Tôi vô cùng đau xót vì bận họp ở nước ngoài nên không kịp về tiễn đưa Thầy tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Trong số các thầy giáo dạy ngành Sinh học đối với chúng tôi cách đây không lâu chỉ còn lại Thầy Lê Quang Long – người Thầy mà tất cả chúng tôi đều vô cùng kính mến. Vậy mà người Thầy cuối cùng của chúng tôi ở bậc Đại học nay đã thành người thiên cổ. Vô cùng thương tiếc Thầy, tôi muốn kể lại để các bạn trẻ hiểu thêm về người Thầy vô cùng kính yêu của chúng tôi. Chúng tôi thường được nghe kể về những ngày gian khổ kéo dài chỉ vì một nhẽ là có thời chúng ta quá quan tâm đến lý lịch xuất thân của mỗi người.
Giáo sư Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Lê Quang Long
(thứ hai từ trái sang). (Ảnh do tác giả cung cấp)
Thầy kể: “Gia đình tôi thuộc diện “phức tạp”, có nhiều liên quan đến chế độ phong kiến. Mẹ tôi là công chúa thứ 9 của vua Thành Thái; là chị ruột của vua Duy Tân; chị họ vua Bảo Đại. Sau khi ông ngoại Thành Thái và cậu Duy Tân âm mưu chống Pháp bại lộ, bị đày ra đảo Réunion (châu Phi), mẹ tôi thoát khỏi cung cấm, ra ngoài và gặp cha tôi. Cha tôi đã từng làm tuần vũ Ninh Thuận, bố chánh Bình Định, đại diện Nam Triều canh toàn quyền Đông Dương Decoux, Thủ hiến 16 tỉnh Trung bộ…”. Bảy anh em ruột của Thầy đều có chức quyền cao trong chế độ cũ, có quan hệ xã hội mật thiết với thực dân Pháp. Riêng Thầy lại thấy bức bối và đau khổ trước cảnh lầm than của đồng bào và mang nỗi nhục của người dân mất nước. Khi còn là sinh viên trường Đại học Y Hà Nội, Thầy hiểu rõ hoàn cảnh đất nước qua từng trang báo, qua chuyện gia đình. Và qua “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc, Thầy càng hiểu sâu sắc hơn và ý thức được những việc một người thanh niên yêu nước cần làm.
Lặng lẽ rời bỏ gia đình, Thầy đã tìm con đường đi cho riêng mình: Đến với cách mạng! Khi Nhật đảo chính Pháp, trường Y đóng cửa, Thầy trở về Huế và gia nhập trường Thanh niên tiền tuyến. Tham gia biểu tình chống chính quyền ở Huế và thực dân Pháp, rồi Thầy trở thành một trong những người lập chiến công đầu tiên trong việc bắt sống phái đoàn của tướng Đờ Gôn đến Huế… Sau khi tham gia giải phóng Huế, Thầy cùng bốn người bạn khác được phái sang Lào, làm cố vấn quân sự cho Hoàng thân Xuphanuvông.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Thầy được cử đi học một lớp đào tạo giáo viên văn cấp tốc do các thầy Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Trần Đình Đàn dạy và được tuyển chọn vào dạy ở trường Quốc học Huế. Thầy vinh dự đứng trong đội ngũ các giáo viên phổ thông đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới giành độc lập. Sự nghiệp dạy học cũng gắn với cuộc đời Thầy từ đấy. Theo lời kể của bác Ngọc Phúc và giáo sư Nguyễn Khắc Phi thì vào năm học 1950-1951, khi Pháp đánh vào Huế – Thầy đã cùng bà ngoại (vợ vua Thành Thái), một người em trai và ba em gái sơ tán ra Hà Tĩnh. Ít lâu sau, Thầy được bố trí dạy ở trường Trung học Trần Phú, một trong hai trường trung học đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh đóng ở thị trấn Đức Thọ.
Năm học 1947-1948, trường Phan Đình Phùng sơ tán về xã Đại Thành, huyện Cẩm Xuyên, sau lại chuyển về Đức Thọ nhập với trường Trần Phú nhưng vẫn giữ tên cũ vì Phan Đình Phùng là trường cấp tỉnh. Như vậy, Thầy trở thành giáo viên trường Phan Đình Phùng. Do lí lịch gia đình Thầy đã bị điều chuyển nhiều lần.
Thầy Lê Quang Long ra đi để lại niềm tiếc thương trong nhiều
thế hệ học trò. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Thầy đã về dạy trường Trung học Chuyên khoa ở Chợ Bộng (Đức Thọ) rồi lại được chuyển sang trường Trung học Nguyễn Công Trứ đang sơ tán ở Tân Hợp (Nam Đàn); sau đó lại được điều chuyển lên dạy trường Trung học Hương Khê. Bấy giờ lương giáo viên trung học chỉ được 38 cân gạo, vậy mà Thầy còn phải cáng đáng lo toan cho cả mấy anh em trong gia đình. Thầy được học sinh mến phục không chỉ về kiến thức khoa học uyên bác mà còn bởi các biệt tài như minh họa một lúc bằng hai tay hoặc ngoặt tay ra phía sau vẽ hình minh hoạ trong khi vẫn ngoảnh mặt về phía học sinh giảng như bình thường. Thầy còn chêm vào bài giảng những câu ca dao, tục ngữ, thậm chí cả Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm để khắc hoạ thêm cho những kiến thức về Sinh học.
Năm 1951, Thầy được cử sang Khu học xá Nam Ninh cùng với thầy Võ Quý. Khi đó tôi mới chỉ là học sinh lớp 7 cùng với các bạn như Hồ Ngọc Đại, Tương Lai, Kiều Thu Hoạch… và luôn coi lớp Sư phạm cao cấp và lớp Khoa học cơ bản như đàn anh của cả Khu học xá Trung ương.
Hòa bình lập lại chúng tôi trở thành sinh viên không phải thi vào của trường Đại học Sư phạm khoa học Hà Nội và sống tập thể tại Việt Nam học xá, tức là khu Đại học Bách khoa bây giờ. Khi đó cả khu ấy chỉ có bốn ngôi nhà xoay quanh một sân bóng đá, còn chung quanh chỉ là mênh mông đồng ruộng. Chúng tôi đi bộ mỗi ngày bốn lần lên và về mãi tận Lê Thánh Tông. Và đó cũng là thời kỳ bắt đầu được tiếp thu sự giảng dạy về giải phẫu, sinh lý học người của Thầy Lê Quang Long.
Thầy như một người anh lớn thân thiết và gần gũi với lớp sinh viên đầu tiên sau ngày hòa bình lập lại.
Thầy thông thạo tiếng Nga vì trước đây khi còn là sinh viên ở Khu học xá Thầy đã dịch sang tiếng Việt một cuốn sách rất hay của Nga, đó là cuốn Vichia Maleev ở nhà và ở trường của Liên Xô. Chính vì vậy mà Thầy đã dùng sách giáo khoa của Nga để truyền thụ kiến thức cho chúng tôi. Các thực nghiệm trên động vật để hiểu về sinh lý tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa đã được thực hiện ngay từ hồi ấy. Bây giờ tuy tôi là người bé nhất lớp nhưng cũng đã 79 tuổi và nhiều bạn chúng tôi đã trở thành người thiên cổ. Nhưng chúng tôi rất vui mừng khi thấy Thầy Long của chúng tôi cách đây không lâu vẫn còn rất minh mẫn.
Một câu chuyện mãi mãi là tấm gương cho chúng tôi về việc vượt mọi khó khăn để kiên nhẫn vươn lên những đỉnh cao của khoa học đó là chuyện (nếu tôi không nhầm) Thầy Long là người đầu tiên bảo vệ học vị Phó tiến sĩ trong nước.
Theo Giáo sư Nguyễn Khắc Phi thì câu chuyện ấy như sau: “Vì lí lịch gia đình anh quá “phức tạp” nên một vài người có trách nhiệm trong khoa đã công khai bày tỏ ý kiến không đồng ý để cho anh bảo vệ. May thay, Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm đã kiên quyết bảo vệ anh, Giáo sư Tạ Quang Bửu cũng nhiệt tình ủng hộ anh”. Thầy Long kể lại: “Tôi lên gặp anh Bửu để xin được chỉ dẫn, anh cười hỏi: Thèm mác Phó Nghè à? Tôi thanh minh: Đâu có anh! Chỉ là thi lấy “giấy thông hành” để được quyền dạy Đại học và nghiên cứu hợp pháp thôi. Bạch vệ như tôi, lại thiếu lá bùa này, bấp bênh lắm, anh ạ! Anh Bửu lại hỏi: Đủ sức làm không? Tôi đáp: Đủ, nếu chỉ phải vật lộn với luận án, không phải chống chọi thêm với người! Anh Bửu trầm ngâm một phút rồi nói: Toàn là người giỏi, có hoài bão và có dũng khí, khi chọn Long chắc đã cân nhắc kĩ. Anh lại nhìn tôi và nheo mắt cười, nhại giọng Huế: Vậy thì mệ cứ làm, hè!”. Đến khâu bảo vệ cũng chẳng thuận buồm xuôi gió vì đã dấy lên đâu đó một xu thế phản bác luận án của Thầy. Kết quả là thư ký hội đồng chấm luận án đã tập hợp được 200 thiếu sót của bản Luận án từ những người phản biện và các bản góp ý trong khi có 13 trả lời của các nhà khoa học và cơ quan khoa học của Liên Xô về bản Tóm tắt luận án thì tất cả đều tán thành luận án của anh là Tốt, trong đó có 5 nhận xét là Rất tốt, hoặc “vượt quá mức luận án Phó tiến sĩ ở Liên Xô”.
Trong buổi bảo vệ, với một thái độ khách quan và bản lĩnh của một nhà khoa học, Thầy Long đã thừa nhận một số hạn chế của luận án, đồng thời cũng thẳng thắn trao đổi lại một cách thuyết phục với những nhận xét mà Thầy cho là không chính xác. Chẳng hạn, với nhận xét của Giáo sư phản biện I cho rằng: “Số liệu trong luận án là thiếu trung thực vì đã có một sự trật khớp giữa nhiệt độ thấp mà cá rô phi đã phải chịu đựng trong các đợt gió mùa qua mấy mùa đông liền tôi nghiên cứu ở Hà Nội với nhiệt độ Đài Khí tượng Láng đã thực tế ghi được ở các thời điểm tương ứng”, Thầy đã bình tĩnh trả lời:
“Kính thưa hội đồng!… Các nhiệt độ của Đài Láng được ghi ở đâu? Ở trong không khí, cao hơn mặt đất một mét.
Còn tôi thì nghiên cứu cá, nên dĩ nhiên ghi nhiệt độ của nước, thấp hơn mặt ao một mét…
Khi gió mùa tràn về, nhiệt độ không khí thường lạnh xuống trước còn nhiệt độ nước thì mãi 5-10 giờ sau mới lạnh theo. Còn khi đợt gió mùa chấm dứt, thì nhiệt độ không khí ấm lên trước, một thời gian dài sau nhiệt độ nước mới ấm theo…”.
Sau khi Thầy phát biểu, hội trường im lặng trong một phút rồi bỗng oà lên những tiếng cười vui sảng khoái và lác đác tiếng vỗ tay.
Giáo sư Thái Văn Trừng quay sang người bên cạnh và nói to: “Khá lắm! Thế mới gọi là bảo vệ luận án chứ!”
Về thành tích nghiên cứu khoa học, hoạt động kĩ thuật của thầy Long trước và sau khi bảo vệ luận án, quả là quá đa dạng và phong phú.
Thầy đã viết ngót 100 đầu sách, chỉ riêng trong những năm về hưu gần đây, đã viết trên 50 đầu sách, trong đó có các giáo trình đại học và chuyên đề sau đại học, nhiều sách tham khảo và phổ biến về Sinh học. Về khoa học cơ bản, công trình đáng nói nhất của thầy là cuốn Hóa điện phản xạ và trí nhớ xuất bản năm 1973 và được tái bản năm 2003. Trong lời giới thiệu, Giáo sư Tạ Quang Bửu đã nêu bật ưu điểm của cuốn sách: “Tôi đã đọc từ trang đầu đến trang cuối. Vì sách viết rất rõ ràng và rất hấp dẫn về những vấn đề quan trọng nên tôi đã đọc một mạch và sau khi đọc xong, sách để lại cho tôi một cảm giác thoải mái là đã tiếp thu được rất nhiều mà không phải lao động nhiều lắm”.
Với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Thầy là một trong những tác giả viết nhiều sách nhất, trong đó có những cuốn được tái bản nhiều lần, có cuốn được giải sách hay, sách đẹp, là tác giả cộng tác với nhiều bộ phận nhất, từ ban Sinh, ban Tiểu học, Công ty cổ phần Sách dân tộc đến Công ty cổ phần Sách dịch và Từ điển giáo dục… Thầy là một trong những nhà khoa học đã nêu gương trong việc áp dụng những kết quả nghiên cứu khoa học vào cuộc sống, như góp phần nâng cao sản lượng cá rô phi, thụ tinh nhân tạo cho lợn, đặc biệt còn tham gia ba đề tài nghiên cứu “tuyệt mật” của Bộ Quốc phòng. Ít có ai biết đến tám ngoại ngữ như Thầy vì vậy Thầy đã dịch khá nhiều sách từ ngoại ngữ sang tiếng Việt và ngược lại. Thầy còn đi dạy học ở châu Phi và tham dự nhiều hội nghị khoa học quốc tế.
Thầy là người luôn gắn bó với quê hương, đất nước. Thầy yên tâm ở lại Việt Nam trong khi cả gia đình Thầy hầu hết đều cư trú tại Mỹ.
Thầy kể lại như sau: “Có lần sang thăm nước Mỹ, một số anh em hỏi tôi:
– Mệ theo cách mạng suốt đời, mệ được cái gì?
Tôi trả lời:
– Theo cách mạng tôi được cái danh là “Nhà giáo yêu nước”.
– Vậy mệ qua đây với bà con, anh em – Mệ không thiếu đô la, nhà cao cửa rộng mô!
Tôi mỉm cười và không trả lời:
– Giữa cái được và cái mất, tôi đã được nhiều hơn mất. Tôi đã được cả giang sơn, dân tộc, độc lập, thống nhất.”
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận hứa gì với Chủ tịch nước
Đúng 85 tuổi, Thầy bị cấp cứu. Thật có duyên khi tôi góp phần nhỏ vào việc cứu thầy. Khi đó Thầy ở một mình vì con gái thầy đi công tác nước ngoài. May mà thầy gọi được một sinh viên đến nhà và cô này đã đưa Thầy đến bệnh viện. Cô gọi điện thoại cho tôi và tôi đi taxi đến ngay. Thật không may khi bệnh viện chẩn đoán sai nên bắt Thầy phải hút hết mọi thứ trong dạ dày ra trong khi lăn lộn vì đau đớn. Tôi nghi thầy bị viêm ruột thừa nên đã kịp thời can thiệp để thầy được mổ trước khi vỡ ruột thừa. Tôi rất mừng vì sự can thiệp rất kịp thời này. Sau này tôi mới được Giáo sư Nguyễn Khắc Phi cho biết, thì ra lúc mổ dạ dày ở Campuchia, khi sắp lại phủ tạng sau phẫu thuật, các bác sĩ đã đặt nhầm chỗ ruột thừa, từ bên phải chuyển sang bên trái nên gây khó khăn cho việc chẩn đoán!
Khi Thầy bước sang tuổi 90 Thầy vẫn khỏe mạnh và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và khoa học. Điều tất cả chúng tôi trăn trở nhất đó là một nhà giáo tận tụy với nghề, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp khoa học kỹ thuật của nước nhà như thế, vậy mà cho đến cách đây không lâu Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quang Long vẫn chưa nhận được một danh hiệu nào, dù chỉ là danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Khi chúng tôi thắc mắc với Thầy về điều ấy, Thầy chỉ cười và nói: “Đi theo cách mạng, tôi được cả giang sơn, độc lập và thống nhất”. Chúng tôi những học trò của Thầy đã được phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và hai bạn nguyên là Thứ trưởng Bộ Giáo dục đã viết đơn chính thức đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị lên Chủ tịch nước đặc cách phong cho Thầy danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Thật là may, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo đã quyết định đề nghị lên Chủ tịch Nước phong một cách xứng đáng danh hiệu vẻ vang Nhà giáo Nhân dân cho Thầy. Thầy tỏ ra vô cùng mãn nguyện khi thấy công sức và tâm huyết của mình đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá đúng mức. Tất cả các thế hệ học trò của Thầy đều đánh giá Thầy đã sống rất xứng đáng với nhân dân, với đất nước và là người Thầy trực tiếp hoặc gián tiếp của tất cả các thày cô giáo và các nhà nghiên cứu Sinh học trong cả nước.
Chúng tôi rất cảm động khi thấy cách đây không lâu Thầy đã vui lòng tặng lại cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam rất nhiều tư liệu và hiện vật quý giá của Thầy. Những kỷ vật vô giá ấy sẽ tiếp tục còn sống mãi với thời gian.
Giờ đây, chúng tôi chỉ còn biết ước mong vong linh Thầy an nghỉ chốn vĩnh hằng!
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
Nguồn: giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thay-long-cua-chung-toi-post178071.gd