Cách mạng Tháng Tám thành công như một cuộc đổi đời, đã thổi luồng sinh khí mới đến với hàng loạt trí thức yêu nước trong đó có bác sĩ Hoàng Đình Cầu. Con đường theo cách mạng, theo Đảng, lẽ đương nhiên đã trở thành “hơi thở cho cuộc sống đáng yêu, thành tinh thần nhân văn cao cả” như Giáo sư Hồ Đắc Di đã nói. Với gần 60 năm lao động miệt mài, Giáo sư (GS) Hoàng Đình Cầu là người thầy thuốc tận tụy, hết lòng vì người bệnh. Ông là người mở đường cho sự phát triển của chuyên ngành phẫu thuật phổi ở nước ta. Sáng kiến dùng phẫu thuật cắt bỏ ung thư phổi kèm tổ hợp liệu pháp (hóa trị, vi-ta-min C liều cao, tam thất, Aslem) do giáo sư đề xuất đã được phổ biến rộng rãi tại nhiều hội nghị quốc gia, quốc tế, được nhiều đồng nghiệp các nước phát triển áp dụng và đánh giá cao. GS Hoàng Đình Cầu cũng là người đầu tiên áp dụng kỹ thuật châm tê trong phẫu thuật phổi ở Việt Nam, một sự kết hợp hiệu quả y học hiện đại với y học cổ truyền.
Trên cương vị một nhà giáo, một nhà quản lý y tế, GS Hoàng Đình Cầu đã có những đóng góp to lớn trong việc đặt nền tảng và xây dựng đội ngũ cán bộ y tế. Không chỉ dừng lại ở việc biên soạn nhiều đầu sách, giáo trình phục vụ giảng dạy, GS Hoàng Đình Cầu luôn chú trọng đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng đào tạo. Ông đề xuất cần có chính sách riêng để xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ cao cho tuyến y tế cơ sở và các ngành khoa học cơ bản trong y học, đồng thời quan tâm công tác đào tạo liên tục cán bộ y tế. Các chủ trương này đến nay vẫn còn nguyên giá trị, Đảng và Nhà nước đang có những chính sách cụ thể nhằm kiện toàn, tăng cường nhân lực khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở, thúc đẩy mô hình bác sĩ gia đình. Đào tạo liên tục cán bộ y tế trở thành một nhiệm vụ cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Từ một nhà phẫu thuật lồng ngực, GS Hoàng Đình Cầu dành nhiều công sức xây dựng cả lý thuyết lẫn thực hành, trong đó một môn học rất mới ở nước ta, đó là Y xã hội học. Ông chủ trương đưa chăm sóc sức khỏe ban đầu vào vị trí hàng đầu của chiến lược chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong suốt 19 năm (1971 – 1990) là Thứ trưởng Y tế, GS Hoàng Đình Cầu dành nhiều tâm huyết xây dựng mạng lưới y tế xã, phường, thôn, bản bằng việc đề xuất nhiều giải pháp để hoàn thiện tổ chức, hoạt động của y tế cơ sở; đề xuất vận động đóng bảo hiểm y tế tự nguyện và thực hiện bảo hiểm y tế cho người nghèo… Cho tới nay, lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, cùng các chính sách hỗ trợ đối tượng chính sách, người nghèo, cận nghèo, hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng đang được ưu tiên phát triển, như việc bắt đầu triển khai việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân, bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe, được lưu trữ trong hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia.
Trên cương vị một nhà khoa học, GS Hoàng Đình Cầu có nhiều sáng tạo, thành tựu trong công việc, trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Ngay từ những năm đầu sau khi giải phóng miền bắc (năm 1954), việc giảng dạy về y và dược bằng tiếng Việt đòi hỏi sự thống nhất về thuật ngữ y, dược nhất là các thuật ngữ chuyên sâu. Ông đã cùng cộng sự hoàn thành việc xuất bản Từ điển Y dược Pháp Việt, cuốn từ điển y dược học đầu tiên của Việt Nam. Năm 1988, Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam được thành lập với 37 thành viên, GS Hoàng Đình Cầu vừa là thành viên Hội đồng quốc gia vừa là Trưởng ban biên tập chuyên ngành y, sinh học và thể dục thể thao. Từ điển Bách khoa Việt Nam là công trình có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của khoa học nước nhà.
Với công tác Tổng hội Y dược học, GS Hoàng Đình Cầu là một trong những người tham gia công tác Tổng hội lâu năm nhất: Từ đại hội lần thứ 7 (1970 – 1975) đến đại hội lần thứ 13 (2000 – 2005), trong đó có 16 năm là Chủ tịch Tổng hội. Ông cũng được bầu là Chủ tịch Hội Y học các nước Đông – Nam Á (MASEAN). Năm 1985, GS Hoàng Đình Cầu đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Ủy ban quốc gia điều tra hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ủy ban 10-80). Việc điều tra về hậu quả của chất độc da cam là tiếng chuông cảnh tỉnh cho bất cứ ai, ở đâu còn mơ hồ, thoái thác trách nhiệm về tội ác này. Sau 22 năm nghiên cứu đầy gian khổ, với sự tham gia tích cực của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế cũng như các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, năm 1999, Ủy ban đã hoàn thành công trình “Bản đồ băng rải chất diệt cỏ Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam từ 1962 đến 1971”. Tập bản đồ là một minh chứng khoa học, là bằng chứng tội ác không thể chối cãi. Bốn hội thảo quốc gia và quốc tế có nhiều nhà khoa học nước ngoài, kể cả Mỹ tham dự đã được tổ chức, trong đó nêu rõ và chứng minh những tác hại to lớn của chất độc da cam/đi-ô-xin lên sức khỏe con người thể hiện bằng những tổn thương hoặc bệnh cụ thể có minh họa bằng hình ảnh đại thể, vi thể màu, đến sảy thai và nhiều dị tật khác lần đầu được công bố. Kỷ yếu công trình Quyển IV in năm 2000 (481 trang) về các bệnh do hóa chất chiến tranh vừa là tài liệu tố cáo tội ác chiến tranh hóa học đồng thời cũng nêu được một số giải pháp khắc phục hậu quả, từng bước loại bỏ bớt chất độc da cam/đi-ô-xin trong môi trường sống của người dân chịu ảnh hưởng…
Cuộc đời và sự nghiệp của GS Hoàng Đình Cầu không những được toàn ngành y tế Việt Nam vinh danh mà còn được Đảng, Nhà nước đánh giá cao. Ngoài cương vị đại biểu Quốc hội Khóa IX, GS Hoàng Đình Cầu vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động, Danh nhân Y học Việt Nam; được nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ cùng nhiều huân chương, huy chương và phần thưởng cao quý khác. Tên tuổi của Giáo sư được Trung tâm Tiểu sử quốc tế Cambridge (Vương quốc Anh) ghi vào Từ điển Tiểu sử quốc tế và Hội đồng xuất bản tiểu sử danh nhân Marquis (Hoa Kỳ) ghi vào tiểu sử danh nhân.
GS Nguyễn Vượng
Nguồn: nhandan.com.vn/suckhoe/item/32457902-giao-su-hoang-dinh-cau-thay-thuoc-cua-nhan-dan.html