Giáo sư Võ Quý: “Tôi còn nhiều việc phải làm”

Mặc dù đã ở vào độ tuổi xưa nay hiếm, nhưng GS. Võ Quý, 78 tuổi, nhà Sinh vật học Việt Nam vẫn dành nhiều thời gian cho nghiên cứu. Giáo sư đã dành nhiều thập kỷ để cố gắng “gây dựng” cuộc sống cho 2 triệu ha rừng bị phá hủy do chất diệt cỏ và chiến dịch đánh bom của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Tuy nhiên hiện nay, mối đe dọa lớn nhất cho môi trường Việt Nam, không phải chỉ là sự tàn phá do cuộc chiến tranh trước đây, mà còn là sự phát triển nhanh nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Nhiều nhà máy phải chịu một phần trách nhiệm về hạn hán, khí độc thải trực tiếp vào bầu trời, mất mùa và vật liệu xây dựng (đặc biệt là gỗ). “Tôi cố gắng tuyên truyền cho thế hệ trẻ của chúng tôi phải bảo tồn thiên nhiên”, GS. Võ Quý – nhà môi trường học lớn nhất Việt Nam nói, “nhưng một số người lại thích kiếm tiền hơn là chăm sóc, bảo vệ và trồng rừng”.

Việt Nam bổ nhiệm người giữ chức bảo tồn động vật hoang dã đầu tiên vào năm 1962, nhưng như GS. Võ Quý thừa nhận, “thời kỳ đó gặp không ít khó khăn, tồn tại, vì lúc ấy cuộc chiến tranh vẫn còn tiếp diễn”. Sau khi Việt Nam giành độc lập, thống nhất đất nước vào năm 1975, ông đã cùng đồng nghiệp phát triển một mạng lưới các vườn quốc gia và khu bảo tồn. Hiện nay, Việt Nam tự hào có 126 khu bảo tồn, mặc dù việc thực hiện các quy định của khu bảo tồn không phải lúc nào cũng được tuân thủ.

Từ đó, GS. Võ Quý bắt đầu chương trình hoạt động dựa vào cộng đồng và lâm nghiệp hóa, tức là giao đất, giao rừng trực tiếp cho nông dân, giới thiệu, chứng minh một cách tiếp cận mới, hiệu quả hơn so với cách làm cũ. Năm 1985, ông thành lập Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Quốc gia đầu tiên tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. GS. Võ Quý nhớ lại, “Thời đó rất khó khăn, chúng tôi đã phải kiêm nhiệm tất cả các công việc”.

Thật vậy, hoàn cảnh đã khiến GS. Võ Quý tự mình trở thành một “người máy” trong hoạt động môi trường. Nguyên tắc trong công việc của nhà tự nhiên học Việt Nam là không đổ lỗi cho hoàn cảnh, vượt lên mọi khó khăn, bản thân ông không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức. Ông tranh thủ thời gian rảnh rỗi, để sưu tầm và viết về các loài chim của Việt Nam. Nó đã trở thành cuốn sách đầu tiên về quần thể động vật Việt Nam trong kỷ nguyên hiện đại.

Hai việc lớn mà ông làm được trong cuốn sách là giới thiệu về loài gà lôi do chính GS. Võ Quý phát hiện năm 1964 và loài sếu quý hiếm do ông trực tiếp bắt được. Loài này đã từng di cư đến Việt Nam, nhưng bị tuyệt chủng trong chiến tranh. Ông cũng đã thiết lập được một khu bảo tồn các loài chim. Hiện nay, đã có hàng trăm loài sếu nêu trên (Eastern Sarus Cranes) sống ở vùng đất ngập nước của Việt Nam. Chúng có chiều cao trung bình 1,8m và là một trong những loài chim cao nhất thế giới.

Mặc dù đã nghỉ hưu từ rất lâu, nhưng GS. Võ Quý vẫn tích cực tham gia vào các dự án trồng rừng và bảo tồn sinh thái. Gần đây, ông vẫn còn đi thăm một khu vực vừa được khôi phục khỏi những ảnh hưởng của chất độc da cam và bom napan sau chiến tranh. Ông còn làm cố vấn cho thanh niên về vấn đề ô nhiễm không khí và các phản ứng phụ của công nghiệp hóa, nhưng vẫn hài hòa với khát vọng của tuổi trẻ về kế hoạch làm chủ các thiết bị kĩ thuật trong nhà máy công nghệ cao. Ông cũng lên tiếng chống lại tình trạng thương mại hóa động vật hoang dã, nạn chặt phá rừng bừa bãi.

“Tôi quá già”, GS. Võ Quý nói, “nhưng tôi sẽ không dừng lại, tôi thấy mình vẫn có nhiều việc để làm”.

 

Minh Quang (Theo Time) – Bản tin số 260 – VNU Media

Nguồn: www.vnu.edu.vn/btdhqghn/