Hồ Tôn Trinh (bút danh Hoàng Trinh) sinh ngày 28/9/1920 tại Viêng Chăn (Lào) nhưng quê gốc tại xã Đại Nài, huyện Thạch Hà (nay là phường Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh). Tên tuổi ông được nhắc đến nhiều trong vai trò một người đi tiên phong tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu hiện đại của lý luận văn học thế giới (ký hiệu học, thi pháp học, văn học so sánh) ở nước ta.
1. Quá trình công tác của Hồ Tôn Trinh: từ 1945-1954, công tác tại Ủy ban huyện Thạch Hà, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Trưởng ty Tuyên truyền văn nghệ Hà Tĩnh; từ 1954-1959, công tác ở Bộ Tuyên truyền, Ban Văn xã Phủ Thủ tướng, Ban Văn giáo Trung ương; đầu năm 1960, nhận công tác tại Viện Văn học, đảm nhận các chức vụ: Thư ký khoa học Viện Văn học (1960-1969), Phó Viện trưởng Viện Văn học (1970-1984), Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội miền Nam (1968-1982), Viện trưởng Viện Văn học, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu văn học (1985-1988), Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Văn học (1985-1988, 1996-2000). Ngoài ra, ông còn là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ năm 1968), Ủy viên Ban thường trực Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, Hội viên Hiệp hội ký hiệu học Quốc tế, Phó Chủ tịch Hiệp hội các Hội đồng khoa học xã hội châu Á và Thái Bình Dương…
Giáo sư, Viện sĩ Hồ Tôn Trinh (1920-2011)
Năm 1979, Hồ Tôn Trinh vinh dự được bầu là Viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm khoa học Hungary; năm 1982, được phong hàm Giáo sư; năm 1989, nhận Giải thưởng khoa học Rokefeller (Mỹ); năm 1996, nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 cho cụm công trình nghiên cứu lý luận và phê bình văn học gồm: 1/ Phương Tây, văn học và con người (Nxb Khoa học xã hội, T1, 1969; T2, 1971); 2/ Ký hiệu, nghĩa và phê bình văn học (Nxb Văn học, 1980); 3/ Về khoa học và nghệ thuật trong phê bình văn học (Nxb Khoa học xã hội, 1980); 4/ Đối thoại văn học (Nxb Hà Nội, 1986); 5/ Từ ký hiệu học đến thi pháp học (Nxb Khoa học xã hội, 1992, Nxb Đà Nẵng tái bản 1997).
Ngoài 5 công trình trên, Hồ Tôn Trinh còn là tác giả hàng trăm bài tiểu luận đăng trên các báo, tạp chí trong, ngoài nước và các công trình khác như: Văn học ngọn nguồn và sáng tạo (1973); Tiếp cận văn học dưới góc độ thông tin (1990); Phương pháp luận về văn hóa và phát triển (1995); Chủ nghĩa xã hội với tư cách một chủ nghĩa nhân văn và văn hóa (1995). Ông còn chủ biên các công trình: Văn học, cuộc sống, nhà văn (1979); Phấn đấu để có những thành tựu mới trong văn nghệ (1980); Phấn đấu sáng tạo theo đường lối văn nghệ của Đảng (1986)1.
2. Giáo sư, Viện sĩ Hồ Tôn Trinh là người rất mực giản dị, khiêm tốn, cần cù. Ông giàu ý chí tự học, rất ham đọc, ham viết. Những năm 1959-1962, ông là đồng dịch giả bộ tiểu thuyết nổi tiếng Đất vỡ hoang của văn hào Liên Xô Mikhail Sôlôkhốp (1905-1984) dịch qua bản tiếng Pháp. Dịch sách cũng chính là cách để ông nâng cao trình độ ngoại ngữ, từ đó có thể mở thêm cánh cửa mới đi vào thế giới. Ông làm việc không biết mỏi mệt, kể cả khi đã già vẫn tự hoàn thiện thêm tiếng Anh để thuận tiện giao tiếp mỗi lúc ra nước ngoài. GS Hoàng Chương, người luôn được đồng nghiệp ca ngợi là “cánh chim không biết mỏi” viết về Hồ Tôn Trinh: “Cho dù là một Giáo sư, Viện sĩ nổi tiếng, tuổi đã cao, sức đã yếu, ông vẫn ham học, ham làm, ham đóng góp cho sự nghiệp văn học, văn hóa dân tộc”. Ông tâm sự với tôi: “Lần đầu được mời sang Mỹ giảng về văn học Việt Nam, hàng ngày mình phải tự học tiếng Anh từ 4 giờ sáng cho đến 8 giờ, cứ như vậy suốt 6 tháng liền mới đủ từ để giảng”2.
Trong Hồ Tôn Trinh hội đủ phẩm chất của một ông đồ xứ Nghệ, có điều đây là một ông đồ xứ Nghệ đời mới, tuy vậy, ông lại ưa ăn uống đạm bạc, không thích tiệc tùng, yến ẩm, chỉ thích ăn cơm nhà hợp khẩu vị với cá kho truyền thống, cà muối như vợ ông thường kể. Ông sớm nhận thức thấu đáo rằng: muốn hiểu cặn kẽ văn học nước nhà để lý giải, bình luận, giới thiệu sao cho thuyết phục thì nhà nghiên cứu, nhà lý luận, phê bình còn phải hiểu biết nhiều nền văn học – văn hóa khác. Chính vì vậy, từ nửa sau những năm 1960, ông đã tìm đến Phương Tây, văn học và con người, một đề tài thoạt nhìn quả chưa thật thiết thực với sự nghiệp chống Mỹ cứu nước bấy giờ, mặc dù ông vốn xuất thân là một cán bộ tuyên huấn. Đất nước đang chiến tranh, sách vở ngoại văn cực hiếm, việc tìm đọc các sách tiếng Pháp liên quan đến đề tài nào phải dễ dàng gì nên việc áp dụng các phương pháp nghiên cứu hiện đại của thế giới vào nghiên cứu, phê bình hết sức khó khăn. Hơn nữa, nhà nghiên cứu còn nặng về phê phán những sự đồi trụy, bế tắc của văn nghệ thực dân và cuộc sống tư sản nên chưa thấy hết được những giá trị tích cực của các tác giả, tác phẩm phương Tây cũng là điều dễ hiểu. Dẫu sao, nhờ nắm vững cơ sở triết học, mỹ học mác xít, cơ sở đời sống xã hội của văn học, nghiên cứu con người và văn học phương Tây nhưng chưa bao giờ dùng chuẩn mực phương Tây làm hệ quy chiếu, Hồ Tôn Trinh đã bước đầu phác họa được một bức tranh khá đẹp về văn học và con người phương Tây.
3. Cũng chính nhờ sớm tiếp xúc với giới nghiên cứu lý luận văn học phương Tây, Giáo sư, Viện sĩ Hồ Tôn Trinh sớm vượt qua lối phê bình xã hội học thiên về đánh giá tác phẩm theo các tiêu chí về mặt nội dung tư tưởng, nội dung hiện thực phản ánh. Trong cuốn Về khoa học và nghệ thuật trong phê bình văn học (Nxb Khoa học xã hội, 1980), nhà phê bình đã cố gắng bảo đảm sao cho đạt được các yêu cầu cả về khoa học cũng như về nghệ thuật, bám sát tác phẩm, vận dụng linh hoạt sự ưu việt của các phương pháp hiện đại như ký hiệu học và lý thuyết thông tin, thi pháp học, tự sự học, văn học so sánh, lý thuyết tiếp nhận…
Mặt khác, ý thức rõ điểm xuất phát của khoa học nghiên cứu văn học là nền văn hóa dân tộc, Hồ Tôn Trinh luôn bám chặt vào gốc rễ của truyền thống dân tộc, luôn tìm đến ngọn nguồn như tên một tác phẩm của ông: Văn học ngọn nguồn và sáng tạo. Theo ông: “Trong lịch sử văn hóa nhân loại, không dân tộc nào tồn tại và phát triển nhờ dựa vào văn hóa nước ngoài. Văn hóa là sức sống bên trong, là cuộc vận động trí lực và tạo tác từ lao động, sinh sống và phát triển trong cái nôi địa hình thái (gesomorphique), môi trường của bản thân mình. Càng phát triển, bản sắc dân tộc của văn hóa càng rõ nét, đa dạng trong xu thế hội nhập, giao lưu với văn hóa các nước. Bản sắc dân tộc nói chung và bản sắc văn hóa nói riêng là biểu hiện cao nhất của tư tưởng tự chủ, độc lập về chính trị, là biểu hiện của tiềm năng sáng tạo không ngừng của dân tộc. Một nền văn hóa đóng cửa, tự giam mình trong sự tù động của địa phương thì trước sau gì nó cũng bị xói mòn và cuối cùng là sự suy vong của nền văn hóa ấy”3.
GS. VS Hồ Tôn Trinh trong một buổi hội thảo khoa học
Bằng những phương pháp tiếp cận mới mẻ, hiện đại tiếp thu được trong khi nghiên cứu văn học, văn hóa nước ngoài, Hồ Tôn Trinh đã nỗ lực hết mình, bền bỉ làm sáng tỏ những giá trị nội sinh của kho tàng văn học dân gian và thơ Việt Nam hiện đại. Tác phẩm Từ ký hiệu học đến thi pháp học giới thiệu khái quát về ký hiệu học, quan hệ của nó với thi pháp học và thử áp dụng một thi pháp học gần gũi với ký hiệu học để lý giải thơ, ca dao, tục ngữ Việt Nam. Mở đầu tác phẩm này, ông có Đôi lời tâm sự: “… Bản thân tôi hồi còn bé vốn rất mê thơ… Khi chúng tôi đi làm cán bộ thì càng yêu thơ. Nhân dân ta rất mê thơ cho nên dùng thơ yêu nước để tuyên truyền vận động quần chúng làm cách mạng đã trở thành “một bài học nhập môn… Từ cái vốn hiểu thơ “tự nhiên chủ nghĩa” ấu trĩ, do thuộc lòng là chính, khi trở thành người nghiên cứu, trong môi trường hết sức thuận lợi, tôi đã nảy ra ý nghĩ muốn nghiên cứu thơ dưới góc độ khoa học để góp thêm một tiếng nói của người quý thơ”4. Tác phẩm Từ ký hiệu học đến thi pháp học cùng với Ký hiệu, nghĩa và phê bình văn học, Về khoa học và nghệ thuật trong phê bình văn học, Đối thoại văn học… góp phần đổi mới phương pháp nghiên cứu văn học, trả lại cấu trúc tác phẩm một số yếu tố bị bỏ quên, những tiềm năng của nhà văn bị coi nhẹ, giúp bạn đọc những cách tiếp cận mới thú vị. Điều đáng tiếc là quan niệm thi pháp của ông quá rộng khi ông kể tên “những công trình thi pháp học có giá trị”gần như gồm hầu hết các công trình nghiên cứu thơ cho đến thời điểm ấy ở nước ta5. Điều này chắc hẳn vui lòng các tác giả được ông nhắc đến nhưng đông đảo bạn đọc thì không dễ đồng tình. Có thể tham khảo thêm ý kiến của nhà thi pháp học nổi tiếng GS. TS Trần Đình Sử: “Hoàng Trinh trải qua chặng đường từ phê phán phủ định chủ nghĩa cấu trúc, phê bình ký hiệu học đi đến thừa nhận và vận dụng các lý thuyết ấy vào văn học. Hoàng Trinh chỉ vận dụng lý thuyết ký hiệu học của một trường phái Saussure và những người theo ông ta như R.Jacobson, Tz Todorov, xem văn học ở đây chỉ là thơ, là một hệ thống ký hiệu đặc thù thể hiện trong cách sử dụng ngôn từ theo nguyên lý ẩn dụ, hoán dụ. Phạm trù tính thơ ẩn dụ, hoán dụ được ông vận dụng để nghiên cứu tính thơ trong tục ngữ, ca dao, thơ qua một số công trình như Đối thoại văn học, Từ ký hiệu học đến thi pháp học. Nghiên cứu của ông hoàn toàn mang tính chất minh họa lý thuyết, do đó chưa có những phát hiện mà người đọc chờ đợi. Mặc dù ông quan niệm thi pháp gồm: quan niệm về thơ, sử dụng chất liệu để sáng tạo ra ý thơ, vận dụng kết cấu thơ, vận dụng quy luật âm vận nhất định, nhưng trên thực tế Hoàng Trinh đã làm việc giới thiệu, diễn giải một số vấn đề như ký hiệu, nghĩa, tạo nghĩa, tính thơ một cách thông tục trên chất liệu tục ngữ, ca dao và thơ đương đại. Ông góp phần quảng bá một số tri thức mà trước đây chưa được chú ý, thậm chí là phê phán một cách thiên lệch”6.
4. Giáo sư, Viện sĩ Hồ Tôn Tinh là nhà khoa học hàn lâm có tâm hồn nghệ sĩ. Ngoài nghiên cứu, ông còn là tác giả các tập: Trên những dặm đường khoa học (bút ký, 1996); Tuyển tập văn học (1998). Trong Lời giới thiệu bộ Hà Minh Đức tuyển tập (3 tập, Nxb Giáo dục, H.2004), ông đầy trân trọng tác giả khi viết: “Hà Minh Đức giữ được sự hài hòa của trạng thái song đôi giữa chất xanh tươi của lý luận và nghiên cứu khoa học với cây đời tươi xanh trong sáng tác văn chương”. Ta cũng có thể nói về chính ông như vậy. Hồ Tôn Tinh còn là người rất say mê tuồng và am hiểu nghệ thuật tuồng nên có nhiều bạn thân là nghệ sĩ tuồng như Tiến Thọ, Đình Bôi, Đàm Liên, Hòa Bình và các nhà nghiên cứu tuồng nổi tiếng như Hoàng Chương, Hoàng Châu Ký, Mịch Quang. Đến khi về hưu, ông vẫn tích cực tham gia hoạt động văn hóa – nghệ thuật, bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu dân tộc. GS Hoàng Chương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sân khấu Việt Nam (1983-1999) viết về ông: “Tôi chưa thấy một học giả, một trí thức lớn nào lại yêu thích nghệ thuật tuồng như Giáo sư, Viện sĩ Hoàng Trinh. Vì yêu tuồng mà Giáo sư, Viện sĩ Hoàng Trinh quý thân với tôi và cũng vì thế mà bất kỳ một vở tuồng nào khi tổng duyệt hoặc công diễn những buổi đầu là đều có mặt ông, thậm chí có vở ông nhận làm cố vấn như Nhiếp Chính Bang (kịch cổ điển của Kotona Jozsef Hungary)… Cũng nhờ xem tuồng nhiều, hiểu được đặc trưng của tuồng mà Giáo sư, Viện sĩ Hoàng Trinh có nhiều nhận xét rất trúng và có nhiều định nghĩa rất hay, góp phần bảo tồn, phát huy, phát triển nghệ thuật tuồng trong nhiều thập kỷ qua. Tại Hội Sân khấu Liên Xô (1981), ông đã thay mặt chúng tôi trình bày một cách thuyết phục sự giống và khác giữa tuồng Việt Nam và Kinh kịch Trung Quốc”7.
5. Là nhà khoa học xã hội nhân văn có uy tín, Giáo sư, Viện sĩ Hồ Tôn Trinh rất có công mở rộng hoạt động cho việc truyền bá trên các diễn đàn quốc tế về tinh hoa văn học nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung, bản sắc tư duy và chất liệu nghệ thuật, đặc thù của tiếng Việt văn học, đặc thù của văn học, văn hóa Việt Nam. Những công trình của ông được giới thiệu ở nước ngoài vừa giới thiệu những tinh hoa văn học, văn hóa nước ta giúp cho bạn đọc nước ngoài, nhất là các nhà Việt Nam học hiểu được phần nào tầm vóc, quan điểm cởi mở của khoa học xã hội Việt Nam vốn sinh ra và trưởng thành trong điều kiện khốc liệt của chiến tranh giải phóng, vừa thay mặt độc giả nước ta tiếp nhận tinh hoa văn học, văn hóa nhân loại.
Trong những năm công tác ở Viện Văn học, với tư cách là nhà khoa học thế hệ đi trước, nhà lãnh đạo của viện, Hồ Tôn Trinh là người không ngừng nỗ lực phấn đấu sáng tạo theo đường lối văn nghệ của Đảng8, vừa chỉ đạo thành công nhiều công trình nghiên cứu khoa học, vừa dành nhiều tâm huyết cho việc đào tạo các thế hệ học trò, các lớp chuyên gia kế cận. Đồng nghiệp và học trò rất mực quý mến ông – một ông đồ xứ Nghệ đời mới giản dị, khiêm tốn, đức độ. “Lòng nhân ái, thái độ thông cảm với mọi người, trước hết là đối với đồng sự, học trò của giáo sư được nhiều người thừa nhận. Nói chuyện với đồng nghiệp tri kỷ, ông thường phàn nàn tâm lý hẹp hòi, thói đố kỵ, ít tình người, thương nhau ít quá. Lương tâm khoa học ở một số người đó bị thay bằng những ý đồ thiếu trong sáng”… “Ở ông nổi bật là tính khiêm tốn, đôi khi rụt rè, nhưng là cử chỉ rụt rè của một bậc hiền tài. Nói chuyện với ông, đồng nghiệp thường học được đức tính biết mười nói một. Khi đã ở tuổi ngoài 70, khi đã có nhiều công trình về ký hiệu học, thi pháp…, vậy mà ông chỉ coi việc mình làm chỉ để “bày tỏ nguyện vọng tha thiết của mình”, để tham khảo ý kiến và học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu thơ ca vô cùng to lớn, đứng trước nó như đứng trước “cái vô cực”, bao giờ cũng thấy mình nhỏ bé “lực bất tòng tâm”… khi tên tuổi ông đã được tổ chức biên soạn tiểu sử danh nhân đưa vào những từ điển của mình như những Tự điển danh nhân của AB (1992-1993), Ai là ai trên thế giới (1991-1992) ở Mỹ, Trung tâm Biên soạn từ điển Cambridge ở Anh, mà ông vẫn chưa bằng lòng, mà vẫn nguyện “luôn cố gắng làm việc thầm lặng, hăng say đeo đuổi đến cùng sự nghiệp để có thể trở thành một chuyên gia đáng tin cậy”9.
6. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tôn Phương Lan, một người đồng hương, đồng nghiệp và là nhân viên cũ của Giáo sư, Viện sĩ Hồ Tôn Trinh thỉnh thoảng đến thăm vợ chồng ông cho biết: vào khoảng hơn 10 năm cuối đời, trong khi bạn bè nhiều người tậu thêm nhà, sắm thêm đồ đạc, chuyển đến nơi ở mới rộng rãi, tiện nghi đầy đủ thì vợ chồng ông vẫn sống trong một căn hộ chung cư cũ kỹ được phân hơn 25 năm về trước, đồ đạc sắm sanh từ trước vẫn còn nguyên, vẫn nước sơn cũ trên tường. Theo bà Tôn Phương Lan: “Bên cạnh ông luôn có bà săn sóc, ông bà lại ở chung cùng con cháu, cô con dâu mở quán cà phê nên khi đã cao niên không phải sống cô đơn quạnh quẽ như một số người. Khi được tin ông ra đi, tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng, xúc động và thương tiếc. Mà không riêng gì tôi, bởi ông đi trong một giấc ngủ kéo dài, không ốm đau, không một sự chuẩn bị đối với cả vợ con… Ông ra đi quá nhẹ nhàng, thanh thản. Như là ông chỉ ngủ một giấc dài rồi sẽ dậy…”10. Có lẽ tâm hồn ông thật sự trong sáng nên ông đã ra đi vào cõi vĩnh hằng thật dễ dàng, một sự ra đi biết bao bậc cao niên mơ ước.
———————
1. Tư liệu tổng hợp từ: a/Tôn Phương Lan: Nhớ GS Hoàng Trinh (vanhocnghethuathatinh.org.vn/vi/news/chan-dungvan-nghe-si/Giao-su-vien-si-HoangTrinh.63)/ Thứ 3 – 31/7/2012; b/ GS VS Hồ Sĩ Vịnh: GS. VS Hồ Tôn Trinh – gương mặt tài năng, đức độ. Trong sách Nhà văn Việt Nam hiện đại, Nxb Hội Nhà văn. H.1997; c/ Viện Văn học 50 năm xây dựng và phát triển (1953 – 2003) Nxb Khoa học xã hội. H.2003; d/ Wikipedia tiếng Việt mục từ GS Hoàng Trinh; e/ Đặng Thanh Quê, Đào Tam Tĩnh, Tác gia Nghệ Tĩnh thế kỷ XX, Sở Văn hóa và thông tin Nghệ Tĩnh, 1990, T.1, tr.126-127.
2, 7. Hoàng Chương, Nhớ Giáo sư, Viện sĩ Hoàng Trinh, Báo Nhân dân điện tử, 24/03/2011.
3. Dẫn lại theo Tôn Phương Lan, Nhớ GS Hoàng Trinh, Tài liệu đã dẫn.
4, 5. Hoàng Trinh, Từ ký hiệu đến thi pháp học, Nxb Đà Nẵng, 1997, tr.7, tr.9.
6. Trần Đình Sử, Thi pháp học hiện đại trong nghiên cứu văn học Việt Nam thế kỷ XX, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 2, 2-2009.
8. Tên một tác phẩm do ông chủ biên. Xem mục 1.
9. GS. VS Hồ Sĩ Vịnh, GS. VS Hồ Tôn Trinh – gương mặt tài năng, đức độ, Tài liệu đã dẫn.
10. Tôn Phương Lan, Nhớ GS Hoàng Trinh, Tài liệu đã dẫn.
Hồ Sĩ Hùy
Nguồn: Tạp chí KH-CN Nghệ An, số tháng 10-2016