với biết bao điều thử thách chờ đợi ông phía trước. Vốn có niềm say mê khoa học từ hồi cấp 3 lại trải qua không ít thời gian ở giảng đường đại học, khi được bắt tay vào công việc mình yêu thích, ông càng hứng khởi hơn. Mặc những ngày hè nóng bức, ngày nối ngày, tháng nối tháng ông cần mẫn, chăm chỉ như một chú ong đem mật cho đời. Từ căn phòng nhỏ nơi ông làm việc, rất nhiều phương pháp, kỹ thuật tiên tiến đã được ông phát hiện ra và ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. Có lẽ sinh ra ở miền sông nước mà hầu hết các nghiên cứu của ông đều hướng về ngành nông nghiệp của quê hương.

PGS.TS Trần Nhân Dũng cùng phu nhân
đến Văn Miếu dự lễ công bố đạt chuẩn PGS năm 2012

Cứ miệt mài, tận tâm như thế, sau 08 năm lăn lộn với khoa học, năm 1988 ông được Ban Giám hiệu Trường Đại học Cần Thơ cử sang Pháp làm Luận văn Thạc sĩ. Đan xen quá trình học tập vất vả, ông còn cố gắng tìm hiểu những kỹ thuật tiên tiến mà người Châu Âu làm việc để sau khi về nước áp dụng chúng vào nền nông nghiệp nước nhà, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, với hi vọng cải thiện được đời sống của bà con, đưa Việt Nam trở thành một đất nước phát triển về nền nông nghiệp. Trở về nước năm 1989 khi thành công tốt nghiệp chuyên ngành Sinh thái học Vi sinh vật đất, ông còn đảm đương thêm một công việc mới – dạy lý thuyết tại Viện. Nhờ khoảng thời gian ngắn ngủi bảo vệ Luận văn ở Pháp, học được rất nhiều kỹ thuật như kỹ thuật tinh sạch enzyme, protein, tạo và tinh sạch kháng nguyên, kháng thể nên ông cũng tránh được những bỡ ngỡ với việc dạy thực tập môn Vi sinh vật và dạy lý thuyết môn Công nghệ sinh học nhập môn. Năm 1994, ông tiếp tục được phân công dạy 1 chương trong môn Cố định đạm sinh học cho lớp Cao học Sinh thái học. Năm 1999, một lần nữa ông lại đến với chân trời mới, mở rộng kho tàng tài nguyên của mình. Ông theo học chương trình Tiến sĩ tại Đại học Gent của Bỉ, một chương trình liên kết giữa hai đất nước. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, những phương pháp khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới như kỹ thuật nuôi cấy mô, kỹ thuật AFLP (Amplified fragment lenght polymorphism) in dấu DNA, kỹ thuật phân tích trình tự DNA, và kỹ thuật điện di protein 2 chiều (2D), đều được ông tiếp thu một cách trọn vẹn, từ đó truyền tải tới các học viên của mình. Bằng khả năng ngoại ngữ của mình, năm 2006 ông còn được phân công dạy bằng tiếng Anh các môn học Công nghệ sinh học nhập môn (Introductory Biotechnology), Công nghệ sinh học căn bản (basic biotechnology) và Tin sinh học (Bio-Informatics) cho lớp cử nhân Công nghệ Sinh học Tiên tiến, Đại học Cần Thơ.

Trải qua một quãng đường dài vừa dạy, vừa học, năm 2007 ông bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ tại Bỉ, và đến năm 2009, sau 29 năm làm việc ông trở thành một giảng viên chính thức của trường Đại học Cần Thơ. Vượt qua quãng thời gian từng ấy năm, ông có thể khẳng định rằng nghiên cứu khoa học và giảng dạy đối với sinh viên là mối quan hệ không thể tách rời. Mối quan hệ này giống như hình tượng đi trên hai chân, nếu như chỉ có “một chân” hoặc chỉ quan tâm đến việc học tập và giảng dạy mà lơ là nghiên cứu khoa học hoặc ngược lại thì sẽ không thể đứng vững. Như thế có thể nhận ra tầm quan trọng mà sinh viên hay những người làm nghiên cứu khoa học, giảng viên như ông phải quan tâm song song cả hai lĩnh vực này. Có như vậy vừa giúp được nghiên cứu khoa học mở rộng, vừa củng cố nền tảng tri thức.

PGS.TS Trần Nhân Dũng ký kết chuyển giao công nghệ sản xuất
nấm ăn và nấm dược liệu cho Công ty DASCO, với sự hiện diện
của bà Trần Thị Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp và
PGS.TS Hà Thanh Toàn Hiệu Trưởng Trường Đại học Cần Thơ

“Học là một quá trình không ngừng nghỉ và ta sẽ chẳng đi đến được đích cuối nếu như ta không cố gắng. Nghiên cứu khoa học cũng vậy, dù gặp phải những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, nhiều lúc muốn dừng lại nhưng ta phải tin rằng luôn có một tương lai huy hoàng và sáng lạn đang đợi ta ở phía trước. Khó khăn làm ta chùn bước nhưng một khi đã quyết tâm thì thành công sẽ theo đuổi chúng ta. Hãy cứ tin là như vậy” là những chia sẻ chân thành mà PGS.TS Trần Nhân Dũng muốn gửi gắm tới các sinh viên của mình. Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, từ năm 2004 đến năm 2008, ông giữ chức vị Tổ trưởng chuyên ngành của Viện NC&PT, Đại học Cần Thơ và từ năm 2008 đến nay ông được mọi người tín nhiệm, bầu làm Viện trưởng. Ở cương vị Viện trưởng, ông đã tạo động lực cho thế hệ cán bộ công chức, viên chức và người lao động làm tốt nhiệm vụ của cơ quan. Đồng thời ông cũng dìu dắt, giúp đỡ về chuyên môn cho mọi người, vì vậy đội ngũ cán bộ của Viện ngày càng trưởng thành về mọi mặt, đặc biệt là các cán bộ trẻ. Năm 2012, ông được Nhà nước phong tặng học hàm Phó Giáo sư. Xuyên suốt quá trình công tác của mình, PGS.TS Trần Nhân Dũng luôn miệt mài học tập, trau dồi kiến thức, học hỏi từ đồng nghiệp và thực tế. Nhiều người đã lấy gương ông để học tập và phấn đấu. Những kiến thức ông lĩnh hội được, được ông kết hợp và vận dụng nhuần nhuyễn vào công việc.

Những thành tựu đáng tự hào

Khôn lớn và trưởng thành trên mảnh đất miền Tây sông nước, hơn ai hết ông hiểu rất rõ đời sống của bà con nơi đây. Mặc dù ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp đóng góp sản lượng lớn nhất nước ta nhưng nông dân ĐBSCL, người thực hiện chính cho việc sản xuất này lại có thu nhập rất thấp. Người dân nuôi tôm thường bị mất trắng vì tôm giống nhiễm bệnh. Người trồng lúa bị rầy nâu tấn công liên tục vì sử dụng những giống lúa nhiễm rầy nâu. Ngoài nỗi lo dịch bệnh cây trồng vật nuôi lúc canh tác, người nông dân còn phải lo canh cánh việc được mùa mất giá sau thu hoạch do sản phẩm không được tiêu thụ hay không xuất khẩu được vì chất lượng sản phẩm kém hoặc chưa khai thác, tận dụng hết tiềm năng của các sản phẩm. Ngày nay các kỹ thuật CNSH có thể giúp chúng ta phát hiện các vi sinh vật gây bệnh cây trồng vật nuôi ở mức độ phân tử để chọn giống sạch bệnh, giống đúng, chất lượng tốt. Các biện pháp này còn giúp các xí nghiệp xuất khẩu kiểm tra mầm bệnh trong sản phẫm để giữ vững chất lượng hàng hóa. Giống cây trồng, vật nuôi sạch bệnh giúp người nông dân tránh rủi ro thiệt hại mất trắng từ những mầm bệnh bất trị. Giống có tính chống chịu sâu bệnh, giống thuần chủng, sử dụng giống đúng sẽ giúp người nông dân giảm giá thành sản xuất, tăng thêm lợi nhuận. Với sự hỗ trợ của dấu phân tử (molecular marker – assisted selection) việc chọn tạo giống sẽ nhanh hơn, dễ dàng & hiệu quả hơn. Với sự khai thác công dụng các nguồn enzyme, các nông sản sẽ được chế biến đa dạng hơn sẽ giúp phần mở rộng nguồn tiêu thụ nông phẩm. Vì nguyên nhân này mà định hướng NCKH của PGS.TS Trần Nhân Dũng luôn nhằm mục tiêu góp phần giải quyết các vần đề của nông vùng ĐBSCL, ông quyết định tập trung vào 4 mảng nghiên cứu:

Thứ nhất: Phát hiện vi sinh vật có hại nhằm phòng ngừa dịch bệnh, cây trồng, vật nuôi, kiểm tra chất lượng sản phẩm; Chẩn đoán vi sinh vật gây bệnh vàng lá greening trên cây có múi, phát hiện virus gây bệnh héo khô đầu lá cây khóm để chọn giống cây sạch bệnh; Chẩn đoán virus đốm trắng trên tôm sú; Phát hiện vi khuẩn tả (enterotoxigenic Vibro cholerae) trong thức ăn hải sản, phát hiện nhanh thực phẩm chứa GMO.

Thứ hai: Nghiên cứu phả hệ và đa dạng di truyền; Nghiên cứu mức độ phân tử các trình tự DNA Internal transcrip spacer (ITS), lục lạp, ty thể; Nghiên cứu đa dạng di truyền, nhận diện giống trồng vật nuôi, xác nhận dòng thuần cây ăn trái, xác nhận nguồn gốc cây giống quốc gia… trên các cây xoài, cây sầu riêng, cây măng cụt, cây có múi. Đa dạng di truyền, cấu trúc đa bội thể cây các cây: cam, chanh, quýt, bưởi, cây sơ ri, măng cụt, sầu riêng, sa kê; Đa dạng di truyền hoa phong lan.

Thứ ba: Sưu tập nguồn gen cây lúa và chọn tạo giống lúa kháng rầy nâu năng suất cao, phẩm chất tốt, chống chịu điều kiện khắc nghiệt môi trường dựa trên các kỹ thuật di truyền phân tử.

Thứ tư: Sử dụng enzyme trong chế biến trái cây và trừ côn trùng. Nâng cao chất lượng trái cây Đồng bằng sông Cửu Long. Khai thác, chế biến trái cây thành nhiều sản phẩm đa dạng. Khai thác các nguồn vi sinh vật sản xuất enzyme cellulase vừa phục vụ chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, vừa phục vụ xử lý ô nhiễm môi trường.

Những hướng nghiên cứu này của ông đã giúp cho người dân vùng ĐBSCL cải thiện đời sống, làm cho thực tiễn sản xuất gia tăng.

PGS.TS Trần Nhân Dũng tại Lễ công bố chương trình
Công nghệ sinh Tiên tiến học đạt chuẩn AUN

Ngoài những hướng nghiên cứu đó, PGS.TS Trần Nhân Dũng cũng đã hoàn thành rất nhiều đề tài khoa học, điển hình như: “Đa dạng sinh học cây xoài ở Đồng Tháp”; “Nghiên cứu tính đồng dạng di truyền của dòng cam soàn, sầu riêng, măng cụt và chuyển giao kỹ thuật PCR (polymerase chain reaction) trong chẩn đoán bệnh greening và một số cây ăn trái đặc sản”; Chương trình Công nghệ Sinh học TP Cần Thơ giai đoạn 2010-2015 tầm nhìn 2020; “Sưu tập, đánh giá và bảo tồn nguồn gen lúa kháng rầy nâu nhằm phục vụ công tác lai tạo”; “Sưu tập, đánh giá và bảo tồn nguồn gen lúa kháng mặn, kháng phèn và kháng rầy nâu nhằm phục vụ công tác lai tạo”; “Giáo trình Tin sinh học; Sổ tay thực hành Sinh học phân tử; Giáo trình công nghệ di truyền”. Chưa dừng lại ở công tác nghiên cứu ông còn hơn chục đầu sách bao gồm sách tham khảo và giáo trình … Mấy chục bài báo in trên các Tạp chí chuyên ngành và Tạp chí khoa học kỹ thuật trong nước, tuyển tập Hội nghị khoa học Việt Nam và Quốc tế… Song song với việc giảng dạy, tính đến năm 2012, ông cũng đã hướng dẫn thành công 38 sinh viên ngành CNSH (trong đó có 10 sinh viên CNSH Tiên tiến), 2 sinh viên ngành Nông học làm Luận văn tốt nghiệp đại học, hướng dẫn thành công 26 học viên cao học CNSH và 4 học viên cao học ngành Nông học, tất cả đều tốt nghiệp và đã nhận bằng. Năm 2006, Bộ đã giao nhiệm vụ cho Viện tổ chức triển khai đào tạo chương trình tiên tiến ngành Công nghệ sinh học. PGS.TS Trần Nhân Dũng đã đoàn kết toàn thể thày cô giáo và cán bộ viên chức của Viện xây dựng chương trình này. Năm 2014 Chương trình Công nghệ sinh học tiên tiến đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn AUN của tổ chức ASEAN University Network (AUN). Chất lượng sinh viên được đào tạo tại Viện rất cao. Chỉ riêng trong năm 2014, các sinh viên của Viện được cấp 28 suất học bổng du học ngoài nước gồm 9 học bổng tiến sĩ: Mỹ (1), Nhật Bản (2), Hàn Quốc (4) Thái Lan (2) và 19 học bổng thạc sĩ: Nhật Bản (2), Bỉ (1), Đài Loan (2), Hàn Quốc (7), Thái Lan (6), Israel (1). Kế thừa nền tảng gây dựng từ những cán bộ lãnh đạo tiền nhiệm, PGS.TS Trần Nhân Dũng đã xây dựng Viện thành một đơn vị đào tạo sinh viên chất lượng cao và tổ chức nghiên cứu khoa học, chuyển giao những công trình công nghệ sinh học có giá trị cho người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Đi qua biết bao thăng trầm, dâu bể nhưng trong con người ông, bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận sự hòa quyện giữa tính cẩn trọng, niềm say mê của một người làm công tác quản lý, một nhà giáo tích cực và một nhà khoa học tài năng tham gia nghiên cứu, viết sách. Với nhiệt tâm và sự tận tụy của mình, ông đã làm nên chân dung một PGS.TS Trần Nhân Dũng – Viện trưởng Viện NC&PT CNSH, Đại học Cần Thơ ngày hôm nay.

Nguồn: Tấm gương người làm khoa học. Tập 12. H – Hồng Đức, 2015. Trang 112 – 121.