Giáo sư thừa nhận, việc sinh trưởng trong gia đình nghệ thuật có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của ông, và sau này là con trai ông-đạo diễn Trần Lực. “Nền tảng để tôi có thể tiến xa trên con đường phát triển sân khấu dân tộc chính là tôi được học nhiều ngoại ngữ, đọc được nhiều sách báo của thế giới”-GS Trần Bảng cho biết. Ông thông thạo các thứ tiếng như: Pháp, Anh, Nga, Đức và cả Hán, Nôm. Nhiều người thấy, trong tác phẩm của Trần Bảng có màu sắc của kiến thức phương Tây nên tưởng ông được đào tạo tại nước ngoài nhưng thật ra ông chưa từng xuất ngoại để học hành. Tất cả những gì ông có được đều là học từ trong nước, đặc biệt đọc sách ngoại văn và tự tìm đường đi cho chính mình.
Thời kháng chiến chống Pháp, chàng trai Trần Bảng bén duyên Đội Tuyên truyền Sao Mai tại quê nhà ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng bằng việc viết kịch bản, diễn tiểu phẩm nhằm khích lệ quần chúng nhân dân nêu cao tinh thần kháng chiến. Rồi ông tham gia Đoàn Văn công Trung ương trên Chiến khu Việt Bắc và được phân công hoạt động trong tổ kịch nói. Thời điểm ấy, Trần Bảng đang bị cuốn hút bởi những vở bi kịch cổ đại Hy Lạp, kịch cổ điển cũng như văn học lãng mạn Pháp. Nhưng một sự kiện diễn ra khiến cuộc đời và sự nghiệp sân khấu của ông rẽ sang hướng mới. Đó là năm 1950, Đảng ta chủ trương khôi phục vốn cổ của dân tộc. Đoàn Văn công Trung ương lúc này gồm ba tổ: Kịch, ca-múa-nhạc và chèo đã đặt ra quy định: Đầu giờ sáng, cả ba tổ phải tập trung học hát chèo. Những làn điệu chèo cổ đẹp mê hồn do các nghệ nhân trong đoàn trực tiếp truyền dạy đã hút hồn chàng trai Trần Bảng vốn mê sân khấu phương Tây lúc nào không biết. Người đọc nhiều, biết nhiều về văn chương thế giới nhận ra rằng, trên đời thật chẳng gì bằng nghệ thuật dân tộc, trong đó lấp lánh, tinh túy, thấm đượm tinh thần nhân văn thì không có gì so sánh được với nghệ thuật chèo.
GS, NSND Trần Bảng
Cho đến năm 1952, Đoàn Văn công Trung ương được Ban Tuyên huấn Trung ương giao dàn dựng vở kịch “Dân cày vùng lên” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng do Thế Lữ làm đạo diễn. Tổ kịch thì bận tập vở, trong khi tổ chèo ngồi chơi nên Trần Bảng nảy ra ý định dựng một vở chèo mang tên “Chị Trầm”. Tưởng chỉ dựng chơi, ai ngờ khi đem hai vở về ATK để duyệt tiết mục phục vụ hội nghị thì “Chị Trầm” lại được chọn. Đêm diễn “Chị Trầm” tại ATK, Tân Trào năm đó, trong hàng ghế khán giả còn có cả Bác Hồ và các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt. Bác Hồ dành những lời ngợi khen cho các anh em nghệ sĩ trong đoàn và mời tác giả, đạo diễn Trần Bảng cùng ăn bữa cơm thân mật. Bác dặn dò chàng nghệ sĩ trẻ: “Chèo là viên ngọc quý, phải ra sức học, đặc biệt học các nghệ nhân để hiểu sâu và nắm vững”. Từ đây, cuộc đời Trần Bảng gắn bó với nghệ thuật chèo với nhiều vai trò khác nhau, từ sáng tác, đạo diễn, nghiên cứu lý luận, giảng dạy đến quản lý. Mỗi lĩnh vực cũng đủ để một người tạo dựng sự nghiệp riêng, đằng này Trần Bảng là người “5 trong 1”, thật hiếm có của nghệ thuật chèo dân tộc.
Năm 1966, Trần Bảng được giao trọng trách Phó vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Sân khấu nên không có cơ hội làm nghề. Nghĩ về quãng thời gian này, ông cứ tiếc: “Biết thế không làm quản lý. Nếu dành toàn bộ thời gian và tâm huyết để sáng tác và dàn dựng tác phẩm chèo thì sẽ tốt hơn”. Cũng may, công việc quản lý không chiếm của ông nhiều thời gian. Năm 1971, ông được điều về làm Giám đốc Nhà hát Chèo Trung ương. Trở về với sàn diễn, ông bắt tay dàn dựng “Lọ nước thần”, “Tình rừng”, “Sông Trà Khúc”, viết kịch bản “Cô gái và anh đô vật”, “Chuyện tình những năm 80”.
Sau khi sắp trò và chỉ đạo dàn dựng lại “Quan Âm Thị Kính” để tham dự Liên hoan ca kịch quốc tế năm 1985 tại Berlin (Đức), Trần Bảng dành nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu lý luận. Những cuốn sách của ông như: “Chèo- một hiện tượng sân khấu dân tộc”, “Khái luận về chèo” … được người trong nghề đánh giá cao. Nhờ làm nghiên cứu, GS Trần Bảng có thời gian xem xét lại những tác phẩm của mình, tự đánh giá và nhận ra những lỗi mà nhiều người trong nghề không phát hiện được. Những tác phẩm cổ như: “Súy Vân”, “Nàng Thiệt Thê”, “Lưu Bình-Dương Lễ” … do GS Trần Bảng phục hồi, sửa chữa cũng đã tạo được dấu ấn đặc biệt trong nghề không chỉ nhờ kỹ thuật đạo diễn bậc thầy mà còn bởi ông đã thổi vào tác phẩm tư tưởng nhân văn, sự đồng cảm với thân phận, khát vọng của con người.
Khởi đầu với sân khấu bằng công việc viết kịch bản, qua quá trình học tập, nghiên cứu, ông đã được Nhà nước phong tặng chức danh Giáo sư, trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Đến tuổi 80, ông viết cuốn sách “Nghệ thuật đạo diễn chèo” và là tác phẩm đầu tiên ông viết bằng máy vi tính. Ông kể: “Những tác phẩm trước, tôi toàn viết tay. Ngày đó, thấy máy vi tính tiện lợi, tôi cũng học sử dụng và quyết định sẽ viết một tác phẩm bằng công nghệ mới”. Và ông đã viết cuốn sách đó trong vòng mấy năm trời. Bao thế hệ học trò của GS Trần Bảng, từ đầu xanh đến đầu bạc, không ít người đã trở thành thầy của những thế hệ khác. Và chính các học trò đã làm hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật cho thầy. GS Trần Bảng tâm sự, khi biết tin mình được Giải thưởng Hồ Chí Minh, ông vô cùng sung sướng bởi cả đời ông vẫn tâm niệm làm nghệ thuật đơn giản vì yêu, vì say chứ đâu phải vì danh hiệu.
Sau Giải thưởng Hồ Chí Minh, GS Trần Bảng nhận tiếp tin vui là con trai-NSƯT Trần Lực ra mắt đoàn kịch tư nhân mang tên LucTeam, bước đầu gây ấn tượng đẹp với làng sân khấu. Là người gắn bó nhiều với sàn diễn, ông từng buồn khi Trần Lực học đạo diễn sân khấu mà lại bỏ đi làm điện ảnh. Ông cũng ngạc nhiên khi chàng minh tinh màn bạc một thời lại ra mắt những vở diễn mới với phong cách hoàn toàn khác. “Kịch của Lực mới xem có vẻ rất Tây nhưng trong đó yếu tố chèo, tuồng rất nhiều, nhất là vũ đạo và cách vẽ mặt nạ. Ước lệ là đặc trưng của sân khấu truyền thống dân tộc, đó cũng là phong cách mà LucTeam lựa chọn. Tôi xem kịch của Lực thì thấy rằng những thủ pháp mình đã viết trong cuốn “Nghệ thuật đạo diễn chèo” đã được áp dụng hết”, vị Giáo sư già tiết lộ. Ông vui vì con trai thừa hưởng vốn liếng của cha, cũng kết hợp Đông Tây kim cổ mà lại theo lối riêng. “Làm như Lực hay, chứ nếu lại vào một đơn vị chèo nào đó, dựng những vở như thế hệ trước đã dựng thì không thích lắm”-đạo diễn Trần Bảng bộc bạch.
Nay, đã ở tuổi ngoài 90, song GS, NSND Trần Bảng vẫn minh mẫn và đặc biệt mê công nghệ thông tin. Ông bảo, ở nhà suốt ngày chẳng phải làm gì nên chủ yếu dành thời gian làm bạn với facebook. Ông bảo, “phây” hay vì giúp mình biết các con cháu đang làm gì, nghĩ gì. Không những thế, ông còn biết cả các đồng nghiệp, học trò đang có kế hoạch gì cho tương lai. Nhờ “phây” mà ông biết, hóa ra có quá nhiều nhóm các bạn trẻ yêu chèo lên đây lập nhóm để kết nối và chia sẻ thông tin. Điều làm ông bất ngờ là những người nghiệp dư yêu chèo có vẻ làm việc rất khoa học thì các diễn viên chèo chuyên nghiệp lại thường khoe những hình ảnh… “đồng bóng”. Hỏi GS, NSND Trần Bảng nghĩ gì về tương lai của chèo, ông trả lời: “Ai bi quan chứ tôi thì rất lạc quan. Đấy, các nhóm yêu chèo toàn người trẻ, có tri thức. Chèo càng ngày càng bám rễ vào dân thế này thì làm sao mất được. Chỉ là kinh tế đang khó khăn nên chưa tìm được lối đi. Chờ đến khi đời sống khởi sắc, thì với tình yêu ấy, mọi người sẽ tìm hướng phát triển hợp lý cho môn nghệ thuật độc đáo này”.
Bài và ảnh: Thu Huyền
Nguồn: http://ct.qdnd.vn/