PGS.TS Nguyễn Xuân Tặng: Dấu ấn một nhà khoa học

Hiện nay dù mái tóc đã ngả màu, nhưng niềm đam mê hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo trong ông không bao giờ nguôi, ông vẫn nung nấu tâm nguyện được đóng góp, được cống hiến nhiều hơn nữa. Tấm gương về nhà khoa học PGS.TS Nguyễn Xuân Tặng – Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Khoa học Vật liệu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam mãi mãi sáng rọi cho các thế hệ trẻ học tập và noi theo.
 
Hành trình tuổi thanh xuân

PGS.TS Nguyễn Xuân Tặng sinh ngày 10 tháng 06 năm 1950 tại thôn Ngọc Đình, xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Đối với ông, dải đất miền Trung đầy nắng gió với những đồi chè xanh bát ngát chứa đựng nhiều ký ức tuổi thơ, vun đắp đạo lý “hiếu thảo” và nuôi hoài bão “sống và làm việc sao cho xứng với tiền nhân”. Ông tâm sự, cũng như rất nhiều người dân nơi đây, biết bao thời gian và năm tháng trôi qua, những thế hệ cứ nối tiếp nhau, truyền đời trên mảnh đất này để rồi lưu giữ lại tình nghĩa quê hương, bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của miền quê thân yêu.

Xuất thân trong một gia đình đông con lại là anh cả của 7 anh em trai, không có chị em gái, có cha làm cán bộ hợp tác xã nông nghiệp và mẹ làm nghề nông thuần túy, suốt đời gắn bó với cây lúa, củ khoai, nên tuổi thơ của ông là những chuỗi ngày vất vả, lam lũ, song không vì thế mà ông từ bỏ niềm khát khao tri thức. Ngược lại, những khó khăn ngày đó lại trở thành động lực mạnh mẽ giúp ông vượt qua nghịch cảnh. Ông vẫn nhớ như in những năm học ở trường làng từ vỡ lòng đến cấp I, cấp II, gia tài của cậu học trò nghèo chỉ đơn giản và duy nhất một bộ quần áo lành lặn, ấy vậy mà chưa bao giờ ông cảm thấy tự ti trước bạn bè. Điều đặc biệt là ông luôn đứng đầu lớp về thành tích học tập và được nhà trường tặng thưởng nhiều giấy khen, dù hàng ngày ông phải phụ giúp cha mẹ những công việc: nhẹ thì chăn trâu, cắt cỏ, nặng thì gánh phân, trồng lúa, trồng khoai và lớn hơn tý nữa thì tham gia công việc của nhà nông thực thụ như người lớn.

Lên tới cấp III, hành trình tiếp cận kho tàng kiến thức của ông càng thêm phần gian nan hơn khi ông thi đỗ vào lớp chuyên Toán (gọi là lớp Đặc biệt) của tỉnh. Lúc bấy giờ, cả tỉnh Nghệ An chỉ có 2 lớp như thế, một lớp đóng ở huyện Đô Lương dành cho học sinh các huyện phía Bắc và một lớp ở huyện Thanh Chương dành cho các huyện phía Nam. Sau khi học hết lớp 8 ở huyện Thanh Chương, lên lớp 9 thì hai lớp nhập làm một và do chiến tranh, nên phải sơ tán ra trường cấp III Quỳnh Lưu 2 ở phía Bắc tỉnh. Vì Quỳnh Lưu cách nhà một chặng đường dài trên trăm cây số, nên chàng thanh niên Xuân Tặng thời kỳ đó dù có nhớ nhà bao nhiêu cũng chỉ có thể về thăm vào những dịp lễ, tết. Nhưng chính khoảng cách địa lý xa xôi ấy đã biến thành ý chí để ông quyết tâm học thật giỏi, đền đáp sự hy sinh của cha mẹ và mong mỏi của bà con trong họ tộc.

PGS.TS Nguyễn Xuân Tặng cùng đồng nghiệp chụp ảnh
chung tại Lào trước khi tiến hành khảo sát, điều tra

Năm 1969, sau khi tốt nghiệp cấp III (lớp 10/10 thời đó), do thành tích học tập xuất sắc, ông được Nhà nước cử sang Liên Xô học tập. Trải qua một năm học dự bị tiếng Nga tại TP Baku (CH Azerbaizan ngày nay), ông được chuyển đến học đại học tại cố đô của Liên Xô là thành phố Leningrad (Sant Peterburg – LB Nga ngày nay) và theo sự phân công của Nhà nước, ông học ngành Khoa học trái đất và mỏ, chuyên ngành Địa chất thủy văn tại trường Đại học Mỏ Leningrad danh tiếng và lâu đời nhất thế giới với hơn 200 tuổi. Vì thời điểm học đại học nơi xứ người (1969 – 1975) trùng với thời điểm nước ta bị chiến tranh tàn phá ác liệt, nên dù là một du học sinh nhưng ông và những sinh viên Việt Nam thời đó luôn hướng về Tổ quốc yêu dấu. Từ đó, ông mang trong mình niềm tin lớn vào tương lai tươi sáng của công cuộc dựng xây đất nước, đồng thời quyết tâm phấn đấu, rèn luyện học tập thật tốt, để mang trí thức học được ở nước bạn về phục vụ công cuộc kiến thiết, xây dựng lại đất nước. Nhờ có tư duy tốt về Toán học có từ thời phổ thông, nên ông học rất giỏi các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa… và luôn đứng đầu lớp sinh viên Nga lẫn sinh viên ngoại quốc.

Có thể nói, những năm tháng học tập ở nước bạn là thời gian đẹp và có ý nghĩa nhất trong cuộc đời của chàng sinh viên Nguyễn Xuân Tặng. Ông cùng với nhiều sinh viên khác đã nỗ lực hết mình, đạt kết quả học tập xuất sắc. Kết thúc 5 năm trên ghế giảng đường đại học, ông vinh dự trở thành sinh viên Việt Nam đầu tiên nhận bằng tốt nghiệp loại Ưu (bằng Đỏ) của Trường Đại học Mỏ Leningrad danh tiếng và nhà trường đề nghị ở lại làm chuyển tiếp sinh. Tuy nhiên, do năm đó (năm 1975) đất nước vừa kết thúc chiến tranh, nên chưa có chế độ chuyển tiếp sinh, vì vậy ông phải về nước để nhận công tác. Trở về nước với tấm bằng Đỏ, ông được tuyển thẳng vào làm việc tại Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước mà sau này (cuối năm 1975) tách bộ phận nghiên cứu và thành lập Viện các khoa học về Trái đất thuộc Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Địa chất thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Gắn bó với công việc nghiên cứu khoa học chưa được bao lâu, vì khát khao tri thức vẫn cháy bỏng trong tim, ông được Nhà nước cử đi thi nghiên cứu sinh đi học nước ngoài và đã trúng tuyển kỳ thi để sau đó năm 1994 được quay lại trường cũ (Trường Đại học Mỏ Leningrad) làm nghiên cứu sinh. Được biết, đây cũng là giấc mơ từ thời còn là sinh viên, nhưng do hoàn cảnh đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, nên ông tạm gác lại mong muốn và mơ ước của mình.

Trở lại trường cũ sau 9 năm, được gặp lại các thầy cô giáo cũ làm ông bồi hồi xúc động và thật may mắn ông được Giáo sư, Viện sĩ Valery Aleksandrovich Mironhenko (người đã đề nghị chuyển tiếp sinh cho ông thời sinh viên) nhận làm người hướng dẫn chính trong quá trình làm nghiên cứu sinh. Với ông, việc được gia nhập nhóm nghiên cứu của GS.VS Mironhenko là một vinh dự và là trách nhiệm lớn lao (GS.VS Mironhenko tốt nghiệp một lúc 2 bằng tiến sỹ, được phong hàm Giáo sư khi chưa đầy 40 tuổi và nhận bằng Viện sỹ trước tuổi 60). Nhân cách sống cũng như tư duy khoa học của ông sau này chịu ảnh hưởng rất lớn của vị Giáo sư tài năng và uyên bác này. Tuy nhiên GS.VS Mironhenko đã mất sớm do bị bệnh hiểm nghèo. Sau 4 năm học tập và nghiên cứu, năm 1988 ông đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ với đề tài: Nghiên cứu các điều kiện thí nghiệm và các phương pháp xử lý tài liệu thí nghiệm thấm phục vụ công tác xây dựng màn chống thấm khi tháo khô các mỏ khoáng sản rắn (lấy ví dụ Mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh, Việt Nam). Trở về nước năm 1988, ông trở thành Nghiên cứu viên tại Trung tâm nghiên cứu Địa chất biển thuộc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và từ năm 1993 đến nay, ông là PGS.TS NCV chính, sau đó (năm 2006) được phong hàm PGS.TS và năm 2009 được nâng ngạch lên Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Khoa học vật liệu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công Nghệ Việt Nam – cơ quan đầu ngành về nghiên cứu khoa học và công nghệ của nước ta.
 
Những đóng góp cho nghiên cứu khoa học và công nghệ nước nhà

Hơn 40 năm gắn bó với nghiên cứu khoa học công nghệ, không khó để nhận thấy PGS.TS NCV Cao cấp Nguyễn Xuân Tặng đã trải qua biết bao khó khăn, gian khổ, song cũng nhờ những thử thách, gian nan ấy mà ông càng thêm trân trọng, thêm niềm tin vào đam mê mà mình đã theo đuổi. Nói về những vất vả ngày đầu mới bắt tay vào nghiên cứu khoa học, ông kể rằng thời kỳ đầu khi mới về nước, đất nước ta đang chuyển đổi nền kinh tế, nên công tác khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường là vấn đề mới mẻ và chỉ mới biết đến ở các cơ sở sản xuất, trong khi đó, bản thân ông đã quen làm việc ở môi trường nghiên cứu khoa học, nên gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ. Nhưng bằng sự đam mê làm việc theo nhóm, nên ông cùng với các đồng nghiệp khác trong Viện đã hình thành nên hướng mới là nghiên cứu công nghệ khai thác chế biến khoáng sản gắn với công tác bảo vệ môi trường. Khác với các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản khác là thậm chí một người (hoặc một nhóm nhỏ) cũng có thể nghiên cứu và thành công về một đề tài, lĩnh vực khoa học nào đó, trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ chế biến khoáng sản gắn với công tác bảo vệ môi trường phải cần tập trung trí tuệ và công sức của nhiều người, của cả một tập thể cùng hợp tác thì mới có thể đạt kết quả như mong muốn.

Hiện tại, sau nhiều năm lăn lộn với công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, tập thể khoa học của ông đã hoàn thành hàng chục công trình nghiên cứu, điển hình như: Nghiên cứu, đánh giá mức độ suy thoái môi trường và xây dựng các giải pháp bảo vệ môi trường đối với một số khu khai thác chế biến khoáng sản trọng điểm của Việt Nam; xây dựng các giải pháp bảo vệ môi trường một số khu khai thác và chế biến khoáng sản tập trung vùng Đông Bắc Việt Nam; xây dựng các giải pháp bảo vệ môi trường khai thác chế biến khoáng sản ở các tỉnh bắc Trung Bộ; nghiên cứu, đề xuất các biện pháp khắc phục, bảo vệ môi trường vùng mỏ sau giai đoạn khai thác tài nguyên khoáng sản; xây dựng quan điểm và định hướng khai thác, sử dụng hợp lý một số tài nguyên thiên nhiên đang được khai thác ở Việt Nam; điều tra đánh giá hiện trạng khai thác, chế biến một số khoáng chất công nghiệp ở vùng núi phía Bắc Việt Nam và nghiên cứu đề xuất các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường; nghiên cứu hoàn thiện công nghệ xử lý ô nhiễm bụi trong khai thác chế biến khoáng sản fenspat – caolin ở miền Bắc Việt Nam; điều tra đánh giá mức độ suy thoái môi trường và đề xuất các biện pháp bảo vệ các khu khai thác chế biến xây dựng tập trung ở miền Bắc Việt Nam; nghiên cứu, đề xuất giải pháp sử dụng hợp lý tài nguyên nước dưới đất ven biển Quảng Bình; v.v…

Trong số các công trình nghiên cứu nêu trên, đặc biệt phải kể đến một số công trình nghiên cứu tiêu biểu như sau: đánh giá mức độ suy thoái và xây dựng các giải pháp bảo vệ môi trường ở một số khu khai thác và chế biến khoáng sản trọng điểm của Việt Nam; nghiên cứu đánh giá hiện trạng, đề xuất các biện pháp khắc phục và bảo vệ môi trường các vùng mỏ sau giai đoạn khai thác tài nguyên khoáng sản; nghiên cứu hoàn thiện và triển khai công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường trong khai thác chế biến khoáng sản đối với một số loại quặng, tài nguyên có đặc thù như nước dưới đất, sa khoáng titan ven biển, đất hiếm… Đặc biệt, có 3 công trình nghiên cứu được cho là có ý nghĩa và tâm đắc nhất đối với ông là: Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, đề xuất các biện pháp khắc phục, bảo vệ môi trường các vùng mỏ sau giai đoạn khai thác tài nguyên khoáng sản; Cụm công trình: Nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường và xã hội các dự án thủy điện trên sông Xekaman thuộc miền Nam nước CHDCND Lào; Nghiên cứu xác định các đới dập vỡ kiến tạo trong các thành tạo địa chất và khả năng lưu trữ nước nhằm giải quyết nước mùa khô cho các tỉnh Tây Nguyên.

PGS.TS Nguyễn Xuân Tặng cùng đồng nghiệp khảo sát
giếng khoan nước ngầm tại Tây Nguyên

Đối với công trình: “Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, đề xuất các biện pháp khắc phục, bảo vệ môi trường các vùng mỏ sau giai đoạn khai tác tài nguyên khoáng sản”. Thông thường, các doanh nghiệp khoáng sản chỉ tập trung khai thác quặng càng nhiều càng tốt, còn công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là phục hồi môi trường sau khi các moong khai thác đã ngừng hoạt động (đóng cửa mỏ) thì dường như bị lãng quên hoặc làm một cách chiếu lệ. Nhưng chính công tác đóng cửa mỏ và hoàn phục môi trường sau khai thác khoáng sản là trách nhiệm cho các doanh nghiệp theo nguyên tắc “ai gây ra ô nhiễm thì phải có trách nhiệm khắc phục”. Một ví dụ điển hình là các cơ sở khai thác than ở Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn,.. tuy một số moong và một số khu mỏ đã ngừng hoạt động, nhưng công tác hoàn phục môi trường đã không được quan tâm đúng mức, nên đã để lại hàng chục núi thải cao hàng trăm mét, các moong sâu không được san lấp, cải tạo đúng quy trình để lại những hiểm họa môi trường khôn lường, nhất là về mùa mưa bão, trong khi các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã không phải chịu trách nhiệm gì và đã cao chạy xa bay. Kết quả nghiên cứu của đề tài này đã có tác động đáng kể làm cho các nhà quản lý đưa ra các quy trình quy phạm cụ thể về công tác phục hồi môi trường sau giai đoạn đóng cửa mỏ và buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ thực hiện.

Đối với cụm công trình: “Nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường và xã hội các dự án thủy điện trên sông Xekaman thuộc miền Nam nước CHDCND Lào”. Nhóm nghiên cứu của ông đã phối hợp thực hiện nhiệm vụ đánh giá tác động môi trường xã hội cho một số dự án thủy điện ở CHDCND Lào như: dự án thủy điện Xekaman 3, Xekaman 4, Xekaman 1 và các dự án thủy điện khác do Việt Nam đầu tư xây dựng tại Lào. Khác với ở nước ta, nhiệm vụ đánh giá tác động môi trường ở CHDCND Lào có nhiều khác biệt là các nhà Tư vấn phải tự thực hiện nhiệm vụ “từ A đến Z” cho đến khi các sản phẩm được các cơ quan quản lý môi trường của nước sở tại nghiệm thu và thông qua. Bộ báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện tại Lào gồm ít nhất 4 hợp phần: đánh giá tác động môi trường; đánh giá tác động về xã hội; lập kế hoạch quản lý môi trường; lập kế hoạch quản lý các tác động xã hội, còn công tác quan trắc và giám sát môi trường của dự án thường do người bản xứ đảm nhận. Về mức độ chi tiết của các báo cáo lại chia ra báo cáo sơ bộ, báo cáo chi tiết,… tùy thuộc giai đoạn đầu tư và tiến độ thực hiện dự án. Trong thời gian khảo sát điều tra để thành lập các báo cáo nêu trên, các cơ quan quản lý tài nguyên và môi trường của Lào sẽ tổ chức theo dõi, kiểm tra thường xuyên để trao đổi bàn bạc với Tư vấn chỉnh sửa kịp thời. Lấy ví dụ: khi điều tra, đánh giá tác động môi trường cho Dự án thủy điện Xekaman 1, đích thân Bộ trưởng Bộ TN&MT Lào đã đi kiểm tra, thị sát hiện trường và đã đưa ra những chỉ đạo hữu ích, rất sát với thực tế. Có thể nói rằng nhiệm vụ đánh giá tác động môi trường các dự án thủy điện do Việt Nam đầu tư trên lãnh thổ Lào hiện đã trở thành “thương hiệu” của nhóm nghiên cứu này và hiện nay đang xúc tiến để mở Chi nhánh đại diện tại CHDCND Lào.

Đối với đề tài nghiên cứu thuộc Chương trình Tây Nguyên 3: “Nghiên cứu xác định các đới dập vỡ kiến tạo trong các thành tạo địa chất và khả năng lưu trữ nước nhằm giải quyết nước mùa khô cho các tỉnh Tây Nguyên”. Tuy nhóm nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Xuân Tặng chỉ tham gia phần công việc thuộc lĩnh vực địa chất thủy văn, nhưng nhóm tác giả đã cố gắng vượt bậc với mong muốn tìm được nguồn nước để chống hạn cho vùng đất khô cằn nhưng lại có ý nghĩa chiến lược của nước ta. Bằng sự nỗ lực hết mình, cuối cùng sau bao nhiêu năm nghiên cứu, nhóm của ông và các đồng nghiệp khác đã tìm ra nguồn nước ngầm chứa trong các cấu trúc dập vỡ kiến tạo có thể khai thác cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô của vùng Tây Nguyên. Hiện tại, Chương trình Tây Nguyên 3 vẫn tiếp tục và nhóm nghiên cứu của ông lại tiến hành nhằm nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ bổ sung nhân tạo và dâng cao mực nước ngầm cho các khu vực khan hiếm nước của Tây Nguyên.

Song song với công tác điều tra đánh giá về tài nguyên và môi trường, nhóm nghiên cứu của ông đã tham gia nhiều hội thảo, hội nghị khoa học ở trong và ngoài nước và một trong những hội thảo khoa học đó đã diễn ra tại ngôi trường cũ của ông tại thành phố Sant Peterburg thân yêu sau hơn 20 năm xa cách. Đã có nhiều công trình khoa học của nhóm nghiên cứu đã được công bố, điển hình là các công trình tiêu biểu như: tác động môi trường nước do khai thác thiếc sa khoáng vùng Tam Đảo; mức độ suy thoái môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường trong công nghiệp khoáng sản; nghiên cứu phân dạng bục nước trong các mỏ than hầm lò ở Việt Nam; dự báo thời đoạn xảy ra ngập hầm lò khai thác than; một số kết quả nghiên cứu về nguyên liệu khoáng và môi trường khoáng sản Việt Nam; nghiên cứu nước dưới đất trong cồn cát ven biển tỉnh Quảng Bình và định hướng khai thác sử dụng; ứng dụng các kỹ thuật ép nước và hút nước thí nghiệm trong cùng một lỗ khoan để nghiên cứu các giải pháp lưu trữ nước dưới đất trong các đới dập vỡ kiến tạo vùng Tây Nguyên; v.v…

Song song với công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, PGS. TS Nguyễn Xuân Tặng còn được các trường đại học, học viện mời tham gia công tác giảng dạy và đào tạo sau đại học. Dưới sự hướng dẫn của ông, đã có hàng chục học viên cao học và nghiên cứu sinh bảo vệ tốt nghiệp ra trường và nhiều người trong số đó hiện đang giữ vị trí lãnh đạo quan trọng, tham gia công tác nghiên cứu khoa học hoặc giảng dạy trong các cơ sở đào tạo trong cả nước. Lý do mà nhiều sinh viên dưới sự hướng dẫn của ông đều đạt thành tích cao trong sự nghiệp và cuộc sống, một phần nhờ những chia sẻ hết sức chân thành của một người thầy đi trước như ông. Ông luôn nhắn nhủ với học trò của mình rằng, trong việc lựa chọn ngành nghề thì không có ngành nghề nào xấu, nhưng nếu lựa chọn đúng và có đam mê, nhiệt huyết thì nhất định sẽ thành công. Trong công tác nghiên cứu khoa học thì cần nhất là tính kiên trì, tỉ mỉ và trung thực, với người làm công tác giáo dục và đào tạo thì cần có đức tính khiêm tốn, lòng vị tha và tôn trọng học trò. 

Xuyên suốt cuộc đời làm khoa học của PGS.TS Nguyễn Xuân Tặng có biết bao kỉ niệm đi theo ông, trong số đó, có rất nhiều kỷ niệm mà đến tận bây giờ ông vẫn chẳng thể nào quên. Kỷ niệm đầu tiên, ông muốn chia sẻ là kỷ niệm gắn bó với mảnh đất miền trung đầy nắng và gió Quảng Bình. Vào khoảng năm 1998, ông được giao làm Trưởng đoàn khảo sát điều tra các mỏ Titan ven biển miền Trung, trong đó có địa phận tỉnh Quảng Bình. Đoàn công tác của ông gồm có 5 – 6 người, khi đi ngoài vật dụng, tư trang cá nhân,… còn phải mang theo lỉnh kỉnh nào máy móc, thiết bị khảo sát tất tần tật được chất lên xe và đi khảo sát. Khi xe chạy đến đầu thị xã Đồng Hới (nay là TP Đồng Hới) thì có người trên xe kêu có mùi xăng. Ban đầu, ông và mọi người nghĩ mùi xăng do xe mới đổ xăng, nhưng chạy được khoảng vài trăm mét thì dân bên đường hô to là cháy xe rồi. Khi tất cả xuống xe, thì lửa đã bén vào đuôi xe cháy lan sang các khu vực khác. Vì hoảng loạn, nên mọi người chỉ kịp kéo đồ đạc tư trang xuống ven đường và tập trung nhau cùng với người đi đường đẩy chiếc xe đang bốc cháy dữ dội xuống sông Nhật Lệ để dập lửa. Ai dè sông Nhật Lệ có xây kè bảo vệ hai bên, nên đành phải đứng nhìn thần lửa thiêu rụi chiếc xe cùng với máy móc thiết bị mang đi. Tối về kiểm tra lại thì tư trang, quần áo cùng số máy móc thiết bị mang theo trên xe đã bị thần lửa thiêu rụi hết, nhưng may mắn là không ai trong đoàn công tác bị thương vong.

Hay một kỉ niệm khác cũng tại Việt Nam là vào khoảng trước năm 2000, khi đoàn công tác của ông đi khảo sát các điểm khai thác vàng trên sông Lô (thuộc địa phận tỉnh Hà Giang). Vì đoàn đã có liên hệ trước với chính quyền tỉnh Hà Giang để xin phép đi khảo sát các điểm khai thác vàng và đã được sự đồng ý bằng văn bản của tỉnh, nhưng giấy phép đang nằm ở thị xã Hà Giang (nay là TP Hà Giang). Trên đường đi đến thị xã Hà Giang phải qua điểm khai thác vàng trên sông Lô ở địa phận huyện Bắc Quang, để tiết kiệm thời gian, ông cùng mọi người rẽ vào điểm khai thác đó để tiến hành khảo sát, quay phim chụp ảnh điểm mỏ để kịp thời báo cáo chính quyền tỉnh. Đoàn có mang theo lỉnh kỉnh nào máy ảnh, máy quay phim và các thiết bị đo đạc hiện trường. Khi thuê thuyền của dân ra giữa lòng sông Lô để tác nghiệp thì thấy ca nô của công an áp sát thuyền của ông với lời đề nghị của chiến sỹ công an yêu cầu về trụ sở huyện làm việc. Sau khi xuất trình giấy tờ tùy thân, trình bày lý do của đoàn công tác đi khảo sát tình hình khai thác vàng tại địa phương thì được các đồng chí công an thông báo rằng: hiện tại khu vực này đang có tình trạng khai thác vàng trái phép rất lộn xộn, nên khi đi vào khu vực này cần có sự cho phép của chính quyền tỉnh và cử lực lượng công an đi tháp tùng, bảo vệ đoàn. Sau khi nghe đoàn ông giải thích và có xác nhận bằng điện thoại của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, nên các đồng chí công an mới cho đi với lời cảnh báo về an toàn trong các khu khai thác vàng hiện nay. 

Một kỉ niệm khó quên đất bạn Lào mà ông và các đồng nghiệp vẫn nhớ như in, đó là khi tiến hành khảo sát khu vực huyện Đakchung, huyện miền núi phía đông của Lào giáp tỉnh Quảng Nam của Việt Nam. Nhìn trên bản đồ địa hình thấy quãng đường cũng chỉ hơn 25km và có vẽ đường ô tô hẳn hoi. Vì chủ quan, nên ông cũng như đồng nghiệp không hỏi kỹ, chỉ thuê xe tải 2 cầu do bộ đội Lào lái để đi khảo sát. Thời gian này đang là mùa mưa ở Lào, nên xe chạy khoảng 10km, thì gặp dòng suối trông có vẻ không sâu lắm, chú lái xe đã cẩn thận xuống dò đường trước và nhìn thấy mấy cháu người địa phương vẫn lội qua suối bình thường, nước cũng chỉ ngang ống chân các cháu. Ai dè, khi xe lội qua thì gặp ngay ngầm sâu, nên xe bị mắc kẹt vào tảng đá chắn dưới dòng suối không thể nào đi được nữa, mặc dù chú lái xe đã lội xuống suối và nhờ người đẩy giúp, nhưng chiếc xe vẫn nằm im tại chỗ, trong khi nước đã ngập đến Cabin vào đến buồng lái, mặc dù đã thuê xe tải loại xe Gat 63 do Nga sản xuất. Loay hoay mất hơn nửa ngày trời, sau đành phải cho người đi nhờ dân địa phương (khoảng 30 người cả người lớn và trẻ con) ở Bản cách xa gần chục km lội xuống mới đẩy và kéo chiếc xe lên được. Rốt cục do xe mắc kẹt ngầm, nên cả đoàn phải ăn mì tôm mang theo nấu với nước suối đục ngầu để qua bữa và phải thức trắng đêm hôm đó để canh chiếc xe chết máy nằm ỳ bên dòng suối. Sau đó, chú lái xe phải thông tin về đơn vị cử xe khác đến kéo chiếc xe gặp nạn về xưởng sửa chữa mất hết gần chục triệu tiền Lào. Sau mấy ngày nằm ở thị xã Sekong, do yêu cầu của công việc, đoàn công tác phải vòng về Việt Nam, qua cửa khẩu Đak TaOoc (Quảng Nam) đi xuyên rừng khoảng 5 km đến địa điểm khảo sát. Đến nay, qua nhiều năm xây dựng, nhà máy thủy điện Xekaman 3 nằm ở huyện Đakchung, tỉnh Sekong, CHDCND Lào đã khánh thành, hòa lưới điện quốc gia, cung cấp điện cho cả Việt Nam và Lào, góp phần tô đẹp thêm cho tình hữu nghị Việt – Lào thêm bền chặt.

PGS.TS Nguyễn Xuân Tặng cùng đồng nghiệp khảo sát,
điều tra môi trường xã hội tại Lào
 

Nhằm ghi nhận công lao và sự đóng góp của PGS.TS Nguyễn Xuân Tặng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo, năm 2006, ông đã vinh dự nhận học hàm Phó Giáo sư và năm 2009 được nhà nước công nhận là Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Với ông đây được xem là phần thưởng cao quý và niềm vinh dự lớn lao mà ông đạt được, đồng thời cũng là trách nhiệm của ông trước nền khoa học của nước nhà. Tất cả những phần thưởng ấy càng có ý nghĩa hơn khi ông là người duy nhất (cho đến thời điểm hiện nay) đạt được học hàm, học vị cao nhất, làm rạng danh cho Dòng họ Nguyễn Xuân ở xã Thanh Ngọc.  

Trong cuộc sống, mỗi người có một cách nhìn khác nhau về giá trị cuộc sống, giá trị làm người, đặc biệt đối với nhà khoa học ưu tú, thì làm sao để luôn sáng tâm, sáng trí trên con đường học tập, nghiên cứu chính là nguyện vọng cao quý nhất. Không những thế, từ khi bắt đầu, ý nghĩ và sự quyết tâm ấy của PGS.TS Nguyễn Xuân Tặng vẫn không hề thay đổi. Điều đó càng khẳng định hơn cho bản lĩnh khoa học của ông đối với đời, với nghề.

Nguồn: Tấm gương người làm khoa học. Tập 15.
H – Hồng Đức, 2017. Trang 387 – 404.