Từ một giảng viên tập sự
Giáo sư Trần Đình Sử đến với nghiên cứu, phê bình văn học theo con đường rất riêng. Năm 1959, ông thi vào ngành Trung văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội chỉ với mục đích học Trung văn để có thể đọc, hiểu nhiều tác phẩm văn học Trung Quốc. Năm 1961, sau khi tốt nghiệp đại học hệ 2 năm, ông được cử sang Trung Quốc tu nghiệp tại khoa Văn học và Ngôn ngữ Trung Quốc, trường Đại học Nam Khai, thành phố Thiên Tân. Trở về nước (1966), Trần Đình Sử xin vào công tác ở trường Đại học Sư phạm Vinh. Người thân, bạn bè đều ngỡ ngàng trước quyết định có phần táo bạo, khi ông xin vào công tác ở một nơi xa xôi và có phần nguy hiểm vì khi đó chiến tranh phá hoại đang diễn ra ác liệt ở vùng này. Nhưng cuộc đời là vậy, 10 năm theo trường Đại học Sư phạm Vinh sơ tán hết nơi này đến nơi khác đã để lại trong ông những trải nghiệm thú vị, và quan trọng hơn, đó là thời gian cần thiết để đưa ông từ một cán bộ giảng dạy thuần túy trở thành một nhà nghiên cứu, phê bình văn học.
Tháng 3-1966, ông Trần Đình Sử nhận quyết định về công tác ở trường Đại học Sư phạm Vinh – trường sư phạm lớn thứ hai của miền Bắc, được thành lập như là một phân hiệu của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhiều cán bộ giảng dạy ở Hà Nội được cử vào đó làm việc. Thời gian đầu trường đóng ở thành phố Vinh, nhưng khi chiến tranh phá hoại nổ ra (1965), trường phải sơ tán ra huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Mỗi khoa đóng ở một xã khác nhau. Hồi ấy, khoa Văn có bí danh là K2, còn trường Đại học Sư phạm Vinh được gọi là trường 12-9, lấy ngày Xô viết Nghệ Tĩnh làm tên trường.
Khi ở Trung Quốc về, ông Trần Đình Sử mang theo một chiếc xe đạp Vĩnh Cửu và nó trở thành phương tiện rất hữu dụng để ông đi vào Thanh Hóa. Đi cùng ông còn có ông Nguyễn Xuân Nam[1]. Vào tới Hà Trung, hai ông tìm hỏi khá lâu mới thấy thôn số 9, xã Hà Lai – nơi khoa Văn sơ tán. Đến nơi thì giáo viên và ban chủ nhiệm khoa đều đi vắng. Người đầu tiên đón tiếp hai ông là ông Nguyễn Khắc Phi (sau là Giáo sư nổi tiếng, con trai của cụ Nguyễn Khắc Niêm). Hai ông khát nước mà không có nước để uống, nhà cũng không có phích để dự trữ nước. Ông Phi lấy cái xoong nhỏ nấu một chút nước để mời. Thấy hai đồng nghiệp vẫn chưa hết khát, ông Phi lại lọ mọ xuống bếp đun nước.
GS.TS Trần Đình Sử, 9-2017
Chiều tối hôm ấy, hai cán bộ từ Hà Nội vào được dẫn đến khu nhà ở trọ khá bé, bên trong có 2 chiếc giường con, giống như cái chõng. Ông Sử và ông Nam sinh hoạt ở đấy trong một thời gian. Sống ở đây, cán bộ giảng dạy ăn uống tập thể, mỗi khoa đều có một cấp dưỡng lo việc nấu nướng cho giáo viên. Tất nhiên là bữa ăn đều kham khổ giống như tình hình chung của cả nước lúc bấy giờ.
Ở được vài ba hôm thì ông Trần Đình Sử đến gặp Chủ nhiệm khoa, kiêm Bí thư Đảng ủy là ông Lê Hoài Nam (sau là Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Vinh). Ông Sử đề nghị Chủ nhiệm khoa cho dạy văn học Việt Nam nhưng chủ nhiệm cho biết đang thiếu giảng viên về lý luận văn học nên phân cho ông dạy lý luận văn học. Chủ nhiệm khoa yêu cầu ông đến gặp ông Lê Bá Hán (tốt nghiệp đại học năm 1957, cùng khóa với ông Nguyễn Khắc Phi) để nhận nhiệm vụ. Tổ lý luận văn học lúc đó mới có các ông Lê Bá Hán, Đỗ Văn Ngọ và thầy Trần Đình Sử vừa được bổ sung. Thầy Sử được phân công dạy phần nguyên lý chung của lý luận văn học, bao gồm các nội dung: quan hệ văn học với hiện thực, quan hệ văn học với hình thái ý thức, tính nhân dân, tính Đảng, tính hình tượng, ngôn ngữ văn học nghệ thuật. Ông phải chuẩn bị bài giảng, thông qua bộ môn góp ý, sau đó mới lên lớp.
Nhận nhiệm vụ được vài ba ngày, thì Hiệu trưởng Nguyễn Thúc Hào nhắn ông Trần Đình Sử đến gặp. Giáo sư Trần Đình Sử nhớ lại cuộc gặp ấy: “Thầy pha nước uống, hỏi thăm tình hình học tập của tôi. Tôi kể về tình hình Trung Quốc cho thầy nghe. Thầy động viên cố gắng làm việc. Mình hỏi tại sao có cuộc gặp ấy thì thầy trả lời rằng ở trường Vinh, cán bộ nào mới đến thì thầy đều mời đến nói chuyện. Tôi cảm động về chuyện ấy lắm. Giáo sư Nguyễn Thúc Hào là người đạo cao đức trọng”[2].
Ở huyện Hà Trung chưa được bao lâu, trường Đại học Sư phạm Vinh sơ tán sang Vĩnh Lộc, bên bờ sông Mã. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, trường chuyển đến huyện Thạch Thành, nằm dọc sông Bưởi, bên kia sông là huyện Cẩm Thủy. Ông Sử ở trọ nhà cụ Khuýnh, người Mường ở xã Thành Mỹ. Ở cùng với ông là ông Huỳnh Lý, một cán bộ giảng dạy, nghiên cứu kỳ cựu của khoa Văn. Sinh hoạt của cán bộ giảng dạy rất khó khăn: “Thức ăn không có gì. Hiếm lắm mới có tí tóp mỡ. Ốc sên ở đó sẵn, nhiều người dùng làm thực phẩm, nhưng tôi không khoái lắm. Thời đó sống cực kỳ khổ nên tất cả đều xanh xao” – GS Trần Đình Sử hồi tưởng.
Ông Huỳnh Lý khi ấy là một tên tuổi trong giới nghiên cứu, phê bình văn học. Giảng viên ở các trường sư phạm và văn nghệ sĩ đều quý ông Huỳnh Lý, nhiều người gọi ông là Huỳnh Tình. Ông Lý là người cùng nhóm Lê Quý Đôn dịch bộ Những người khốn khổ của Victor Hugo. Giáo sư Trần Đình Sử kể: “Tôi và thầy Huỳnh Lý có quan hệ thân thiết. Tôi gọi là chú,vì ông còn ít tuổi hơn bố tôi. Vợ chú và mẹ tôi từng học cùng ở trường Đồng Khánh, Huế nên có quen. Tôi hay thấy chú buồn vì con đi B. Năm 1969 con trai chú hi sinh, chú càng buồn hơn. Chú có một khẩu súng săn, bắn bằng đạn chì. Mặc dù cận thị nhưng chú bắn rất tốt. Chú là người Hội An, rất sành ăn uống, trong túi lúc nào cũng có mì chính, nước mắm cô. Chú hay nhờ tôi việc này việc khác, dịch tài liệu từ tiếng Trung ra tiếng Việt. Chú bị hen, đêm hay thức dậy để xịt thuốc. Khi tôi ở Trung Quốc, tôi có mua giúp thuốc cho chú. Ở với chú một thời gian thì chú chuyển ra Hà Nội công tác”.
Hồi còn ở Hà Trung, thầy Trần Đình Sử được phân công hướng dẫn thực tập cho sinh viên khóa 1962-1966. Khi ấy, có người cho rằng ông Sử chỉ học Trung văn, chưa biết nhiều về văn học Việt Nam, sợ khó có thể hướng dẫn sinh viên thực tập. Bởi vậy, khi cử ông đi hướng dẫn sinh viên thực tập thì đồng thời cử thêm một cán bộ là Lê Kinh Khiên (một cán bộ điềm đạm, dễ thương) để hỗ trợ. May mắn là ông Sử đã đọc khá nhiều sách vở, tài liệu về lý luận văn học nên việc hướng dẫn sinh viên thực tập diễn ra suôn sẻ. Cũng kể từ đấy, ông dần được mọi người trong khoa tin tưởng.
Khi đi thực tập, sinh viên được giao cho một số bài để lên lớp dạy cho học sinh cấp 3, giáo viên sở tại dự giờ để đánh giá buổi giảng dạy của sinh viên. Đối với những tác phẩm thơ văn cổ điển khó như Tùng của Nguyễn Trãi, các tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, ông đều hướng dẫn cho sinh viên một cách tỉ mỉ vì có vốn Hán học thành thạo. Ông cho biết: “Tuy tôi là cán bộ mới về nhưng được ủng hộ. Không khí ở khoa rất hay, các anh đều khiêm tốn, có nhiều bài viết nhờ tôi đọc để đánh giá”.
Thời gian sơ tán lên huyện Thạch Thành, thầy Trần Đình Sử được phân công lên lớp dạy cho sinh viên. Khi ở Trung Quốc, ông đọc khá nhiều lý luận văn học, sưu tầm tài liệu về lý luận, mỹ học… chuẩn bị sẵn cho việc dạy học. Những sách vở, tài liệu ghi chép ông mang về đều có ích. Những tài liệu Mác, Lênin bàn về văn học nghệ thuật ông đều có. Hồi ở trường Đại học Nam Khai, ông theo học dự thính lớp nghiên cứu sinh do GS Lý Hà Lâm – chuyên gia về Lỗ Tấn dạy, thầy yêu cầu phải đọc từng chữ trong các tác phẩm của Lỗ Tấn, chỗ nào không hiểu thì hỏi ngay và mang ra bàn luận. Điều đó rất có lợi cho ông. Hơn nữa, trong những năm 60, ở Trung Quốc, văn nghệ được coi là một mũi nhọn trong các cuộc đấu đá chính trị. Những diễn biến như vậy khiến ông không thể không quan tâm tới đời sống lý luận văn học được.
Nhờ vậy, nên việc giảng cho sinh viên khá thuận lợi, bài giảng của thầy Trần Đình Sử được đánh giá khá tốt, được những cán bộ cũ và học trò nể trọng bởi có nhiều ý tứ mới mẻ. Sau phong trào Nhân văn Giai phẩm, một số giáo sư kỳ cựu trong giới nghiên cứu phê bình không được lên giảng đường đại học, tài liệu về lý luận văn học khá sơ sài. Về giáo trình lý luận văn học, thì ông Nguyễn Lương Ngọc là người viết bộ Nguyên lý văn học, tập 1, in năm 1958, sau đó cùng một số người khác là Nguyễn Văn Hoàn, Trần Văn Bính viết tiếp tập 2, tập 3.
Giáo sư Trần Đình Sử nhớ lại: “GS Nguyễn Lương Ngọc viết thế còn kỹ. Đến những năm 60, theo chủ trương của Bộ, nguyên tắc dạy học trong nhà trường là tinh giản, cơ bản, dân tộc. Tinh giản là không rườm rà, chỉ nói những thứ cốt yếu. Căn bản là lấy nội dung thiết yếu nhất, không mở rộng. Bám sát dân tộc, lấy ví dụ văn học dân tộc, không lấy của thế giới. Những phương châm như thế được quán triệt trong nhà trường. Sau đó cụ Nguyễn Lương Ngọc chủ biên, viết thành bộ giáo trình ba tập nhỏ, mỗi tập hơn trăm trang, khổ 13x19cm, rất sơ lược, có nhiều vấn đề, nhất là nội dung văn học phải có tính giai cấp. Truyện Kiều thì tính giai cấp thế nào, bỏ đi à?”.
Ông kể: “Ở khoa Văn, Đại học Sư phạm Vinh quy tụ nhiều nhà giáo tài năng như Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Khắc Phi, Lương Duy Thứ, Phùng Văn Tửu, Nguyễn Duy Bình, Nguyễn Trung Hiếu. Họ nhiều tuổi hơn tôi nhưng rất hiếu học, có thì giờ là học. Anh Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, có thì giờ là ra Hà Nội đọc sách. Tấm gương học tập của các anh kích thích lòng say mê học của tôi”.
Đến một nhà nghiên cứu cá tính
Để giảng dạy và nghiên cứu tốt, ông Trần Đình Sử thấy rằng cần phải học thêm tiếng Nga, tiếng Pháp. Ông mua các bộ giáo trình học tiếng Anh, tiếng Pháp, từ điển để tự học. Dạy học được hai năm ở trường Sư phạm Vinh thì năm 1968, ông viết đơn xin đi học tiếng Nga. Nhà trường đồng ý và viết giấy giới thiệu cho đi học chuyên tu một năm. Khi ấy, trường chuyên tu chỉ dạy tiếng Nga cho người đi học nước ngoài, ông là người duy nhất xin đi học để làm việc. Mặc dù trường đồng ý nhưng ông phải lên Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp để xin phép. Thứ trưởng Lê Văn Giạng đồng ý, cho rằng cần phải ưu tiên cho cán bộ của tuyến lửa. Trong một năm học chuyên tu tiếng Nga ở Gia Lương, Hà Bắc, ông học được những kiến thức cơ bản.
Sau năm 1970, ông tích cực học tiếng Nga và đọc được những tài liệu bằng tiếng Nga. Ngày đó, sách, tạp chí tiếng Nga về lý luận, phê bình văn học khá nhiều, nhưng ít người đọc. Tiếp cận với những tài liệu của Liên Xô, ông thấy nhiều vấn đề bản thân còn thiếu. Ông đọc về thi pháp học từ những giáo trình của các tác giả Liên Xô như L.I. Timophiev, Abramovich, sau này là Gulaiev… Ở trường Đại học Sư phạm Vinh, lúc ấy, ông cũng dịch những quyển lý luận văn học của Liên Xô nhưng thông qua tiếng Trung.
Đọc giáo trình của Timophiev do ông Lê Đình Kỵ dịch năm 1962, ông Sử nhận ra những giáo trình mà ông đã dạy rất sơ lược, chung chung, không đi sâu vào văn học nghệ thuật. Ông kể về sự sơ lược: “Thí dụ hình tượng nghệ thuật là gì? Là cái thống nhất giữa cái chung và cái cá biệt. Tôi thấy trên đời cái gì chẳng có cái chung và cái cá biệt. Rồi lại nói thống nhất lý tính và cảm tính… Bình thường quá!”.
Thấy được những hạn chế trong nhiều tài liệu nghiên cứu nên thầy Trần Đình Sử quyết tâm tìm một con đường khác trong nghiên cứu lý luận văn học nói chung và về hình tượng nghệ thuật nói riêng. Ông bắt tay vào viết chuyên đề Mấy đặc trưng cơ bản của thơ Tố Hữu (1971) và Đặc trưng nghệ thuật trong tính chỉnh thể (1972). Đây là những chuyên đề nghiên cứu đầu tiên và đánh dấu sự nghiệp nghiên cứu của ông về lý luận, phê bình văn học.
Để hoàn thành chuyên đề Mấy đặc trưng cơ bản của thơ Tố Hữu (1971), ông Sử đọc nhiều tài liệu về vấn đề không gian, thời gian của Liên Xô và thấy rằng rất phù hợp khi áp dụng vào nghiên cứu thơ Tố Hữu. Cảm nhận của Tố Hữu về thời gian trôi rất nhanh, như những câu thơ: nghe nước chảy trên non; nghe nước chảy thành con sông dài; nghe hồn thời đại bay cao. Ông đọc toàn bộ thơ Tố Hữu để chọn ra những câu thơ nói về thời gian, không gian. Điều đó khắc họa và làm nên phong cách thơ Tố Hữu. Chuyên đề này được in vào kỷ yếu của khoa Văn trường Đại học Sư phạm Vinh năm 1974. Nó cũng là tiền đề để ông viết cuốn sách Thi pháp thơ Tố Hữu vào năm 1985 (được Nxb Tác phẩm mới in năm 1987). Trong lời giới thiệu cuốn sách được in lại vào năm 1995, ông viết: “Thi pháp thơ Tố Hữu là chuyên luận đầu tiên được viết ra để giã từ lối mòn của cách tiếp cận xã hội học theo kiểu chủ nghĩa đề tài, giã từ lối phân tích thơ chỉ theo lập trường xã hội, mức độ chín của thế giới quan, chi tiết đời sống giống hay không giống. Chuyên luận cũng không xem xét riêng phương pháp sáng tác, một trọng điểm lý luận sôi nổi của giới phê bình đương thời, mà chỉ đi sâu vào bình diện thi pháp loại hình và tác giả. Đây là thử nghiệm đầu tiên trong việc xác định nội hàm thơ trữ tình chính trị, khái niệm kiểu nhà thơ, vận dụng các phạm trù thi pháp hiện đại như quan niệm nghệ thuật về con người, không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, các hình thức biểu hiện để xem xét thế giới nghệ thuật của nhà thơ…”[3].
Chuyên đề Đặc trưng nghệ thuật trong tính chỉnh thể (1972) khoảng 100 trang đánh máy, được đồng nghiệp trong khoa đọc và đón nhận một cách ngạc nhiên bởi sự mới lạ của nó. Trong chuyên đề này, ông Trần Đình Sử cho rằng, hình tượng nghệ thuật phải giải quyết đối tượng văn học nghệ thuật, phương thức tạo ra hình tượng văn học nghệ thuật, cách tưởng tượng, cách thể hiện nghệ thuật. Theo ông đối tượng của văn học nghệ thuật là phải miêu tả con người cá thể, chứ không phải con người chung. Nghệ sĩ cũng phải xuất hiện với tư cách cá thể; phải là cá thể mới hiểu được cá thể khác, không thể nào là người trừu tượng. Đặc trưng của văn học nghệ thuật là sự tự ý thức, cho nên nó thể hiện trạng thái đặc biệt.
Về vấn đề khái quát, trước kia nhiều nhà nghiên cứu cho rằng văn học nghệ thuật là khái quát cái chung, hiểu cái chung là cái chung nhận thức. Ông cho rằng thực ra vấn đề không phải như vậy. Cái chung nhận thức của văn học là cái chung trong kinh nghiệm của con người. Ông nêu ra ví dụ cụ thể: “Maxim Gorky nói rằng điển hình là người cụ thể nhưng đại diện cho nhiều người. Ví dụ viết về một cố đạo thì người đó là cụ thể nhưng thể hiện cái chung của tất cả những cố đạo khác. Phải nghiên cứu 10-100 ông cố đạo, rồi đem đặc trưng của một trăm người đó dồn vào một nhân vật cá biệt. Khi đó mới là điển hình. Tôi cho rằng làm như thế là không đúng vì một ông cố đạo mang đặc điểm của 100 ông cố đạo khác thì quá tả. Nhân vật ấy không sống tự nhiên được. Như thế là sai về nghệ thuật. Nói như Gorky thì viết về một điển hình là hết à, những người khác không còn gì để viết à. Như thế là sai. Về mặt khoa học, với tôi không có ai quyền uy cả, ai sai là tôi cãi”.
Những công trình khoa học đầu tiên như vậy làm ông Trần Đình Sử tự tin. Ông nhận thấy rằng, ở mảng lý luận văn học còn nhiều chỗ trống, nhiều vấn đề còn chưa được nghiên cứu rõ ràng, sáng tỏ.
Trong quá trình đọc sách, đọc tài liệu lý luận, cái gì không biết thì ông hay hỏi ông Hoàng Ngọc Hiến[4] – người có năng lực, có khả năng đưa những ví dụ điển hình để giải thích cho lý luận trừu tượng. Ông Sử giải thích sự quan trọng của vấn đề lý luận và thực tiễn: “Khi đưa ra ý gì thì phải có dẫn chứng minh họa ngay ý đó. Nếu giảng bài mà chỉ nói lý thuyết thì người nghe không hiểu. Phương pháp đó rất quan trọng. Khi tôi đọc tài liệu lý thuyết, tôi phải tìm cách kiểm chứng lý thuyết ấy. Mình phải ướm vào hiện tượng văn học cụ thể để giải thích có đúng không hoặc có thể giải thích được không? Cách đó tôi tự học hàng ngày. Khi giảng trên lớp, học sinh hỏi, tôi đưa ra được các ví dụ sát thực, các em hiểu ngay. Bản thân mình cũng thế. Học đến đâu vận dụng đến đó, chứ không phải học chay. Phải có ích cho mình trong việc phân tích, giải thích các hiện tượng”.
Những bài viết của ông về vấn đề lý luận được khoa Văn rất coi trọng và tổ chức đánh máy phát cho nhiều người đọc. Trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu, tiếng Nga giúp ông rất nhiều trong việc tiếp cận tư duy mới, tư tưởng mới. Lúc đó ông đọc được các tài liệu của M. Bakhtin và nhận thấy nhiều người đi sâu vào các vấn đề: nhiễu nhại, ẩn dụ, biểu tượng.
Một vấn đề đáng lưu ý là năm 1972 ông đề xuất soạn Từ điển thuật ngữ văn học. Nhiều người trong khoa hoài nghi, không tin. Ông khẳng định rằng sẽ làm trước, nếu làm được thì mọi người cùng làm. Ông dựa vào từ điển của L.I. Timophiev để soạn các thuật ngữ, rồi lấy ví dụ cụ thể của Việt Nam. Khi làm xong, đưa ra trình bày trong tổ, mọi người thấy làm được nên tổ chức biên soạn. Mỗi người được phân công chịu trách nhiệm một vấn đề: tu từ học, lý luận, văn học dân gian… Đến cuối năm 1973, ông và đồng nghiệp hoàn thành bản thảo, nhưng không nơi nào nhận in. Có thể là vì các nhà xuất bản chưa tin vào chất lượng của bản thảo này. Năm 1974 trường Đại học Sư phạm Vinh in từ điển này. Quyển từ điển đó giúp học viên, giáo viên tra cứu thuật ngữ lý luận văn học. Nó giúp giáo viên tra cứu các định nghĩa điển hình, hình tượng, phong cách, chủ nghĩa hiện thực, ẩn dụ, chèo…. Năm 1992, ông Sử cùng với các ông Lê Bá Hán, Nguyễn Khắc Phi biên soạn lại cuốn Từ điển thuật ngữ Văn học và được Nxb Giáo dục in với số lượng 6000 cuốn.
Trần Đình Sử kể về sự thay đổi nhận thức khi tiếp cận với các nguồn tài liệu: “Trong quá trình đọc, tôi phát hiện ra vấn đề là phản ánh luận không ổn. Trong phản ánh luận, vấn đề tác động của vật phản ánh là ý thức con người có vấn đề. Tính chủ động thuộc về khách thể, tức là phải có đối tượng phản ánh thì mới có sự phản ánh, có hiện thực mới có văn học, hiện thực phải có trước, đối tượng phản ánh phải có trước. Cái hình ảnh mới là cái có sẵn. Tôi thấy lý thuyết phản ánh rất coi nhẹ tính chủ động, sáng tạo của chủ thể”.
Những vấn đề như vậy là một rào cản đối với ông, mà để vượt qua được nó là một quá trình không đơn giản. Với tư cách là người nghiên cứu, ông phải có trách nhiệm phát hiện, chủ động đề xuất vấn đề mới. Ông cho rằng quan điểm lý thuyết chính thống hạn chế sự sáng tạo của các nhà văn, nhà nghiên cứu. Bởi vậy, khi đọc tài liệu, ông chọn những tài liệu vượt ra ngoài khuôn khổ chính thống, như của M. Bakhtin và của một số tác giả người Ba Lan. Những tác giả này đều cho rằng văn học phải có tính chân thực, cần được giải thích theo lối phản ánh.
Giáo sư Trần Đình Sử lý giải: “Cái chân thực trong văn học phải gắn liền với sự tri nhận của con người, không phải chân thực theo lối logic. Chân lý là sự thật, mà sự thật đôi khi bị che giấu. Trong văn học, nhiều khi chúng ta cảm thấy là chân thực, chứ thực ra nó không chân thực. Người diễn viên trên sân khấu, bản chất là diễn, nhưng diễn làm sao như thật, lúc đó chúng ta cảm thấy là thật, chứ nó không phải thật. Tiểu thuyết là hư cấu, nhưng hư cấu đến mức cảm nhận của chúng ta cho là chân thật”.
Ông đưa ra một thí dụ tiêu biểu, tiểu thuyết Vào đời của Hà Minh Tuân (Nxb Văn học, 1963) bị cho là miêu tả không chân thực. Chúng ta quy định sẵn bản chất, tiểu thuyết viết đúng bản chất thì cho là chân thực, viết khác đi thì bị cho là không chân thực. Và như vậy, sự chân thực là không khách quan. Ông cho rằng, đó là một sự áp đặt tư duy, xây dựng sẵn hình hài cho các tác phẩm và các nhân vật.
Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng lý luận văn học ở Việt Nam còn nặng về chính trị, chưa đụng chạm đến nghệ thuật, không giúp học sinh, sinh viên cảm nhận được cái hay, cái đẹp, cái sâu sắc, cái hào hứng của sáng tạo văn học. Vì vậy, năng lực tiếp nhận văn học nghệ thuật ở Việt Nam còn nghèo nàn. Khi đọc các tài liệu của M. Bakhtin, ông thấy rất hào hứng vì tác giả đặt các vấn đề về đối thoại, chân lý tiếp nhận khách quan. Ông nhấn mạnh về cách tiếp nhận thông tin: “Cái tôi thừa nhận là đúng, anh thừa nhận là đúng mới là đúng, không giống nhau hoàn toàn. Mỗi người đều có chân lý của họ, mình không áp đặt được họ. Ông M. Bakhtin nói rằng mỗi người đều có chân lý cuối cùng trong ý thức của họ. Chân lý mang tính nhân cách, cá nhân. Chân lý không thể trùng khít. Người nào cũng có bí mật cuối cùng về mặt chân lý, không ai biết hết được. Nghệ thuật không đo được bằng công thức chung. Chân lý, sự thật gắn liền với đặc thù cá nhân, cá thể trong con người. Khi mọi người cùng đồng cảm với chân lý của anh thì anh thành công”.
10 năm công tác ở trường Đại học Sư phạm Vinh, trong hoàn cảnh khó khăn chung, thầy Trần Đình Sử vẫn biết cách vươn lên, tìm cho mình một lối đi riêng, táo bạo trong nghiên cứu, phê bình văn học. Từ một giảng viên tập sự, ông trở thành một nhà nghiên cứu với tư duy sắc sảo, mới mẻ nhưng không hề kém phần sâu sắc. Nhìn lại thời kỳ ở trường Đại học Sư phạm Vinh, GS Trần Đình Sử khẳng định: “Trường Vinh đối với tôi là nơi rất thân thiết. Đó là môi trường học thuật rất tốt cho tôi. Trường Vinh vẫn là giai đoạn đẹp trong cuộc đời tôi, là nơi tôi trưởng thành”. 10 năm gắn bó với trường Đại học Sư phạm Vinh không phải là dài đối với sự nghiệp của một nhà nghiên cứu, nhưng với GS Trần Đình Sử, đó cả là một sâu đậm, thắm nghĩa đồng nghiệp, đượm tình thầy trò.
Nguyễn Thanh Hóa
* GS.TS Trần Đình Sử, là nhà nghiên cứu phê bình văn học, nguyên Chủ nhiệm khoa Văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.