Tôi nói “may mắn được làm quen” vì hồi đó ông là Hiệu trưởng trường Cán bộ y tế trung ương, nơi người mà tôi yêu là học trò của ông. Chính nhờ “được làm quen” buổi đó, mà sau này tôi có cớ đi lại, thăm hỏi người yêu, người trở thành bạn đời sau này. Sau này, khi đất nước thống nhất, do công việc được giao, tôi có nhiều dịp đến thăm ông với tư cách đồng nghiệp trong công tác Mặt trận.
Trần Hữu Nghiệp có bí danh là Hằng Ngôn. Ông sinh ngày 15/3/1911 trong một gia đình nông dân đích thực tại xã Tân Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Lúc nhỏ, ông học tại nhà do cha kèm cặp. Đến 10 tuổi, ông mới đến trường và học tại trường huyện, sau đó chuyển lên trường tỉnh.
Giáo sư, bác sĩ, NGND Trần Hữu Nghiệp
Năm 1926, do tham gia tổ chức lễ truy điệu và để tang nhà chí sĩ Phan Bội Châu, ông bị đuổi học… Ông xin gia đình cho lên Sài Gòn vào học tại trường tư thục Huỳnh Khương Ninh.
Năm 1931, ông đỗ tú tài và thi đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội. Năm 1937 tốt nghiệp bác sĩ với điểm “tối ưu”, ông được nhà trường cử sang Pháp để tu nghiệp, nâng cao nghiệp vụ. Năm 1939 trở về nước, ông mở phòng mạch và bệnh viện tư tại thành phố Mỹ Tho và giàu lên nhanh chóng.
Thời đó, ông nổi tiếng không chỉ vì là bác sĩ giỏi nghề mà còn vì lòng nhân ái, sẵn sàng cưu mang giúp đỡ những người nghèo khó không lấy tiền.
Tháng 8/1945, cũng như nhiều trí thức có tên tuổi khác, Trần Hữu Nghiệp hăng hái tham gia giành chính quyền ở Mỹ Tho. Cách mạng tháng Tám thắng lợi, ông được cách mạng phân công làm Ủy viên tuyên truyền của Tổng bộ Việt minh tỉnh Mỹ Tho. Ông từ bỏ cuộc sống giàu sang, thoát ly gia đình lên chiến khu cùng toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh.
Trên đường lên chiến khu, ông tình cờ gặp người bạn học cũ – bác sĩ Phạm Ngọc Thạch – Bộ trưởng Bộ Y tế trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến và được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở Y tế Nam bộ bằng một quyết định chưa từng có từ trước đến nay: Ông Bộ trưởng lấy danh thiếp của mình viết Quyết định bổ nhiệm vào mặt sau và ký tên, không dấu đỏ.
Tháng 3/1946, trong lúc đang lo chạy chữa cho thương binh tại Mặt trận Cù Lao An Hóa thì ông được lệnh cấp tốc phải trở về cơ quan quân y để tham gia Đoàn đại biểu nhân dân Nam Trung bộ ra Trung ương báo cáo tình hình và xin chi viện vũ khí. Đoàn gồm giáo sư Ca Văn Thỉnh, Trần Hữu Nghiệp và bà Nguyễn Thị Định.
Theo ông kể: “Cuối tháng ba, đoàn xuất phát từ Cà Mau bằng tầu đánh cá tiến thẳng ra vùng biển quốc tế để tránh sự kiểm soát của tầu chiến địch. Sau đó, tàu đổ bộ vào Phú Yên – lúc đó còn là vùng tự do. Đoàn được Lưỡng Quốc tướng quân Nguyễn Sơn tiếp đón và bố trí để đoàn đi xe lửa ra Hà Nội.
Tại thủ đô, Đoàn được lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và đặc biệt là Hồ Chủ tịch tiếp đón ân cần, nghe Đoàn báo cáo và giải quyết mọi kiến nghị của Đoàn trước khi Đoàn trở về Nam. Riêng ông được Trung ương giữ lại và phân công về công tác tại Cục quân y.
Lúc đó, ở Pháp, Đảng Xã hội đang giữ vai trò chủ yếu trong Chính phủ. Để tạo điều kiện tiếp xúc với Đảng Xã hội Pháp nhằm tranh thủ những người trung thực trong chính giới Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử ông cùng các ông Nguyễn Xiển, Hoàng Minh Giám do ông Phan Tư Nghĩa – người đã từng là đảng viên Đảng Xã hội Pháp, đứng ra vận động thành lập Đảng Xã hội Việt Nam. Sau một thời gian vận động, ngày 2/7/1946 Đảng Xã hội Việt Nam ra đời và gia nhập Mặt trận Liên Việt.
Trên đường lên chiến khu, ông tình cờ gặp người bạn học cũ – bác sĩ Phạm Ngọc Thạch – Bộ trưởng Bộ Y tế trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến và được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở Y tế Nam bộ bằng một quyết định chưa từng có từ trước đến nay: Ông Bộ trưởng lấy danh thiếp của mình viết Quyết định bổ nhiệm vào mặt sau và ký tên, không dấu đỏ.
Giữa năm 1947, thể theo nguyện vọng của cá nhân và cũng do yêu cầu của chiến trường Nam bộ, ông được cử đi Nam với chức danh Tổng thanh tra quân y Việt Nam.
Về tới Nam bộ, ông đã cùng bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng – người vừa từ Sài Gòn ra chiến khu bắt tay xây dựng ngành dân y, đào tạo cán bộ ngành y tế và nhân viên y tế.
Với trọng trách giám đốc Sở Y tế quân dân y Nam bộ, trực tiếp phụ trách khu 8, ông đã mở nhiều lớp đào tạo y sĩ quân, dân y, mở rộng các cơ sở khám chữa bệnh, đáp ứng đòi hỏi của quân đội và nhân dân.
Năm 1951 vùng giải phóng ở Nam bộ được mở rộng. Trung ương Cục miền Nam chia Nam bộ thành hai phân liên khu: Miền Đông và miền Tây. Ông được điều động về miền Tây và đặc trách công tác đào tạo y sĩ. Các học viên thời đó, sau này thành những bác sĩ, giáo sư y học nổi tiếng của đất nước thường kể lại: Trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp, hiệu trưởng Trần Hữu Nghiệp ngoài giờ lên lớp, thầy ở trần, nhổ bông súng, vớt bèo nuôi heo, góp sức cùng học viên tự lực cánh sinh nhằm cải thiện bữa ăn của trường.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp tập kết ra Bắc và đảm nhiệm trọng trách: Trưởng ban huấn luyện Bộ Y tế và Ủy viên Ban biên tập Tạp chí “Y học thực hành”.
Đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Mặt trận Liên Việt đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Nhiệm vụ chung của cả nước cũng như nhiệm vụ của từng miền đã thay đổi. Cần phải có một Mặt trận mới thích hợp nhằm thu hút mọi tổ chức và cá nhân yêu nước và tiến bộ, nhất là những người ở vùng mới giải phóng.
Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp lại được cử tham gia vào Ban vận động thành lập. Sau một thời gian vận động, từ ngày 5 đến ngày 10-9-1955, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất đã họp tại Hà nội, quyết định lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được bầu vào Ủy ban Trung ương và Ủy ban Trung ương cử ông vào Ban Thư ký.
Năm 1956 ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường cán bộ y tế trung ương. Đây là trung tâm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ trung, cao cấp dân y lớn nhất nước thời đó.
Năm 1958, ông lại được bổ nhiệm kiêm thêm chức Ủy viên cố vấn Bộ y tế.
Năm 1964 Bộ trưởng y tế quyết định bổ nhiệm giáo sư Trần Hữu Nghiệp làm Phó chủ nhiệm khoa Nội Bệnh viện Bạch Mai.
Năm 1965, do yêu cầu của chiến trường, ở tuổi 55, ông lại khoác ba lô, chống gậy, vượt Trường Sơn trở về Nam với trọng trách làm hiệu trưởng trường đào tạo cán bộ trung, cao cấp của Miền, đồng thời tham gia hướng dẫn điều trị tại bệnh viện dân y Hoàng Lệ Kha.
Năm 1966, ông được kết nạp vào Đảng nhân dân cách mạng, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 6/1969, ông được kết nạp vào Đảng nhân dân cách mạng, nay là Đảng cộng sản Việt Nam.
Tháng 6/1969, ông được bổ nhiệm làm cố vấn cho Bộ Y tế Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, Giáo sư Trần Hữu Nghiệp trở lại Sài Gòn tham gia giảng dạy bộ môn Tâm lý học và Y đức học tại trường kỹ thuật y tế và trường quản lý ngành y tế phía Nam và tham gia Ủy ban Mặt trận thành phố cho đến khi nghỉ hưu.
Giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp vừa là thày giáo, vừa là thày thuốc, đồng thời lại là nhà văn, nhà báo tài năng. Ông viết rất nhiều bài cho nhiều tờ báo chuyên sâu về ngành y, về con người và thời cuộc, được bạn đọc hoan nghênh và đánh giá cao.
Giáo sư – bác sĩ Trần Hữu Nghiệp – Nhà giáo nhân dân, nhà văn, nhà báo là một nhân cách lớn, một trí thức lớn được tôi luyện trong chiến tranh nhân dân, đã đi cùng nhân dân trong suốt chặng đường 30 năm đầy gian khổ và thắng lợi vẻ vang.
Riêng đối với ngành y, Viện sĩ – tiến sĩ Dương Quang Trung – người gắn bó nhiều năm với Giáo sư bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đánh giá: “Tôi ví anh Chín Nghiệp như một cây đại cổ thụ của rừng y Việt Nam. Và đặc biệt, anh là người thày, hay đúng hơn là thày của những người thày. Anh Chín Nghiệp đã dành cả cuộc đời của mình chăm lo đào tạo thế hệ trẻ cho ngành y. Sau khi học thành tài, anh đã có phòng mạch và bệnh viện tư ở Sài Gòn và cuộc sống gia đình đầm ấm. Nhưng theo tiếng gọi của non sông, anh đã rũ áo ra đi, cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc…”.
Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam)
Nguồn: daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/