Bước ngoặt thay đổi cuộc đời (Kỳ II: Hành trình trở về *)

Cuộc trở về bí mật

Năm 1953, Đảng chủ trương tăng cường việc đào tạo nhân lực cho thời kỳ xây dựng đất nước. Vì vậy một só con em các gia đình tiêu biểu có đóng góp cho cách mạng Việt Nam định cư ở nhiều địa phương trên đất Thái Lan được Tổng hội Việt kiều Cứu quốc chọn lựa và tổ chức đưa về vùng tự do trong nước học tập. Nguyễn Đắc Lộc nằm trong số học sinh này.

Cuộc trở về này được tiến hành bí mật từ việc lựa chọn người và tổ chứa rời Thái lan. Vào dịp đó, có trên 50 thiếu niên được tổ chức thành nhiều đoàn nhỏ, được các anh bộ đội Việt Nam dẫn đường và chăm sóc suốt quãng đường đi từ khi vượt sông Mekong, đi bộ qua đất Lào, vượt dãy trường về vùng tự do trong nước và tập trung tại Khu Giáo dục Liên khu 4 tại Thanh Chương, Nghệ An.

Ra đi, Nguyễn Đắc Lộc phại ngầm chia tay mẹ. Bà không muốn phải xa cả hai đứa con trai của mình vì anh trai tôi đã trốn bà gia nhập quân tình nguyện tại mặt trận Lào từ năm 1950 và đã từng bị thương và bị địch bắt. Hơn nữa tôi là đứa trẻ mắc chứng mộng du, đã nhiều lần làm bà hoảng sợ nên bà không muốn tôi đến những nơi xa lạ, nguy hiểm. Chia tay mẹ, tôi buồn lắm vì không dám hé lộ việc tôi phải xa bà mà không biết bao giờ mới được gặp lại [1]. Tối 7-11-1953, Nguyễn Đắc Lộc cùng đoàn gồm 10 học sinh Việt kiều rời Thái Lan bắt đầu cuộc hành trình đi bộ về nước dưới sự dẫn đường và chăm sóc của hai anh bộ đội Việt Nam. Nguyễn Đắc Lộc đi trong nhóm học sinh đầu tiên theo tuyến phía Nam từ một làng của thị xã Nakhon Phanom, qua sông Mekong rồi vào đất Lào. Đêm đầu tiên Đoàn đã không vượt qua hơn 15 km đầu tiên trong vùng địch tạm chiếm như dự kiến nên phải nghỉ lại trong một khu rừng thưa dưới cái nắng chang chang mà không có được một ngụm nước, ăn phải dè sẻn và đối diện với mối nguy hiểm có thể bị địch phát hiện. Chờ đêm xuống, Đoàn tiếp tục lên đường. Đang qua một cánh đồng lúa Đoàn bất ngờ gặp một tốp lính địch tuần tra từ phía trước đang tiến thẳng về phía chúng tôi. Tôi vẫn nhớ bọn chúng có năm người, vai đeo súng trường vừa đi vừa ngêu ngao hát, hình như chúng vừa ra khỏi một đám nhậu. Theo lệnh các anh bộ đội dẫn đường chúng tôi nằm rạp vào ruộng lúa. Các anh nhắc nhỏ chúng tôi, nếu các anh nổ súng, chúng tôi phải chạy tản nhanh về phía rừng rậm và khi im ắng sẽ tập hợp lại ở bìa rừng trước mặt. Thời gian tưởng như dừng trôi, nhưng bất ngờ toán lính đó theo một bờ ruộng rẽ sang một hướng khác và chúng tôi an toàn để tiếp tục cuộc hành trình [2].

Những ngày tiếp theo Đoàn đi vào ban ngày trong vùng giải phóng, nơi chính quyền cách mạng Lào quản lý và là địa bàn hoạt động của Phân khu 6 quân tình nguyện Việt Nam thuộc Tà Sẻng Na Phào. Đoạn đường đầu tiên qua vùng đồng bằng và trung du có người dân ở, Đoàn được người dân cung cấp bữa ăn qua các anh bộ đội dẫn đường. Để chuyển sang đoạn đường rừng núi, đèo dốc, dân cư thưa thớt, Đoàn nghỉ lại vài ngày tại một trạm giao liên thuộc bản Keng Mùm (thuộc Lào) để dưỡng sức và chuẩn bị thức ăn mang theo cho những ngày sắp tới. Bản Keng Mùm là nơi cách khá xa biên giới với Thái lan và vùng địch nên các thành viên trong đoàn được chia vào ở trong nhà dân. Ở đây, Đoàn có thể sẽ tiếp xúc với người dân địa phương vì vậy các anh bộ đội căn dặn các thành viên của đoàn phải thực hiện kỷ luật dân vận như: Cần có thái độ tôn trọng, gần gũi, yêu mến nhân dân; Kính già, yêu trẻ; Đi dân nhớ, ở dân thương; Không được xâm phạm đến cái kim, sợi chỉ của nhân dân; Mượn gì phải được sự đồng ý, làm hỏng, làm mất phải đền… Ngoài ra, để bảo đảm giữ bí mật cho tuyến đường dây liên lạc do quân đội xác lập, Đoàn phải luôn nhớ thực hiện ba không: Không biết, không nghe, không thấy. Có những lời dặn mà chúng tôi hay vi phạm, đó là cấm chúng tôi nói tiếng Lào, tiếng Thái khi gặp người dân địa phương, vì chúng tôi được giới thiệu là con em các cán bộ, chiến sĩ Việt Nam từ bên nước mình sang thăm, để tránh làm lộ đường dây liên lạc giữa Thái Lan và Việt Nam qua đây [3]. Phó giáo sư Nguyễn Đắc Lộc nhớ lại: Ngay tối đầu tiên tôi được cùng ăn cơm tại một nhà dân, chủ nhà đó đãi khách bằng món canh măng nấu với thịt hiếm hoi. Ngay miếng thịt đầu tiên tôi đã phải hết sức kìm giữ, ngậm chặt miệng để không bị nôn ra trước mặt mọi người. Từ miếng thịt xông ra một mùi hôi, phải nói là rất thối và tôi có cảm giác có một luồng hơi thối đang phun qua mũi tôi ra ngoài. Tôi đã kịp trấn tĩnh, từ từ nuốt miếng thịt và bình thản tiếp tục ăn xôi với muối. Qua câu chuyện trong bữa ăn tôi được biết, chiều hôm đó gia đình được chia một phần thịt trâu đã bị hổ ăn thừa vứt lại trong rừng lâu ngày mà người dân phát hiện được … Thực hiện được tinh thần “cùng ăn” đó, tôi đã không làm mất lòng nhừng người chủ nhà tốt bụng [4].

Trong cuộc hành trình những ngày tiếp theo, ngoài chiếc ba lô quần áo các thành viên còn phải đeo theo một ruột tượng gạo khoảng 5 kg và một ống tre đựng thịt lợn băm rang muối. Hai anh bộ đội phải đeo thêm dụng cụ nấu ăn. Trên đường đi Đoàn lo bữa ăn gồm cơm nếp tự nấu với thịt băm, thỉnh thoảng có chút canh rau rừng và tối đến chia nhau ngủ dưới tán cây. Chuyến đi vất vả nên hai bạn trong Đoàn bị ốm phải ở lại Keng Mùm chờ nhập vào đoàn sau. Lúc này Đoàn còn 8 thành viên.

Cuộc hành trình càng khó khăn hơn khi Đoàn phải đi qua đoạn đường phần lớn là rừng rậm, dốc đá, suối nhỏ và thường bị vắt cắn. “Tôi thường xung phong đi đầu Đoàn và đi thật nhanh rồi chạy xuống một con suối nhỏ ngang đường để nghỉ và chờ mọi người. Mẹo này giúp tôi ít bị vắt cắn hơn những người đi sau vì khi có hơi người vắt ở hai bên đường sẽ kéo ra nhiều hơn [5]. Để chuẩn bị cho hai ngày vượt đỉnh Trường Sơn mà luôn phải đi dười trời mưa phùn nặng hạt, Đoàn dừng chân ở binh trạm cuối cùng trên đất Lào tại một bản của người dân tộc ở lưng chừng núi để gói bánh chưng mang theo. Đoàn ngủ qua đêm dưới một vòm đá khô ráo trên đỉnh núi, và “Đường xuống núi của ngày hôm sau gian nan không kém. Gần đỉnh núi, trời vẫn lất phất mưa. Nhiều đoạn đường bùn đất trơn như đổ mỡ. Nếu bên đường có cây cối, chúng tôi còn có chỗ bám để vượt qua, nếu không thì chỉ còn biết ngã. Tôi cũng nhiều lần bị ngã và trượt dài theo dốc mãi mới gượng dậy được. Cũng may trong chúng tôi không ai bị xây xát. Đến gần chiều trời khô ráo. Chúng tôi lần theo những bậc đá tự nhiên tiếp tục tụt dốc, có lúc phải đi giật lùi để giữ thăng bằng. Đến gần chân núi, cây cối chỉ cao lúp xúp và trước mắt chúng tôi, miền đất vùng tự do Quảng Bình đã hiện ra với một vùng trung du rộng lớn xa hút rực rỡ dưới ánh nắng chiều, nhiều làng quê và những ruộng lúa ngô yên bình nằm xen kẽ[6].

Những ngày học tập trên đất mẹ

Lần đầu Nguyễn Đắc Lộc được tận mắt nhìn tận mắt đất nước Việt Nam nhưng cũng là lúc cậu được chứng kiến cảnh máy bay địch bắn phá một làng cách chỗ đứng của Đoàn khoảng 10 km. Sau đó Đoàn xuống dưới chân núi và tiếp tục hành trình qua địa phận Quảng Bình, đến Hà Tĩnh rồi Nghệ An. Trên vùng đất mẹ, các thành viên trong đoàn được tiếp xúc thường xuyên với người dân, được ăn ngủ nhờ trong nhà dân. Giữa tháng 11-1953, Đoàn của Nguyễn Đắc Lộc đến Trạm đón tiếp của Khu Giáo dục tại Thanh Chương, Nghệ An, sau đó được Liên khu uỷ Liên khu IV giao cho Trường Sư phạm Liên khu IV lúc đó đang sơ tán tại xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, nhập cùng các đoàn học sinh Việt kiều đi theo các đoàn khác nhau và từ đó được nhà trường trực tiếp chăm sóc và dạy dỗ. Trường Sư phạm Liên khu IV là một trong những trường Sư phạm đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy chỉ tồn tại trên 7 năm (1951-1957) nhưng Trường đã có những cống hiến to lớn cho ngành giáo dục Việt Nam. Từ mái trường này hàng nghìn giáo viên được đào tạo có phẩm chất, năng lực tốt đã toả đi khắp mọi miền của đất nước, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hình thành đội ngũ giáo viên của nước Việt Nam sau ngày hòa bình lập lại như GS.NGND Vũ Tuấn[7], Giáo sư Hoàng Trọng Yêm[8].

Tính đến cuối tháng 1-1954 đã có 52 học sinh Việt kiều, tuổi từ 10 đến 18, được các đơn vị bộ đội tình nguyện đưa từ Thái Lan qua đất Lào theo đường bộ về tập trung tại vùng tự do Nghệ An. Tại đây, các học sinh được nhà trường tổ chức thành một phân đoàn học sinh và theo đề xuất của thầy Lê Khánh Bằng – giáo viên chủ nhiệm đầu tiên đặt tên cho tập thể này là Kiều sinh (học sinh con em kiều bào) – Phân đoàn Kiều sinh bắt đầu hình thành từ đây. Đến năm 1956 Phân đoàn Kiều sinh có tổng số 59 bạn. Sau khi kiểm tra trình độ, Nguyễn Đắc Lộc được xếp vào học chương trình lớp 5 hệ 9 năm. Đầu tiên cậu học ở địa điểm tại xã Cát Văn, Thanh Chương, Nghệ An, sau đó tháng 7-1954 cậu cùng Phân đoàn Kiều sinh chuyển đến Nam Đồng và sau 2 tuần tiếp tục chuyển đến Nam Lâm, Nam Đàn, Nghệ An. Học sinh của phân đoàn được chia theo tổ “Tam tam” và bố trí học trong các đền, nhà thờ họ hoặc một chái nhà dựng tạm. Bảng học là một tấm cửa được “sơn” bằng lá khoai lang và bồ hóng. Mỗi ngày học sinh đều phải “sơn” như vậy [9]. Giáo viên và học sinh được chia nhóm vào ở nhờ trong nhà dân nhưng Phân đoàn cùng ăn ở nhà ăn tập thể mà thời đó gọi là “Phạn xá”.

Thành viên trong Phân đoàn được hưởng chế độ phụ cấp 21kg gạo/tháng. Thời kỳ ở đây, một chuyện mà chúng tôi chưa từng gặp và tình cờ được phát hiện là mặc dù luôn giữ vệ sinh thân thể, quần áo nhưng chúng tôi đều đang phải nuôi rận. Quần áo được luộc trong nước sôi nhưng chỉ thời gian ngắn sau lại có rận. Sau này, khi chúng tôi đã có xà phòng để tắm giặt, nạn rận mới hết [10]. Để giữ bí mật chỗ ở tránh bị oanh tạc, học sinh thường phải di chuyển chỗ ở và cứ mỗi lần đến địa điểm mới, mỗi người lại phải tự đào một hầm trú ẩn cá nhân. Ngoài ra học sinh đã được tham gia nhiều sự kiện như các đợt phát động giảm tô và cải cách ruộng đất, mít tinh kỷ niệm một năm ngày mất của Đại nguyên soái Stalin, xem nhiều bộ phim hùng tráng về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô… Với chúng tôi, thời kỳ ngắn ngủi sống ở Cát Văn là một bước chuyển biến quan trọng trong cuộc đời, đã trở thành kỷ niệm không thể nào phai mờ. Với tuổi đời từ 10 đến 18, được sinh ra và lớn lên nơi đất khách quê người, lần đầu tiên phải rời xa cha mẹ, gia đình, các bạn không khỏi xa lạ trước cuộc sống với nếp sinh hoạt mới. Nhưng được sống trong tình thương yêu của nhân dân Cát Văn, sự dạy dỗ của các thầy, cô giáo, sự giúp đỡ của các anh chị giáo sinh trong lòng đất nước, chúng tôi đã trưởng thành nhanh chóng [11].

Tháng 7-1954, Phân đoàn Kiều sinh chuyển đến xã Nam Lâm, huyện Nam Đàn và học trong một ngôi trường của xã. Vào hè năm đó, mưa bão kéo dài, nước sông Lam lên cao, có nguy cơ vỡ đê. Với tư cách là Phân đoàn trưởng, Nguyễn Đắc Lộc thường xuyên phải trực và tham gia kiểm tra đê, đặc biệt khi trời mưa vì vậy sức khỏe bị ảnh hưởng. Phải trải qua những ngày tháng vượt đường dài về Việt Nam cùng với những ngày ốm do trực đê, Nguyễn Đắc Lộc bị sốt rét, phải điều nhiều lần đi trị ở Bệnh viện của Liên khu IV. Ngày 24-10-1954, Nguyễn Đắc Lộc cùng 8 học sinh Việt Kiều được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc và Đắc Lộc được bầu làm Phân đoàn trưởng Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành của Nguyễn Đắc Lộc sau gần một năm trong nền giáo dục mới trong lòng Tổ quốc.

Đầu năm 1955, Phân đoàn được chuyển về Vinh. Tại đây họ được sống trong Trường Sư phạm Liên khu IV được xây dựng tại thị xã Vinh. Trường gồm các lớp học, ký túc xá và nhà ăn tập thể. Tất cả đều là nhà cấp 4 lợp lá. Nhà không có vách ngăn, hai gian giữa được bố trí bàn và các băng ghế bằng tre làm nơi sinh hoạt chung. Hai bên đầu nhà lắp hai hàng sạp nứa sát vách làm giường tập thể. Học sinh nữ được bố trí cạnh nhau tập trung về một góc riêng. Rệp cứ gọi là nhung nhúc, chúng luôn có đủ chỗ để ẩn nấp trong các khe, những ngóc ngách của sạp nứa mà chúng tôi thường bó tay. Có lần vào mùa hè chúng tôi đem những tấm sạp ra phơi nắng giữa sân cát. Lũ rệp bị nóng đã kéo nhau chui xuống mặt cát để tránh. Chờ có thế, chúng tôi chỉ việc khiêng tấm sạp ra chỗ khác là lũ rệp bị ánh nắng thiêu chết đen cả một khoảng sân. Thật khủng khiếp! [12]. Từ sau ngày hòa bình lập lại Phân đoàn Kiều sinh được hưởng đãi ngộ theo tiêu chuẩn học sinh Miền Nam, bao gồm cả quần áo, chăn màn, áo ấm.

Sau khi học xong chương trình lớp 6, đầu tháng 7-1956, Nguyễn Đắc Lộc cùng các bạn trong Phân đoàn được chuyển ra học tại Trường Bổ túc văn hóa Công nông Trung ương. Và như vậy Phân đoàn Kiều sinh chính thức không còn tồn tại. Tại đây Nguyễn Đắc Lộc và các bạn đã hoàn thành chương trình lớp 6 được bố trí học gấp rút trong một năm nhằm hoàn thành nốt chương trình phổ thông để kịp thi vào các trường đại học năm 1957, trong đó tháng đầu dành cho học chương trình lớp 7, sau đó là thời gian học chương trình cấp 3 (hệ 9 năm). Đối với Nguyễn Đắc Lộc, từ đây thời gian chỉ dành cho việc học tập.

 

 (Ảnh do PGS.TS Nguyễn Đắc Lộc cung cấp)

Để đảm bảo kiến thức đủ điều kiện thi vào các trường đại học công nghệ và kỹ thuật, Nguyễn Đắc Lộc được tập trung học 4 môn gồm: toán, lý, hóa và chính trị theo chương trình phổ thông hệ 9 năm và một phần của chương trình hệ 10 năm. Cũng trong thời kỳ học tại Trường Bổ túc văn hóa Công nông Trung ương, Nguyễn Đắc Lộc cùng các bạn học được gặp Bác Hồ hai lần về thăm trường. Vào tháng 8-1957, sau khi thi tốt nghịêp chương trình học ở Trường BTVHCNTW, Nguyễn Đắc Lộc làm các thủ tục cần thiết và đăng ký thi vào Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Sau kỳ thi tuyển, cậu đã trở thành sinh viên, khóa 2 của liên khoa Mỏ – Luyện kim, ĐH Bách khoa Hà Nội.

Thời kỳ đó, mặc dù sinh viên chưa có sách giáo khoa để học mà chủ yếu tham khảo từ tài liệu tiếng Nga, nhưng đối với Nguyễn Đắc Lộc: Tôi chưa bao giờ có cảm giác sợ hãi mỗi khi vào kỳ thi hay kiểm tra. Ngược lại tôi còn thấy hứng thú vì đó là dịp để thể hiện mình. Mặc dù là học sinh tốt nghiệp Bổ túc văn hóa Công nông, tôi đã cố gắng theo kịp các bạn được học chính quy. Có những môn học tôi còn giúp được các bạn khác hiểu bài [13]. Không chỉ tích cực học tập về chuyên môn Nguyễn Đắc Lộc còn tích cực tham gia các phong trào đoàn thể và hoạt động xã hội do trường tổ chức, trong đó phải kể đến việc tham gia lao động xây dựng công trình Đại thủy nông Bắc Hưng Hải vào cuối năm 1958.

Vào cuối năm thứ nhất, Nguyễn Đắc Lộc đi kiến tập ở Nhà máy cơ khí Trung quy mô[14], Đến năm học thứ 2, sinh viên của Khoa Luyện kim gồm 27 học sinh được phân thành hai tổ học theo hai chuyên ngành: Tổ Luyện kim màu với 12 sinh viên và Tổ Tuyển khoáng với 15 sinh viên. Nguyễn Đắc Lộc học chuyên ngành Luyện kim màu. Vào cuối năm thứ 2, sinh viên Tổ Luyện kim màu thực tập tại Mỏ thiếc Tĩnh Túc, Cao Bằng. Đặc biệt, cuối năm học thứ ba, Nguyễn Đắc Lộc cùng các bạn trong lớp thực tập hơn 3 tháng ở Trung Quốc – đây là lớp duy nhất của Trường Đại học Bách khoa được đi thực tập ở nước ngoài. Qua đợt thực tập này, chúng tôi đã học được rất nhiều điều mà không sách vở, bài giảng nào có thể thay thế được. Quan trọng hơn, nó đã mở ra cho chúng tôi một tầm nhìn lạc quan, tăng thêm lòng tin yêu những gì mình đang theo học, tự tin hơn về khả năng sẽ có những đóng góp phần mình vào việc phát triển ngành luyện kim màu Việt Nam [15]

Sinh viên Nguyễn Đắc Lộc (hàng đứng, thứ 3 từ trái) cùng sinh viên Tổ Luyện kim màu sau khi bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp, tháng 8 năm 1961. (Ảnh do PGS.TS Nguyễn Đắc Lộc cung cấp)

Gần 40 năm giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tham gia nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác nhau, PGS.TS Nguyễn Đắc Lộc có những đóng góp nhất định cho khoa học Việt Nam với 8 giáo trình chuyên ngành luyện kim, 15 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước. Ông là chủ nhiệm một số đề tài cấp bộ và nhà nước và từng giữ những chức vụ: Phó chủ nhiệm bộ môn Luyện kim màu, Trưởng phòng nghiên cứu chuyên đề Vật liệu Bán dẫn, ĐH Bách khoa Hà Nội (1961 – 1984); Phó vụ trưởng; Phụ trách Văn phòng và Vụ Khoa học kỹ thuật, Tổng cục Điện tử và Kỹ thuật tin học (1985 – 1988) trực thuộc Hội đồng bộ trưởng; Phó viện trưởng Viện Điện tử và Tin học tự động hóa (1988 – 1998), trực thuộc Bộ Công nghiệp nặng (nay thuộc Bộ Công thương). Nhìn lại cuộc đời mình PGS.TS Nguyễn Đắc Lộc chia sẻ: Có thể tự hào nói rằng chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của một người con Việt kiều Thái Lan trong sự yêu thương của Tổ quốc, của Bác Hồ và của chế độ mới [17].

Lê Thị Hoài Thu

* Kỳ I: Ký ức về đôi bờ sông Mekong, xem Website:http:// heritist.vn, ngày 2-1-2017.

[1] – [6] Nguyễn Đắc Lộc, bản thảo “Trở về đất mẹ” ngày 25-10-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[7] Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội (1989-1992).

[8] Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (1989 – 1994).

[9] Nguyễn Đắc Lộc, bản thảo “Tóm tắt về những ngày học chương trình phổ thông” ngày 26-10-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[10] Nguyễn Đắc Lộc, bản thảo “Giới thiệu về Phân đoàn Kiều sinh”, tháng 11-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[11] Nguyễn Đắc Lộc, bản thảo “Giới thiệu về phân đoàn Kiều sinh” tháng 11-2015, tài liệu đã dẫn. 

12] Nguyễn Đắc Lộc, bản thảo “Tóm tắt về những ngày học chương trình phổ thông” ngày 26-10-2016, tài liệu đã dẫn.

[13] Nguyễn Đắc Lộc, bản thảo “Tóm tắt về những ngày học chương trình phổ thông” ngày 26-10-2016, tài liệu đã dẫn.

[14] Sau này là Nhà máy Cơ khí Hà Nội.

[15] Nguyễn Đắc Lộc, bản thảo “Vào đại học” năm 2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[16] Nguyễn Đắc Lộc, bản thảo “Vào đại học” năm 2016, tài liệu đã dẫn.

[17] Nguyễn Đắc Lộc, bản thảo “Tóm tắt về những ngày học chương trình phổ thông” ngày 26-10-2016, tài liệu đã dẫn.