Ký ức Tiệp Khắc

Năm 1965, Mỹ bắt đầu bắn phá Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc. Là bác sĩ chuyên về phẫu thuật lồng ngực, bác sĩ Đặng Hanh Đệ luôn túc trực tại Bệnh viện Việt – Đức, mỗi tuần thường có 4-5 ca phẫu thuật không kể sớm tối, hay ngày nghỉ lễ tết. Một hôm, GS Tôn Thất Tùng gọi học trò Hanh Đệ đến và nói: “Vào đây tao cho cái này”! Tôi rón rén vào phòng thầy. Thầy lấy ra cái mũ sắt của Đông Đức và bảo: “Đội vào mà đi cấp cứu cho đạn khỏi rơi vào đầu”. Thầy quan tâm từ những chuyện nhỏ nhặt và luôn tạo điều kiện cho chúng tôi làm việc”[1] – GS Đặng Hanh Đệ nhớ lại. Những ngày sau đó, với chiếc xe đạp và chiếc mũ sắt ngoại thầy Tùng cho, bác sĩ Đệ rong ruổi trên những con phố Hà Nội, hoặc khi thì đưa sinh viên đi thực tập ở các tỉnh lân cận.

Năm 1966, bác sĩ Đặng Hanh Đệ đưa một đoàn (Y5) trường Đại học Y đi thực tế và khám chữa bệnh cho nhân dân ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Khi vừa đến Tĩnh Gia, bệnh viện trưởng bệnh viện huyện thông báo có một bệnh nhân bị vỡ tử cung mà một sinh viên Y6 đang thực tập tại bệnh viện không xử lý được, phải đóng ổ bụng lại. Hai hôm sau bệnh nhân có dấu hiệu viêm phúc mạc. Qua trao đổi, bác sĩ Đệ nhận thấy tình hình rất nghiêm trọng. Ông trực tiếp thực hiện lại ca phẫu thuật cho bệnh nhân trong điều kiện dùng đèn măng xông vào buổi tối, vì ban ngày sợ máy bay ném bom. Sau phẫu thuật mấy ngày, vì thiếu máu, hạ huyết áp gây ra viêm thận cấp nên bệnh nhân tử vong. Đó là một kỷ niệm đáng buồn với ông và những đồng nghiệp trong đợt thực tế cách đây hơn 50 năm.

Bác sĩ Đặng Hanh Đệ ở Tĩnh Gia một tháng với chương trình hướng dẫn sinh viên thực tế và khám chữa bệnh cho nhân dân, sau đó đến làm việc một tháng ở Quảng Xương và thị xã Thanh Hóa. Ở đây, ông nhận được tin phải về Hà Nội gấp để chuẩn bị đi học ở nước ngoài. Ông hết sức ngạc nhiên vì thời điểm đó việc được đi học nước ngoài còn hiếm, khóa đại học cùng ông chỉ có 1-2 người được cử đi. Về Hà Nội thì ông được biết chính GS Tôn Thất Tùng đã đề nghị cử học trò Đệ đi học. Thầy Tùng nói: “Anh sang đấy mà học mổ tim”.

Tháng 6-1966, bác sĩ Đặng Hanh Đệ nhận quyết định đi thực tập sinh ở Tiệp Khắc. Trước hôm đi, ông đạp xe lên Chèm để thăm con gái, đang ở với ông bà ngoại tại nơi sơ tán. Ở lại đó một đêm rồi sáng hôm sau ông đạp xe về Hà Nội. Khi tạm biệt, cô con gái mới 2 tuổi cứ chăm chú nhìn bố. Còn ông vừa dắt xe ra cổng, vừa khóc. Ông khóc vì thương con gầy còm, vì nghĩ trong khoảng 3 năm tới không biết vợ con sẽ sống ra sao, trong khi Mỹ ném bom Hà Nội ngày một ác liệt.

Bác sĩ Đặng Hanh Đệ cùng vợ và con gái, 1965

Buổi chiều hôm lên đường, tiễn ông ở Ga Hàng Cỏ có vợ và một y tá nơi ông làm việc. Cảnh chia tay rất bịn rịn. Khi đoàn tàu lăn bánh, vợ ông chạy theo và vẫy tay tạm biệt như níu kéo người ra đi. Đây là lần đầu tiên ông xa vợ con nên mang nhiều tâm trạng, suy nghĩ, không biết rồi sẽ ra sao. Chuyến tàu hôm đó đi được một đoạn thì phải dừng lại vì bị ném bom hỏng đường. Thế là hành khách trên tàu phải xách hành lý, vali đi bộ khoảng 2 cây số để chuyển sang tàu khác.

Khoảng 9-10 giờ tối hôm đó tàu mới chuyển bánh. Sáng hôm sau, 6h tàu dừng ở ga Đồng Đăng. Ông vội xuống tàu, chạy ngay đi đánh bức điện về cho vợ với vỏn vẹn hai chữ: “An toàn”. Ở ga Đồng Đăng vài tiếng, tàu chuyển bánh sang bên kia biên giới và đến thị trấn Bằng Tường. Lúc này không còn lo bom đạn Mỹ nhưng đã ở đất nước khác, đầu ông lẫn lộn nhiều cảm xúc khó diễn tả.

Trên tàu, mỗi người được phát một cuốn sách bìa màu đỏ, trong đó trích dẫn các câu nói, chỉ thị của Chủ tịch Mao Trạch Đông và một chiếc huy hiệu Mao Trạch Đông để cài vào áo ngực. Lưu học sinh Việt Nam nhận sách, nhưng chủ yếu để lấy bìa nilon của quyển sách để làm việc khác. Tàu không dừng lại Bắc Kinh mà đi liên tục đến Mãn Châu Lý, qua Liên Xô rồi đến Tiệp Khắc. Những ngày trên lãnh thổ Trung Quốc, mỗi lưu học sinh được phát 2 nhân dân tệ. Mỗi lần tàu dừng ở ga nào đó thì ai cũng tranh thủ xuống mua những thứ lặt vặt như bút bi, cắt móng tay, dầu con hổ… để gửi về cho gia đình.

Bác sĩ Đặng Hanh Đệ đến Praha, Thủ đô của Tiệp Khắc vào một buổi trưa. Hai ngày sau đó, ông được chuyển đến một thị trấn nhỏ ở phía Nam của Praha – nơi sẽ học tiếng Tiệp. Đoàn lưu học sinh Việt Nam có khoảng gần 100 người, trong đó khoảng 40 người là học sau đại học, còn lại là sinh viên đại học.

Ổn định chỗ ăn ở, bác sĩ Đặng Hanh Đệ vội viết thư cho vợ để biết tình hình sức khỏe của gia đình. Ông được bố trí ở cùng một phòng với bác sĩ Đặng Hồi Xuân, sau này có thời gian làm Bộ trưởng Bộ Y tế; bác sĩ Phạm Kim, chuyên khoa tai mũi họng; bác sĩ Trần Luật, sau này giữ chức Giám đốc Sở y tế Hải Phòng. Theo bác sĩ Đặng Hanh Đệ, tiếng Tiệp gần giống tiếng Nga, nhưng phát âm cứng hơn. Ai đã có nền tảng tiếng Nga thì học tiếng Tiệp nhanh hơn. Khi ấy bác sĩ Đệ cũng biết một ít tiếng Nga nên học tiếng Tiệp thuận lợi hơn. Sau khóa học tiếng Tiệp gần một năm, bác sĩ Đệ được sứ quán gửi giấy khen vì học tốt.

Hoàn cảnh đất nước thời đó còn hết sức khó khăn, mỗi lưu học sinh được Bộ Tài chính cấp cho một bộ comple, quần đùi, áo trắng… Khi sang Tiệp Khắc, cả đoàn ăn mặc giống nhau, như đồng phục nhìn vào thấy khá khôi hài. Bộ comple may sẵn không dựa theo số đo từng người. Ông Đệ cao trên 1,7 mét nên được phát loại to, chiều cao thì vừa nhưng chiều ngang thì rộng. Giáo sư Đặng Hanh Đệ kể: “Về bộ comple màu xanh lá cây, lốm đốm sợi màu đen, có câu chuyện hết sức buồn cười nhưng cũng tại khó khăn mà ra. Hôm sắp bảo vệ luận án, anh Đặng Hồi Xuân viết thư hỏa tốc cho tôi, nói rằng: “Mình mang bộ comple ra hiệu nhuộm màu đen để nhìn cho có vẻ nghiêm chỉnh nhưng sau khi nhuộm xong nó nhăn nhúm, co nhỏ lại nên cũn cỡn, không mặc được. Cậu cỡ như mình thì có thể đổi cho mình bộ complet được không”. Tôi gửi ngay cho anh Xuân bộ complet, anh ấy gửi lại cho tôi bộ comple màu đen mới nhuộm. Tôi trông thấy thì buồn cười, nhăn nhúm, méo mó, vứt lại chẳng mang về nước nữa”.

Sau một năm học tiếng Tiệp Khắc, bác sĩ Đặng Hanh Đệ được cử về Brno, thành phố phía Nam của Tiệp Khắc. Bác sĩ Đặng Hanh Đệ ở Brno 2 năm để học về mổ tim hở. Khi còn ở trong nước, ông được biết ở Brno có một vị giáo sư giỏi mổ tim hở, là người xây dựng ngành mổ tim hở ở Brno. Nhưng khi đến Tiệp Khắc, ông chỉ đến gặp vị giáo sư này được một lần vì sau đó ông ta được mời sang làm chuyên gia ở Áo. Tiệp Khắc và Áo là hai nước sát nhau, từ Tiệp sang thủ đô Viên của Áo chỉ mất vài km, nhưng hai nước khác hẳn nhau, một bên là Tiệp Khắc theo chế độ xã hội chủ nghĩa, còn Áo theo chế độ tư bản chủ nghĩa.

Bác sĩ Đặng Hanh Đệ đang học ở Tiệp Khắc thì xảy ra sự kiện “Mùa xuân Praha”, diễn ra vào năm 1968. Nó bắt đầu ngày 5-1-1968, khi nhà cải cách người Slovak Alexander Dubček lên nắm quyền lực, và kéo dài tới ngày 21-8-1968 khi Liên Xô và các thành viên khối Hiệp ước Warszawa phải can thiệp để ngăn chặn các cuộc cải cách. Bác sĩ Đặng Hanh Đệ học tập tại Tiệp Khắc đến năm 1969 thì về nước. Trong những tháng ngày ở Brno, Tiệp Khắc, ông ở ký túc xá cùng với những đồng nghiệp Việt Nam. Thường thì vào dịp nghỉ hè, ký túc xá rất vắng sinh viên, trường dùng làm nơi cho khách du lịch thuê để nghỉ ngơi.

Ngoài những lúc làm việc, học tập, thì gia đình, đồng nghiệp trong nước luôn thường trực trong suy nghĩ của bác sĩ Đặng Hanh Đệ. Cách liên lạc duy nhất với người thân là thư. Thường phải một tháng gia đình ở Việt Nam mới nhận được thư ông gửi về, rồi lại mất thêm một tháng thư từ Việt Nam sang đến Tiệp Khắc. Như vậy, cứ khoảng 2 tháng, ông mới nhận được một bức thư nhà. Ông tâm sự: “Nhiều khi đọc thư xong chẳng nhớ vợ trả lời câu hỏi nào thư trước của mình. Hai bên thống nhất mỗi tuần gửi 2 thư, đánh số từ 1 đến 50, hết 50 rồi lại đánh số từ 1 đến 50 khác. Đánh số như thế để nhận biết thư nào trước, thư nào sau, thư nào bị thất lạc.

Trong suốt ba năm học ở Tiệp Khắc, vì sợ tốn kém bác sĩ Đặng Hanh Đệ không một lần về nước thăm gia đình. Ông nhớ có một bác sĩ tên Vĩnh được cử về Hà Nội làm việc gì đó khiến cho những cán bộ khác đều mong ước được như vậy. Khi ông Vĩnh trở lại Tiệp Khắc, việc đầu tiên là ông mua một con gà về phòng luộc lên ăn, vì trong thời gian trở về nước ăn uống rất thiếu thốn. Đó là tình cảnh chung của lưu học sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam những năm ra nước ngoài học tập. Chính vì thế những năm ở Tiệp Khắc, chẳng ai bảo ai nhưng mọi người đều dành dụm, tiết kiệm tới mức tối đa. Những người có vợ con thì càng tiết kiệm hơn. Ông kể: Tiêu chuẩn thịt của tôi và vợ được nhiều hơn vì ngoại khoa, gây mê. Trẻ con có 3 lạng, còn vợ chồng mỗi người một cân. Tất cả thịt ấy lọc ra phần nào ngon cho con, còn mình ăn phần bạc nhạc… Thời kỳ đó, bác sĩ Đệ mới có con đầu lòng nên có cái gì là để dành, không dám tiêu. Bia Tiệp ngon là thế, kem cốc ngon là vậy nhưng cả 3 năm ông không dám uống một cốc bia nào và chỉ ăn kem một lần duy nhất.

Câu chuyện bác sĩ Đặng Hanh Đệ gửi hàng về cho vợ con vừa đau lòng, vừa khôi hài. Ông cho biết, theo quy định lúc ấy thì mỗi năm được gửi hàng về nước một lần, mỗi lần tối đa là 5kg. Ông dành dụm đồ đạc rồi đóng vào một chiếc vali nhỏ, khóa cẩn thận để gửi về nước. Ở Tiệp Khắc, người ta quy định đồ bán cho trẻ em có giá bằng nửa so với đồ bán cho người lớn. Ông đến cửa hàng mua cho con mấy bộ quần áo ấm nhưng khi gửi về đến nhà thì vợ ông viết thư sang thông báo rằng quần áo bị mất khuy. “Quái nhỉ, quần áo áo bên này có khuy. Có thể khi gửi về Việt Nam, quần áo có khuy nhựa đẹp bị cắt hết, không bị mất quần áo là may. Có người mua kim chỉ gửi về cho vợ nhưng khi gửi về đến nhà cũng bị mất một số kim”. Nhắc đến lần gửi hàng về cho vợ, GS Đặng Hanh Đệ chợt nhớ lại những lần cùng vợ ngồi khâu vá áo quần, tã lót cho con. Ông kể: “Buổi tối, vợ tôi ngồi lọc những áo quần cũ để khâu yếm dãi cho con sắp sinh. Vợ tôi chỉ khâu phần chính, còn tôi cũng lấy kim ra khâu. Tôi hỏi vợ khâu thế nào để trông cho nó điệu điệu một tí. Còn khi có điều kiện gửi đồ về cho vợ con thì vợ giặt đồ cũng không dám phơi, sợ người ta bàn tán, rất bất tiện. Những ngày ấy khổ thế đấy, cái gì cũng phải giấu giếm”.

Những năm máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội và các tỉnh lân cận, vợ ông phải sơ tán hết nơi này đến nơi khác. Do vậy ông gửi thư hoặc đồ theo địa chỉ cũ thì vợ ông phải rất lâu sau mới nhận được. Có lần, ông gửi mấy hộp sữa nhưng nửa năm sau vợ mới nhận được. Khi kiểm tra thì sữa đã đóng bánh, cứng như gạch. Bỏ đi thì tiếc mà sử dụng thì sợ thiếu an toàn. Vợ ông giã nhỏ sữa đã đóng bánh ra và pha cho con ăn. Có lần ông gửi đề tên vợ mãi mới đến. Lần sau ông gửi theo địa chỉ của thầy – GS Tôn Thất Tùng. Giáo sư Đệ kể về chuyện lần ấy: “Ngoài một số gửi biếu vợ chồng thầy Tùng, tôi gửi kèm cả đồ cho vợ con. Nhận được giấy báo thầy Tùng ra bưu điện ở Bờ Hồ lấy hàng tôi gửi. Nhận ra GS Tôn Thất Tùng, tiếng tăm lẫy lừng nên bưu điện không yêu cầu mở gói hàng để kiểm tra. Ôi trời! Khi về nhà thầy mở ra thì thấy đồ lót mà tôi gửi về cho vợ. Thầy chửi vui: “Thằng này toàn gửi đồ lót”. Tội thế đấy!”.

Những ngày ở Tiệp Khắc, mặc dù điều kiện sống tốt hơn ở Việt Nam rất nhiều nhưng bác sĩ Đặng Hanh Đệ và đồng nghiệp luôn sống tằn tiện, để dành một phần nào đó gửi về cho gia đình. Lần ấy vào dịp lễ Noel, nhà bếp nghỉ, sinh viên, học viên phải tự lo ăn uống. Nhà trường phát cho sinh viên, học viên một số đồ hộp và bánh mì. Nhưng ăn một bữa, hai bữa đồ hộp thì ai cũng chán ngấy. Bác sĩ Đệ tìm cách muối dưa từ cải bắp, nhưng lấy đâu ra vại như ở Việt Nam. Ăn còn dùng đĩa chứ lấy đâu ra bát. Nếu có bát to thì ông cũng tìm cách xin ở căng tin về mà muối dưa. Ông tìm khắp các phòng của toà nhà ba tầng để kiếm một dụng cụ có thể muối được dưa mà không thấy. May thay, lên tầng thượng, ông phát hiện ra một cái chụp đèn màu trắng, đường kính khoảng 40cm. Chắc là chiếc chụp đèn này đã bị hỏng, ai đó không dùng nữa nên để ở đó. Ông vui mừng vì đã tìm đã dụng cụ muối dưa. Chiếc chụp đèn được rửa sạch, trở thành chiếc vại muối dưa bất đắc dĩ. Ở xứ lạnh, nên ông để “vại” dưa mới muối cạnh ở lò sưởi. Chỉ chưa tới 3 ngày là dưa chua ngon. Dưa ấy có thể ăn sống hoặc đem nấu với cá thì rất ngon. Bằng cách ấy, ông cải thiện bữa ăn cho anh em Việt Nam.

Lại một chuyện khác phản ánh cái khó, cái khổ của người Việt Nam trong hoàn cảnh ấy. Ông kể: “Có lần, chúng tôi ra rừng chơi. Dân Tiệp làm trại, căng lều nghỉ mát, tắm hồ. Đi lang thang trong rừng, thấy một lô cốc thủy tinh, có khi là cốc giấy cứng đẹp. Tôi nhặt mấy cốc thủy tinh, ông Đặng Hồi Xuân nhặt mấy chiếc cốc bằng giấy. Là đồ vất đi nhưng mình ở nước nghèo, lần đầu tiên thấy thì thích lắm. Chúng tôi mang những cái đó về rửa sạch để làm cốc uống nước vì trong phòng chỉ có 4 cái giường và một cái bàn. Ông Xuân nhặt mấy cái cốc ấy về khoe. Tôi đổ nước nóng vào thì nó co lại, tóe nước ra nhà. Mọi người cười vang”.

Sống ở Tiệp Khắc, thiếu thốn tình cảm gia đình nên khi có thư nhà sang là mọi người đều đọc cho nhau nghe. Ông Đặng Hồi Xuân là người lớn tuổi nhất, có 5 con, đọc thư con trai gửi sang thông báo mới bắt được mẻ cua nấu canh cho cả nhà ăn. Ông Phạm Kim có hai người con, qua thư biết các con bị ốm thì khóc nấc lên vì thương con. Cả nhóm mỗi lần nghe đọc thư nhà gửi sang thì ai nấy cũng vui nhưng rồi cũng buồn. Vui vì nhận được tin vợ con, buồn vì thấy cuộc sống của vợ con, người thân ở quê nhà khổ quá.

Trong những bữa cơm, những lần trò chuyện, ông Đặng Hồi Xuân hay nhấn mạnh rằng: “chúng ta đang lúc hàn vi, sau này nếu có ai ăn nên làm ra, khá giả thì hãy nhớ đến nhau”.

Nhắc đến một nhà khoa học thì điều được quan tâm là những công trình nghiên cứu, những đóng góp của họ cho khoa học, cho xã hội. Đó là điều hiển nhiên, nhưng đằng sau những vinh quang khoa học là những câu chuyện và hành trình phấn đấu gian khổ cũng là những ký ức rất đáng trân trọng trong cuộc đời. Đối với bác sĩ Đặng Hanh Đệ, nếu không có khoảng thời gian học tập ở Tiệp Khắc thì đã không có một bác sĩ mổ tim hàng đầu ở Việt Nam sau này. Ký ức Tiệp Khắc vẫn thường trở lại và như một phần không thể thiếu trong cuộc đời của ông.

Nguyễn Thanh Hóa

[1] Những câu trích trong bài viết này được lấy từ tài liệu ghi âm phỏng vấn GS Đặng Hanh Đệ, 17-10-2016, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.