Công trình thâm canh trồng sả trên vùng đất biến đổi khí hậu để thu tinh dầu phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh của tiến sĩ Lê Văn Tri (65 tuổi, Hà Nội) cùng đồng nghiệp, vừa giành giải nhất Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2016 (VIFOTEC) và cúp vàng WIPO thế giới 2016.
Tiến sĩ Lê Văn Tri. Ảnh: NVCC.
Sinh ra tại Thanh Hóa trong một gia đình công chức, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cậu học trò Tri đã thể hiện khả năng nhạy bén với môn Toán và Sinh học.
Năm 1969, trúng tuyển vào Đại học Tổng hợp Kisinhop (Liên Xô cũ), ông chọn khoa tổng hợp Sinh, chuyên ngành vi sinh vật; trong khi hầu hết bạn bè thích sinh lý động vật, thực vật. Bởi ông thấy quá trình phát triển của vi sinh rất nhanh, chỉ một tiếng cho ra đời biết bao thế hệ, không giống thực động vật. Khi nghiên cứu vi sinh, ông sẽ được làm thí nghiệm nhiều hơn.
Thời gian này, ông rất ít ra ngoài mà dành phần lớn thời gian trên giảng đường, phòng thí nghiệm. Nhiều ngày ông rời trường lúc 23 hoặc 24 giờ và một mình trên xe điện về nhà. Mỗi dịp nghỉ hè hoặc nghỉ đông, trong khi bạn bè cùng lớp đi tham quan hoặc du lịch, ông tìm đến thư viện ở Moskva để thỏa sức đọc các sáng chế và nghiên cứu.
Khi bạn bè làm thêm tại nhà máy hoặc hái hoa quả thuê kiếm tiền, ông lại tìm cách xin thầy phụ việc ở phòng thí nghiệm của Viện Hàn lâm Liên Xô dù chỉ là rửa chai lọ, hoặc với vai trò là thí nghiệm viên. “Đôi lúc thấy mệt mỏi, nhưng đó là quãng thời gian tôi được sống với đam mê và thật sự thấy hạnh phúc”, ông nói.
Với sự cần mẫn, nghiêm túc, cuối năm thứ tư, phần thưởng ông nhận được là giải nhì “Olympic sinh viên với tiến bộ khoa học kỹ thuật toàn liên bang Nga” khi mới 20 tuổi.
Năm 1975, tốt nghiệp đại học, ông về nước làm việc tại Viện Sinh vật (hiện là Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Năm 1988, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sinh học tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và sau đó đi thực tập sau tiến sĩ tại Liên Xô và các nước Đông Âu.
Lúc đó ông từng đắn đo về cơ hội làm việc ở Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Nhưng lời căn dặn của cha “Một đứa đi học để xây dựng đất nước, còn một đi bộ đội bảo vệ đất nước” khiến ông thấy có trách nhiệm với gia đình và quê hương.
Nghiên cứu tiến sĩ của ông đã tạo tiền đề cho nhiều sáng chế sau này. Hai năm sau, thời điểm Việt Nam chưa có doanh nghiệp khoa học công nghệ, ông và một số người bạn có ý tưởng thành lập liên doanh khoa học và sản xuất với mong muốn đưa sản phẩm tới người dân, tránh tình trạng nghiên cứu xếp ngăn kéo.
Tiến sĩ Tri cùng đồng nghiệp ở phòng thí nghiệm do ông lập nên.
Ảnh: NVCC.
Tiến sĩ Tri tâm niệm, sáng chế phải đi từ phòng thí nghiệm đến người dân mới thành công. Vì vậy dù là doanh nghiệp nhưng ông luôn xác định lấy khoa học làm nền tảng. Với sản phẩm xuất phát từ ý tưởng cá nhân, tiến sĩ đều trực tiếp làm tại phòng thí nghiệm, rồi tự lên kế hoạch kinh doanh.
Giai đoạn này, tiến sĩ Tri có thể chuyển sang vai trò doanh nhân với nhiều mối quan hệ trong và ngoài nước, nhưng ông vẫn thích hàng ngày vào phòng thí nghiệm hơn. Ông nhớ có một đơn vị ở Liên Xô muốn ký hợp đồng về việc nhập giống khoai tây bi nảy mầm để làm giống, ở Việt Nam người dân thường vứt bỏ củ bé đi. Hợp đồng khó, nhưng ông vẫn đồng ý.
Tiến sĩ Tri đã thành công khi sử dụng phương pháp kích thích nảy mầm nhờ gibberellin – chất mà ông đã làm ra trong luận án tiến sĩ – với liều lượng phù hợp để khi khoai tây từ Việt Nam sang Liên Xô sẽ nẩy mầm thành cây giống. “Nghĩ lại tôi thấy mình liều”, ông kể.
Thay vì trả tiền mặt, đơn vị phía Liên Xô thanh toán bằng phân đạm – sản phẩm rất có giá trị vào thời kỳ 1994-1995 vì Việt Nam mới chỉ có đạm Hà Bắc. Ông Tri giữ lại một ít phục vụ cho công việc, còn lại bán để lấy tiền đầu tư cho phòng thí nghiệm.
Khi đủ giống khoai tây, phía Liên Xô muốn hợp tác và để ông làm đại lý phân phối phân đạm cho họ. Ông không ngần ngại từ chối: “Nếu không nhập khoai tây thì tôi cũng không nhập phân bón của các anh nữa. Ai cũng muốn có nhiều tiền, nhưng tôi muốn đi lên bằng chính nghiên cứu”. Nhiều người khuyên nên suy nghĩ lại, ông vẫn một mực nói: “Tôi biết cày xới trên con đường mình chọn và tôi tin thành công đang ở phía trước”.
Suốt 40 năm kiên trì với khoa học vì nền nông nghiệp phát triển bền vững, từ năm 1991 đến nay từ chỗ chỉ có 16 bằng sáng chế, hiện ông sở hữu 21 bằng liên quan đến công nghệ sinh học, như: Quy trình sản xuất phân phức hợp hữu cơ vi sinh; Chế phẩm tăng năng suất lúa, công nghệ xử lý rơm rạ sau thu hoạch làm phân bón hữu cơ tại ruộng bằng chế phẩm sinh học… Các công nghệ đều được chuyển giao và nhận phản ứng tích cực từ người sử dụng.
Năm 2013, Tổ chức xác lập kỷ lục Việt Nam xác nhận tiến sĩ Lê Văn Tri – người có nhiều bằng sáng chế trong lĩnh vực công nghệ sinh học nhất. Nhìn lại chặng đường đã qua, ông cho biết muốn thành công trong nghiên cứu khoa học phải kiên trì, tạo ra nhiều sáng chế ứng dụng vào thực tiễn sẽ “không bao giờ nghèo”.
Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập tiến sĩ Lê Văn Tri có nhiều
bằng sáng chế trong lĩnh vực công nghệ sinh học nhất.
Sản phẩm sinh học nông nghiệp thường mang tính rủi ro và lợi nhuận thu được không cao. Việc hợp tác với các nhà kinh tế khác cũng khó khăn vì họ thường đặt lợi nhuận lên hàng đầu, trong khi sản phẩm nông nghiệp nhiều lúc cho không mà nông dân không dùng. Vì vậy với mỗi sản phẩm, tiến sĩ Tri cùng đồng nghiệp luôn tính đến khả năng ứng dụng và mở rộng không chỉ trong mà còn ngoài nước. Ông tin nếu sản phẩm làm ra ưu việt thì chắc chắn sẽ được chấp nhận.
“Ý tưởng sáng tạo đến với tôi như dòng nước chảy không ngừng, trong tôi luôn đặt câu hỏi tại sao không làm cái này và nếu làm thì sẽ thế nào. Phải say mê nghiên cứu, chắt chiu đến lúc nào đó như giọt nước cuối cùng làm tràn ly thì ý tưởng sẽ đến và bắt tay tạo nên sản phẩm ưu việt nhất”, ông nói.
Phạm Hương
Nguồn: nienlich.vn/tin-tuc/nha-khoa-hoc/nha-khoa-hoc-so-huu-nhieu-bang-sang-che-nhat-viet-nam