Người trí thức tâm huyết với Buôn Làng Tây Nguyên

Câu chuyện giản dị và rất đỗi chân thành về người con đất Bắc đã đến với mảnh đất Tây Nguyên này ngay từ thời trai trẻ, còn đọng mãi trong tôi sau một lần đọc về ông trên cuốn sách “Những tấm gương thầy thuốc Việt Nam”.

Qua tìm hiểu, được biết sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1974, trí thức trẻ Đặng Tuấn Đạt về công tác tại Bộ Y tế. Một năm sau, theo sự phân công của Bộ Y tế ông đến nhận công tác tại Viện Vệ sinh Dịch tễ – Tây Nguyên từ năm 1975 và cho đến nay đã 40 năm gắn bó với sự nghiệp nghiên cứu khoa học Y học dự phòng, sự nghiệp đào tạo trên vùng đất đỏ Bazan này. Với khả năng và trách nhiệm của mình ông đã được lãnh đạo Bộ Y tế bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện VSDT-Tây Nguyên năm 1996 và đến năm 2002-2012 làm Viện trưởng. Năm 2014 ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Đại học Buôn Ma Thuột.

Nhưng để nói về ông, nói về những công việc mà ông đã về với Buôn, Làng, phục vụ và cống hiến cho đồng bào Tây Nguyên thì điều cần kể tới chính là nói về những năm tháng ông đắm mình với công tác Y tế dự phòng ở khu vực Tây Nguyên. Mọi người cảm mến ông như một người Tây Nguyên chính gốc. Bởi lẽ không chỉ trong công việc mà ông còn biết được tiếng của đồng bào ÊĐê, và gần như ông đã đến và thuộc từng địa danh của Tây Nguyên như chính người dân sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này.

GS. TS. NGƯT Đặng Tuấn Đạt
Hiệu trưởng trường Đại học Buôn Ma Thuột

Vùng đất Tây Nguyên bao la, rộng lớn, nơi có nhiều đồng bào dân tộc sống lâu đời ở đây như : ÊĐê, M’Nông, GiaRai, BaNa.. . Trong những năm chiến tranh bảo vệ tổ quốc, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã vượt bao khó khăn, gian khổ, nhường cơm sẻ muối, với biết bao cống hiến, hy sinh cho cách mạng. Những tháng năm đầu sau ngày giải phóng người dân Tây Nguyên lại đang phải đối mặt với biết bao khó khăn, trở ngại, ngoài việc khắc phục hậu quả chiến tranh, bọn phản động Fulro chống phá, nghèo đói… thì dịch bệnh như sốt rét, dịch hạch… luôn là mối hiểm họa đối với cuộc sống của người dân nơi đây, đặc biệt là bệnh dịch hạch. Chỉ tính riêng từ năm 1975 đến 2002, cả nước ta đã có trên 65 nghìn ca mắc dịch hạch, hơn 2000 trường hợp tử vong được báo cáo, trong đó có đến 46, 9% là ở Tây Nguyên. Theo báo cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO), số mắc và do bệnh dịch hạch ở Việt Nam trong giai đoạn từ 1976 – 1990 là cao nhất thế giới, trong đó tại các tỉnh Tây Nguyên có tới gần 20 nghìn ca mắc và 871 ca tử vong. Có thể nói dịch hạch đã thành nỗi lo sợ, ám ảnh của đồng bào sinh sống nơi đây.

Tuy nhiên, những con số đáng sợ đó đã là dĩ vãng khi những cán bộ làm công tác y tế trên cả nước và ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã ngày đêm nghiên cứu và triển khai các biện pháp phòng, chống có hiệu quả, từng bước đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này ở khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Trong nỗ lực chung đó có sự đóng góp hết mình của cán bộ vên chức Viện Vệ Sinh Dịch Tễ Tây Nguyên trong đó có GS. TS. NGƯT Đặng Tuấn Đạt.

Nhớ lại những ngày mà bệnh dịch hạch đang xảy ra rộng khắp, triền miên trên vùng đất đỏ, GS. TS. NGƯT Đặng Tuấn Đạt chia sẻ: Gần như không có một ổ dịch nào trên địa bàn Tây Nguyên ngày đó mà ông và đồng nghiệp của mình không có mặt. Trong ký ức của ông, nhiều chuyến đi nghiên cứu, phòng chống dịch bệnh nhất là các ổ dịch tại vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc ít người, trong thời gian bọn phản động Fulro còn chống phá ác liệt được ví như là những trận đánh. Trận đánh của người lính Y tế với dịch bệnh, với tinh thần quả cảm và cũng sẵn sàng vượt khó, sẵn sàng hy sinh. Có nghĩa là sẽ có thể không trở về, không gặp lại những người thân yêu nữa”. Ông cho biết trong thời gian ấy đã có một xe của đoàn cán bộ ngành Y tế tỉnh Lâm Đồng trên đường công tác đã bị FULRO bắn, cướp thuốc men, có cán bộ y tế đã hy sinh. Với vai trò là phụ trách đoàn của nhiều đợt công tác, trong những thời khắc nguy hiểm ông luôn gương mẫu, bình tĩnh, chủ động xử lý mọi tình huống xảy ra và động viên anh em cán bộ vượt qua. Chính trách nhiệm, sự tận tụy, gương mẫu và làm việc khoa học cẩn trọng của ông là động lực, là nguồn cổ vũ cho đội ngũ cán bộ của ông có niềm tin, ngay cả lúc những nguy hiểm đang rình rập.

Vượt qua những khó khăn, thiếu thốn về điều kiện làm việc về vật chất, trong suốt mấy chục năm công tác GS. TS. NGƯT Đặng Tuấn Đạt vừa trực tiếp tham gia, chỉ đạo phòng chống dịch bệnh và các hoạt động Y tế dự phòng khác, vừa nghiên cứu khoa học, ông đã chủ trì và tham gia nhiều đề tài khoa học, dự án các cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở về Y học dự phòng, tiêu biểu là lĩnh vực nghiên cứu và phòng, chống bệnh dịch hạch. Hầu hết các đề tài nghiên cứu của ông đều liên quan trực tiếp đến mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Nổi bật trong các đề tài mà ông chủ nhiệm phải nhắc đến đề tài: “Tìm hiểu nguyên nhân tồn tại dai dẳng bệnh dịch hạch trên địa bàn huyện Đắk Đoa tỉnh Gia Lai. Lựa chọn biện pháp phòng chống hiệu quả, an toàn và kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương”. Kết quả nghiên cứu của đề tài này đã xác định được một số yếu tố tồn tại dai dẳng ở các ổ dịch, lựa chọn và ứng dụng, cải tiến biện pháp phòng, diệt vật chủ, vecto có hiệu quả, an toàn, tính kinh tế cao, dễ áp dụng, phù hợp với điều kiện sinh thái ở khu vực. Nghiên cứu này được áp dụng, đã góp phần khống chế những ổ dịch hạch dai dẳng ở Tây Nguyên, tiến tới khống chế hoàn toàn bệnh dịch này ở Tây Nguyên nơi được coi là “trọng điểm ” của Việt Nam Từ năm 2003 đến nay không còn ghi nhận trường hợp dịch hạch ở người và từ năm 2005 không phát hiện thấy vi khuẩn dịch hạch ở quần thể vật chủ, vecto thu được ở Tây Nguyên.

Bên cạnh công tác nghiên cứu khoa học, GS. TS. NGƯT Đặng Tuấn Đạt còn tích cực tham gia giảng dạy, đào tạo. Ông tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Tây Nguyên, ngay từ những ngày đầu trường mới thành lập và sau này tham gia đào tạo, hướng dẫn luận văn, luận án cho nhiều sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh tại nhiều cơ sở đào tạo khác ở trong nước, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành Y cho khu vực và cho đất nước. Ông là tác giả, đồng tác giả, của hơn 130 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành và có liên quan ở trong và ngoài nước. Trong đó có 11 bài báo bằng tiếng Nga in trên tạp chí xuất bản tại Nga, 7 bài báo bằng tiếng Anh đăng trên các tạp chí quốc tế khác. Ông còn là chủ biên của nhiều đầu sách Y học như: Bệnh dịch hạch dịch tễ học, giám sát và phòng chống; Dịch hạch, nguồn gốc và quá trình tiến hóa của hệ thống dịch động vật; Các loài ký sinh ở Tây Nguyên và vai trò dịch tễ của chúng. Và ông còn là đồng tác giả nhiều đầu sách khác.

Đến năm 2014, khi Trường Đại học Buôn Ma Thuột được thành lập theo quyết định số 1450/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ, GS. TS. NGƯT Đặng Tuấn Đạt được phân công làm Hiệu trưởng. Với vai trò là Hiệu trưởng nhà trường, ông cùng cán bộ, giảng viên của Trường luôn xác định rõ mục tiêu là đào tạo cho người học có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có ý thức phục vụ hết mình vì nhân dân, có kiến thức khoa học cơ bản, kiến thức chuyên ngành vững chắc, có kỹ năng thực hành nghề nghiệp thành thạo. Đồng thời góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của xã hội của khu vực Tây Nguyên nói riêng và đất nước nói chung. Đại học buôn Ma Thuột là một trường đại học non trẻ, tuy nhiên với sự nỗ lực và kinh nghiêm của mình GS. TS. NGƯT Đặng Tuấn Đạt cùng tập thể lãnh đạo và giảng viên nhà trường đang tích cực phấn đấu xây dựng và phát triển đơn vị từng bước đi lên, luôn lấy đảm bảo chất lượng đào tạo sinh viên làm tiêu chí hàng đầu. Hiện tại Trường đang đào tạo, tiếp tục tuyển sinh viên ngành Dược bậc đại học hệ chính quy. Đồng thời sẽ tiếp tục đào tạo một số ngành khác trên cơ sở nhu cầu thực tế và được sự cho phép của Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Với những đóng góp trân quý và cống hiến của mình GS. TS. NGƯT Đặng Tuấn Đạt đã vinh dự được trao tặng: Huân Huân chương Lao động hạng Ba (2004); Huân chương Lao động hạng Nhì (2010); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (1998); Nhiều bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế; Huy chương Vì sự nghiệp Khoa học công nghệ (2010); Huy chương Vì sức khỏe Nhân dân (2002); Huy chương Vì An ninh Tổ quốc (2005); Huy chương Vì sự nghiệp Công đoàn (2005); Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo (2008); Huy chương Vì Sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo (2010); 17 năm liền đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở (1996, 1997-2012); 3 lần là Chiến sĩ thi đua ngành Y tế (2000; 2004; 2010); Danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quốc (2005); Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2012; Kỷ niệm chương Vì Sự nghiệp phát triển các dân tộc (2013); Cùng nhiều giấy khen, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh Đắk Lắk…

GS. TS. NGƯT Đặng Tuấn Đạt là một trong những cán bộ đầu tiên của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và sau này là cán bộ chủ chốt của đơn vị, bản thân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đơn vị. Đặc biệt từ năm 2002 -2012, với vai trò là Viện trưởng đã cùng các can bộ viên chức thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó và đã được Tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới vào năm 2009.

Ngô Mi
Nguồn: www.trithucvaphattrien.vn