Tôi có mấy điểm muốn chia sẻ sau.
1- Với quan sát của một người bên ngoài, như một khách tham quan chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy rằng du lịch ở Cổ Loa chưa phát triển; khách đến Cổ Loa thường chỉ đến vào dịp Tết, vào dịp hội Cổ Loa. Họ đến thắp hương, tưởng nhớ các vị tiên tổ, nhất là cầu khấn sự may mắn từ các vị tiên tổ, các vị thần linh còn thì suốt 11 tháng còn lại trong năm chỉ lác đác khoảng vài chục ngàn đến trăm ngàn khách. Khách đến thắp hương ở đền Cổ Loa, đình Ngự triều di quy là chính. Họ hầu như không đi xem 3 vòng thành mà theo chúng tôi đấy mới chính là di tích đáng lôi kéo mọi người đến nhất.
Một nhận xét hay câu hỏi đầu tiên đặt ra Di tích lịch sử 2300 năm tuổi độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á, Di tích quốc gia đặc biệt, tại sao không tạo thành điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô? thực chất Di tích Cổ Loa hiện nay là chưa hay không có khách?
Điều này có xứng tầm là một di sản văn hoá độc đáo hàng nghìn năm tuổi, gắn với buổi đầu dựng nước của dân tộc không? Chính điều này làm tôi thấy day dứt điểm và trăn trở khi đến thăm Cổ Loa gần đây.
Chúng ta nhìn xung quanh Hà Nội, nhiều di sản lịch sử và thiên nhiên đang khởi sắc. Hạ Long, di sản thiên nhiên, hàng năm thu hút hàng triệu khách du lịch. Ninh Bình, vừa di sản thiên nhiên vừa di sản lịch sử, 10-15 năm qua đã thay đổi hẳn cách nhìn, đánh thức được tiềm năng, trở thành một trung tâm du lịch của cả nước (Tôi nhớ cách đây khoảng 20 năm có dịp thăm Thạch Lâm ở Vân Nam, thấy khách thăm nghìn nghịt leo núi, khám phá cảnh quan núi đá ở đây tôi ngậm ngùi nghĩ Ninh Bình của mình đẹp là thế, đẹp hơn cả Thạch Lâm vì có cả núi lẫn nước, như một Hạ Long cạn mà sao lại để hoang hoá như vậy? 10 năm sau, Ninh Bình bừng tỉnh). Tại sao Ninh Bình thành công? Cổ Loa thì sao? Cổ Loa của chúng ta vẫn đang ngủ. Chúng ta còn chờ đến bao giờ?
Cổ Loa có thể trở thành một điểm du lịch văn hóa lịch sử, cảnh quan lịch sử được không?
Tôi cho rằng Cổ Loa nếu có tầm nhìn và đầu tư tốt sẽ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất của thủ đô. Hấp dẫn bởi tính lịch sử của Loa thành, bởi những câu chuyện tình lịch sử, bi kịch, đầy tính nhân văn, bởi cảnh quan thiên nhiên – nhân văn tuyệt vời vẫn còn giữ được.
Nhưng những tiềm năng này đang có nguy cơ bị xâm thực mạnh mẽ trong bối cảnh rất nóng của quá trình đô thị hoá và sự bức súc của người dân mong muốn thay đổi cuộc sống của mình.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy phát biểu tại tọa đàm “Cổ Loa: Từ giá trị cốt lõi đến bảo tồn và phát triển”
2- Chúng ta đều biết, Luật Di sản Văn hoá nhấn mạnh trong điều 32, khoản 2: “Các khu vực bảo vệ quy định tại khoản 1 điều này phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định trên bản đồ địa chính, trong biên bản khoanh vùng bảo vệ của hồ sơ di tích và phải được cắm mốc giới trên thực tế”. Đó là quy định thiết yếu đầu tiên với một di tích. Chúng tôi được biết cho đến nay Cổ Loa vẫn chưa thực hiện được quy định quan trọng này.
Tại sao được xếp Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đợt đầu tiên, từ 1962, tức là thuộc diện di tích đầu bảng, nay được nâng lên là di tích Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt, vậy mà hơn nửa thế kỷ qua, chính xác là 56 năm rồi Cổ Loa vẫn không xác định được toàn bộ mốc giới di tích? Vẫn chỉ là di tích mà không biết ai là chủ thể quản lý đích thực, nhất là không biết phải quản lý những gì ? Khó khăn ở đâu mà không thể giải quyết được?
Không có sổ đỏ như thường gọi hay không có mốc giới được cắm để khoanh vùng bảo vệ, để xác lập chủ quyền bảo vệ thì làm sao bảo vệ được?
Hiện nay theo chúng tôi được biết Ban quản lý di tích Cổ Loa chỉ quản lý đình, đền, miếu, giếng ngọc, vườn thuyền ao mắm… Hạt nhân của Loa thành, như chúng tôi hiểu, là 3 vòng thành, 3 vòng hào và không thể không nói đến sông Hoàng giang là điều kiện môi trường không thể thiếu được để hình thành thành Cổ Loa thì nằm ngoài vòng kiểm soát của Ban quản lý di tích mà do chính quyền sở tại xã Cổ Loa quản lý; Ban quản lý di tích chỉ có quyền giám sát, phát hiện vi phạm về các vòng thành thôi. Việc phân chia chức năng quản lý như vậy đã đúng chưa, đã hợp lý chưa? Một di tích với những yếu tố cấu thành cơ bản của nó lại bị chia tách manh mún về quản lý. Di tích không được quản lý thống nhất, đồng bộ, thiếu tập trung thì sẽ rất khó có những định hướng chung trong việc bảo tồn, dễ mạnh ai nấy làm lắm, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Mà sự thực đã diễn ra như thế. Chính quyền sở tại lắm việc, lại không chuyên về quản trị và phát huy giá trị của di tích, thì có thể làm tốt việc bảo vệ và phát huy di tích cũng như tổ chức hoạt động du lịch một cách chuyên nghiệp được không? Phải chăng cần phải thay đổi việc tổ chức quản lý thống nhất Cổ Loa như một di tích tổng thể như thế nào cho tốt nhất? Đó là loạt câu hỏi thứ hai mà chúng tôi muốn nêu ra để chúng ta thảo luận.
3- Trong thời gian qua nhà nước đầu tư cho Cổ Loa chủ yếu tập trung vào vùng thành nội với Đền Thượng, Đình Ngự triều di quy, am Mỵ Châu, Giếng Ngọc… Tôi hiểu lý do đây được coi là vùng lõi nhất, vùng bảo vệ 1 cần được ưu tiên nhất.
Vận dụng các quyết định của Thủ tướng về quy hoạch di tích, của UBND Thành phố Hà Nội về di tích, thực tế thời gian qua Hà Nội tập trung vùng lõi nhất này để ưu tiên bảo vệ và đã làm được một số việc rất cơ bản.
Tuy nhiên vấn đề đặt ra là quan niệm quản trị Cổ Loa như vậy đã thật đúng chưa? Cách quản trị khu vực bảo vệ như vậy mà quá ưu tiên vùng lõi ở vòng thành nội với các di tích đình, đền, am, giếng phải chăng là quá máy móc, có phù hợp với di tích có đặc điểm rất riêng này chưa? Cách tập trung bảo vệ như vậy đã bao hàm đúng về các giá trị của di tích Cổ Loa chưa?
Bình thường, mỗi di tích chỉ có một vùng lõi. Điều ấy là đúng. Chính vì thế Luật di sản văn hoá có quy định về các khu vực bảo vệ di tích (điều 32, khoản 1)
– “Khu vực bảo vệ 1: là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích
– Khu vực bảo vệ 2: là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ 1″
Và Luật còn nhấn mạnh trong điều 32, khoản 3: “Khu vực bảo vệ 1 phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian”
Nhưng di tích Cổ Loa thì khác. Cổ Loa là ngôi thành với 3 vòng thành. Ta không biết các vòng thành này cái nào xây trước, cái nào xây đắp sau hay đồng thời. Nhưng truyền thuyết và tâm trí người VN thì Cổ Loa là 3 vòng thành. Cái giá trị nhất chính là 3 vòng thành này. Tôi quan niệm cả 3 vòng thành đều có giá trị lịch sử ngang bằng nhau. Không thể nói vòng thành nội, vòng trong cùng quan trọng hơn vòng ngoài hay ngược lại. Quan niệm quản lý và quản trị di tích Cổ Loa hiện nay có vẻ khác. Các vòng thành của Cổ Loa nhìn trên thực tế dường như hiện nay chưa được chú ý đúng mức? Việc quá ưu tiên bảo tồn với các di tích ở vùng thành nội phải chăng chưa hợp lý? Chính cách tư duy đó làm tổn hại di tích thành Cổ Loa, làm cho các vòng thành trung và vòng thành ngoại chưa được bảo vệ và phát huy đúng giá trị của nó. Phải chăng chúng ta cần tư duy lại vấn đề này?
4- Lại một điều khác nữa. Đó là vấn đề Thành và hào. Nói đến Cổ Loa không chỉ nói thành, 3 vòng thành mà là phải nói về thành và hào và cả sông Hoàng Giang nữa. Hào không được chú ý đúng mức hay nói một cách nghiêm túc, hào gần như bị lãng quên.
Cho đến nay chưa có đoạn hào nào được khôi phục thành hào cho rõ hình hài với độ sâu và mặt nước vốn có của nó. Các hào đã nông cạn gần như mặt ruộng. Mùa nước thì nhiều đoạn hào cũ sẽ trở thành đầm. Nhiều đoạn hào đã bị lấn chiếm, xây dựng, kể cả xây trụ sở hay trường học.
Liên hệ thành Diên Khánh ở Khánh Hoà mà tôi vừa có dịp quan sát tháng trước thì thấy ở đó được bảo tồn các vòng thành khá tốt. Nhiều đoạn thành được đắp lại. Hào được khơi thông.
Việc quản trị thành và hào hiện nay do Chính quyền địa phương thực hiện. Toàn bộ di tích cốt lõi này chưa được xác định mốc giới. Không tổ chức bảo vệ di tích ở đây một cách chuyên nghiệp thì khó có thể giữ ven toàn thành và hào như vẫn đang tồn tại.
5- Vẻ đẹp của Cổ Loa còn là toàn bộ cảnh quan của Cổ Loa, nhất là cảnh đẹp nhìn từ xa, ít nhất là từ con đường ô tô đi vòng quanh thành. Từ xa ngắm nhìn Loa thành với đồng ruộng, hào nước và thành đất, với dòng Hoàng Giang bao quanh sẽ làm khách thăm có thể đắm mình tưởng tượng bối cảnh của Hoàng thành hơn 2300 năm trước. Bốn thành tố này là vô cùng quan trọng trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị của Cổ Loa.
6- Cổ Loa có thể trở thành điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất của Thủ đô được không? Những điều kiện cần và đủ của nó là gì? Tôi mong muốn chúng ta thảo luận những câu hỏi quan trọng này.
Tôi nhớ lại có lần thăm thành cổ trên ngọn đồi Abraham ở Quebec nơi chứng kiến trận chiến lịch sử năm 1758 giữa quân Anh và Pháp, mà từ đó hình thành nên Quebec. Cả toà thành trên một quả đồi 98 ha, đồi Abraham đã được bảo tồn tuyệt vời thành công viên lịch sử quốc gia đầu tiên từ năm 1908 nhân kỷ niệm 300 năm thành lập Quebec. Rồi trở thành di sản thế giới. Là trung tâm thu hút du lịch bậc nhất Quebec. Tôi chạnh lòng nghĩ đến Thành Cô Loa với nhà nước Âu Lạc 2300 năm tuổi sao lại không sánh được với ngọn đồi và thành Abraham ? Người ta biết đưa văn hoá, đưa lịch sử vào phát triển du lịch một cách tuyệt vời, văn hóa trở thành động năng của sự phát triển. Cổ Loa của chúng ta thì sao?
Vẻ đẹp kỳ lạ của Cổ Loa là hòn ngọc tuyệt bích của Hà Nội. Dường như Cổ Loa đang ngủ. Tôi nghĩ về những vòng thành 2300 năm tuổi cao cao, xanh rờn vẫn sừng sững. Những vòng thành tương lai sẽ được soi bóng dưới làn nước của hào sâu. Du khách có thể ngồi ô tô đi vòng quanh thành, ngắm thành, hào trên nền ruộng lúa chín vàng hay xanh rờn từ xa hay tản bộ trên mặt thành phủ bóng cây xanh. Một phong cảnh không gì tuyệt vời hơn để mỗi người chìm đắm trong không gian lịch sử cả ngàn năm cùng với những câu chuyện xây thành, câu chuyện tình xúc động lòng người.
Chúng ta cần đánh thức Cổ Loa. Biến Cổ Loa thực sự thành vàng, thành ngọc giúp cho sự phát triển của Hà Nội.
Tôi đã mạnh dạn đề xuất một số câu hỏi mà chúng tôi trăn trở. Và rất mong quý vị và các bạn cùng thảo luận.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy