PGS.TS.Đặng Thị Thu Hương:..Đưa kiến thức hàn lâm vào thực tiễn sinh động

 Tác giả của Trung tâm nghiệp vụ báo chí

“Bạn thấy không, đây là một “trường quay” thu nhỏ dành cho sinh viên ngành Báo chí – Truyền thông của trường tôi” – PGS. TS Đặng Thị Thu Hương đã bắt đầu câu chuyện với tôi trong niềm hào hứng như thế. Qua phải, qua trái, chị giới thiệu về hệ thống máy quay, bàn tròn tọa đàm, dàn đèn chiếu sáng, hệ thống âm thanh… Rồi qua phòng phía trong, chị nói về phòng thu thanh dành cho sinh viên theo học chuyên ngành phát thanh, phòng internet cho sinh viên làm báo điện tử… Từng câu chuyện của chị đều lấp lóa niềm vui…

PGS. TS Đặng Thị Thu Hương vốn là sinh viên khóa đầu tiên ngành Báo chí của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường ĐH KHXH & NV, ĐH QGHN). Sau hơn mười lăm năm đứng lớp, và nhiều năm làm việc tại các cơ quan báo chí, hơn ai hết, chị thấu hiểu những khó khăn của sinh viên ngành báo khi ra trường. Ấy là, những bài giảng trên lớp của các thầy, các cô dù rất hay, rất bổ ích nhưng không đủ để giúp sinh viên sáng tạo ra sản phẩm báo chí. Điều bất cập lớn nhất là trường không đủ trang thiết bị tác nghiệp, nên sinh viên báo chí chủ yếu vẫn phải tưởng tượng ra quy trình sản xuất và kỹ năng làm nghề chỉ được tích lũy qua một hai tháng thực tập ít ỏi. Trong khi đó, điểm khác biệt cơ bản nhất trong đào tạo báo chí truyền thông, sơ với các ngành khoa học xã hội khác là phải “cho ra lò” những người thạo việc, có kỹ năng săn tin, viết bài, biết cách ghi âm, sử dụng máy quay, biết thực hiện chương trình phát thanh, truyền hình, biết cách tổ chức bài báo đa phương tiện… Thiếu thời gian thực hành và thiếu trang thiết bị rèn nghề, sinh viên ngành báo ra trường thường bị “ca thán”: lý thuyết thì giỏi nhưng thực hành hầu như phải đào tạo lại! Chị bắt đầu nuôi mơ ước…

 

 PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương: “Tôi luôn mong ước: làm thế nào giúp sinh viên biến những kiến thức hàn lâm trên giảng đường thành những sản phẩm báo chí sinh động”. Ảnh: HT.

Trong nững năm tháng học Tiến sĩ báo chí ở Vương quốc Anh, trực tiếp trải nghiệm mô hình đào tạo: gắn lý thuyết với thực hành, PGS. TS Đặng Thu Hương càng thôi thúc trăn trở về một trung tâm thực nghiệm đào tạo về báo chí. Chị đau đáu với ý nghĩ ấy nên tìm mọi cách khảo sát việc học tập và làm báo ở các cơ sở đào tạo truyền thông, cũng như các cơ quan báo in, phát thanh, truyền hình nước ngoài…để đến khi trở lại giảng đường trường ĐH KHXH &NV, năm 2008, với sự giúp đỡ của nhiều chuyên gia trong nước, dự án đầu tư chiều sâu xây dựng Trung tâm đào tạo báo chí truyền thông đã được hình thành. Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, dự án đã vượt qua rất nhiều vòng thẩm định và cuối cùng Giám đốc ĐHQGHN đã phê duyệt và đầu tư gần 30 tỷ đồng (cho giai đoạn 1). Sau 3 năm triển khai, dự án đã được đưa vào hoạt động và PGS. TS Đặng Thị Thu Hương trực tiếp đảm nhận vai trò Giám đốc Trung tâm. Niềm hạnh phúc lớn nhất đối với chị là được trực tiếp thấy sinh viên tíu tít gọi nhau đến Trung tâm; thấy những giây phút ban đầu của các em khi bước vào môi trường học tập hoàn toàn mới mẻ, với ánh mắt ngập ngừng, e ngại khi lần đầu tiên sử dụng những trang thiết bị hiện đại trong phòng thu thanh; những cử chỉ vụng về  khi ngồi vào bàn tròn làm MC dẫn dắt một chương trình trò chuyện trên truyền hình…  “Ban đầu là thế, nhưng sau đó các em tiến bộ nhanh lắm. Bây giờ rất nhiều môn lấy điểm thực hành của sinh viên để đánh giá điểm giữ kỳ và cuối kỳ. Ít nhất, các em cũng bước đầu trải nghiệm và biết nghề báo thực sự là như thế nào…” – PGS.TS Đặng Thị Thu Hương nói trong ánh mắt của môt người thầy như được trở lại niềm vui của tuổi sinh viên những năm nào…

Bản lĩnh và trải nghiệm

 “Còn đây nữa, một chuyên đề mới của lớp Báo chí chính luận K56 vừa được thực hiện trên báo Pháp luật Việt Nam, số mới nahats. Giờ đây, việc học của sinh viên báo chí được gắn liền với những chuyên đề cụ thể với những sản phẩm cụ thể…”. Vừa dời Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông để trở về văn phòng khoa, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương đã vội kéo tôi đến trước bảng tin. Trước mắt tôi là cả quy trình tập làm nghề của sinh viên khoa Báo chí. Đấy là những bản thảo non nớt đầu tay cả sinh viên với rất nhiều nét bút đỏ biên tập chỉnh sửa và cuối cùng là các bài viết hoàn chỉnh được in trang trọng trên 2 trang báo Pháp luật Việt Nam.

Làm thế nào để sinh viên học báo ra trường có thể làm báo? Làm thế nào để ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường sinh viên đã làm quen với nghề và được các cơ quan báo chí chấp nhận đăng tải sản phẩm? Đấy là câu hỏi tôi đặt ra với PGS. TS Đặng Thị Thu Hương và cũng là vấn đề chị từng trăn trở nhiều năm.

Câu trả lời đầu tiên là phải đào tạo ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Điều đó được thể hiện qua chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra cho cả ba bậc học từ cử nhân đến tiến sỹ mà kể từ khi đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Khoa, chị đã chỉ đạo và trực tiếp thực hiện. Người làm đào tạo không chỉ dạy những điều mình biết mà phải truyền đạt cho sinh viên những tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng mà xã hội cần. Đào tạo theo chuẩn đầu ra là điều chỉnh lại nội dung, phương pháp giảng dạy để tạo ra những sản phẩm đào tạo đặc sắc đáp ứng được nhu cầu của xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Chính vì thế, Khoa Báo chí và Truyền thông là đơn vị cấp khoa duy nhất trong ĐHQG được Giám đốc ĐH QG tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chuyển đổi khung chương trình theo chuẩn đầu ra. Và cũng từ nhu cầu xã hội mà Khoa Báo chí và Truyền thông đã xây dựng xong Đề án mở ngành Quan hệ công chúng, được ĐHQG phê duyệt và chính thức tuyển sinh từ năm 2013.

Nhưng nghề viết đâu có dễ. Nó cần sự trải nghiệm qua những bài học thực tiễn sinh động. Vì thế, Khoa Báo chí và Truyền thông đã tích cực ký kết nhiều hợp tác chiến lược giữa khoa với Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí truyền thông trong cả nước. Trong giờ học tác nghiệp, sinh viên được chính các nhà báo giàu kinh nghiệm từ Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, báo Thanh niên, báo Lao động, báo Tuổi trẻ, báo điện tử Dân trí, VietnamNet…trực tiếp đến truyền nghề. Không chỉ truyền giảng về cách thức làm báo, những thế hệ đi trước còn truyền lại cho sinh viên báo chí hôm nay ngọn lửa đam mê, và hơn hết là đạo đức của người làm báo luôn giữ được “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.  

Mỗi năm trôi qua, một lứa sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông lại ra trường. Nhìn những gì PGS.TS Đặng Thị Thu Hương đã làm, tôi nhận thấy, trong muôn ngàn niềm vui của chị, có lẽ niềm vui lớn nhất chị là được tận mắt thấy sinh viên của mình ngày một trưởng thành cả về nhân cách và chuyên môn để say và sống được cùng nghề. Và trong những ngày Xuân đang ngập tràn phố phường Hà Nội, người chủ nhiệm khoa mới 38 tuổi ấy lại tiếp tục cặm cụi đi tìm những đáp án mới cho niềm tâm huyết với sinh viên của riêng mình!

Thảo Miên